Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

02/09/2019

Trước đe dọa của Trung Quốc, ASEAN đang ngiêng về phía Mỹ

Tổng hợp

Tập trận chung với Mỹ : ASEAN muốn gửi một tín hiệu cho Bắc Kinh (RFI, 02/09/2019)

Ngày 02/09/2019, Hải Quân Mỹ và 10 nước thành viên khối Đông Nam Á tiến hành một cuộc tập trận hải quân chung. Theo giới quan sát, nếu như quy mô cuộc tập trận không làm cho Trung Quốc quan ngại, thì chiến dịch hải quân này có thể được xem như là một tín hiệu chính trị mà ASEAN muốn gởi đến Bắc Kinh trong hồ sơ Biển Đông.

asean1

Hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ USS Carl Vinson hoạt động tại Biển Đông. Ảnh chụp ngày 14/02/2018AYEE MACARAIG / AFP

Đây là lần đầu tiên toàn bộ 10 quốc gia thành viên tham gia cuộc tập trận hải quân chung với Hoa Kỳ, kể cả quân đội Miến đang hứng chịu các lệnh trừng phạt của Mỹ. Đặc biệt, hoạt động quân sự này diễn ra sau một đợt tập trận hải quân chung giữa Trung Quốc với ASEAN được tổ chức vào cuối tháng 8/2019.

Chuyên gia Collin Koh, thuộc Nanyang Technological University tại Singapore, trên tờ South China Morning Post, lưu ý, việc diễn giải cuộc tập trận này như là một động thái ngả theo Mỹ của ASEAN để cản đường Trung Quốc sẽ là một sai lầm. ASEAN tiến hành diễn tập hải quân chung với cả hai cường quốc và chiến lược này đã có từ lâu : Chơi với cả Hai, chứ không chỉ với một cường quốc nào đó.

Trước hết, ông Collin Koh ghi nhận quy mô cuộc tập trận Mỹ - ASEAN lần này không làm cho các nhà hoạch định chiến lược Trung Quốc phải lo ngại. Trên thực tế, Bắc Kinh đã quá quen thuộc với các cuộc tập trận đa phương giữa Mỹ với các nước thành viên khối ASEAN.

Hơn nữa, xét về sự chênh lệch về năng lực quân sự và nhất là hải quân cũng như là những nhạy cảm chính trị có liên quan, một số nước trong khối ASEAN không muốn để Bắc Kinh hiểu lầm rằng những nước này tham gia vào kế hoạch kềm hãm Trung Quốc do Mỹ dẫn đầu.

Thế nhưng, chính cách hành xử của cường quốc Châu Á trong việc xử lý các tranh chấp tại Biển Đông và nhất là trong việc thiết lập Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông COC đã khiến những nước này lo ngại. Do vậy, theo quan điểm của ông Collin Koh, hoạt động quân sự này nên được hiểu đó là một tín hiệu chính trị nhắm tới Trung Quốc.

Chính việc Trung Quốc muốn đưa điều khoản sau đây trong văn bản dự thảo COC đã khiến nhiều nước bất bình. Theo đó, "các bên có liên quan không nên tham gia các hoạt động quân sự chung với các nước bên ngoài khu vực, trừ phi các bên có liên quan được thông báo trước và cho biết không phản đối".

Điều khoản này có tác động đến vấn đề chủ quyền, liên quan đến quyền được chọn đối tác và thời điểm tiến hành tập trận chung. Những chiến dịch này có một tầm quan trọng đối với các nước ASEAN trong việc xây dựng các năng lực chung để đối phó với các thách thức an ninh ngày càng lớn.

Dù cuộc tập trận lần này chỉ là một hành động mang tính biểu tượng, nhưng cũng đủ khẳng định chiến lược của ASEAN : "Chơi với cả Trung Quốc và Mỹ", không nghiêng về bên nào trong việc kiến tạo an ninh khu vực. Đối với ASEAN, về lâu dài, chiến lược này còn nhắm tới việc mở rộng quan hệ hơn nữa với nhiều cường quốc khác.

Minh Anh

********************

Hải quân Mỹ và ASEAN khai màn cuộc tập trận chung chưa từng có (RFI, 02/09/2019)

Hoa Kỳ và 10 nước Đông Nam Á hôm 02/09/2019 bắt đầu cuộc tập trận chung hải quân chưa từng có. Hoạt động quân sự này diễn ra trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc đang ra sức tranh giành ảnh hưởng trong khu vực.

asean2

Tàu chiến Mỹ USS William P. Lawrence (DDG 110) tham gia một cuộc tập trận ở Thái Bình Dương, ngày 23/06/2018U.S. Navy photo by Mass Communication Specialist 2nd Class Jess

Theo AFP, cuộc tập trận huy động 8 tầu chiến, 4 chiến đấu cơ và hơn 1.000 binh sĩ. Thông cáo của đại sứ quán Mỹ tại Bangkok nêu rõ hoạt động này diễn ra trong vòng 5 ngày tại "vịnh Thái Lan và trên Biển Đông".

Phó đô đốc Phil Sawyer, chỉ huy hạm đội 7 của Mỹ, tuyên bố : "Các bài diễn tập sẽ cho phép các bên tham gia cùng hợp tác về những ưu tiên chung trên phương diện an ninh hàng hải trong khu vực".

Miến Điện cũng tham gia tập trận cho dù Hoa Kỳ đã ban hành lệnh trừng phạt nhiều quan chức quân đội nước này bị cáo buộc tiến hành "thanh trừng sắc tộc" nhắm vào cộng đồng thiểu số Hồi giáo Rohingya.

Hồi tháng 08/2019, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, khi tham gia một cuộc họp với 10 nước thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã giới thiệu chiến lược "Ấn Độ - Thái Bình Dương" của tổng thống Donald Trump. Một chiến lược được cho là nhằm đối đầu với những thách thức từ Trung Quốc, trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung không ngừng gia tăng.

Vẫn theo AFP, hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới này còn đối đầu nhau tại vùng Biển Đông, khu vực được cho là giầu nguồn tài nguyên khoáng sản và đang có những tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc với các nước láng giềng như Việt Nam, Philippines, Malaysia hay Brunei.

Hoa Kỳ coi việc Trung Quốc xây dựng các đảo nhân tạo tại vùng huyết mạch lưu thông hàng hải này là một mối đe dọa cho an ninh khu vực. Và hải quân Mỹ thường xuyên tiến hành các chiến dịch mang tên "Tự do lưu thông" để thách thức Bắc Kinh.

Minh Anh

*****************

Việt Nam điều tàu hộ vệ 18 dự tập trận chung Mỹ ASEAN (RFA, 02/09/2019)

Tàu hộ vệ 18 của Hải quân Việt Nam đã rời cảng vào trưa ngày 1/9 để bắt đầu chính thức tham gia cuộc tập trận chung lần đầu tiên giữa Mỹ và ASEAN diễn ra từ ngày 2 đến 6 tháng 9 tới đây ở khu vực Vịnh Thái Lan và vùng biển phía Nam mũi Cà Mau. Truyền thông trong nước loan tin này hôm 2/9.

asean3

Tàu hộ vệ săn ngầm 18 của Hải quân Việt Nam -Courtesy of kienthuc.net.vn

Tàu hộ vệ 18 là tàu săn tàu ngầm lớp Pohang do Nam Hàn tặng Việt Nam vào năm ngoái.

Trong cuộc diễn tập lần này, tàu 18 của Việt Nam nằm trong tốp chiến thuật 3, tham gia hoạt động huấn luyện trinh sát trên biển, nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu, thực hiện hành quân đêm và cảnh giới cho các tàu nước khác thực hiện khoa mục kiểm tra tàu nghi vấn.

Tham gia diễn tập lần này có 6 tàu của hải quân các nước ASEAN và 2 tàu của hải quân Hoa Kỳ, cùng máy bay tuần thám của hải quân Thái Lan và Mỹ.

Thông báo của Hải quân Mỹ cho biết Hoa Kỳ sẽ điều máy bay trực thăng MH-60 và máy bay P-8 Poseidon tham gia cuộc diễn tập. Máy bay P-8 Poseidon là máy bay tuần thám đã thực hiện các chuyến bay qua khu vực Biển Đông bao gồm cả những vùng đang tranh chấp mà Trung Quốc đã xây lấp và biến thành căn cứ quân sự.

Tập trận chung Mỹ ASEAN lần đầu tiên được Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis đề xuất tại cuộc họp với 10 nước ASEAN ở Philippines năm 2017, và cuối cùng được chuẩn thuận vào năm ngoái.

Vào tháng 10 năm ngoái, Việt Nam cũng gửi tàu hộ vệ Trần Hưng Đạo 015 đến cuộc tập trận chung kéo dài năm ngày giữa Trung Quốc và ASEAN ở Trạm Giang, tỉnh Quảng Đông.

Cuộc tập trận chung giữa Mỹ và ASEAN lần này diễn ra vào lúc Việt Nam và Trung Quốc đang có căng thẳng ở Biển Đông khi Trung Quốc điều tàu khảo sát và hải cảnh vào sâu trong vùng nước của Việt Nam, quấy nhiễu hoạt đông khai thác dầu khí.

New York Times trích lời ông Luc Anh Tuan, một chuyên gia thuộc Đại học New South Wales ở Australia nhận định Hà Nội sẽ tìm cách làm nhẹ tầm quan trọng của cuộc tập trận giống như các nước ASEAN khác vì không muốn tạo suy nghĩ là Hà Nội muốn liên minh với các nước khác chống lại Trung Quốc.

New York Times cho biết Bộ Ngoại giao Việt Nam đã xác nhận về cuộc tập trận bằng email vào tuần trước nhưng không trả lời các câu hỏi khác có liên quan.

Quay lại trang chủ
Read 452 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)