ASEAN kêu gọi kiềm chế ở Biển Đông, ủng hộ hiệp định tự do thương mại với Trung Quốc (RFA, 24/06/2019)
Lãnh đạo các nước ASEAN hôm 23/6 ra tuyên bố chung kêu gọi các nước kiềm chế trong các hoạt động của mình ở Biển Đông để tránh làm phức tạp thêm tình hình, và theo đuổi giải pháp cho các tranh chấp một cách hòa bình, theo luật quốc tế.
Lãnh đạo các nước ASEAN chụp ảnh tại Thượng đỉnh ASEAN ở Bangkok hôm 23/6/2019 - AFP
Tuyên bố chung Thượng đỉnh ASEAN như mọi năm không nêu tên cụ thể bất cứ nước nào có liên quan đến tình hình căng thẳng ở Biển Đông.
Theo AP, việc ASEAN không công khai nêu tên nước nào trong vấn đề Biển Đông như Trung Quốc hay Mỹ là một thông lệ, tuy nhiên tại các cuộc họp kín, vấn đề này có thể được đem ra thảo luận.
Trước Thượng đỉnh ASEAN diễn ra ở Bangkok, Thái Lan, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte nói rằng ông sẽ đề cập vấn đề xung đột tranh chấp trên Biển Đông tại Thượng đỉnh. Ông Duterte đưa ra tuyên bố này sau vụ tàu cá Trung Quốc đâm chìm tàu cá của ngư dân Philippines hôm 9/6 ở Bãi Cỏ Rong, thuộc quần đảo Trường Sa đang tranh chấp giữa Trung Quốc với một số nước ASEAN, trong đó có Việt Nam và Philippines.
Cũng tại Thượng đỉnh lần này, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha đã có bài phát biểu khai mạc kêu gọi sự đoàn kết của toàn khối để hoàn tất đàm phán hiệp định tự do thương mại với Trung Quốc, hay còn được biết đến với cái tên hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP). Đây là hiệp định do Trung Quốc khởi xướng với sự tham gia của 10 nước ASEAN cùng Ấn Độ, Nhật Bản, Nam Hàn, Úc và New Zealand.
Chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc cũng được lãnh đạo các nước nói đến tại Thượng đỉnh lần này. Tổng thống Philippines Duterte kêu gọi hai cường quốc giải quyết bất đồng trước khi tình hình vượt ra ngoài tầm kiểm soát. Đây cũng là điều được Thủ tướng Thái nói tới trong phát biểu của mình ở Thượng đỉnh.
Lãnh đạo các nước Singapore, Thái Lan, Indonesia và Việt Nam sẽ tham dự Thượng đỉnh G 20 sắp tới ở Nhật Bản, nơi sẽ diễn ra cuộc gặp được trông đợi giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
********************
ASEAN loan báo đạt "tiến bộ" về RCEP, dự án mậu dịch với Trung Quốc (RFI, 23/06/2019)
Các nhà lãnh đạo ASEAN, họp tại Bangkok trong hai ngày cuối tuần 22-23/06/2019, đã đạt được một số tiến triển trong dự án thiết lập vùng thương mại tự do gọi tắt là RCEP do Bắc Kinh đề xuất, gồm 16 nước. Theo thủ tướng Thái Lan, đàm phán sẽ kết thúc vào cuối năm nay 2019.
Các nhà lãnh đạo ASEAN dự hội nghị thượng đỉnh lần thứ 34 tại Bangkok. Ảnh chụp ngày 23/06/2019. Reuters/Athit Perawongmetha
Chủ nhật 23/06/2019, trong cuộc họp báo kết thúc hai ngày thượng đỉnh ASEAN, thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-O-Cha tuyên bố : "ASEAN phải làm việc tay trong tay trong cuộc thương lượng về dự án mậu dịch tự do ở Châu Á để có thể kết thúc trong năm nay". Thủ tướng nước chủ nhà cũng dành lời phê phán "chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch" để đả kích nước Mỹ của ông Donald Trump.
Theo AFP, bản thông cáo chung thượng đỉnh ASEAN cũng xác nhận xu hướng chống "bảo hộ thị trường". Được Trung Quốc tung ra vào năm 2012 để đối trọng với dự án TPP của tổng thống Mỹ Barack Obama thời bấy giờ, dự án RCEP sẽ giúp Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng tại Châu Á, nhất là từ khi Donald Trump rút chân ra khỏi TPP.
Tuy thủ tướng Thái Lan tỏ ý lạc quan, AFP cho biết còn khá nhiều cản lực gay go trong tiến trình đàm phán. Trước hết, Úc và New Zealand muốn đưa vào thỏa thuận các điều kiện mà Trung Quốc và một vài nước Châu Á xem nhẹ, cụ thể là tăng cường quyền lợi của người lao động, bảo vệ môi trường, bảo vệ sở hữu trí tuệ. New Delhi cũng không muốn thỏa thuận RCEP mở đường cho hàng Trung Quốc tràn ngập thị trường Ấn Độ, tiêu diệt nền công nghiệp quốc gia.
Đây là những đề tài đàm phán gay go nhất.
ASEAN đoàn kết chống ô nhiễm trên biển
Trong một văn kiện mang tên "Tuyên bố Bangkok về cuộc chiến chống ô nhiễm biển trong khối ASEAN", 10 nước Đông Nam Á cam kết mỗi nước cố gắng "làm giảm đáng kể rác thải đổ ra biển". Vấn đề là, như thông lệ, những tuyên bố của ASEAN không bao giờ có biện pháp cụ thể đính kèm. Theo AFP, phát ngôn viên của tổ chức Green Peace (Hòa Bình Xanh) Thái Lan bi quan : Tuyên bố Bangkok là vô dụng, không giảm đồ nhựa dùng một lần rồi bỏ thì chẳng giải quyết được ô nhiễm biển.
Hình ảnh những con sông đầy rác nhựa ở Philippines, những bờ biển Việt Nam đầy rác rưởi, xác rùa chết vì ăn plastic nổi trôi trên biển Thái Lan đã làm cho công luận thế giới và khu vực xúc động nhưng các chính quyền địa phương vẫn không có biện pháp cụ thể, theo nhận định của AFP.
Tú Anh
****************
Lãnh đạo ASEAN ủng hộ hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực của Trung Quốc (RFA, 22/06/2019)
Các lãnh đạo ASEAN hôm 22/7 đánh giá cao hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) do Trung Quốc khởi xướng.
Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN chụp hình tại Thượng đỉnh ASEAN ở Bangkok hôm 22/6/2019 AFP
Thông tấn xã Việt Nam cho biết trong khuôn khổ cuộc họp thượng đỉnh ASEAN diễn ra tại Bangkok, Thái Lan vào cuối tuần này, các lãnh đạo ASEAN đã có cuộc họp thảo luận đường hướng để hoàn tất những thảo luận về RCEP trong năm nay như mục tiêu đã đặt ra tại thượng đỉnh RCEP hồi cuối năm 2018.
RCEP bao gồm 10 nước ASEAN, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Nam Hàn, Úc và New Zealand. Đây được coi là cơ chế thay thế cho hiệp định Đối tác Thương mại xuyên Thái Bình Dương với sự tham gia của Mỹ trước kia nhưng sau đó Mỹ đã rút ra.
AFP trích lời người phát ngôn chính phủ Thái, Werachon Sukhondhapatipak nói với báo giới tại thượng đỉnh ASEAN rằng : "RCEP là chìa khoá dẫn đến gia tăng khối lượng thương mại".
Trong khi đó, Bộ trưởng thông tin Philippines Martin Andanar nhận định : "Việc thực hiện RCEP càng sớm bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu, tự do thương mại chắc chắn là điều chúng ta cần cho khu vực".
Mặc dù vậy, những đàm phán của RCEP thời gian qua đã gặp phải một số vướng mắc do những lo ngại từ Ấn Độ rằng hàng hoá rẻ của Trung Quốc sẽ tràn ngập thị trường nước này. Trong khi đó New Zealand và Úc bày tỏ quan ngại về việc thiếu những cơ chế bảo vệ người lao động và môi trường.
Nếu RCEP được ký, hiệp định sẽ tạo ra một khu vực tự do thương mại với gần 3,5 tỷ người, chiếm 30% GDP của thế giới, lớn hơn hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương Toàn diện và Tiến bộ hiện có.