Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

24/10/2019

Bắc Kinh tìm cách cứu nguy Ban lãnh đạo Hồng Kông

RFI tiếng Việt

"Khủng bố trắng", vũ khí để Bắc Kinh bịt miệng những người đòi dân chủ Hồng Kông (RFI, 24/10/2019)

Từ cuối tháng 8/2019, đã có ít nhất 8 nhà đấu tranh vì dân chủ Hồng Kông bị những toán người lạ mặt tấn công.

cuunguy1

Người biểu tình Hồng Kông phản đối sau khi bị cảnh sát xịt hơi cay, ngày 20/10/2019. Reuters/Kim Kyung-Hoon

Trong số các nhà đấu tranh này, có một vài gương mặt hàng đầu của phong trào phản kháng tại Hồng Kông như Sầm Tử Kiệt (Jimmy Sham), phát ngôn viên của phong trào mang tên Mặt Trận Dân Sự Nhân Quyền, Hà Hồng (Stanley Ho), 35 tuổi, một trong những ứng cử viên có lập trường chống Bắc Kinh, người sẽ ra tranh cử hội đồng lập pháp vào năm 2020. Một người bị trọng thương và phải nhập viện vì bị một "nhóm lạ mặt dùng búa tấn công", một người bị đánh gẫy tay.

Các băng đảng tấn công cũng không tha cho những người trẻ tuổi, như Trịnh Gia Lãng (Isaac Cheng), phó chủ tịch đảng dân chủ Demosisto. Đầu tháng 9/2019, anh đã bị ba người đàn ông tấn công ngay gần nhà sau khi kêu gọi sinh viên bãi khóa.

Trả lời hãng tin AFP, ông Hà Hồng giải thích có hai lý do khiến ông bị đánh hồi tháng trước : việc ông ra tranh cử và quan điểm của ông về phong trào biểu tình Hồng Kông hiện nay.

Nhân vật này không vòng vo, cho rằng "một số nhân vật có quyền lực đã cộng tác với các băng đảng tội phạm, tiến hành chiến dịch Khủng bố trắng", với chủ đích hù dọa các ứng cử viên, đồng thời bắt cử tri phải cân nhắc kỹ lưỡng để lựa chọn.

Khi nói tới Khủng bố trắng, ông Hà Hồng và người biểu tình Hồng Kông ám chỉ đến đợt đàn áp tại Đài Loan dưới thời Quốc Dân Đảng vào đầu thập niên 1950. Khi đó Tưởng Giới Thạch dùng lá bài này để tiêu diệt mọi mầm mống phản loạn, không ít các tầng lớp tinh hoa ở Đài Loan đã bị hãm hại.

Khủng hoảng tại Hồng Kông kéo dài trong 5 tháng vừa qua, các cuộc tuần hành đòi dân chủ diễn ra gần như hàng ngày và cường độ gia tăng vào mỗi dịp cuối tuần. Kịch bản gần như không thay đổi. Lúc đầu là các cuộc tuần hành ôn hòa, nhưng càng về khuya, các cuộc đụng độ với lực lượng cảnh sát, cũng như giữa hai phe dân chủ và thân Bắc Kinh ngày càng thô bạo. Các nhóm người biểu tình cực đoan nhất thường lao vào đập phá các cửa hàng, các trạm xe metro... Đáp lại, cảnh sát dùng vòi rồng, hơi cay giải tán đám đông, dùng dùi cui đánh đập người biểu tình.

Điều khiến giới quan sát lo ngại là ngày càng có nhiều nhân vật trong hàng ngũ đối lập Hồng Kông bị những kẻ lạ mặt hành hung. Các toán người này ra tay một cách "bài bản". Mùa hè vừa qua, một đoạn video còn cho thấy một dân biểu thân Bắc Kinh thân thiện với các nhóm xã hội đen tấn công đánh đập người biểu tình.

Chiến dịch mà phe dân chủ Hồng Kông gọi là Khủng bố trắng thể hiện bằng nhiều cách. Ngoài các vụ hành hung như trên, thì còn phải kể đến các màn bắt bớ tùy tiện, như trường hợp từng xảy ra với lãnh đạo phong trào Dù Vàng, Hoàng Chi Phong (Joshua Wong). Cuối tháng 8/2019, Hoàng Chi Phong đã bị câu lưu trong vài giờ đồng hồ cùng với cô Chu Đình, chủ tịch đảng Demosisto. Cả hai cùng bị chụp mũ "kích động quần chúng biểu tình bất hợp pháp".

Ngoài ra, cũng trong thời gian vừa qua, đã có ít nhất ba nghị viên Hồng Kông thuộc phe dân chủ bị sách nhiễu, câu lưu hay hù dọa ... vì bày tỏ lập trường ủng hộ người biểu tình. Sáng lập viên đảng HKNP, Trần Hạo Thiên (Andy Chan), với chủ trương đòi Hồng Kông tách rời khỏi Hoa Lục, hồi tháng 8/2019 đã bị câu lưu khi chuẩn bị đáp máy bay sang Nhật Bản vận động. Nhân vật này bị tình nghi tham gia vào một vụ tấn công cảnh sát Hồng Kông.

Mặt trận thứ ba trong chiến dịch Khủng bố trắng của Trung Quốc nhắm vào phong trào dân chủ Hồng Kông thể hiện trong lĩnh vực kinh tế. Điển hình là vụ một lãnh đạo tập đoàn hàng không Cathay Pacific bị cách chức. Ngày 10/08/2019, hàng trăm doanh nhân Hồng Kông được mời đến Thâm Quyến để bày tỏ sự trung thành với chế độ, với chính quyền của bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga và quyết tâm tái lập trật tự an ninh tại đặc khu hành chính này. Ngay cả các tập đoàn đa quốc gia cũng đã ra chỉ thị cho nhân viên "kín đáo" trên vấn đề Hồng Kông.

Trước mắt, phe dân chủ Hồng Kông một mặt quyết tâm bảo vệ mô hình "một quốc gia hai chế độ", nhưng đồng thời cũng ý thức được là họ đang bất lực trước gọng kềm của Bắc Kinh. Người thì nói tới tình thế "trứng chọi đá". Một ứng cử viên cấp thành phố, Janelle Lương, 25 tuổi, nói với phóng viên AFP là cô chỉ biết đề cao cảnh giác, tránh ra đường một mình, nhưng không có sự lựa chọn nào khác. Một cựu lãnh đạo phong trào sinh viên Hồng Kông Davin Vương thì đã tìm đường ra nước ngoài sinh sống. Đại đa số còn lại chủ trương "can trường chiến đấu", không để các đòn hù dọa dưới mọi hình thức chi phối cuộc đấu tranh của họ.

Thanh Hà

******************

Báo Anh : Bắc Kinh cân nhắc việc thay thế trưởng đặc khu Hồng Kông (RFI, 23/10/2019)

Bắc Kinh có thể đang xem xét việc thay thế trưởng đặc khu Hồng Kông, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam). Reuters và AFP hôm nay 23/10/2019 dẫn tin từ Financial Times cho biết như trên. Tuy nhiên ngoại trưởng Trung Quốc nói rằng đó chỉ là tin đồn.

hongkong1

Lãnh đạo đặc khu, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam), tới trụ sở nghị viện Hồng Kông, Trung Quốc, ngày 17/10/2019 - Reuters/Kim Kyung-Hoon

Tờ báo Anh dựa theo một số nguồn thạo tin nói rằng đang có việc bàn bạc trong nội bộ chính quyền trung ương, để soạn thảo ra một kế hoạch thay thế bà Lâm bằng một "quyền trưởng đặc khu". Nhưng cũng theo các nguồn tin trên, tất cả còn tùy thuộc vào tình hình tại chỗ. Nếu trật tự quay trở lại, thì Bắc Kinh mới ra lệnh cho bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga ra đi, để không tạo cảm giác là nhường bước trước đòi hỏi của người biểu tình.

Trong trường hợp ông Tập Cận Bình chấp nhận việc thay thế bà Lâm, mà nhiệm kỳ còn kéo dài đến năm 2022, tân trưởng đặc khu sẽ nhậm chức vào tháng Ba sang năm. Những khuôn mặt ứng viên đang được cân nhắc là ông Trần Đức Lâm (Norman Chan), cựu chủ tịch cơ quan quản lý tiền tệ Hồng Kông và ông Đường Anh Niên (Henry Tang), cựu chánh văn phòng chính quyền Hồng Kông, đối thủ của ông Lương Chấn Anh trong cuộc bầu cử năm 2012.

Việc bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga phải ra đi là một trong năm yêu sách chính của phong trào phản kháng ở Hồng Kông : hủy bỏ dự luật dẫn độ, bà Lâm từ chức, điều tra về bạo lực cảnh sát, phổ thông đầu phiếu và trả tự do cho những người biểu tình bị bắt.

Nghị Viện Hồng Kông đã chính thức rút lại dự luật dẫn độ vào hôm nay, còn bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga vẫn là trung tâm chỉ trích của người phản kháng, nhất là sau khi ra lệnh cấm che mặt lúc biểu tình. Theo các thăm dò mới nhất, tỉ lệ ủng hộ bà chỉ khoảng 22%. Trong một băng ghi âm được Reuters tiết lộ vào tháng Chín, bà Lâm thổ lộ nếu được chọn lựa, thì bà sẽ từ chức.

Nhà phân tích chính trị Thành Danh (Dixon Sing) cho rằng kế hoạch thay thế bà Lâm được đưa ra quá trễ, khó thể tin rằng người dân Hồng Kông sẽ ngưng biểu tình. Ông Ben Bland, giám đốc dự án Đông Nam Á của Lowy Institute nhận định, vấn đề chính là các nhà lãnh đạo Hồng Kông không có được tính chính danh, vì họ do Bắc Kinh chọn lựa.

Thụy My

******************

Hồng Kông : Trung Quốc tẩy chay trận khai mạc giải bóng rổ Mỹ NBA (RFI, 23/10/2019)

Đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV sáng hôm nay, 23/10/2019 (theo giờ Bắc Kinh) đã không phát sóng trận đấu khai mạc của giải bóng rổ quốc gia Mỹ NBA. Đây là động thái trừng phạt mới nhất của Bắc Kinh nhắm vào Hiệp Hội Bóng Rổ Quốc Gia Mỹ sau vụ giám đốc điều hành của một câu lạc bộ Mỹ công khai lên tiếng ủng hộ phong trào phản kháng Hồng Kông.

hongkong2

Ảnh minh họa : NBA, một fan bóng rổ mặc áo phông với hàng chữ "Chiến đấu vì tự do. Sát cánh bên Hồng Kông" trước giờ khai mạc trận đấu trong giải NBA giữa câu lạc bộ Los Angeles Lakers và LA Clippers tại sân Staples Center, Los Angeles, ngày 22/10/2019 - Reuters/Kirby Lee-USA TODAY Sports/File Photo

Theo ghi nhận của hãng tin Anh Reuters, dù là cơ quan nắm giữ bản quyền truyền hình độc quyền giải đấu NBA tại Trung Quốc, CCTV đã không phát sóng trận đấu khai mạc giải năm nay giữa câu lạc bộ đương kim vô địch Toronto Raptors của Canada và câu lạc bộ New Orleans Pelicans của Mỹ. Ngoài ra, trận đấu thứ hai của giải NBA giữa hai đội Mỹ Los Angeles Lakers và Los Angeles Clippers cũng bị thay thế bằng Đại Hội Thể Thao Quân Sự Thế giới diễn ra ở Vũ Hán.

CCTV không nói thẳng về lý do không tiếp vận truyền hình các trận bóng rổ NBA, nhưng lịch phát sóng của kênh thể thao đài này không dự trù bất kỳ trận đấu NBA nào trong tuần này.

Hồi đầu tháng, đài truyền hình Nhà nước Trung Quốc cho biết là đã bắt đầu xét lại quan hệ với NBA sau vụ ông Daryl Morey, tổng giám đốc câu lạc bộ Houston Rockets đăng tin nhắn Twitter ủng hộ các cuộc biểu tình ở Hồng Kông.

Cho dù tin nhắn đã được xóa sau đó, CCTV cùng với các phương tiện truyền thông Nhà nước khác tại Trung Quốc đã cực lực đả kích ông Morey, tố cáo điều được cho là can thiệp của phương Tây nhằm gây bất ổn tại Hồng Kông và khuấy động tâm lý chống Trung Quốc.

Các đối tác Trung Quốc đã cắt đứt hoặc đình chỉ quan hệ với NBA hiệp hội bóng rổ Mỹ, những quyết định mà theo lãnh đạo hiệp hội là ông Adam Silver, đã gây ra thất thu tài chính đáng kể cho NBA.

Riêng hãng Tencent, nắm giữ bản quyền phát hình các trận bóng rổ NBA trên mạng internet Trung Quốc thì vẫn cho chiếu hai trận ngày hôm nay, nhưng trong chương trình dự trù, không có các trận của Houston Rockets.

Tại Bắc Mỹ, vấn đề Hồng Kông cũng tiếp tục khuấy động giải NBA. Nhân trận khai mạc giữa hai câu lạc bộ Toronto Raptors và New Orleans Pelicans, trên sân Toronto (Canada), những người ủng hộ dân chủ Hồng Kông đã tung chiến dịch phân phát cho khán giả hàng ngàn chiếc áo phông màu đen, biểu tượng của phong trào phản kháng Hồng Kông.

Theo Reuters, trong khi câu lạc bộ Raptors tặng cho đám đông dự đêm khai mạc chiếc áo phông có in biểu tượng của câu lạc bộ và hình nhẫn vô địch NBA màu vàng, thì áo phông mà người biểu tình phân phát có thông điệp - Phương Bắc sát cánh với Hồng Kông - The North Stand With Hong Kong màu vàng tươi trên nền đen. Từ ngữ The North lấy từ khẩu hiệu của câu lạc bộ Toronto Raptor "We, the North - Chúng tôi, người phương Bắc".

Một người đấu tranh ủng hộ Hồng Kông, đeo khẩu trang phẫu thuật màu đen và không muốn nêu tên, đã cho Reuters biết là nhóm của họ ở Toronto đã quyên góp được gần 34.000 đô la thông qua trang mạng GoFundMe để in ra 7.000 chiếc áo phông.

Trọng Nghĩa

Quay lại trang chủ
Read 462 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)