Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

07/05/2019

Điểm báo Pháp - Trung Quốc "xuất khẩu" không khí ô nhiễm

RFI tiếng Việt

Trung Quốc "xuất khẩu" không khí ô nhiễm sang Châu Âu

Dự án "Vành đai và con đường" của Trung Quốc được chủ tịch Tập Cận Bình khởi xướng từ năm 2013. Trong thượng đỉnh thứ hai về "Con đường tơ lụa mới", quy tụ 500 đại diện từ 123 nước về Bắc Kinh, Tập Cận Bình cho biết có hàng ngàn dự án được triển khai trong khuôn khổ siêu dự án. Từ năm 2012 đến năm 2017, đầu tư của Trung Quốc vào các nước tham gia dự án đã vượt quá 80 tỉ đô la. Trong số hàng ngàn dự án đó, Bắc Kinh tập trung vào lĩnh vực nhiệt điện than.

onhiem1

(Ảnh minh họa) Một nhà máy nhiệt điện gần Bắc Kinh. Từ năm 2018, Trung Quốc hạn chế khai thác các nhà máy nhiệt điện chạy than, nhưng đẩy mạnh đầu tư các nhà máy loại này ở nước ngoài. Reuters/Jason Lee

Trong bài viết "Trung Quốc đầu tư và xây dựng nhiều nhà máy nhiệt điện than tại Châu Âu", báo Le Monde cho biết theo một nghiên cứu của Viện Kinh tế năng lượng và phân tích tài chính (IEEFA), các tổ chức, cơ quan tài chính của Trung Quốc tham gia vào ¼ số dự án nhiệt điện than trên toàn thế giới, trong khi đó nhiệt điện than lại là thảm họa cho khí hậu, vì các nhà máy phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính và gây ô nhiễm không khí.

Ở trong nước, sau khi đạt mức khánh thành 1 nhà máy nhiệt điện than mỗi ngày, vào năm 2018, Bắc Kinh quyết định hạn chế khai thác các nhà máy nhiệt điện than, vốn cung cấp 60% lượng điện cho cả nước. Chính sách "bầu trời xanh" đã thúc đẩy nhiều vùng hạn chế mạnh việc sử dụng than đá, giảm nhịp độ xây thêm nhà máy nhiệt điện than, thúc đẩy sử dụng khí ga và năng lượng có thể tái tạo. Nhưng đồng thời, các doanh nghiệp Trung Quốc chuyển hướng sang xuất khẩu ngành công nghiệp nhiệt điện than. Nhiều nước như Việt Nam, Bangladesh hoặc Pakistan đều xây dựng nhà máy nhiệt điện than với sự "hỗ trợ" của các ngân hàng Trung Quốc.

Theo tổ chức Sustainable Energy của Đan Mạch, khoảng 10 nhà máy nhiệt điện chạy than ở các nước Nam Âu đang được Trung Quốc xây dựng hoặc đầu tư xây dựng, đặc biệt là ở vùng Balkan. Một số dự án của Trung Quốc có thể được triển khai ở các nước trong lòng Liên Hiệp Châu Âu, chẳng hạn Romania, Hy Lạp, cho dù Liên Âu có những mục tiêu quan trọng về bảo vệ khí hậu. Theo tổ chức Bankwatch, hầu như tất cả các nhà máy nhiệt điện than do Trung Quốc xây dựng hoặc đầu tư xây dựng ở nước ngoài đều không tuân thủ các quy định về môi trường hoặc được hưởng sự hỗ trợ, vẫn còn gây tranh cãi từ chính quyền các nước đó.

Ông Wawa Wang, tư vấn viên của tổ chức phi chính phủ Sustainable Energy của Đan Mạch cảnh báo là việc triển khai các dự án xây nhà máy nhiệt điện than nói trên có thể khiến các quốc gia mắc kẹt vào việc sử dụng than đá trong hàng trăm năm và rất khó hoàn trả cho Trung Quốc các khoản vay nợ, còn môi trường sẽ bị phá hủy đến mức không thể phục hồi được.

Cho dù là dự án Con đường tơ lụa mới của Trung Quốc có đề ra các mục tiêu về bảo vệ môi trường, nhưng theo ông Jonathan Elkind, thuộc Trung tâm nghiên cứu năng lượng, Đại học Columbia, Hoa Kỳ, thì yếu tố môi trường không được nhấn mạnh là "thiết yếu" trong các tài liệu định hướng của dự án "Vành đai và con đường", thêm vào đó, không có điều nào ghi rõ là các dự án dẫn tới việc phát thải nhiều khí CO2, chẳng hạn các dự án xây nhà máy nhiệt điện than, bị cấm. Chuyên gia Jonathan Elkind nhấn mạnh Bắc Kinh phải nhanh chóng xem xét lại chính sách này, nếu không các đầu tư trong khuôn khổ dự án "Vành đai và con đường" sẽ có những tác động nghiêm trọng tới môi trường, ở tầm mức quốc gia, cũng như trong khu vực và trên toàn cầu.

Đa dạng sinh học trong cơn hiểm họa

Đề tài được nhiều báo Pháp ngày 07/05/2019 quan tâm đặc biệt là hệ đa dạng sinh thái. Báo Le Monde dành cả tiêu đề trang nhất, bài xã luận và ba trang bài cho hồ sơ lớn "Đa dạng sinh học đang gặp hiểm họa". Tờ báo giật tít lớn "Một triệu giống loài có nguy cơ biến mất. Chưa phải là quá muộn để hành động".

Trong bài xã luận "Loài người đối mặt với trách nhiệm", Le Monde nhắc lại là cách nay 65 triệu năm, cuộc đại tuyệt chủng lần thứ 5 đã xảy ra, tiêu diệt 3/4 số giống loài trên Trái đất. Những cuộc đại tuyệt chủng trước đó hàng trăm triệu năm đã tiêu diệt 95% số sinh vật sống. May mắn là chúng ta chưa rơi vào hoàn cảnh đó, nhưng không gì có thể phủ nhận là hành tinh của chúng ta đang hướng tới cuộc đại tuyệt chủng lần thứ 6 và sự kiện này sẽ xảy ra với nhịp độ rất nhanh, tức là chỉ trong vài thập niên. Và thủ phạm duy nhất chính là loài người.

Hội nghị GIEC của nhóm chuyên gia liên chính phủ về biến đổi khí hậu hôm 06/05 đã phát đi lời cảnh báo đến toàn thế giới về mức độ tiệt chủng các giống loài tự nhiên nghiêm trọng chưa từng có, nhanh gấp hàng chục, thậm chí là hàng trăm lần so với 10 triệu năm qua. Một triệu giống loài động, thực vật, trên cạn cũng như dưới biển (1/8 tổng số) đang có nguy cơ biến mất. Và tốc độ tuyệt chủng đang tăng nhanh khủng khiếp.

Theo nhận định của giới khoa học, con người phải chịu trách nhiệm về nguy cơ các giống loài sinh vật tuyệt chủng không kém gì so với trách nhiệm làm Trái Đất nóng dần lên, ít nhất là vì hai lý do. Thứ nhất, không gì có thể thanh minh cho việc loài người tự ban cho mình quyền cho các giống loài khác được sống hay phải chết. Ấy vậy mà hệ đa dạng sinh học lại sụp đổ chỉ vì con người. Loài người đã tàn phá cuộc sống của nhiều giống loài trong tự nhiên, khai thác thái quá các nguồn tài nguyên đất, rừng, đại dương, khiến khí hậu biến đổi chệch hướng, thải rác, nhựa, thuốc trừ sâu khiến các hệ sinh thái bị ô nhiễm...

Lý do thứ hai là loài người là một phần không thể tách rời khỏi hệ đa dạng sinh học, và số phận của loài người cũng gắn liền với số phận của các loài động - thực vật. Sự thật là khi ngầm phá hoại đa dạng sinh thái, loài người đã đẩy tương lai của chính chúng ta vào hiểm họa.

Le Monde khẳng định đáp án hiện nằm trong tay chính phủ các nước. Năm 2010, tại Hội nghị đa dạng sinh thái ở Aichi, Nhật Bản, các quốc gia đã đưa ra những mục tiêu đầy tham vọng, nhưng hầu như không có mục tiêu nào đạt được. Hội nghị sẽ lại được tổ chức tại Trung Quốc vào cuối năm 2020. Le Monde nhấn mạnh là lần tới các nước tham gia sẽ phải đưa các cam kết cụ thể, với sự tham gia của các tác nhân kinh tế và xã hội dân sự.

Họ cũng không thể lẩn tránh câu hỏi về cách thức phát triển ít có hại tới thiên nhiên, cũng như về sự đóng góp tài chính, cách phân chia đóng góp giữa các nước giàu với các nước nghèo để duy trì và khôi phục hệ sinh thái. Hiện nay, toàn thế giới đóng góp 8 tỉ euro/năm cho công tác này. Nhưng theo ước tính của các chuyên gia, cần có tới 200-300 tỉ euro/năm. Le Monde kết thúc bài xã luận bằng câu hỏi để độc giả tự suy ngẫm : "Chúng ta định giá sự sống đáng giá bao nhiêu ?".

Bảo vệ con người hay bảo vệ thiên nhiên ?

Cũng giống như Le Monde, báo Le Figaro dành cả tít trang nhất, bài xã luận và hồ sơ hai trang cho đề tài đa dạng sinh thái. Trên trang nhất, Le Figaro đặt câu hỏi "Một triệu loài bị đe dọa : Liệu chúng ta có thể cứu được không ?". Trong bài xã luận "Nghịch lý Prométhée", tác giả tóm lược nghịch lý : con người có được lửa, đồng nghĩa với sức mạnh, sự sống và tiến bộ, và với ngọn lửa đó, co người đang phá hủy Trái đất. Những cánh đồng bị ô nhiễm, những khu rừng bị chặt đốn, tài nguyên biển cạn dần...

Chúng ta đang bất lực đứng xem một cảnh tượng kinh hoàng : Thiên nhiên đang chết dần, trở thành một kiệt tác sống nhưng lại lâm cảnh nguy khốn. Sự tăng trưởng kinh tế thế giới đã đưa một phần nhân loại thoát khỏi tình trạng kém phát triển. Nhưng cái giá phải trả cho môi trường là gì ? Phải cứu con người hay cứu tự nhiên ? Nhất là khi loài người thì lại cần thiên nhiên. Đối với Le Figaro, đây là sự lựa chọn giữa hai ngả đường ở thời hiện đại mà hiện chúng ta vẫn chưa suy tính xong.

Trách nhiệm thuộc về tất cả mọi người

Trong khi đó, trong bài xã luận "Tất cả mọi người đều có trách nhiệm", báo La Croix lại hướng độc giả đến những việc cần làm để bảo vệ sự đa dạng sinh học : chọn phương thức tiêu dùng, ưu tiên phát triển nền kinh tế bền vững hơn, tiêu thụ bớt năng lượng, sử dụng ít hóa chất hơn, tiêu dùng ít thực phẩm, nước hơn, ưu tiên mua các sản phẩm trực tiếp từ người sản xuất hơn là hàng hóa được nhập từ những nơi xa xôi trên thế giới, giảm lượng rác thải ra môi trường, sử dụng vật dụng trong thời gian lâu dài hơn... La Croix cũng nhấn mạnh là nỗ lực của mỗi cá nhân phải đi kèm với trách nhiệm của các nhà lãnh đạo, cho dù là lãnh đạo doanh nghiệp hay lãnh đạo nhà nước.

Ấn Độ : Cuộc chiến chống đói nghèo vẫn là thách thức đối với thủ tướng Modi

Nhìn sang Châu Á, báo Le Figaro nhận định "Tại Ấn Độ, cuộc chiến chống đói nghèo vẫn là một thách thức đối với thủ tướng Modi". Hồi năm 2014, trong chiến dịch tranh cử thủ tướng, ông Modi đã đặt ưu tiên là "xóa xổ nạn đói nghèo trong vòng một thế hệ". Trong vòng 5 năm qua, chính phủ của ông Modi đã khởi động kế hoạch cải thiện điều kiện sống của 400-600 triệu người nghèo, làm sạch các thành phố và xây dựng nhà vệ sinh, trợ giá cho các gia đình nghèo sử dụng khí ga phục vụ sinh hoạt, mở tài khoản ngân hàng cho người nghèo, cung cấp cho mỗi gia đình có khó khăn một gói bảo hiểm y tế có giá tương đương 6.500 euro/năm...

Tuy nhiên, 5 năm sau khi ông Modi lên cầm quyền, mọi chuyện vẫn chưa thay đổi nhiều, vẫn còn hố sâu ngăn cách giữa những lời hứa và thực tế. Chẳng hạn, trong một khu ổ chuột ở phía nam Delhi, các cư dân vẫn không có nhà vệ sinh riêng, hàng ngàn người dân chỉ có 2 nhà vệ sinh công cộng. Thậm chí có nhiều nhà vệ sinh công cộng được phá đi để xây nhà vệ sinh mới, nhưng sau đó chẳng có nhà vệ sinh nào được xây mới cả. Điều đáng lo ngại hơn là nước trong đường ống cấp nước lại không phải là nước sạch.

Thùy Dương

Quay lại trang chủ
Read 567 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)