Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

16/06/2019

ASEAN : chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương, Philippines cầu cứu Mỹ

RFI tiếng Việt

Indonesia lo ngại ASEAN không đạt đồng thuận về Ấn Độ-Thái Bình Dương (RFI, 16/06/2019)

Trong lúc Thượng Đỉnh lần thứ 34 của khối ASEAN, tổ chức tại Thái Lan, đang đến gần (22-23/06/2019), chính quyền Indonesia bất ngờ để lọt ra ngoài một số thông tin cho thấy Jakarta lo ngại Hiệp Hội các Quốc Gia Đông Nam Á không đạt được một lập trường chung về khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, do thái độ bất hợp tác của Singapore.

asean1

Ảnh tư liệu : Tại Thượng Đỉnh ASEAN lần thứ 33 ở Singapore, thủ tướng Thái Lan (t) nhận chức chủ tịch luân phiên ASEAN 2019 từ tay đồng nhiệm Singapore ngày 15/11/2018. Reuters

Nhật báo Jakarta Post hôm thứ Năm 13/06 dẫn lời một giới chức ngoại giao Indonesia, cho hay kế hoạch thông qua một lập trường chung của ASEAN về khu vực "Ấn Độ - Thái Bình Dương" tại thượng đỉnh ở Thái Lan tuần tới có thể sẽ không thành công, do thái độ lừng chừng của chính quyền Singapore.

Theo quan chức ẩn danh này, phía Singapore nói rằng vấn đề này cần được tiếp tục thảo luận, tuy nhiên, lại không chỉ rõ đâu là các nội dung cần được xem xét. "Câu trả lời (của phía Singapore) hoàn toàn không rõ ràng, trong lúc hồ sơ này đã được xem xét từ cả một năm nay".

Theo báo Hồng Kông South China Morning Post, hôm thứ Sáu 14/06, Bộ Ngoại giao Indonesia đã không hồi đáp các chất vấn của truyền thông về chủ đề này. Phái bộ Singapore tại trụ sở ASEAN ở Jakarta chỉ tái khẳng định nguyên tắc "ủng hộ mọi sáng kiến khu vực để duy trì vị trí trung tâm và sự thống nhất của ASEAN", thông qua việc thúc đẩy hợp tác kinh tế trong khu vực và cổ vũ cho trật tự quốc tế dựa trên luật pháp.

Quan niệm mới về một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương ngày càng trở nên một khái niệm quan trọng đối với vùng Đông Nam Á. Kể từ sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo về một chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương mở và tự do, nhân thượng đỉnh khối APEC tại Việt Nam tháng 11/2017, nhằm ngăn chặn đà bành trướng của Trung Quốc, nhiều quốc gia trong khu vực cũng tìm cách xây dựng chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương, để phối hợp với Washington, trước hết là Ấn Độ và Úc.

Theo Jakarta Post, Indonesia đã kiên trì thúc đẩy Hiệp Hội các Quốc Gia Đông Nam Á đưa ra lập trường chung về vấn đề này, nhằm khẳng định vị trí trung tâm của khối ASEAN trong kiến trúc an ninh khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương đang hình thành. Jakarta Post cảnh báo, nếu không đạt được một lập trường chung về hồ sơ này, cộng đồng các nước ASEAN sẽ khó lòng đối phó với tình trạng cạnh tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc tại khu vực ngày càng trở nên quyết liệt hơn.

Trọng Thành

**********************

Biển Đông : Ngoại trưởng Philippines kêu gọi Mỹ giúp bảo toàn chủ quyền (RFI, 16/06/2019)

Philippines kêu gọi Hoa Kỳ sử dụng uy lực để chủ quyền của các nước trong vùng Biển Đông được tôn trọng. Lời kêu gọi được ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr. đưa ra ngày 15/06/2019, sau khi đại sứ quán Mỹ tại Manila lên tiếng về vụ tàu Trung Quốc đâm tàu của Philippines rồi bỏ chạy.

asean2

Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr. và đồng nhiệm Mỹ Mike Pompeo tại Manila, thủ đô Philippines ngày 01/03/2019. US State Department - Ron Przysucha - Wikipedia

Theo thông tấn xã Philippines PNA, ngoại trưởng Locsin so sánh : "Quyền tự do lưu thông ở Biển Đông không chỉ là quyền được đi lại trong sở thú, nơi đặt những chiếc lồng nhốt thú. Tự do hàng hải phải bao hàm mọi ý nghĩa, kể cả việc sẵn sàng sử dụng uy lực của Hoa Kỳ để bảo toàn chủ quyền của các nước Đông Nam Á ven Biển Đông trong vùng biển, bằng không thì đó là điều vô nghĩa".

Phát biểu của ngoại trưởng Philippines được cho là nhằm đáp lại thông cáo ngày 14/06 mang tính chung chung của đại sứ quán Mỹ ở Manila về vụ đụng tàu Trung Quốc đâm chìm tàu Philippines ở Bãi Cỏ Rong (Reed Bank), gần quần đảo Trường Sa.

Trong thông cáo, Mỹ tái khẳng định "lập trường rõ ràng về Biển Đông... ủng hộ việc sử dụng nguồn tài nguyên biển một cách hợp pháp, tôn trọng luật pháp quốc tế, thương mại hợp pháp không bị cản trở, hòa bình và ổn định".

Ngoại trưởng Locsin không ngần ngại nhắc lại vụ chính quyền Obama kêu gọi Philippines và Trung Quốc rút khỏi bãi cạn Scarborough trước đây : "Philippines đã rút. Trung Quốc thì ở lại. Còn Hoa Kỳ im lặng. Sự im lặng đó có nghĩa là đồng ý. Chúng ta đã mất (Scarborough). Dưới thời Tổng thống Trump, điều này được cho là thay đổi. Các nhà ngoại giao hèn nhát của (chính quyền)Obama phải bị loại khỏi chính quyền Mỹ".

Ngoài việc kêu gọi Mỹ ủng hộ chủ quyền của Philippines ở Biển Đông, trên Twitter vào hôm nay 16/06, ngoại trưởng Locsin thông báo đã cho phép đại sứ quán Philippines ở Luân Đôn gửi văn kiện "phản đối" đến Liên Hiệp Quốc và Tổ Chức Hàng Hải Quốc Tế.

Theo hãng tin Mỹ Bloomberg, ông Locsin cũng công bố một văn bản của chính phủ Manila gửi đến Tổ Chức Hàng Hải Quốc Tế khẳng định rằng các ngư dân Philippines "đã bị (tầu Trung Quốc) bỏ rơi một cách tàn nhẫn" và có thể đã bị thiệt mạng ngoài khơi nếu không được tàu cá của Việt Nam giúp đỡ.

Thu Hằng

*******************

Biển Đông : Manila lên án Trung Quốc hèn nhát khi đâm tàu Philippines (RFI, 12/06/2019)

Philippines hôm 12/06/2018 lên án "hành động hèn nhát" của một tàu cá bị nghi là của Trung Quốc, đã đâm vào một tàu đánh cá Philippines rồi bỏ mặc tại khu vực tranh chấp ở Biển Đông.

asean3

Cộng đồng mạng Philippines giận dữ sau vụ tàu nước này bị tàu Trung Quốc đâm

Chiếc tàu này đã tông vào một tàu Philippines đang neo đậu gần Reed Bank, ngọn núi ngầm dưới biển mà Trung Quốc gọi là Lễ Nhạc ở Trường Sa, khiến tàu này bị chìm cùng với 22 thủy thủ, rồi bỏ đi.

Bộ trưởng Quốc Phòng Philippines Delfin Lorenzana tuyên bố : "Chúng tôi cực lực lên án hành động hèn nhát của chiếc tàu bị nghi ngờ là của Trung Quốc vì đã bỏ mặc thủy thủ đoàn Philippines. Đó không phải là hành vi của một dân tộc có trách nhiệm và hữu nghị". Ông Lorenzana kêu gọi mở điều tra vụ đánh đắm tàu này, và có những hành động ngoại giao để tránh những sự cố tương tự tái diễn.

Bộ trưởng Lorenzana cũng cảm ơn các thủy thủ một tàu cá Việt Nam ở gần đó đã cứu giúp các ngư dân Philippines.

Phát ngôn viên bộ Quốc Phòng Philippines chưa thể xác nhận chiếc tàu thủ phạm có phải là của Trung Quốc hay không, dù các ngư dân Philippines đã khẳng định.

Reed Bank ở cách đảo Palawan 93 hải lý, theo Reuters thì nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, rất xa so với đất liền gần nhất của Trung Quốc ; và Việt Nam cũng đòi hỏi chủ quyền, gọi là Bãi Cỏ Rong thuộc quần đảo Trường Sa. Năm 2011, Manila từng tố cáo các tàu Trung Quốc quấy nhiễu một tàu thăm dò ở ngoài khơi Reed Bank.

Năm 2016, Philippines đã thắng kiện với việc Tòa án Trọng tài Thường trực tuyên bố yêu sách chủ quyền dựa trên đường lưỡi bò Trung Quốc tự vẽ nên là bất hợp pháp, nhưng Tổng thống Rodrigo Duterte chủ trương gác tranh chấp biển đảo qua một bên, với hy vọng nhận được nhiều đầu tư và thương mại từ Bắc Kinh. Tuy nhiên ; đến tháng Năm vừa rồi, ông Duterte đã phải phát biểu : "Liệu có đúng khi một nước yêu sách chủ quyền trên toàn bộ đại dương ?"

Thụy My

Quay lại trang chủ
Read 611 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)