Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

22/07/2019

Trung Quốc xây dựng căn cứ quân sự trên lãnh thổ Campuchia ?

Tổng hợp

Cam Bốt bác bỏ tin Trung Quốc lập căn cứ hải quân (RFI, 22/07/2019)

Chính quyền Phnom Penh hôm nay, 22/07/2019 ,đã lên tiếng bác bỏ thông tin được nhật báo Mỹ The Wall Street Journal tiết lộ ngày hôm qua, theo đó Cam Bốt đã bí mật thỏa thuận cho phép Trung Quốc thiết lập một căn cứ hải quân trên lãnh thổ của mình.

cancu1

Căn cứ hải quân Ream của Cam Bốt ở đông nam Sihanoukville. Dmitry Makeev/Wikipedia

Theo hãng tin Anh Reuters, trả lời trang thông tin Fresh News thân chính phủ, thủ tướng Cam Bốt Hun Sen đã khẳng định rằng : "Đó là một cái tin bịa đặt tồi tệ nhất từ ​​trước đến nay nhằm chống lại Cam Bốt". Theo ông Hun Sen : "Một điều như vậy hoàn toàn không thể xảy ra vì cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự (trên lãnh thổ Cam Bốt) là trái với Hiến Pháp Cam Bốt".

Cùng một lời lẽ như thủ tướng Hun Sen, ông Chhum Socheat, phát ngôn viên bộ Quốc Phòng Cam Bốt, cũng cho hãng Reuters biết là bản tin của tờ báo Mỹ hoàn toàn "bịa đặt và vô căn cứ".

Theo tờ The Wall Street Journal, trích dẫn một số quan chức Mỹ và đồng minh biết rõ hồ sơ, Phnom Penh và Bắc Kinh đã đạt được thỏa thuận nói trên vào mùa xuân vừa qua, nhưng đã giữ bí mật, không công bố. Thỏa thuận cho phép Trung Quốc độc quyền sử dụng một phần của căn cứ Hải Quân Ream của Cam Bốt nhìn ra Vịnh Thái Lan.

Một thỏa thuân như vậy sẽ giúp Trung Quốc tăng cường khả năng áp đặt các yêu sách lãnh thổ và lợi ích kinh tế của họ tại vùng Biển Đông, đồng thời thách thức các đồng minh của Hoa Kỳ ở Đông Nam Á.

The Wall Street Journal cũng cho biết là các quan chức Trung Quốc và Cam Bốt đều phủ nhận sự tồn tại của thỏa thuận nói trên.

Bắc Kinh không xác nhận và cũng không bác bỏ

Tuy nhiên, theo Reuters, tại Bắc Kinh vào hôm nay, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng không xác nhận mà cũng không bác bỏ thông tin của Wall Street Journal.

Trả lời báo chí, ông Cảnh Sảng chỉ nói : "Theo tôi hiểu thì phía Cam Bốt đã phủ nhận điều này". Bị chất vấn nhiều lần là liệu Trung Quốc có phủ nhận hay không, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc không trả lời trực tiếp, chỉ nói chung chung rằng Trung Quốc và Cam Bốt là "láng giềng thân thiện theo truyền thống", đã hợp tác với nhau trong nhiều lãnh vực một cách "công khai, minh bạch, bình đẳng và hai bên cùng có lợi", do đó các bên liên quan "không nên diễn giải quá mức."

Theo Reuters, trong thời gian qua, Trung Quốc, đồng minh khu vực mạnh nhất của thủ tướng Hun Sen, đã rót hàng tỷ đô la tiền hỗ trợ phát triển và tín dụng vào Cam Bốt thông qua các hiệp định song phương và trong khuôn khổ sáng kiến ​​Một Vành Đai Một Con Đường của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Mỹ quan ngại

Từ đầu tháng Bảy này, bộ Quốc Phòng Mỹ đã hàm ý lo ngại về việc Trung Quốc đang cố gắng giành được chỗ đóng quân trên lãnh thổ Cam Bốt. Bộ Ngoại Giao Mỹ thì kêu gọi Phnom Penh từ chối một thỏa thuận như trên, cho rằng theo Hiến Pháp Cam Bốt, chính quyền có nhiệm vụ theo đuổi một chính sách đối ngoại độc lập.

Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Mỹ xác định : "Chúng tôi lo ngại rằng bất kỳ bước đi nào của chính phủ Cam Bốt nhằm mời nước ngoài hiện diện quân sự trên lãnh thổ đều đe dọa sự gắn kết và tính trung tâm của Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á (ASEAN) trong việc điều phối sự phát triển khu vực, và làm xáo trộn hòa bình và ổn định ở Đông Nam Á.

Theo Reuters, vào tháng 11/2018, Cam Bốt đã từng bác bỏ các thông tin cho rằng Bắc Kinh đã vận động hành lang kể từ năm 2017 để Phnom Penh cho Trung Quốc lập tại Cam Bốt một căn cứ hải quân có thể tiếp nhận các hộ tống hạm, khu trục hạm và các loại tàu khác của Hải Quân Trung Quốc.

Trọng Nghĩa

****************

Campuchia bác bỏ tin cho Trung Quốc sử dụng căn cứ hải quân (RFA, 22/07/2019)

Thủ tướng Campuchia Hun Sen hôm 22/7 lên tiếng bác bỏ thông tin cho rằng Phnompenh đã ký một thỏa thuận bí mật cho phép Trung Quốc đồn trú tại căn cứ hải quân Ream bên bờ vịnh Thái Lan.

cancu2

Lính hải quân Hoàng gia Campuchia trên những tàu tuần tra hải quân của Trung Quốc trong lễ bàn giao tại căn cứ hải quân Ream ở tỉnh Sihanoukville hôm 7/11/2007 - Hình minh họa (Reuters)

Trước đó, vào ngày 21/7, tờ Wall Street Journal (WSJ) của Mỹ trích các nguồn tin từ các giới chức Hoa Kỳ và đồng minh cho biết Trung Quốc và Campuchia đã ký thỏa thuận ngầm cho phép Trung Quốc sử dụng căn cứ hải quân lớn nhất của Campuchia.

Thủ tướng Hun Sen nói "Đây là thông tin bịa đặt tồi tệ nhất chống lại Campuchia", và nói việc cho phép quân đội nước ngoài đồn trú tại Campuchia là đi ngược lại hiến pháp của nước này.

Reuters trích lời người phát ngôn Bộ Quốc phòng Campuchia Chlum Socheat nói rằng thông tin của WSJ là "bịa đặt và không có cơ sở".

Theo WSJ, thỏa thuận mới giữa Phnompenh và Bắc Kinh sẽ cho phép Trung Quốc sử dụng căn cứ hải quân trong vòng 30 năm và sẽ được tự động gia hạn cứ mỗi 10 năm. Theo thỏa thuận này, Trung Quốc sẽ được phép đóng quân, đặt thiết bị quân sự và đỗ tàu chiến tại căn cứ.

WSJ nhận định, hoạt động từ căn cứ quân sự này bao gồm cả sân bay đang được một công ty Trung Quốc xây dựng gần đó sẽ làm tăng khả năng của Bắc Kinh trong những hoạt động đòi hỏi chủ quyền và lợi ích về kinh tế ở Biển Đông, đe dọa các đồng minh của Mỹ ở khu vực Đông Nam Á, đồng thời giúp mở rộng tầm ảnh hưởng của Trung Quốc ra tới tận vịnh Malacca.

WSJ cho biết Hoa Kỳ và các đối tác đang cố gắng thuyết phục Campuchia không cho Trung Quốc sử dụng sân bay lớn đang được xây dựng ở Dara Sakor, cách Ream khoảng 40 mile (tương đương khoảng 64 km) về phía tây bắc. Đây là sân bay được một công ty tư nhân Trung Quốc xây dựng với hợp đồng cho thuê 99 năm.

Các hình ảnh vệ tinh cho thấy sân bay được xây dựng có đường băng dài 2 mile, đủ lớn để đậu Boeing 747, Airbus 380 và cả những máy bay ném bom tầm xa hay vận tải quân sự của Trung Quốc.

Hồi đầu tháng này, Reuters loan tin cho biết Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ lo ngại Campuchia đang có kế hoạch cho Trung Quốc thuê căn cứ Ream sau khi nước này từ chối đề nghị giúp đỡ sửa căn cứ của Mỹ.

Trung Quốc những năm qua đã đổ hàng tỷ đô la vốn vay phát triển giúp Campuchia, đặc biệt là qua sáng kiến Vành Đai Con Đường được Chủ tịch Tập Cận Bình đưa ra hồi năm 2013.

Kể từ năm 2017, Campuchia đã đình chỉ vô thời hạn các cuộc tập trận chung với Mỹ nhưng đã bắt đầu tập trận chung với Trung Quốc từ năm 2016.

Hồi tháng 3 năm nay, Campuchia và Trung Quốc cũng đã thực hiện cuộc tập trận lần thứ 3 có tên Rồng Vàng.

Quay lại trang chủ
Read 524 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)