Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

24/06/2019

Điểm báo Pháp - Hồng Kông, tham vọng đế quốc của Tập Cận Bình

RFI tiếng Việt

Hồng Kông, thách thức cho tham vọng đế quốc của Tập Cận Bình

Hồng Kông, tình hình căng thẳng giữa Mỹ và Iran, thắng lợi của phe đối lập trong cuộc đua giành chức thị trưởng Istanbul ở Thổ Nhĩ Kỳ, đợt nóng gay gắt tại Pháp trong tuần này là những chủ đề được báo chí Paris chú ý nhất hôm 24/06/2019.

xi1

Đông đảo người biểu tình bao vây trụ sở cảnh sát Hồng Kông ngày 21/06/2019. Reuters/Tyrone Siu

Tác giả Nicolas Baverez trên trang Ý kiến của Le Figaro viết về "Thách thức từ Hồng Kông đối với Trung Quốc".

Dưới áp lực của Tập Cận Bình, chính quyền Hồng Kông dưới sự lãnh đạo của khuôn mặt đầy tham vọng Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) đã chuẩn bị dự luật cho dẫn độ sang Trung Quốc, vi phạm thỏa thuận ngày 19/12/1984 khi Luân Đôn trao trả cho Bắc Kinh. Sự siết chặt này diễn ra sau một loạt biện pháp nhằm khống chế Hồng Kông từ năm 2012 đến nay. Có thể kể : truyền thông bị buộc vào khuôn khổ, hạn chế tự do ngôn luận, cấm một đảng đòi độc lập, bỏ tù các thủ lãnh "Cách mạng Dù" năm 2014, bắt cóc năm chủ nhà xuất bản năm 2015, doanh nhân Tiêu Kiến Hoa (Xiao Jianhua) mất tích bí ẩn năm 2017.

Dự luật này là giọt nước làm tràn ly, gây ra các cuộc biểu tình khổng lồ, mà ấn tượng nhất là hôm 16/6 với 2 trên 7,4 triệu dân xuống đường. Từ khi trao trả, chưa bao giờ Hồng Kông có một cuộc khủng hoảng với tầm cỡ như thế. Và nhất là chưa bao giờ Bắc Kinh lại phải nhượng bộ như vậy, trong khi Đảng cộng sản vẫn nhất định độc quyền lãnh đạo, lo sợ mọi dạng thức đòi tự do sẽ lây lan sang Hoa lục.

Tác giả cho rằng không nên coi nhẹ việc Tập Cận Bình tỏ ra thận trọng, không muốn sử dụng bạo lực. Sự lùi bước của Bắc Kinh là một biểu tượng mạnh mẽ, có thể làm phương hại đến hình ảnh hoàng đế đỏ đầy quyền lực của chủ tịch Trung Quốc.

Vì sao "hoàng đế đỏ" chịu lùi bước ở Hồng Kông ?

Có thể giải thích bằng ba lý do, trong bối cảnh kỷ niệm 30 năm vụ thảm sát Thiên An Môn. Trước hết là phản ứng của cộng đồng doanh nghiệp Hồng Kông, họ lo ngại về sức thu hút của đặc khu. Tuy chỉ còn chiếm 3% GDP Trung Quốc so với năm 1997 là 16%, nhưng Hồng Kông vẫn đóng vai trò sống còn về tài chính, với 156 tỉ đô la đầu tư trong năm 2018, trong khi cả Thượng Hải lẫn Thâm Quyến cộng lại chỉ có 143 tỉ ; đồng thời Hồng Kông cũng quản lý 60% vốn đầu tư nước ngoài vào Hoa lục.

Bên cạnh đó, cuộc xung đột về thương mại, công nghệ và chiến lược với Hoa Kỳ khiến Trung Quốc không thể mở thêm một mặt trận mới, nhất là khi nền kinh tế đang xuống dốc, và cửa ngõ Hồng Kông mang tính chiến lược trước các rào cản thuế quan. Cuối cùng, Tập Cận Bình và chiến lược bành trướng hung hăng của ông ta ngày càng bị chỉ trích ngay trong đảng, và tại Châu Á.

Mô hình toàn trị Trung Quốc được xúc tiến thay cho chế độ dân chủ, đã bị bác bỏ bởi giới trẻ thành thị, có học, quen thuộc với internet. Sự thiếu vắng tự do chính trị và Nhà nước pháp quyền khó thể hòa hợp với một nền kinh tế dịch vụ có giá trị gia tăng cao độ, dựa trên sáng tạo. Nhất là người dân Hồng Kông đang lo sợ hệ thống giám sát dân chúng của Bắc Kinh, sự độc quyền của Đảng cộng sản, và chủ nghĩa đế quốc từ nay không giấu diếm. Ngược với những gì Trung Quốc khoe khoang, nhiều người nhất là ở Châu Á coi "Giấc mơ Trung Hoa" là một cơn ác mộng.

Hồng Kông tạm thời sống sót, nhưng cái giá phải trả là mối đe dọa về chính trị đang đè nặng, và viễn cảnh bất định khi quyền tự trị không còn nữa vào năm 2047. Bắc Kinh muốn lúc đó sẽ là "Một đất nước, một chế độ". Nhưng bên cạnh sự phản kháng của người dân Hồng Kông trước chủ nghĩa tư bản toàn trị của Tập Cận Bình, còn là một phần định mệnh của thế kỷ 21. Với quyết tâm và khả năng của Châu Á để thích ứng với tự do chính trị, hoặc hoàn toàn bỏ cuộc để nhường cho tham vọng để quốc của Trung Quốc.

Một cuộc nổi dậy không mang gương mặt cụ thể

"Tại Hồng Kông, các cuộc biểu tình đã buộc phải thay đổi khuôn mặt", đó là nhận xét của thông tín viên Libération tại đây. Chú tâm đến việc ẩn danh và không có thủ lãnh, những người biểu tình chống lại dự luật dẫn độ sang Trung Quốc trở thành biểu tượng cho một dạng phản kháng mới.

Cơ động, bất ngờ, có phối hợp, người biểu tình Hồng Kông đã thay đổi cách hoạt động để duy trì áp lực trên đường phố. Nhưng không có một thủ lãnh nào xuất hiện, rút kinh nghiệm từ cuộc Cách mạng Dù. Một cuộc nổi dậy không có gương mặt cụ thể.

Đeo kính mát, mang khẩu trang, đội nón bảo hiểm, mặc áo thun đen : người biểu tình giấu được danh tính. Họ cũng không dùng đến các thẻ điện tử, tắt định vị, không mang theo điện thoại hoặc mang nhiều chiếc khác nhau. Thực thi quyền tự do ngôn luận, nhưng ý thức được mối nguy bị giám sát như ở Tân Cương, người biểu tình Hồng Kông liên lạc với nhau qua các nhóm kín trên mạng hoặc các ứng dụng mã hóa.

Một nhà tranh đấu cho biết, thay vì trực tiếp kêu gọi biểu tình trong tầu điện ngầm, họ viết : "Hãy tranh thủ hệ thống điều hòa không khí trong métro", chẳng hạn. Họ không quên rằng trong Cách mạng Dù năm 2014, có đến 1.000 người đã bị bắt, và những người tổ chức phải lãnh những bản án lên đến 16 tháng tù.

Quan chức Trung Quốc làm giám đốc FAO : Bắc Kinh có thể gây áp lực lên các nước

Cũng liên quan đến Trung Quốc, các báo Pháp chú ý đến "Một người Trung Quốc lãnh đạo Tổ chức Lương Nông quốc tế (FAO)" mà theo Le Figaro là một đòn nặng cho ngoại giao Châu Âu và Pháp, còn Les Echos cho rằng sự kiện chưa từng có này sẽ giúp Bắc Kinh có ảnh hưởng lớn với các quốc gia đang phát triển.

Thứ trưởng Nông nghiệp Trung Quốc Khuất Đông Ngọc (Qu Dongyu) đã thắng ngay vòng đầu với 108 phiếu, còn ứng cử viên Catherine Geslain-Lanéelle của Pháp 71 phiếu, ứng viên Gruzia chỉ được 12 phiếu. Trước hôm bỏ phiếu, ứng viên Trung Quốc đã hứa hẹn sẽ mang lại nhiều nguồn tiền từ khu vực tư nhân như tập đoàn Alibaba chẳng hạn, để phát triển công nghiệp thực phẩm.

Le Figaro cho biết ứng cử viên Pháp "rất thất vọng", bà thổ lộ "Trung Quốc đã tiến hành chiến dịch vận động rất hung hăng, với các phương tiện mà chúng ta không thể sử dụng". Theo những lời đồn mà tờ báo nghe được hôm 23/06, thì có những nước đang thiếu nợ bỗng được "giải quyết xong", bằng cách nào không rõ !

Nhà nghiên cứu Antoine Bondaz của Quỹ Nghiên cứu Chiến lược nhấn mạnh đến "quá trình vận động hành lang rất hiệu quả của Trung Quốc đối với các nước Châu Phi, Thái Bình Dương, vùng vịnh Caribbean, và khả năng biến sức mạnh kinh tế thành ảnh hưởng chính trị". Đây là một thắng lợi quan trọng của Bắc Kinh, vốn đang thiếu một tổng thư ký tại các định chế quốc tế lớn, trong khi FAO, là một trong những định chế quan trọng nhất của Liên Hiệp Quốc với nhiệm vụ chống đói nghèo trên thế giới, có đến 12.000 nhân viên. Phụ trách phân bổ ngân sách xóa đói giảm nghèo cho các nước đang phát triển, từ nay Trung Quốc có thể gây áp lực lên các nước liên quan.

Donald Trump và cuộc xung đột Mỹ-Iran

Tại Trung Đông, Iran là trọng tâm của các báo Pháp. Les Echos dành hai trang lớn cho hồ sơ này : Trump đe dọa các biện pháp trừng phạt mới, chính quyền Mỹ chia rẽ, các hãng hàng không phải tránh né eo biển Ormuz, và nhận định của một chuyên gia "Xung đột Mỹ-Iran sẽ gây thảm họa". La Croix cho rằng "Hoa Kỳ-Iran khó thể thương lượng với nhau". Le Monde ra từ hôm trước thuật lại diễn biến "Mười phút trước khi tấn công, tôi ra lệnh ngưng" - theo lời kể của Donald Trump.

Về cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2020, chuyên gia Dominique Moïsi trên Les Echos nhận định "Ông Trump chưa chắc thắng". Donald Trump đã tung ra một chiến dịch tranh cử tưng bừng, nhưng việc sử dụng lại các công thức của năm 2016 có một rủi ro : liệu có thể xử sự như một "outsider" trong khi từ ba năm qua ông đã là tổng thống nước Mỹ ?

Tổng lãnh sự Nga bị Pháp trục xuất vì làm gián điệp

Liên quan đến Châu Âu, Le Monde tố cáo "Điệp viên Nga ở Hội đồng Châu Âu". Là lãnh sự Nga tại Strasbourg từ năm 2015, ông Valery Levitsky đã bị trục xuất khỏi nước Pháp tháng Tư năm ngoái.

Cùng với ông, ba nhân viên ngoại giao khác của Nga cũng được yêu cầu xách vali ra khỏi lãnh thổ Pháp. Mạng lưới quan hệ của Levitsky ở Hội đồng Châu Âu - định chế gồm 47 quốc gia chú trọng đến nhân quyền, dân chủ và Nhà nước pháp quyền - mang lại nhiều lợi ích cho Nga, nước thường xuyên bị quốc tế chỉ trích.

Tại thành phố Strasbourg, các gián điệp và nhà ngoại giao ít bị dòm ngó hơn ở Geneve, Bruxelles hay New York, nhưng các hoạt động của cựu nhân viên tình báo quân đội Nga (GRU) lại quá lộ liễu. Người kế nhiệm của tổng lãnh sự bị trục xuất chỉ tại vị được ba tháng : lý lịch điệp viên của ông ta quá rõ.

Istanbul, sai lầm chiến thuật nặng nề nhất của Erdogan

Tại Thổ Nhĩ Kỳ, trong bài "Imamoglu làm Erdogan sụp đổ ở Istanbul", Le Figaro cho biết ứng cử viên của phe đối lập giành được chức thị trưởng tại nơi mà tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu xây dựng quyền lực, trong khi ông Erdogan đã làm mọi cách để tổ chức bầu lại, nghĩ rằng ông sẽ chiến thắng.

Đây là sai lầm chiến thuật có lẽ là nặng nề nhất trong sự nghiệp chính trị của ông Recep Tayyip Erdogan. Không chỉ đảng AKP của ông thất bại lần thứ hai, mà ứng viên đối lập Ekrem Imamoglu mới 6 tháng trước còn vô danh, trong cuộc bầu cử thứ hai vượt đến trên 750.000 phiếu so với lần đầu chỉ hơn có 13.729 phiếu. Tỉ lệ người đi bầu vẫn giữ nguyên (84%).

Ông Imamoglu được lợi thế nhờ vài ứng cử viên của cánh tả và cánh trung rút lui, và cảm giác bất công gây ra khi chiến thắng lần đầu của ông bị hủy bỏ. Đó còn là nhờ liên minh giữa đảng dân chủ xã hội của ông với phe dân tộc chủ nghĩa Bon Parti (Iyi), cùng với sự ủng hộ của đảng Dân chủ Nhân dân (HDP) thân Kurdistan - đảng này không giới thiệu ứng cử viên, và kêu gọi dồn phiếu cho Ekrem Imamoglu. Sự đoàn kết chống Erdogan là điều mà đối lập vẫn tìm kiếm từ 20 năm qua, và nhiều người vẫn mơ sẽ diễn ra trên toàn quốc Thổ Nhĩ Kỳ.

Nhiệt độ 50°C tại Pháp vào cuối thế kỷ ?

Trên trang nhất, Le Monde tiết lộ "Trump : Hậu trường của một nền ngoại giao không rõ ràng". La Croix nêu ra vấn đề đi máy bay, một sự tự do và tiện lợi nhưng nay đang bị chỉ trích vì thải khí CO2. Về thời sự nước Pháp, Les Echos chú ý đến "Kế hoạch của chính phủ để tái thúc đẩy tiết kiệm hưu trí", Le Figaro nói về những bước đầu thử nghiệm của lực lượng thanh niên tình nguyện, còn Libération quan tâm đến đợt nóng tuần này trên toàn nước Pháp.

Với dòng chữ đỏ trên nền hình tròn màu vàng như sức nóng mặt trời, Libération chạy tựa "Sức nóng của nỗi sợ". Nhiệt độ lên đến 40°C nhưng thực sự cảm nhận có thể đến 48°C : tuần lễ này hết sức gay go tại Pháp, nhưng vấn đề là trong tương lai những đợt nóng như thế không còn là ngoại lệ.

Trong những thập niên tới, các đợt nóng sẽ diễn ra sớm hơn, kể từ tháng Năm, và có thể trong tháng Mười. Nhà khí tượng học Robert Vautard cho biết từ nay đến cuối thế kỷ, tại Pháp có thể có ngày nóng đến 50°C như ở Ấn Độ hiện nay. Từ sau trận nóng thế kỷ năm 2003 làm 15.000 người chết, chính quyền Pháp đã có nhiều biện pháp để phòng ngừa. Tuy nhiên, nhân tố chính là bệnh viện hiện nay đang quá tải, liệu có thể chịu đựng được nếu đợt nóng kéo dài ?

Libération đề nghị bốn giải pháp tại các đô thị : quan tâm đến việc chống nóng khi xây dựng nhà ở thay vì chỉ đối phó với cái lạnh như xưa nay, phủ xanh các diện tích bê-tông, hạn chế lượng xe hơi, và xem xét lại việc quy hoạch. Điều đáng chú ý là theo một số nghiên cứu, một thành phố "xây dựng lộn xộn" theo kiểu cổ lại chống nóng tốt hơn những thành phố hiện đại với những con đường rộng, thẳng hàng như Bắc Mỹ.

Thụy My

Quay lại trang chủ
Read 502 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)