Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

13/05/2019

Kế hoạch thống nhất Triều Tiên, Trung Quốc dự tính xâm lược Đài Loan

Tổng hợp

Kim Jong-un muốn thống nhất Triều Tiên theo cách có lợi cho miền Bắc (RFI, 13/05/2019)

Hôm 13/05/2019 hãng Yonhap dẫn nhiều nguồn tin chính phủ cho biết chính quyền Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên tiếp tục duy trì đường dây nóng quân sự giữa đôi bên, mặc dù Bình Nhưỡng liên tục cho bắn đi những hỏa tiễn tầm ngắn. Hai nước Triều Tiên mỗi ngày đều kiểm tra chất lượng đường dây quân sự ở Seohae với Donghae hai lần, và liên lạc với nhau mỗi ngày một lần.

donga1

Một băng-rôn chào mừng cuộc họp thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo Donald Trump và Kim Jong-un tại Hà Nội, Việt Nam ngày 01/03/2019. Reuters/Kim Kyung-Hoon/File Photo

Một quan chức Hàn Quốc nhận xét, các vụ bắn hỏa tiễn mới đây chỉ là một sự biểu dương lực lượng, chứng tỏ sự bất mãn về thượng đỉnh Trump-Kim, và các cuộc tập trận Mỹ-Hàn.

Theo nhà sử học chuyên về Châu Á đương đại Jean-Louis Margolin, thật ra lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong-un chẳng có gì phải lo ngại sau thất bại của cuộc họp thượng đỉnh với tổng thống Mỹ Donald Trump ở Hà Nội vừa qua, vì ông ta còn có các ý đồ khác song song.

Chuyên gia Margolin cho rằng động cơ thực sự của chương trình nguyên tử quân sự Bình Nhưỡng là tạo được tiếng vang nơi công luận Hàn Quốc, qua việc lợi dụng tinh thần dân tộc chủ nghĩa.

Cánh cửa chưa hẳn đã đóng sập

Từng gây chấn động với cuộc hội nghị thượng đỉnh lần đầu ở Singapore (12/06/2018), quá trình xích lại gần nhau giữa Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên đã trượt dài trong thượng đỉnh lần thứ hai tại Hà Nội (28/02/2019). Vướng mắc chính là vấn đề những biện pháp trừng phạt Bình Nhưỡng trong khuôn khổ các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc. Ông Donald Trump từ chối dỡ bỏ cấm vận để đổi lấy việc phá hủy Yongbyon, được cho là địa điểm chính của chương trình nguyên tử Bắc Triều Tiên.

Đúng là đề nghị của Kim Jong-un có vẻ không đáp ứng với sự chờ đợi, vì đây là lần thứ hai Bình Nhưỡng lại đưa ra. Hồi năm 2007 đã có một thỏa thuận phi hạt nhân hóa quốc tế, trong đó gồm cả biện pháp này, và đã được cụ thể hóa một cách ngoạn mục hồi tháng 7/2008 qua việc đặt chất nổ phá hủy tháp làm lạnh lớn, dưới ống kính truyền hình của toàn thế giới. Vụ tiêu hủy này được Hoa Kỳ tài trợ 2,5 triệu đô la. Thế nhưng ngay năm sau đó, người ta lại thấy Yongbyon tiếp tục các hoạt động.

Liệu thất bại này đã đóng sập hẳn cánh cửa của tiến trình đã được cam kết vào năm ngoái ? Chưa thể khẳng định được điều ấy. Khi tổng thống Trump xác nhận tạm ngưng các cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn được loan báo ở Singapore, thì Bình Nhưỡng nhanh chóng khẳng định rằng những gì mà họ yêu cầu chỉ là dỡ bỏ một phần trừng phạt, phía Mỹ có lẽ đã hiểu lầm…Tổng thống Mỹ rất có thể là đã nắm lấy cây sào được giơ ra.

Chẳng phải Donald Trump năm 2018 đã từng "hủy bỏ" cuộc họp thượng đỉnh ở Singapore, nhưng chỉ 48 tiếng đồng hồ sau lại xác nhận ? Đối với ông Trump, đạt được một thành công quốc tế vang dội bề ngoài, và tiếp đến là tiến trình rút lui khỏi Đông Á, rõ ràng là hấp dẫn, mang lại triển vọng tái đắc cử năm 2020. Tuy nhiên Donald Trump không thể nhượng bộ Bình Nhưỡng về mọi mặt, làm phương hại nặng nề đến sự khả tín của các cam kết bảo đảm an ninh của Hoa Kỳ đối với nhiều nước, và về lâu về dài còn ảnh hưởng đến cả công dân Mỹ.

Kế hoạch A và B của Kim Jong-un

Về phần Kim Jong-un thì chẳng có gì phải lo ngại sau thất bại của cuộc họp thượng đỉnh với tổng thống Mỹ Donald Trump ở Hà Nội vừa qua, vì ông ta còn có các ý đồ khác song song. "Kế hoạch A" của Kim nhằm bảo đảm lợi ích chắc chắn trước mắt, là đạt được việc dỡ bỏ các trừng phạt chính yếu, cũng như chấm dứt tình trạng chiến tranh với Washington – và rất logic là sẽ dẫn đến việc rút từ từ quân Mỹ ra khỏi Hàn Quốc.

Với tất cả những cái "được" này, Kim Jong-un không cần có những nhượng bộ lớn về chương trình nguyên tử Bắc Triều Tiên - mà nguyên tắc của ông ta là không thể thương lượng được. Hiện nay kế hoạch A này đang bị bế tắc trước lập trường của Mỹ. Hậu quả là Bình Nhưỡng đang xây dựng lại địa điểm phóng vệ tinh Sohae, vốn đã bị tháo dỡ sau thượng đỉnh Singapore, mà Trump trình bày như một thành công lớn lao. Điều này gây áp lực lên Washington nhưng chứng tỏ phía Kim Jong-un hết sức tự tin.

Bởi vì Kim còn có "kế hoạch B", vốn được tiến hành song song kể từ khi có sự xuất hiện đáng ngạc nhiên của đoàn vận động viên Bắc Triều Tiên tại Thế vận hội mùa đông diễn ra tại Hàn Quốc đầu năm 2018. Từ đó đến nay, việc xích lại gần với miền Nam đã diễn ra một cách ngoạn mục chưa từng thấy.

Chỉ trong năm 2018 đã có đến ba cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều. Rất nhiều tuyên bố và hứa hẹn nhưng không có bao nhiêu hành động cụ thể. Và nhất là một chính quyền Hàn Quốc nhất quyết muốn coi việc hòa giải với Bình Nhưỡng là ưu tiên hàng đầu, một tổng thống Moon Jae In đã trở thành trung gian thương lượng việc dỡ bỏ cấm vận cho Bắc Triều Tiên.

Thúc đẩy tình cảm dân tộc của người Triều Tiên

Trong những điều kiện đó, trò chơi của Bình Nhưỡng rất dễ hiểu : không có thỏa thuận với Washington thì chỉ cần đổ hết trách nhiệm cho phía Hoa Kỳ. Rất nhiều người Hàn Quốc sẽ tin vào điều đó (trước hết là chính phủ) : với tình cảm dân tộc chủ nghĩa, họ luôn sẵn sàng đẩy cho bên ngoài trách nhiệm về các bất hạnh và chia rẽ của Triều Tiên.

Kim Jong-un không ngừng đào sâu hố ngăn cách giữa hai nước đồng minh vốn chẳng mấy ưa nhau, nhằm đạt được việc bình thường hóa quan hệ với Seoul, mà mục đích chính là được trợ giúp về kinh tế. Bên cạnh đó là việc củng cố vị trí trên trường quốc tế, và về lâu về dài là mở rộng khả năng đối thoại với Hàn Quốc để gây ảnh hưởng trong tương lai.

Trên thực tế, không thể ảo tưởng làm hòa dịu đi chế độ họ Kim vốn độc quyền ngự trị đất nước từ năm 1945 đến nay. Nỗ lực vĩ đại thông qua chương trình nguyên tử và đạn đạo của một quốc gia nhỏ bé không có nhiều nguồn lực, đã làm kiệt quệ dân chúng và có nguy cơ khiến đối thủ ra tay "tiên hạ thủ vi cường" (như ông Bill Clinton đã suýt tiến hành).

Bom nguyên tử chưa hẳn là bùa hộ mệnh

Đã từ lâu, nhiều nước nhỏ vẫn sống sót sau khi thách thức cường quốc này hay cường quốc nọ, mà không cần phải giơ cao mối đe dọa hạt nhân. Và việc nắm vững kỹ thuật bom nguyên tử đã không ngăn cản được Liên Xô hùng mạnh phải chết chìm. Các cuộc can thiệp quân sự của phương Tây vào Irak và Libya vẫn thường được nêu ra, là kết quả của những cuộc phiêu lưu quân sự và nội chiến, chứ không phải do hai nước này không có vũ khí nguyên tử.

Trên thực tế, vào lúc Liên Xô biến mất, thì chương trình nguyên tử Bắc Triều Tiên mới được tung ra ở tầm mức cao. Chế độ họ Kim đã hiểu rằng cách tốt nhất và duy nhất để tự vệ là tấn công. Nếu muốn tránh việc một ngày nào đó phải chịu chung số phận với các lãnh đạo Đông Đức cũ, hoặc tệ hại hơn nữa (với những tội ác chống nhân loại mà chế độ Bình Nhưỡng đã phạm phải), cần phải cố gắng chinh phục miền Nam.

Nhưng không phải bằng cách thức thô bạo như lại đem quân đánh miền Nam như hồi tháng 6/1950, khởi đầu cuộc chiến Triều Tiên. Cũng không phải thông qua tiến bộ kinh tế : trên lãnh vực này, sự cạnh tranh với Hàn Quốc từ lâu đã thất bại thảm hại. Mà bằng cách kích động tinh thần dân tộc vốn rất cao của người Triều Tiên, làm cho họ tự hào về việc làm chủ được công nghệ nguyên tử, và có được vị thế trên trường quốc tế nhờ sở hữu được nó. Thế nên Kim Jong-un mong muốn một sự thống nhất bán đảo Triều Tiên, nhưng có lợi cho Bình Nhưỡng.

Theo nhà sử học Jean-Louis Margolin, mưu đồ của Bắc Triều Tiên không thể thành công trong ngày một ngày hai, nhưng vừa tiến được một bước khổng lồ. Và Kim Jong-un, vốn không phải lo ngại thất bại trong bầu cử, có thể điềm nhiên tại vị mãi đến năm 2060 hoặc 2070. Ông ta có thể tự cho phép mình kiên nhẫn.

Thụy My

********************

Tin tình báo Mỹ : Trung Quốc đang xây dựng khả năng xâm lược Đài Loan (RFA, 12/05/2019)

Một báo cáo tình báo của Bộ Quốc phòng Mỹ trước Quốc hội Hoa Kỳ hồi tuần trước cho biết Trung Quốc đang xây dựng củng cố khả năng để có thể xâm lược Đài Loan trong khi khả năng quốc phòng của Đài Loan không đủ mạnh để đối đầu với Trung Quốc.

donga2

Hình minh hoạ. Hình chụp hôm 24/4/2018 : máy bay chiến đấu J15 của Trung Quốc từ tàu sân bay Liêu Ninh trong một cuộc tập trận ngoài biển - AFP

Báo cáo dài 136 trang của Lầu Năm Góc cho biết "Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa đang chuẩn bị các điều kiện để đánh chặn ở eo biển Đài Loan và nếu cần, có thể khiến Đài Loan từ bỏ độc lập của mình". Báo cáo cũng cảnh báo "PLA rất có thể đang chuẩn bị điều kiện để thống nhất đại lục với Đài Loan bằng vũ lực, trong khi ngăn chặn, làm chậm lại hoặc từ chối sự can thiệp của bên thứ ba cho Đài Loan".

Bộ Quốc phòng Mỹ đánh giá quân đội Trung Quốc đã được tái tổ chức để mạnh hơn và cũng linh hoạt hơn trong khi không quân của Trung Quốc đã được luyện tập tấn công tầm xa.

Hải quân của Trung Quốc được Mỹ đánh giá là đã được mở rộng từ 2 lữ đoàn lên thành 6 lữ đoàn trong khi hạm đội tàu của Trung Quốc cũng được gia tăng khả năng để có thể ngăn chặn hoặc tấn công Đài Loan, chiến đấu với bất cứ sự can thiệp nào từ phía Mỹ.

Theo đánh giá của Bộ Quốc phòng Mỹ, Trung Quốc có nhiều lựa chọn bao gồm chặn đường vào Đài Loan, cho đến việc sử dụng không quân và tê lửa tấn công trên biển để cuối cùng là xâm lược toàn bộ Đài Loan. Việc xâm lược toàn bộ Đài Loan được coi là tốn kém và khó khăn hơn cả. Vì vậy Hoa Kỳ chưa cho rằng việc xâm lược toàn bộ là một lựa chọn đã sẵn sàng đối với Trung Quốc.

Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đánh giá Trung Quốc vẫn muốn thống nhất với Đài Loan mà không phải dùng vũ lực.

Trung Quốc từ trước đến nay vẫn coi Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời chỉ chờ ngày được thống nhất. Bắc Kinh chưa bao giờ loại bỏ khả năng sử dụng vũ lực để đạt được mục đích này.

Quay lại trang chủ
Read 574 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)