Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

19/08/2019

Vụ Bãi Tư Chính có thể biến thành xung đột vũ trang ?

Tổng hợp

Chuyên gia : Khả năng đụng độ vũ trang tại Bãi Tư Chính tăng cao (VOA, 19/08/2019)

Trong lúc có những thông tin về việc Việt Nam đã cử một tàu hộ vệ tên lửa hiện đại nhất đến khu vực Bãi Tư Chính, các chuyên gia cho rằng khả năng đụng độ quân sự giữa Hà Nội và Bắc Kinh đang tăng cao khi tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc tiếp tục các hoạt động bị coi là "bất hợp pháp" tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

xung1

Tàu hộ vệ tên lửa 016 Quang Trung được trang bị hệ thống vũ khí với khả năng chống hạm, chống ngầm và phòng không mạnh mẽ, là chiến hạm uy lực nhất của Hải quân Việt Nam. (Ảnh chụp màn hình ZingNews)

Các nguồn tin không chính thức từ các chuyên gia trong và ngoài nước cho biết, chiến hạm Quang Trung, một trong 4 chiến hạm lớp Gepard 3.9, đã được đưa đến khu vực Bãi Tư Chính nơi tàu thăm dò Hải Dương 8 của Trung Quốc đang hoạt động tại vùng biển mà Việt Nam nói là "hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán" của mình.

Tàu Hải Dương 8 hôm 13/8 trở lại Bãi Tư Chính, nơi trước đây tàu chấp pháp đôi bên từng "đối đầu" năm 1994 trong một tình huống tương tự, sau gần 1 tuần rút ra khỏi khu vực này.

Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 16/8 yêu cầu Trung Quốc "rút toàn bộ nhóm tàu", bao gồm Hải Dương 8 và các tàu hộ tống, cũng như phản đối việc Trung Quốc tái diễn vi phạm "nghiêm trọng". Đó là lần thứ 4 Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng về vụ việc này.

Việc tàu Trung Quốc trở lại tiếp tục hoạt động khảo sát địa chấn, theo các chuyên gia, sẽ làm nguy cơ đụng độ giữa Hà Nội và Bắc Kinh trên Biển Đông tăng lên.

Nhà nghiên cứu về hải quân Trung Quốc của Mỹ, Ryan Martinson, hôm 17/8 cho biết qua một cập nhật trên trang Twitter rằng : "Dường như một trong hai chiếc tàu hiện diện của Việt Nam là tàu chiến lớp Gepard (Quang Trung)".

Giáo sư Carl Thayer của Đại học New South Wales, qua một cập nhật trên trang Twitter cá nhân, hôm 18/8 cũng trích dẫn "nhiều nguồn tin ở Hà Nội" nói rằng "Việt Nam đã cử chiến hạm Quang Trung HQ-016 tới Bãi Tư Chính hôm nay 18/8".

Mặc dù truyền thông trong nước không khẳng định việc tàu Quang Trung được đưa tới Bãi Tư Chính nhưng ZingNews, Infonet và trang tin tức MSN hôm 19/8 cùng đồng loạt đăng tin và ảnh "cận cảnh chiến hạm Quang Trung" với các thông tin về con tàu tên lửa do Nga đóng có bổ sung thêm chức năng dò tìm và chống tàu ngầm cùng dàn phóng ngư lôi loại 533mm.

Nói với VOA từ Hà Nội, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp – nhà nghiên cứu an ninh và chính trị khu vực của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) có trụ sở ở Singapore, cho biết rằng tàu Quang Trung "hiện đang neo ở một trong những bãi cạn ở Bãi Tư Chính" thông qua dữ liệu hành trình mà ông có được từ MarineTraffic.

"Tàu Quang Trung đang ở gần khu vực Bãi Tư Chính thế nhưng báo chí Việt Nam chắc là được lệnh không nói gì cả", theo Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp. "Cũng giống như khi tàu địa chất Hải Dương 8 đi ra khỏi vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam hôm 8/8 và đến 13/8 quay trở lại nhưng báo chí cũng không được nói. Cho đến ngày 16/8 khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao lên tiếng thì các báo lúc đó mới nói".

Bộ Ngoại giao Việt Nam không ngay lập tức trả lời yêu cầu bình luận của VOA về việc tàu Quang Trung được cử đến bãi Tư Chính trong bối cảnh đụng độ với Trung Quốc.

Việt Nam "quân sự hóa vụ đối đầu"

Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, cũng là thành viên của Viện nghiên cứu IISS và chủ tịch Think Tank Viet, cho rằng việc Việt Nam điều tàu chiến ra khu vực này là điều tất yếu sau một tháng "xua đuổi các tàu (Trung Quốc)" mà không được.

Nhận định về động thái điều tàu Quang Trung ra Bãi Tư Chính, GS Thayer, trong bản tin phân tích chính trị và an ninh khu vực ra ngày 18/8, cho rằng nếu thông tin trên là đúng thì điều này có nghĩa rằng Việt Nam "đang nâng mức độ và đưa ra thông điệp về quyết tâm bảo vệ quyền chủ quyền của Việt Nam cũng như bảo vệ các tàu hải cảnh của họ tại Bãi Tư Chính".

Theo ông Martinson, người đầu tiên công bố thông tin về cuộc "đối đầu" giữa các tàu hải cảnh của Việt Nam và Trung Quốc tại Bãi Tư Chính, nếu việc tàu Quang Trung được cử đến đó để ngăn cản hoạt động của tàu Trung Quốc là đúng thì "khả năng đụng độ vũ trang (của Việt Nam) với Trung Quốc đã tăng cao đáng kể".

Vụ việc này giống với vụ "đối đầu" hồi năm 1994 giữa các tàu của Việt Nam và Trung Quốc cũng tại Bãi Tư Chính, theo Tiến sĩ Alexander Vuving, chuyên nghiên cứu về an ninh châu Á và Biển Đông của Trung tâm Nghiên cứu An ninh Châu Á-Thái Bình Dương ở Haiwaii, nhận định trên trang Twitter cá nhân hôm 17/8.

Cho biết về thông tin của vụ việc năm 1994, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp nói bốn tàu chiến của Việt Nam đã được điều ra khu vực Bãi Tư Chính để "xua đuổi" 2 tàu thăm dò của Trung Quốc vào thời gian đó. Vị tiến sĩ này dự đoán nếu Trung Quốc đưa dàn khoan vào vùng thềm lục địa của Việt Nam lần này sau tàu thăm dò địa chấn thì "rủi ro xảy ra đụng độ quân sự là rất cao".

Theo GS Thayer, người chuyên nghiên cứu về các vấn đề Việt Nam và khu vực, với việc đưa tàu Quang Trung đến khu vực đụng độ, Việt Nam "đã có động thái quân sự hóa vụ đối đầu ở Bãi Tư Chính trước" và Trung Quốc giờ đây "sẽ đối mặt với thế tiến thoái lưỡng nan là liệu sẽ đáp trả hay không bằng việc điều các tàu của Hải quân Quân giải phóng Nhân dân ra Bãi Tư Chính". Vị giáo sư này cho rằng nếu làm như vậy, Trung Quốc sẽ bị coi là "kẻ gây hấn quân sự và gây ra những chỉ trích từ cộng đồng quốc tế đối với Trung Quốc".

Việt Nam đã lên tiếng kêu gọi sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế và mặc dù Mỹ đã đưa ra những lời chỉ trích về hành động "bắt nạt" của Trung Quốc trong tháng qua, Bắc Kinh vẫn tiếp tục thách thức chủ quyền của Việt Nam.

Hôm 18/8, Đại tướng David Goldfein, tham mưu trưởng Không quân Mỹ, nói rằng Hoa Kỳ "tôn trọng các quyết định và hành động của lãnh đạo" ở Hà Nội liên quan đến việc Trung Quốc điều tàu đến vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

"Chúng tôi luôn luôn ủng hộ quyền tự vệ và phòng vệ chính đáng của Việt Nam", Đại tướng Goldfein được VietNamNet trích lời nói tại một buổi họp báo tại Hà Nội hôm 18/8. "Chúng tôi sẽ quan sát các hoạt động của Chính phủ Việt Nam để sẵng sàng hợp tác, làm việc với các bạn".

Tuy nhiên, Giáo sư Carl Thayer từng nói với VOA rằng "Mỹ sẽ không ép (tàu) Trung Quốc ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam" vì Việt Nam không phải là một đồng minh của Mỹ trong khu vực. Điều quan trọng đối với Việt Nam lúc này, theo GS Thayer, là khi Tổng bí thư-Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tới thăm Washington trong thời gian tới trong năm nay, "liệu Việt Nam và Mỹ có nâng mối quan hệ lên tầm đối tác chiến lược hay không? Và liệu Việt Nam sẽ làm điều đó vì áp lực từ Trung Quốc hay không?"

*************

Tàu cá Trung Quốc ồ ạt đổ xuống Biển Đông sau ba tháng rưỡi tạm nghỉ (BBC, 19/08/2019)

Chiều thứ 6/khoảng hơn một ngàn tàu cá Trung Quốc từ khu vực miền nam nước này đã hướng tới khu vực Vịnh Bắc Bộ và các vùng biển có tranh chấp, ngay khi lệnh cấm đánh bắt cá hàng năm trên Biển Đông vừa được Trung Quốc chấm dứt.

xung2

Tàu cá Trung Quốc ồ ạt đổ xuống Biển Đông sau ba tháng rưỡi tạm nghỉ

Tân Hoa Xã trong một chương trình livestream trên Facebook gọi ngày này là "Ngày hội Đánh cá" với hàng trăm tàu cá rời cảng ở Quảng Tây, đánh dấu kết thúc thời kỳ ba tháng rưỡi nghỉ ra khơi.

Dự kiến khoảng 3.000 tàu cá Trung Quốc sẽ ra khơi trong những ngày đầu tiên sau khi lệnh cấm đánh bắt cá được dỡ bỏ.

Việc tàu cá Trung Quốc ồ ạt đổ xuống Biển Đông khiến căng thẳng trong khu vực có thể tiếp tục dâng cao hơn nữa.

Ít hôm trước khi dỡ bỏ lệnh cấm đánh bắt cá hàng năm, hôm 13/8, tàu Hải Dương Địa Chất 8 của Trung Quốc cùng một số tàu hộ tống đã quay trở lại khu vực Bãi Tư chính thuộc Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) của Việt Nam sau một thời gian ngắn rút đi, khiến bầu không khí tưởng chừng đã dịu đi chút ít giữa Bắc Kinh và Hà Nội trở nên căng thẳng trở lại.

Lệnh cấm đánh bắt cá hàng năm được Trung Quốc bắt đầu đưa ra từ năm 1999.

Lệnh này, theo Trung Quốc, là nhằm để bảo vệ các nguồn tài nguyên biển và môi trường sinh thái.

Tranh chấp về quyền đánh bắt cá

Tuy nhiên, Việt Nam luôn phản đối và coi đây là lệnh cấm bất hợp pháp.

Năm nay, lệnh cấm của Trung Quốc được áp dụng từ ngày 1/5 đến 16/8/2019.

xung3

Ngư dân Việt Nam được động viên ra khơi bám biển trong thời gian Trung Quốc áp lệnh cấm đánh bắt cá, nhưng các tàu có giấy phép khai thác chung trên biển được khuyến cáo không đi quá sang phía Đông đường phân định Vịnh Bắc Bộ

Việt Nam nói phạm vi Trung Quốc áp lệnh cấm đánh bắt cá bao gồm cả vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Hôm 4/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng tuyên bố việc bảo vệ các nguồn tài nguyên, sinh vật biển "cần được tiến hành phù hợp với các quy định của Công ước Quốc tế về Luật Biển 1982", "không được làm phương hại đến quyền chủ quyền và các quyền tài phán trên biển của các nước có liên quan".

Phía Việt Nam cũng tuyên bố "phản đối và kiên quyết bác bỏ quyết định đơn phương" của Trung Quốc.

Giới chức Việt Nam khuyến khích các địa phương "động viên, hỗ trợ ngư dân ra khơi bám biển" trong thời gian Trung Quốc áp lệnh cấm.

Năm nay, các chương trình như "Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển", "Một triệu lá cờ tổ quốc cùng ngư dân bám biển" đã được phát động tại nhiều tỉnh ven biển.

Tuy nhiên, giới chức cũng khuyến cáo các tàu cá tuy có giấy phép hoạt động trong vùng đánh cá chung Vịnh Bắc Bộ "không sang khai thác tại vùng biển phía đông đường phân định Vịnh Bắc Bộ" trong thời gian này.

Quyền đánh bắt cá đã trở thành một trong những vấn đề gây căng thẳng giữa Trung Quốc và một số nước khác trong khu vực.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte gần đây đã rút lại thỏa thuận miệng mà ông nói đã hứa với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi 2016, theo đó cho phép ngư dân Trung Quốc vào đánh bắt ở vùng biển có tranh chấp quanh khu vực bãi Reed Bank, tờ South China Morning Post tường thuật.

Các nhà quan sát trong khu vực nói rằng sự cạnh tranh để giành quyền đánh bắt cá tăng sẽ dẫn đến nguy cơ nổ ra xung đột tăng theo.

*********************

Philippines phản đối Trung Quốc cho tàu chiến đi qua vùng biển của Phi mà không thông báo (RFA, 19/08/2019)

Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin vào ngày 19/8 lại có lệnh cho cấp dưới gửi tiếp công hàm phản đối Trung Quốc cho tàu chiến đi vào vùng biển của Philippines mà không thông báo trước cho phía chức năng Manila.

xung4

Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin tại một cuộc họp báo ngày 1/3/2019 ở Manila AFP

Mạng báo Philstar loan tin dẫn một đoạn Tweet của ngoại trưởng Teodoro Locsin vào sáng ngày thứ hai 19/8. Theo đó ông chỉ thị cho Văn Phòng phụ trách các vấn đề Châu Á và Thái Bình Dương của Bộ Ngoại giao gửi công hàm cho phía Trung Quốc để phản đối hoạt động mà ông Teodora cho là xâm phạm vùng biển của Philippines.

Vừa qua vào ngày 9/8, Manila cũng đã gửi công hàm phản đối tàu chiến của Trung Quốc.

Tin cho biết từ đầu năm 2019 đến nay lực lượng chức năng của chính phủ Manila phát hiện hơn chục lần tàu chiến Trung Quốc đi qua vùng biển thuộc Philippines mà không hề xin phép hay báo trước cho nước sở tại.

Cụ thể vào ngày 17 tháng 6 có 4 tàu chiến Trung Quốc bị phát hiện gần đảo Balabac, trong số này có cả tàu sân bay Liêu Ninh. Bốn tàu này cũng từng bị phát hiện ở eo biển Sibutu thuộc tỉnh Tawi-Tawi của Philippines từ tháng 2 cho đến thời gian gần đây. Trong hai tháng 7 và 8 vừa qua, có 5 tàu hải quân khác của Trung Quốc bị lực lượng chức năng Philippines phát hiện tại khu vực eo biển Sibutu.

Bản thân ngoại trưởng Teodoro Locsin đã nêu với đại sứ Trung Quốc tại Philippines, Triệu Giám Hoa, về vấn đề tàu chiến Trung Quốc đi vào vùng biển Philippines mà không thông báo. Người đứng đầu ngành ngoại giao Philippines cũng bày tỏ mong muốn tổng thống Rodrigo Duterte sẽ nêu vấn đề này với chủ tịch Tập Cận Bình trong chuyến công du Trung Quốc dự kiến sẽ diễn ra vào cuối tháng này.

Quay lại trang chủ
Read 567 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)