Trung Quốc phô trương uy lực hải quân và tham vọng trên biển (RFI, 24/04/2019)
Ngày 23/04/2019, ngoài khơi thành phố Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, nhân lễ kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Hải Quân Trung Quốc, hơn 30 chiến hạm cùng với khoảng 40 máy bay quân sự nước này đã rầm rộ tham gia một buổi duyệt binh, dưới sự chứng kiến của đại diện khoảng 60 nước trên thế giới. Giới phân tích coi đây là một động thái phô trương thanh thế rõ rệt của Bắc Kinh, vào lúc mà Trung Quốc không còn che giấu tham vọng thách thức quyền bá chủ trên biển hiện nay của Hoa Kỳ.
Tàu ngầm nguyên tử Trường Chinh 10 của Trung Quốc tham gia cuộc duyệt binh ngoài khơi Thanh Đảo ngày 23/04/2019. © Reuters/Jason Lee
Dĩ nhiên là trên bình diện chính thức, Trung Quốc không hề nói rằng họ muốn phô trương thanh thế. Phát biểu trước đông đảo quan khách quốc tế, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã khẳng định rằng nước ông luôn luôn mưu cầu hòa bình, và "Quân Đội Trung Quốc quyết tâm tạo ra một môi trường an ninh bình đẳng, tin tưởng lẫn nhau, công bằng, hợp tác và có lợi cho tất cả".
Tuyên bố này được cho là nhằm trấn an thế giới trước các hành động càng lúc càng quyết đoán của Bắc Kinh, đặc biệt trong cách tiếp cận các tranh chấp lãnh thổ, trên bộ như với Ấn Độ, hoặc trên biển như với Nhật Bản ở Biển Hoa Đông, hay với Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei ở Biển Đông.
Một phát ngôn viên của Quân Đội Trung Quốc như đã phụ họa thêm khi xác định rằng cuộc diễu hành hải quân ngoài khơi Thanh Đảo không chỉ của riêng Trung Quốc mà cũng có sự tham gia của Hải Quân nhiều nước khác, cho nên không thể nói là Trung Quốc muốn phô trương sức mạnh.
Tham dự lễ duyệt binh do Trung Quốc tổ chức có 18 chiến hạm và tàu quân sự của hải quân 12 nước : Nga, Úc, Ấn Độ, Bangladesh, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Indonesia, Singapore, Thái Lan, Việt Nam, Brunei. Cùng với Nga và Thái Lan, Việt Nam, với hai hộ tống hạm Đinh Tiên Hoàng và Trần Hưng Đạo, nằm trong số các nước gởi hơn hai chiến hạm đến tham dự sự kiện của Trung Quốc.
Thông điệp thị uy rõ nét
Các lập luận của Trung Quốc tuy nhiên không thuyết phục được các nhà quan sát.
Theo nhận định của hãng truyền thông Úc ABC ngày 24/04 trong bài "Trung Quốc kỷ niệm 70 năm binh chủng Hải Quân của họ bằng một cuộc duyệt binh lớn, trong lúc Bắc Kinh đang thách thức ưu thế trên biển của Mỹ", cảnh tượng các chiếc tàu ngầm và chiến hạm hiện đại của Trung Quốc nối đuôi nhau diễu hành ngoài khơi Thanh Đảo đã truyền đi một thông điệp hoàn toàn khác. Đó là Trung Quốc đã trở thành một cường quốc hải quân.
Ông Adam Ni, một nhà nghiên cứu quân sự Trung Quốc tại Đại học Úc Macquarie đã cho rằng đà xây dựng và hiện đại hóa ngành hải quân của Trung Quốc mạnh mẽ chưa chưa từng thấy, cả về tham vọng lẫn tốc độ. Và theo một số ước tính, Trung Quốc hiện đã sở hữu một lực lượng hải quân lớn nhất thế giới về mặt số lượng.
Truyền thông Trung Quốc năm ngoái 2018 khẳng định rằng Trung Quốc đã vượt qua tất cả các nước khác về tốc độ phát triển quân sự, với số lượng chiến hạm 'hiện đại' từ vỏn vẹn 8 chiếc năm 1999, đã tăng lên thành 127 chiếc trong hai thập niên.
Một phân tích từ Viện Nghiên Cứu Chiến Lược Quốc Tế (IISS) cho rằng hạm đội Trung Quốc, tính cả tàu lớn, tàu nhỏ cũng như tàu cũ, tàu mới, đã đạt mức 300 chiếc - một số lượng còn thua Mỹ (490 tàu, trong đó có 287 chiếc trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu) - nhưng hơn xa các nước trong khu vực Châu Á, đối thủ trực tiếp của Trung Quốc.
Đến năm 2030, Trung Quốc vượt Mỹ về số lượng chiến hạm
Tham vọng của Trung Quốc chính là thách thức uy thế hiện có của Hải Quân Mỹ. Một mặt bằng cách tăng cường số lượng tàu chiến, mặt khác tìm cách cải thiện các loại vũ khí và thiết bị trang bị cho con tàu.
Theo ABC, nhiều nhà phân tích quân sự tin rằng trong những năm tới đây, lượng tàu hải quân mới của Trung Quốc sẽ cao hơn từ hai đến ba lần số lượng tàu mới của Mỹ, và đến năm 2030, tính về tổng số chiến hạm, Trung Quốc sẽ có thể có hơn Mỹ khoảng 100 chiếc.
Tuy nhiên chuyên gia phân tích Andrew Erickson tại Hoa Kỳ đã tự hỏi rằng "Liệu Trung Quốc có thể duy trì tốc độ đóng thêm tàu mới như hiện nay hay không, vì còn phải tính đến các chi phí bảo trì, và sức chịu đựng của nền kinh tế".
Tham vọng bá quyền trên biển của Bắc Kinh cũng đã được tuần báo Anh The Economist nêu bật trong một bài phân tích công bố hôm qua. Theo tờ báo thì cuộc diễu hành hải quân hôm qua ngoài khơi Thanh Đảo đã bộc lộ rõ rệt tham vọng trên biển của Trung Quốc.
Công khai tham vọng trên biển
Tuần báo Anh cũng nhấn mạnh đến tuyên bố của ông Tập Cận Bình cho rằng Trung Quốc là một nước yêu chuộng hòa bình, và khao khát hợp tác với hải quân nước ngoài để bảo đảm an toàn cho các tuyến đường biển quốc tế và bảo vệ sự giàu có của đại dương. Các đài truyền hình nhà nước thì nhấn mạnh đến vai trò chống hải tặc Somalia của Hải Quân Trung Quốc, đã tham gia các cuộc tuần tra ở Vịnh Aden kể từ năm 2008, hộ tống hơn 6.600 tàu Trung Quốc và các nước khác, đi qua vùng biển có hải tặc hoành hoành.
Thế nhưng tại cuộc diễu hành hải quân, khán giả Trung Quốc đã được thấy các loại tàu chiến mới nhất của họ làm mờ nhạt chiến hạm của các nước được mời tham gia. The Economist ghi nhận chẳng hạn loại một tàu ngầm hạt nhân trang bị tên lửa đạn đạo. Loại tàu này được thiết kế để tiêu diệt các thành phố của kẻ thù, chứ không phải là để bắt giữ những tên cướp biển Somalia.
Tính chất phô trương còn được thấy nơi việc trình làng chiếc khu trục hạm mới nhất của Trung Quốc loại 055, trọng tải 10.000 tấn. Các bình luận viên truyền hình không ngần ngại so sánh chiến hạm mới này với loại khu trục hạm mạnh nhất của Mỹ hiện nay. Trên truyền hình Trung Quốc còn đầy rẫy các hình ảnh lưu trữ về máy bay phản lực, gầm rú cất cánh từ boong chiếc Liêu Ninh, tàu sân bay đầu tiên Trung Quốc.
Phô trương để răn đe
Nhận định về Hải Quân Trung Quốc, trên tờ báo Nhật Bản Japan Times, ông Collin Koh, chuyên gia về Hải Quân thuộc Trường nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, cho rằng việc Hải Quân Trung Quốc hùng mạnh hơn sẽ tạo thêm lo ngại và bất an trong khu vực, nhất là khi Trung Quốc có tranh chấp về chủ quyền với hầu hết các láng giềng.
Theo chuyên gia này, cuộc diễu hành hải quân ngày 23/04 không chỉ phô trương những bước tiến quan trọng của Hải Quân Trung Quốc trong 70 năm qua, mà còn có giá trị răn đe đối với những đối thủ của Trung Quốc trong khu vực và ở ngoài khu vực, đặc biệt là Mỹ.
Trọng Nghĩa
***********************
Tư lệnh hải quân Trung Quốc ‘cam kết’ vì Biển Đông 'hòa bình, hữu nghị’ (VOA, 24/04/2019)
Tự do hàng hải không nên được sử dụng để xâm phạm quyền của các nước khác, ông Thẩm Kim Long, người đứng đầu hải quân Trung Quốc, nói hôm 24/4, theo Reuters.
Thời gian qua, Mỹ thường xuyên đưa tàu chiến tới gần các hòn đảo mà Trung Quốc chiếm đóng ở Biển Đông. Một số đồng minh của Hoa Kỳ, trong đó có Anh, cũng đã làm theo Washington.
Phát biểu tại một diễn đàn ở thành phố miền đông Thanh Đảo, tiếp sau một cuộc duyệt binh lớn trên biển, đánh dấu 70 năm ngày thành lập hải quân Trung Quốc, ông Thẩm nói rằng mọi người phải tuân theo luật lệ và "bảo vệ trật tự tốt đẹp".
"Tự do hàng hải là một khái niệm được cộng đồng quốc tế công nhận rộng rãi. Tuy nhiên, nó không nên được sử dụng làm cái cớ để xâm phạm các quyền và lợi ích hợp pháp của các quốc gia duyên hải", quan chức được cho là gần gũi với Chủ tịch Tập Cận Bình nói, nhưng không đề cập trực tiếp Mỹ, theo Reuters.
Hoa Kỳ chỉ cử một phái đoàn cấp thấp tới tham dự các sự kiện của hải quân Trung Quốc.
Không giống như các đồng minh Úc, Nhật và Hàn Quốc, Mỹ không đưa tàu tới tham gia cuộc duyệt binh trên biển do Chủ tịch Tập chủ trì hôm 23/4.
Ông Thẩm nói rằng Trung Quốc vẫn tiếp tục thúc đẩy các cuộc đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Nam Trung Hoa (tức Biển Đông) với các nước tranh chấp khác.
"Chúng tôi cam kết biến Biển Nam Trung Hoa thành một vùng biển hòa bình, hữu nghị và hợp tác", ông Thẩm nói trước các quan chức hải quân Trung Quốc và nước ngoài, nhưng không cho biết cụ thể về điều này.
*********************
Biển Đông : Tư lệnh Hải Quân Trung Quốc đả kích tuần tra tự do hàng hải (RFI, 24/04/2019)
"Tự do hàng hải không thể được sử dụng để vi phạm quyền của các nước khác".Đó là tuyên bố hôm 24/04/2019 của phó đề đốc Thẩm Kim Long (Shen Jinlong), tư lệnh Hải Quân Trung Quốc, chỉ trích việc Hoa Kỳ và các đồng minh gởi tàu tuần tra gần các đảo bị tranh chấp trên Biển Đông.
Tàu đổ bộ Trung Quốc Nghi Mông Sơn (Yimeng Shan) tham gia cuộc diễu hành hải quân ngoài khơi Thanh Đảo (Trung Quốc) ngày 23/04/2019.19. Reuters/Jason Lee
Phát biểu tại một diễn đàn ở Thanh Đảo, sau cuộc biểu dương lực lượng kỷ niệm 70 năm thành lập Hải Quân Trung Quốc, ông Thẩm Kim Long cho rằng tất cả mọi người cần tuân theo các quy tắc, "bảo vệ tốt trật tự" trên biển. Ông tuyên bố : "Tự do hàng hải là nguyên tắc được cộng đồng quốc tế nhìn nhận rộng rãi. Tuy nhiên không thể được sử dụng làm cái cớ để vi phạm các quyền hợp pháp và lợi ích của các quốc gia ven biển".
Tư lệnh hải quân Trung Quốc không nêu đích danh Hoa Kỳ, trong khi các chiến hạm Mỹ thường xuyên đi gần các đảo nhân tạo do Bắc Kinh bồi đắp để xác quyết chủ quyền tại Biển Đông. Một số đồng minh của Mỹ trong đó có Anh Quốc cũng hành động tương tự. Trung Quốc, nước tự vẽ ra đường lưỡi bò, xây lên các cơ sở hạ tầng quân sự để độc chiếm vùng biển chiến lược, coi các hoạt động tuần tra vì tự do hàng hải là "khiêu khích".
Hoa Kỳ chỉ gởi một đoàn đại biểu cấp thấp đến dự hoạt động kỷ niệm 70 năm hải quân Trung Quốc. Và khác với các đồng minh Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, không có một chiến hạm nào của Mỹ tham gia cuộc diễu hành trên biển hôm thứ Ba 23/4 được Tập Cận Bình đích thân dự khán.
Trả lời Reuters về sự vắng mặt này, trung tá Dave Eastburn, phát ngôn viên Lầu Năm Góc cho biết : "Chính phủ Hoa Kỳ tìm kiếm một quan hệ song phương mang lại kết quả, dựa trên việc giảm thiểu rủi ro. Hải Quân Mỹ sẽ tiếp tục các mục tiêu chính mang tính xây dựng với quân đội Trung Quốc".
Trước cử tọa gồm các quan chức hải quân cao cấp của Trung Quốc và nước ngoài, ông Thẩm Kim Long cũng cho biết Trung Quốc sẽ tiếp tục thương thuyết về Bộ Quy Tắc Ứng Xử trên Biển Đông, đã tiến hành từ vài năm qua với ASEAN.
Thụy My
**********************
Trung Quốc bị tố dùng vệ tinh Mỹ để trấn áp dân và kiểm soát Biển Đông (RFI, 24/04/2019)
Nhật báo Mỹ Wall Street Journal, trong một bài điều tra đăng ngày hôm qua, 23/04/2019, cho biết Bắc Kinh sử dụng các vệ tinh của Mỹ vào mục đích tăng cường an ninh theo dõi dân và phục vụ quân đội kiểm soát Biển Đông.
Ảnh minh họa : Đá Xu Bi (Subi reef) thuộc quần đảo Trường Sa ở Biển Đông là một thực thể do Trung Quốc kiểm soát. Ảnh vệ tinh chụp ngày 03/09/2015. Reuters/CSIS Asia Maritime Transparency Initiative/DigitalGlobe/
Trong lúc mà Hòa Kỳ không ngừng lo ngại về những tiến bộ công nghệ của quân đội Trung Quốc, nhất là trong lĩnh vực không gian, nhật báo Mỹ dựa trên các tài liệu chứng khoán, báo cáo tài chính và một số lãnh đạo công ty để chỉ cho thấy Bắc Kinh đã lách luật Mỹ như thế nào để sử dụng chính các vệ tinh Mỹ phục vụ các mục đích của Trung Quốc.
Trên thực tế Mỹ có một bộ luật cấm các công ty Mỹ bán vệ tinh cho Trung Quốc, nhưng chính quyền Bắc Kinh đã lách luật này bằng cách thuê băng tần truyền qua các vệ tinh đã đưa lên quỹ đạo, hoặc sử dụng các vệ tinh Mỹ bán cho các công ty của Hồng Kông, đặc khu thuộc Trung Quốc này lại không thuộc diện cấm của luật Mỹ.
Cụ thể, công ty AsiaSat, trụ sở tại Hồng Kông được kiểm soát chủ yếu bởi Citic, một tập đoàn Nhà nước Trung Quốc và quỹ Carlyle của Mỹ. Hai công ty này nắm 75% vốn của công ty.
AsiaSat, trong những năm qua, đã đưa 9 vệ tinh do Mỹ sản xuất lên quỹ đạo trái đất. Chủ yếu đó là các vệ tinh của Boeing và SSL, một công ty thuộc tập đoàn Mỹ Maxar Technologie.
Theo nhật báo Mỹ, các tài liệu chứng khoán của AsiaSat, bản tiếng Anh mô tả các hoạt đông của công ty là truyền tín hiệu truyền hình, chủ yếu là các chương trình thể thao. Nhưng các bản tiếng Trung thì ghi rõ là các vệ tinh của AsiaSat đã giúp chính phủ Trung Quốc trấn áp các cuộc biểu tình chống chính phủ và các vụ nổi dậy bạo động ở Tây Tạng hay trong vùng Hồi giáo Tân Cương từ năm 2008-2009.
Phóng sự điều tra của Wall Street Journal còn cho biết, đầu năm 2013, một công ty viễn thông Trung Quốc đã sử dụng vệ tinh của AsiaSat để cung cấp dịch vụ điện thoại di động và truy cập internet cho các đơn vị quân đội Trung Quốc đang đóng trong các khu vực có tranh chấp trong Biển Đông.
Bị nhật báo Mỹ chất vấn, AsiaSat giải thích là quân đội Trung Quốc chỉ dùng các vệ tinh của họ trong trường hợp có tai nạn hoặc thiên tai lớn.
Anh Vũ