Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

25/09/2019

Tương lai nào cho khu vực hạ lưu sông Mekong ?

Tổng hợp

Đập thượng nguồn, nước biển và khí hậu gây hại cho sông Mekong (BBC, 25/09/2019)

Ba thách thức lớn cho Việt Nam về sông Mekong

Tình trạng sạt lở, lún sụt ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long ngày một trầm trọng, và chính quyền nhiều khu vực ven sông hay sát biển phải có các biện pháp khẩn cấp để đối phó.

satlo1

Sông Cửu Long sạt lở, gây tác hại nghiêm trọng

Các tỉnh Long An, An Giang, Đồng Tháp, Bến Tre, Sóc Trăng và Cà Mau gần đây công bố tình trạng khẩn cấp hoặc che chắn các đoạn dài dọc sông Cửu Long do sạt lở, truyền thông Việt Nam đưa tin.

Ngoài biến đổi khí hậu, một nguyên nhân chính dẫn đến sạt lở là việc xây đập ở thượng nguồn tại Trung Quốc, Lào và Campuchia, ngăn trầm tích chảy xuống vùng hạ lưu.

Các vấn đề trên, cũng như tình trạng nước biển dâng gây ngập mặn và nạo vét lòng sông quá mức là những thách thức lớn cho Việt Nam, phóng viên về môi trường của BBC World Service nói.

Thách thức lớn cho các nước ở đồng bằng sông Cửu Long

Sông Mekong, có chiều dài 4.350 km, chảy từ cao nguyên Tây Tạng của Trung Quốc qua biên giới các nước Myanmar, Lào, Thài Lan, Campuchia và cuối cùng là Việt Nam, nơi dòng sông còn được gọi là Cửu Long.

Đồng bằng sông Mekong là khu vực trồng lúa và cũng là nơi có nghề cá lớn trên thế giới.

Trầm tích sông Mekong, vốn rất cần thiết để kiểm soát dòng chảy của sông, bị mất mát rất nhiều do nhu cầu khai thác cát không suy giảm, và một ngành công nghiệp khai thác cát không được quản lý chặt chẽ.

"Cũng như khu vực sông Nile ở Châu Phi hay sông Hằng ở Ấn Độ, khu vực sông Mekong hiện nay gặp ba vấn đề nghiêm trọng". phóng viên môi trường của BBC World Service Navin Singh Khadka bình luận.

"Thứ nhất, chuyện xây đập ở thượng nguồn sông Mekong và những gì đang diễn ra ở Trung Quốc, Thái Lan, Lào tiếp tục xây dựng ảnh hưởng đến hạ nguồn.

"Thứ hai, vấn đề nằm ở chỗ những gì đang diễn ra ngay ở Việt Nam. Nước biển dâng lên gây ngập mặn, tác động đến các đô thị ven biển cũng như các khu rừng ngập mặn. Ngay tại sông Mekong còn có một vấn đề nữa là nạo vét lòng sông lấy cát để xây cất hay làm các công trình xây dựng khác nhau".

"Ngoài ra thứ ba, chúng ta có vấn đề biến đổi khí hậu cũng rất nghiêm trọng đối với toàn vùng".

satlo2

Sông Mekong là khu vực trồng lúa và cũng là nơi có nghề cá lớn trên thế giới

"Với Việt Nam, mọi chuyện rất khó"

Tình trạng sạt lở ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long xảy ra hàng năm và không có xu hướng cải thiện.

Chỉ riêng tỉnh Cà Mau, hiện có hơn 25km cửa biển, bờ biển và hơn 1,2km bờ sông sạt lở cần khẩn cấp xử lý. Trong khi đó, tỉnh Long An vừa công bố tình trạng khẩn cấp với khu vực bờ sông có chiều dài 2,4km.

Là nước cuối cùng nằm ở hạ nguồn sông Mekong, Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề trước tất cả những gì xảy ra ở thượng nguồn, chẳng hạn Trung Quốc xây đập hay đổi dòng chảy, nhà báo BBC Navin Singh Khadka nói.

Ngoài ra, sông Mekong ở Việt Nam chảy ra biển, và khi nước biển dâng lên, và các đợt bão lớn, rừng ngập mặn đã dần dần biến mất, ông nói thêm.

"Việt Nam phải chịu cả hai vấn đề này và hậu quả là chúng ta thấy trong những năm qua đã xảy ra tình trạng di dân.

"Chỉ trong 10 năm qua, theo số liệu của chính phủ Việt Nam đưa ra, có tới ít nhất 2 triệu người sẽ phải di dời khỏi nơi sinh sống của họ do những tình trạng nói trên", ông Singh Khadka nói.

satlo3

Cuộc sống của người dân các khu vực bên sông Mekong chịu ảnh hưởng nặng nề (hình minh họa)

Bình luận về một giải pháp cho Việt Nam, nhà báo chuyên viết về môi trường của BBC cho rằng "mọi chuyện rất khó vì các nước thượng nguồn đều có mục tiêu chính trị kinh tế của họ".

"Ngoài ra một vấn đề khác mà các nước Châu Á đang gặp phải là nguồn điện từ than đá hiện vẫn đang sử dụng ở mức rất cao. Trong bối cảnh trên thế giới lại có yêu cầu giảm bớt khí thải từ điện than, thì các quốc gia có thể bù lại bằng điện mặt trời. Ở Thái Lan đã có dự án như vậy. Nhưng Lào vẫn muốn là một nước sản xuất thủy điện, là 'ác quy của Châu Á'.

Tuy nhiên ông nói ông cũng "có chút hy vọng" vì đã có một số sáng kiến ở khu vực Châu Á xem xét về tác động trên sông Mekong, chẳng hạn như sáng kiến Lan Thương - Mekong xanh ở Côn Minh, Trung Quốc.

satlo4

Ngoại trưởng các nước tại cuộc họp Sáng kiến Hạ lưu sông Mekong tổ chức tại Thái Lan tháng 8/2019

Một số ý kiến khác tỏ ý nghi ngờ sự chân thành của Trung Quốc trong các sáng kiến này.

Niwat Roykaew, đồng sáng lập tổ chức bảo tồn Chiang Khong (Thái Lan) và Mạng lưới người Thái thuộc 8 tỉnh Mekong, viết trên Bangkok Post hôm 19/7 :

"Xin hãy hiểu rõ. Các cộng đồng địa phương sông Mekong không hưởng lợi gì từ các đập nước Lan Thương. Trước khi chúng xuất hiện, nước sông Mekong lên xuống theo mùa. Thay đổi dòng chảy theo mùa của sông Mekong và hệ sinh thái giàu có và sản lượng có liên hệ khăng khít. Nguồn tài nguyên phong phú của dòng sông hỗ trợ cho đời sống và là nguồn sống của con người....

Nhưng thủy điện Lan Thương đã thay đổi tất cả... Sông Mekong không còn lên xuống theo mùa hoặc thời tiết. Thay vào đó nó chủ yếu lệ thuộc vào thời điểm khi nào các đập thủy điện xả nước. Hậu quả là mực nước lên xuống bất thường - không những chỉ theo mùa mà còn thay đổi hàng ngày - để lại những hậu quả hết sức nghiêm trọng".

*******************

Liệu phát triển nuôi trồng thủy sản quy mô công nghiệp tại Đồng bằng sông Cửu Long có hiệu quả ? (RFA, 23/09/2019)

Ông Nguyễn Văn Tâm giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang cho biết, tỉnh có kế hoạch riêng cho các khu vực vực nuôi trồng thủy sản biển ở các huyện Phú Quốc, Kiên Hải và Kiên Lương, Hà Tiên, Long Xuyên và U Minh Thượng. Việc nuôi trồng các loại thủy sản biển chủ yếu là cá biển kết hợp với dịch vụ thủy sản và du lịch.

satlo5

Khu vực nuôi tôm tại Đồng bằng sông Cửu Long.(Ảnh minh họa) AFP

Cũng theo ông Tâm hiện nay việc nuôi trồng thủy sản biển của tỉnh này có tiềm năng cao nhưng quy mô nhỏ và cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng đủ điều kiện. Hầu hết các nhà nuôi trồng thủy sản là các hộ dân sử dụng cá nhỏ để nuôi cá biển gây ra nhiều rủi ro và ô nhiễm khiến phát triển không bền vững.

Ngoài ra, tỉnh Kiên Giang còn dự kiến sẽ phát triển nuôi tôm với quy mô công nghiệp trong những năm tới với hơn 12.000 hecta (ha). Nhiều doanh nghiệp thủy sản dự kiến sẽ đầu tư sản xuất hàng loạt với hơn 10.000ha trạng trại, hơn 2000ha khu dân cư cùng với 500ha khu vực để chế biến.

Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, chuyên gia môi trường và tài nguyên, hiện đang làm việc tại Viện Nghiên cứu bến đổi khí hậu của Đại học Cần Thơ cho rằng, tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long không chỉ riêng tỉnh Kiên Giang mà những vùng sản xuất lúa không đạt hiệu quả nữa do tác động biến đổi khí hậu và tình trạng nước biển dâng nên họ dân chuyển sang mô hình canh tác nuôi trồng thủy sản và đặc biệt là nuôi tôm nước lợ và nước mặn.

Tiến sĩ cho rằng đó là xu thế dần chuyển đổi tại Đồng bằng sông Cửu Long, tuy nhiên quy mô không hoàn toàn lớn. "…Những cái Kiên Giang nói cũng chỉ là dự kiến thôi chứ chưa thực hiện vì muốn làm cái này đầu tư khá nhiều tiền, như chuyển đổi trồng lúa sang ao nuôi tôm thì kinh phí bỏ ra khá lớn, người nông dân biết kỹ thuật nuôi tôm và các điều kiện khác vì người nuôi tôm mặc dù lợi hơn người trồng lúa rất là nhiều nhưng rủi ro của nó thì cũng rất là lớn. Cái này có chỗ thành công và nơi không nhưng tương lai sẽ chuyển dần sang dạng này nhưng việc chuyển bằng cách nào để bảo đảm môi trường, duy trì sinh kế bền vững cho người nông dân thì đó là bài toán mà các nhà khoa học, quản lý, doanh nghiệp phải làm việc chung với người nông dân để hỗ trợ cho họ...".

Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn nhận định rằng, trong khoảng 5 năm gần đây thì tốc độ nuôi trồng thủy sản tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tăng lên một cách đáng kể nhưng đến nay thì tình trạng khai thác ngày một giảm đi nhiều.

"…sinh kế của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long là khai thác cá thì ngày càng giảm, ngay cả trên thượng nguồn việc khai thác cá nước ngọt cũng bị giảm đáng kể, nước sông Mekong về ít hơn nên các công trình tích nước trên thượng nguồn, quá trình thâm canh sản xuất lúa làm cho trữ lượng cá, tôm đều giảm. Ngoài biển phù sa về giảm, biến đổi khí hậu và quan trọng là quá trình đánh bắt của chúng ta chưa bảo vệ được đa dạng sinh học, có những phương pháp đánh bắt tận diệt, không có mùa vụ dành cho cá tôm sinh sản trở lại nên sản lượng ngoài khơi giảm rất nhiều. Trong thủy sản nuôi trồng ngày càng tăng nhưng việc đánh bắt ngày càng giảm, những ngư dân xưa nay đi đánh bắt thì giờ không có việc làm thu nhập ven biển ngày càng xuống nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng tăng…".

Ngoài ra, tiến sĩ Đặng Kim Sơn còn cho biết, có thể thực hiện ba bước nuôi trồng thủy sản, một là trong bờ nuôi trồng thủy sản nước ngọt gồm nuôi tôm, nuôi cá cùng với lúa, khu vực ven biển thì tôm, cá, ngêu sò cả ven lẫn bờ và một hình thức nuôi trồng mới là trên biển.

"Thứ nhất là gần các hòn đảo rồi dần ra ngoài khơi hơn, nhiều biện pháp tại một số nước ở Bắc Âu và Bắc Á cũng đang được Việt Nam dần tiếp thu. Việc nuôi trồng như thế có thể giúp cho người dân có thêm sinh kế để ổn định không đi đánh bắt làm tài nguyên cạn kiệt hơn nhưng tất nhiên muốn làm chuyện đó cần phải có kỹ thuật, vốn và một tổ chức rất tốt không những của nhà nước mà của cộng đồng nữa".

satlo6

Ảnh minh họa. AFP

Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long từ trước đến nay được xem là vựa lúa lớn nhất của Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều tác động bất lợi khiến việc trồng lúa của người nông dân không còn như trước nữa. Nhiều biện pháp hỗ trợ, nhiều phương án thay đổi mô hình hoặc kết hợp được đưa ra để giải quyết tình trạng thất thu từ cây lúa.

Tuy nhiên mối tương quan giữa việc nuôi trồng thủy sản và trồng lúa gạo, cây ăn quả mang đến hiệu quả cho người nông dân như thế nào vẫn còn là bài toán khó.

Tiến sĩ Lê Anh Tuấn nhận định rằng hơi khó để so sánh "…vì thật ra chúng tôi vẫn đang theo dõi mô hình này, trồng lúa thì nó không làm cho người nông dân khá lên được vẫn nghèo, trồng lúa kết hợp với cây ăn trái thì nó không giàu nhưng dù sao nó sẽ ít rủi ro hơn, còn nuôi tôm thì mau giàu, trúng vào ba vụ là người nông dân giàu lên liền và rủi ro dẫn đến phá sản cũng rất cao chỉ cần một trận dịch…".

Ngoài ra, tiến sĩ Tuấn khẳng định với chúng tôi rằng ông không ủng hộ việc duy trì diện tích trồng lúa cũng như việc nuôi tôm quy mô công nghiệp mà ông ủng hộ mô hình kết hợp hài hòa xen kẻ giữa hai loại này được gọi là "Lúa- Tôm", Tiến sĩ giải thích

"Khi mùa mưa nước ngọt dồi dào thì người dân trồng lúa thì trồng một vụ lúa thôi, khi thu hoạch lúa xong rồi gốc rạ để lại trong ruộng lúa, khi hết mưa thì nước mặn từ từ vô và thả tôm xuống, tôm ăn gốc rạ và chất thải của tôm sẽ trở thành phân bón lúa cho mùa tiếp theo. Thì mua hình này tương đối phù hợp với tình hình khí hậu hiện nay".

Tiến sĩ Tuấn thừa nhận mô hình này được triển khai cũng khá rộng tại các tỉnh thành như Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh và một số nơi tại Kiên Giang cũng đang thử mô hình này và được sự đón nhận của người nông dân. Tuy nhiên, họ (người nông dân –pv) cần thời gian để chuyển đổi từ từ vì họ đã quen làm lúa giờ nuôi tôm đầu tư quá nhiều rất dễ bị sốc một số vấn đề.

Đồng ý với mô hình này, tiến sĩ Đặng Kim Sơn nhận định, mô hình này đang được phát triển khá nhanh và được xem là phù hợp với người nông dân.

"Tôi nghĩ cần phải có một quy hoạch rất là rõ ràng vì hệ thống thủy lợi nó phải rất là rành mạch, trồng lúa là ngăn mặn dẫn ngọt về, nuôi tôm thì nước vào nước ra phải có tỉ lệ nước lợ nhất định. Đây là lúc các tỉnh thành cần làm rất rõ trong quá trình nước biển dâng thì từng bước thay đổi kiến trúc đồng ruộng như thế nào. Thứ hai là hệ thống nuôi tôm cần cung cấp rất nhiều điện mà hiện nay các tỉnh chưa có tiêu chuẩn vấn đề đó, thủy điện tập trung các vùng nước ngọt để cho các sinh kế khác chứ không ven biển".

Theo tiến sĩ Đặng Kim Sơn, chuyển đổi mô hình nuôi trồng thủy sản quy mô công nghiệp cần phải có hệ thống máy móc, thiết bị, vật tư khá nhiều, giao thông vận tải phải tăng lên, còn chưa kể đến các nhà máy chế biến và tiêu thụ nông sản đầu ra, cơ sở hạ tầng và điều kiện sản xuất phải được thay đổi nhưng để có được hậu cần đầy đủ cho việc chuyển biến sản xuất lớn lao như vậy thì cần một thời gian và quyết tâm thật sự đồng bộ giữa chính quyền và người nông dân.

Quay lại trang chủ
Read 365 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)