Bóng ma Thiên An Môn lởn vởn trên khu Đại học Bách khoa Hồng Kông (RFI, 19/11/2019)
Sau năm tháng dân Hồng Kông biểu tình ngày càng dữ dội chống lại chính quyền thân Bắc Kinh, chính quyền Trung Quốc vẫn chưa vãn hồi được trật tự tại đặc khu này. Cuộc đối đầu dữ dội chưa từng thấy giữa cảnh sát và sinh viên biểu tình bị bao vây trong khuôn viên trường Đại học Bách khoa đã khiến cho một số nhà quan sát lo ngại về khả năng xảy ra một chiến dịch đàn áp theo kiểu Thiên An Môn năm 1989
Một cảnh sát chống bạo động trước Đại học Bách khoa Hồng Kông ngày 19/11/2019.Reuters
Phải nói là trong những ngày gần đây, chế độ Bắc Kinh đã gia tăng đáng kể sức ép trên phong trào phản kháng tại Hồng Kông, mà mới đây nhất là tuyên bố vào hôm nay, 19/11/2019 của Quốc Hội Trung Quốc, bác bỏ phán quyết hôm qua của Tòa án Tối cao Hồng Kông cho rằng lệnh cấm đeo mặt nạ trong những cuộc biểu tình mà trưởng đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga đã ban hành là không hợp hiến.
Quyết định trên, kèm theo những cảnh báo càng lúc càng gay gắt, những bài xã luận không khoan nhượng của báo chí Trung Quốc, đã làm tăng đáng kể sức ép.
Bên cạnh đó, có hai động thái của quân đội Trung Quốc đồn trú tại Hồng Kông đã khiến giới quan sát lo ngại. Gần đây, Bắc Kinh đã loan báo thay phiên lực lượng đóng tại Hồng Kông, có nghĩa là đưa đơn vị mới đến thay cho các đơn vị cũ. Tuy nhiên, một số nguồn tin cho rằng lực lượng mới được điều đến nhưng lực lượng cũ không hề rời đi, mặc nhiên nhân đôi quân số Trung Quốc đóng tại Hồng Kông.
Và cuối tuần qua, trong một động thái hiếm hoi, lính Trung Quốc đã rời doanh trại ra dọn dẹp một số con đường. Điều đáng nói là trên áo thun một số người có ghi tên đơn vị của người lính là lực lượng đặc biệt chống khủng bố của quân đội Trung Quốc. Điều này đã khiến một số nhà quan sát nêu lên khả năng một chiến dịch quân sự đang được chuẩn bị.
Một dấu hiệu khác là trong một đoạn video được loan truyền trên mạng hôm 17/11 vừa qua, người ta thấy cảnh sát Hồng Kông tại khu Đại học Bách khoa nói rằng muốn thấy một vụ 64 tái diễn (64, hay lục tứ, là ám hiệu chỉ vụ thảm sát Thiên An Môn).
Trước diễn biến tình hình càng lúc càng bế tắc và xấu đi tại Hồng Kông, tâm lý bi quan trước khả năng một vụ đàn áp kiểu Thiên An Môn tại Hồng Kông ngày càng lộ rõ, đặc biệt trong giới ly khai.
Trả lời báo Pháp hôm 08/11 vừa qua, nhà văn Liêu Diệc Vũ (Liao Yi Wu), đang lưu vong tại Đức, đã lo ngại rằng "Một Thiên An Môn thứ hai đang được chuẩn bị tại Hồng Kông".
Trước đó, trả lời phỏng vấn ngày 15/08 của AFP, nghệ sĩ Ngải Vị Vị, đang sống ở Berlin, cũng dự đoán một vụ đàn áp dữ dội phong trào phản kháng tại Hồng Kông theo kịch bản Thiên An Môn. Lý do, theo nhân vật bất đồng chính kiến nổi tiếng này, đó là vì một chế độ độc đoán như Trung Quốc "không hề biết đối thoại hay tranh luận là gì".
Về phía các chuyên gia phương Tây, nhận định chung cho đến gần đây đều cho rằng Bắc Kinh sẽ không đưa quân dẹp phong trào phản kháng để khỏi làm sứt mẻ hình ảnh mà họ đã cố gắng tổ điểm lại từ sau vụ Thiên An Môn.
Mặt khác, Trung Quốc cũng không muốn thêm củi lửa cho phương Tây, đặc biệt là Mỹ đang dùng lá bài Hồng Kông để công kích Bắc Kinh. Quốc Hội Mỹ từng đe dọa xóa bỏ các ưu đãi dành cho Hồng Kông nếu quân đội Trung Quốc can thiệp để khôi phục trật tự.
Dẫu sao thì, theo nhận định của hãng tin Pháp AFP hôm nay, bóng ma của cuộc đàn áp đẫm máu trên quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh nhắm vào những người biểu tình ủng hộ dân chủ năm 1989 vẫn gây ám ảnh tại Hồng Kông.
Trang thông tin chuyên biệt SinoInsider ghi nhận : "Vào lúc những người trẻ biểu tình chìm trong nỗi tuyệt vọng và cảnh sát Hồng Kông lại sẵn sàng hơn trong việc sử dụng vũ khí sát thương, khả năng tái diễn thảm kịch Thiên An Môn hoàn toàn có thật".
Trọng Nghĩa
******************
Mỹ : Trung Quốc phải giữ cam kết về các quyền tự do cho Hong Kong (VOA, 19/11/2019)
Hoa Kỳ hết sức quan ngại về tình hình bất ổn chính trị và bạo động ngày càng nghiêm trọng tại Hong Kong, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố hôm 18/11 và kêu gọi chính quyền Hong Kong có biện pháp rõ ràng giải quyết quan ngại của công chúng.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo phát biểu về vấn đề Hong Kong tại cuộc họp báo ở Bộ Ngoại giao
Ông Pompeo cũng nói thêm rằng đảng cộng sản Trung Quốc phải tôn trọng cam kết của mình đối với người dân Hong Kong về các quyền tự do.
"Chính quyền Hong Kong có trách nhiệm chính phải mang lại yên bình cho Hong Kong", ông Pompeo nói. "Bất ổn và bạo động không thể giải quyết chỉ bằng các nỗ lực thực thi luật pháp. Chính quyền phải có các bước rõ ràng giải quyết quan ngại của công chúng".
Người biểu tình Hong Kong phẫn nộ về điều mà họ xem là sự can thiệp của Trung Quốc vào các quyền tự do được hứa hẹn của Hong Kong khi lãnh thổ này được Anh trao trả lại cho Trung Quốc vào năm 1997. Người biểu tình nói họ đang đáp lại việc cảnh sát dùng bạo lực thái quá.
Bất ổn ở Hong Kong đề ra thách thức lớn cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Bắc Kinh nói không can thiệp vào chuyện nội bộ của Hong Kong và quy trách nhiệm cho các nước phương Tây khuấy động bất ổn.
***************
Biểu tình Hong Kong : Người biểu tình đu dây trốn thoát (BBC, 19/11/2019)
Khoảng 100 người khác cố gắng rời khỏi Đại học Bách khoa đã phải đối mặt hơi cay và đạn cao su. Một số đã bị bắt giữ.
Nhà chức trách cho biết có 116 người bị thương trong vụ bạo lực hôm thứ Hai.
Trong tuần qua, khuôn viên trường đại học này đã trở thành chiến trường cho các biểu tình chống chính phủ.
Bạo lực là một trong những vấn đề tồi tệ nhất trong những tháng bất ổn vừa qua tại vùng lãnh thổ bán tự trị này thuộc Trung Quốc. Các cuộc biểu tình bắt đầu từ việc phản đối dự luật dẫn độ, và giờ đã phát triển thành các cuộc biểu tình chống chính phủ.
Trung Quốc đã cảnh báo rằng "đừng ai đánh giá thấp quyết tâm [của họ] để bảo vệ chủ quyền và sự ổn định của Hong Kong", và đại sứ Trung Quốc tại Anh nói rằng chính quyền trung ương sẽ không ngồi yên nếu tình hình trở nên "mất kiểm soát".
Hong Kong là một phần của Trung Quốc, và các cuộc biểu tình xảy ra là vì người dân lo sợ các quyền tự do đặc biệt mà lãnh thổ này được hưởng từ khi là thuộc địa cũ của Anh đang bị Bắc Kinh thu hẹp dần.
Hôm thứ Hai, Tòa án tối cao của Hong Kong đã ra phán quyết rằng lệnh cấm người biểu tình đeo mặt nạ là vi hiến. Luật cấm mặt nạ là một lệnh khẩn cấp thời thuộc địa được chính quyền áp dụng vào tháng 10, nhưng phần lớn người biểu tình phản đối nó.
Chính phủ Hong Kong cho biết bạo lực vào cuối tuần đã "làm giảm khả năng" các cuộc bầu cử quận có thể được tổ chức vào Chủ nhật như dự kiến, theo đài truyền hình RTHongkong. Trì hoãn hoặc hủy bỏ các cuộc bầu cử có thể làm gia tăng biểu tình.
Vương quốc Anh đã thúc giục "chấm dứt bạo lực và tất cả các bên nên đối thoại" trước các cuộc bầu cử. Trao đổi với BBC hôm thứ Hai, cựu Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt đã cáo buộc một số người biểu tình cố gắng "kích động một cuộc đối đầu quân sự với Trung Quốc".
Ngoại trưởng Hoa Kỳ, Mike Pompeo kêu gọi chính phủ Hong Kong giải quyết các mối quan ngại của công chúng.
"Chính phủ Hong Kong chịu trách nhiệm chính trong việc đem lại yên bình cho Hong Kong. Tình trạng bất ổn và bạo lực không thể giải quyết chỉ bằng những nỗ lực của lực lưỡng thực thi pháp luật", ông Pompeo nói.
Chuyện gì đang xảy ra ?
Cảnh sát vẫn đang bao vây trường đại học nơi hàng trăm người biểu tình được cho là bị mắc kẹt. Các sĩ quan đã ra lệnh cho người bên trong buông vũ khí đầu hàng. Một người biểu tình bên trong trường đại học nói với BBC rằng lượng thực, nước uống cả thiết bị sơ cứu đang cạn kiệt.
Trong khi đó, một đám cháy bùng phát trong khuôn viên trường và nhiều tiếng nổ lớn đã được nghe thấy, theo Bưu điện Hoa Nam.
Vào tối thứ Hai, một số nhân vật đặc biệt đã được cảnh sát cho phép vào khuôn viên trường để hòa giải và thuyết phục hàng chục người biểu tình rời đi. "Tình hình ngày càng trở nên nguy hiểm hơn", ông Jasper Tsang, một chính trị gia thân Bắc Kinh, cựu chủ tịch Hội đồng Lập pháp Hong Kong, nói với hãng tin Reuters ngay sau khi ông đến trường.
PolyU đã bị người biểu tình chiếm đóng trong vài ngày. Vào tối Chủ nhật, cảnh sát đã cảnh báo những người biểu tình là họ có đến 22g00 (21g00 giờ Việt Nam) để rời khỏi khuôn viên trường, nói rằng họ có thể sử dụng đạn thật nếu các cuộc tấn công tiếp tục.
Vào Chủ nhật, trường đại học cho biết khuôn viên đã bị "phá hoại nghiêm trọng".
Một số người biểu tình còn lại trong trường đại học đã tự nhận mình là sinh viên của trường nhưng không rõ chính xác con số thực tế là bao nhiêu.
Nước mắt tự hào
Grace Tsoi, BBC News, Hong Kong
Nhiều phụ huynh có con mắc kẹt trong Đại học Bách khoa đã tham gia nhóm 200 người biểu tình ôn hòa vào tối thứ Hai ở phía đông Tsim Sha Tsui, một khu du lịch chỉ cách khuôn viên bị bao vây 300 m.
Bà Ng - người chỉ muốn cho biết họ của mình - mới biết con trai bà nằm trong số những người bị mắc kẹt trong trường vào tối Chủ Nhật và đã ở lại con đường gần trường đại học kể từ đó. "Thằng bé sợ hãi vì chưa bao giờ phải đối mặt với bất kỳ tình huống khẩn cấp nào như thế này".
Người mẹ mắt đẫm lệ tự hào về đứa con trai 18 tuổi của mình bất chấp hoàn cảnh. "Con trai tôi không khóc. Cậu bé mạnh mẽ và thích giúp đỡ người khác", cô nói. "Tôi nói với con trai tôi rằng con không làm gì sai và con là một đứa trẻ xuất sắc. Mẹ sẽ không trách con".
Bà bảo con ở lại trong khuôn viên trường và đợi bà đến đón. Bà Ng nói chính phủ nên chịu trách nhiệm về sự hỗn loạn ở Hong Kong.
"Chính phủ của chúng tôi ngày càng liều lĩnh hơn. Họ bỏ qua những yêu cầu rất cơ bản từ người dân !" bà nói. "Tôi không sinh ra ở Hong Kong nhưng tôi yêu Hong Kong rất nhiều ! Hong Kong là một nơi tuyệt vời nhưng nó đã biến thành thế này. Điều này làm tan nát trái tim tôi !"
*******************
Hồng Kông : 100 sinh viên Bách Khoa còn trong vòng vây cảnh sát (RFI, 19/11/2019)
Hôm 19/11/2019 vẫn còn cả trăm người biểu tình phản kháng, chủ yếu là sinh viên, trụ lại bên trong Đại học Bách khoa Hồng Kông bị cảnh sát bao vây từ ba ngày nay. Trưởng đặc khu Hồng Kông tiếp tục đòi người biểu tình "đầu hàng", trong lúc Bắc Kinh gia tăng các động thái hù dọa phong trào phản kháng, nhắc lại rằng sẽ không để Hồng Kông rơi vào trạng hỗn loạn.
Một số sinh viên rời khỏi khuôn viên đại học để đầu hàng cảnh sát Hồng Kông ngày 19/11/2019. Reuters
Phát biểu trong một cuộc họp báo vào sáng hôm nay, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga đã yêu cầu "những người biểu tình, bao gồm cả những kẻ bạo loạn" phải buông vũ khí và ra ngoài để "nhận chỉ thị từ cảnh sát". Bà cam kết họ sẽ được đối xử nhân đạo. Theo lời lãnh đạo Hồng Kông, đã có 600 người biểu tình rời khỏi khuôn viên trường Đại học Bách khoa, trong đó khoảng 200 người dưới 18 tuổi.
Thông tín viên RFI Florence de Changy tại Hồng Kông ghi nhận :
Từ hôm qua, cảnh sát cho phép nhân viên cứu hộ can thiệp, hàng chục sinh viên được đưa ra khỏi ký túc xá, nhiều người trên băng ca, một số bị sốc, một số rét run.
Ngoài ra, hơn 200 người phản kháng vị thành niên cũng đã rời được khu Đại Học nhờ sự can thiệp của một số nhân vật ôn hòa trong cánh thân Bắc Kinh.
Còn những người biểu tình trên 18 tuổi, chịu ra hàng, thì đã bị bắt giữ, trong lúc một số đã lén thoát được.
Một tia hy vọng nhỏ vào hôm nay : Lãnh đạo đặc khu, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga cho biết là đã đồng ý với ông Đặng Bỉnh Cường (Chris Tang), tân lãnh đạo cảnh sát vừa được đề cử, để tìm một lối thoát không bạo lực cho "sự cố Đại học Bách khoa".
Giọng điệu hòa hoãn hơn bình thường, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga nói thêm là "chính quyền (của bà) sẽ cư xử một cách nhân đạo đối với những người bị thương và những người vị thành niên".
Tuy nhiên, đại sứ Trung Quốc tại Luân Đôn Lưu Hiểu Minh một lần nữa đã lại cảnh cáo Hồng Kông với tuyên bố : "Nếu tình hình trở nên không kiểm soát được, chính quyền trung ương sẽ không khoanh tay đứng nhìn. Chúng tôi có đủ quyết tâm và sức mạnh để chấm dứt sự hỗn loạn đó".
Theo ghi nhận của hãng tin Anh Reuters, tình trạng bạo lực tại Đại học Bách khoa Hồng Kông (PolyU) là một cuộc đối đầu dài nhất và dữ dội nhất giữa người biểu tình với cảnh sát kể từ khi phong trào phản kháng bùng lên vào tháng 6.
Từ hôm Chủ Nhật, cảnh sát Hồng Kông đã bao vây khu đại học, bắt giữ tất cả những ai cố trốn khỏi nơi đó. Trong vòng vây chặt chẽ đó, tối hôm qua, hàng chục người biểu tình đã bất chấp nguy hiểm, buộc dây thừng từ một cây cầu rồi leo xuống đường nơi họ được bạn bè chờ sẵn chở đi bằng xe máy.
Dây chuyền người cứu viện các sinh viên bị bao vây
Hàng ngàn người Hồng Kông cũng đã đổ về khu đại học xá Đại học Bách khoa để tìm cách phá vỡ vòng vây cảnh sát, giúp những người bên trong trốn ra được. Xung đột đã nổ ra với lực lượng cảnh sát.
Đặc phái viên RFI Stéphane Lagarde tại Hồng Kông đã có mặt trong đoàn người tới giải cứu các sinh viên bị bao vây ở Đại học Bách khoa, và ghi nhận sự hình thành của cả một "dây chuyền người" khổng lồ bao quanh khu vực đại học :
"Với cảnh tượng khăn vải, dầu hỏa được chuyền từ tay này sang tay khác, đoạn xa lộ Cửu Long và các con đường chung quanh Đại học Bách khoa chỉ là một dây chuyền người khổng lồ vào tối thứ Hai này tại Hồng Kông.
Laurent Gayer, chuyên gia nghiên cứu phong trào nổi dậy trong thành phố tại trường Khoa Học Chính Trị Pháp Sciences Po, giải thích : "Họ chủ yếu là những thanh niên, chuyền tay nhau các chiếc ô, xăng dầu, khăn vải và chai không để làm bom xăng. Họ đang chế tạo vũ khí để đối phó với cảnh sát".
Gần bến phà, người biểu tình giận dữ đập phá lề đường, gạch đá bị gỡ ra, và từng viên được chuyền lên chiếc cầu vượt bắt ngang qua đại lộ để sẵn sàng chờ đợi cảnh sát.
Tim, đầu bếp trong một khách sạn gần đấy, giải thích rằng những người đó muốn cứu các sinh viên bên trong Đại Học. Anh cho biết rất buồn cho đám trẻ, buồn cho tương lai Hồng Kông.
Gần khu đại hoc bị cảnh sát bao vây, phố Tiêm Sa Chủy (Tsim Sha Tsui) dầy đặc khói cay. Một chủ tiệm vội vàng kéo hạ bức màn sắt của tiệm pizza, nhưng quá trễ, khách hàng khóc ròng trên đĩa bánh của mình. Anh rất bực tức vì công việc làm ăn bị phá hoại.
Nhưng không phải người bán hàng nào cũng bị thiệt. Một người Bangladesh bán bia tại đây đã vui mừng. Tất cả các thùng bia của ông đều đã được mua và được dây chuyền người nhanh chóng chuyển lên tuyến đầu".
Bắc Kinh gia tăng áp lực
Trong không khí căng thẳng này, Bắc Kinh gia tăng áp lực. Hôm thứ Hai, Tòa Án Tối Cao Hồng Kông bác bỏ lệnh cấm "mang khẩu trang đi biểu tình", vì lệnh này bị xem là vi phạm Hiến pháp Hồng Kông.
Hôm nay, một phát ngôn viên của Trung Quốc cho rằng chỉ có quốc hội Trung Quốc mới có thẩm quyền phán quyết "luật nào là phù hợp, luật nào là đi ngược" với Luật Cơ bản ( Hiến pháp ) của đặc khu.
Trước nguy cơ Trung Quốc dùng biện pháp mạnh để giải quyết khủng hoảng, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đưa ra hai lời kêu gọi : chính quyền Hồng Kông " ban hành các biện pháp minh bạch để đáp ứng nguyện vọng của người dân và tái lập ổn định", đảng Cộng sản Trung Quốc "phải tôn trọng những cam kết với người dân Hồng Kông, những người chỉ mong ước được sống trong tự do".
Trọng Nghĩa, Tú Anh
****************
Trung Quốc : Mỹ, Anh chớ can thiệp vào vấn đề Hong Kong (VOA, 18/11/2019)
Hôm 18/11, Đại sứ Trung Quốc tại Anh cho biết các nước ngoài, bao gồm cả Hoa Kỳ và Anh, nên ngừng can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Hong Kong khi những người biểu tình tiếp tục đối đầu với cảnh sát, theo Reuters.
"Một số nước phương Tây đã công khai ủng hộ những kẻ phạm tội bạo lực cực đoan, Hạ viện Hoa Kỳ đã thông qua cái gọi là Đạo luật Dân chủ và Nhân quyền Hong Kong để can thiệp một cách trắng trợn vào các vấn đề Hong Kong, đó là vấn đề nội bộ của Trung Quốc", Đại sứ Liu Xiaoming nói với các phóng viên.
"Chính phủ Anh và Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Anh đã công bố các báo cáo liên quan đến Trung Quốc, đưa ra những nhận xét vô trách nhiệm về Hong Kong. Điều tồi tệ hơn là một số chính trị gia người Anh thậm chí còn dự định trao (một) giải thưởng cho một nhà tuyên truyền chính cho nền độc lập của Hong Kong", đại sứ Trung Quốc cho biết thêm.
Trong khi đó hôm 17/11, Hoa Kỳ lên án việc sử dụng vũ lực bất hợp pháp ở Hong Kong và kêu gọi Bắc Kinh bảo vệ quyền tự do của người dân Hong Kong, một quan chức cấp cao trong chính quyền của Tổng thống Donald Trump, cho biết sau khi những người biểu tình đối đầu với cảnh sát Hong Kong, trong khi người biểu tình bị cảnh sát giam lỏng tại trường đại học Bách Khoa.
"Chúng tôi lên án việc sử dụng vũ lực một cách vô lý và kêu gọi tất cả các bên kiềm chế bạo lực và tham gia vào cuộc đối thoại mang tính xây dựng", quan chức của Hoa Kỳ nói.
"Như Tổng thống đã nói, Hoa Kỳ mong muốn Bắc Kinh tôn trọng các cam kết của mình theo Tuyên bố chung Trung-Anh và để bảo vệ quyền tự do, hệ thống pháp lý và lối sống dân chủ của Hong Kong", Reuters dẫn lời quan chức Mỹ cho biết thêm.
Cảnh sát Hong Kong đã phong tỏa trường Đại học Bách khoa và những người biểu tình lan qua một khu phố du lịch, sau gần hai ngày liên tiếp đối đầu đã làm dấy lên lo ngại về một cuộc đụng độ đẫm máu.
********************
Hàng chục ngàn người Việt ủng hộ cuộc tranh đấu của sinh viên Hong Kong (VOA, 18/11/2019)
Ước tính có đến hàng chục ngàn người Việt đang bày tỏ ủng hộ qua mạng xã hội cho cuộc tranh đấu vì dân chủ và tự chủ do các sinh viên Hong Kong tiến hành đã kéo dài 5 tháng nay, hiện đang bị cảnh sát địa phương trấn áp ngày càng mạnh tay.
Một nhà hoạt động giấu tên giương biểu ngữ ở Hà Nội kêu gọi Liên Hiệp Quốc "cứu giúp" Hong Kong, 18/11/2019
Tin tức được VOA cập nhật vào tối 18/11, giờ Hong Kong, cho biết cảnh sát vây hãm hàng ngàn nhà hoạt động tại trường Đại học Bách khoa Hong Kong (PolyU), bắn đạn hơi cay ngăn không cho họ thoát ra.
Cùng lúc, nhiều người biểu tình khác ở ngoài trường đại học lại kéo đến từ các phía tìm cách giải vây cho những người bị vây hãm.
Trong vòng hai ngày qua, theo quan sát của VOA, từ ngày 16 và 17/11, hàng chục ngàn người sử dụng mạng xã hội Việt Nam viết trên các trang cá nhân hoặc trong các diễn đàn rằng họ theo dõi từng giây từng phút những diễn biến cuộc đối đầu giữa một bên là các sinh viên Hong Kong không một vũ khí trong tay, và một bên là đội ngũ cảnh sát được trang bị đến tận răng.
Nhiều người Việt, trong đó có những Facebooker với ảnh hưởng lớn như nữ doanh nhân Lê Hoài Anh, nhà xã hội học Khuất Thu Hồng, chuyên gia về bình đẳng giới Nguyễn Vân Anh, các nhà báo Bạch Hoàn, Mai Quốc Ấn, Trương Châu Hữu Danh, nhà hoạt động Nguyễn Hồ Nhật Thành…, đã đổi hình đại diện của họ trên mạng xã hội với khung ảnh mang dòng chữ "Stand with Hong Kong" (Sát cánh cùng Hong Kong) hoặc "Pray for Hong Kong" (Cầu nguyện cho Hong Kong).
Trong các bài đăng trên trang cá nhân hoặc trong các diễn đàn có tổng cộng hàng trăm nghìn thành viên, gồm Bàn luận về Kinh tế - Chính trị, Góc nhìn Báo chí - Công dân, Nhật ký yêu nước…, họ vừa chia sẻ tin tức cập nhật vừa bày tỏ tình đoàn kết cũng như thể hiện sự cảm phục với các nhà tranh đấu Hong Kong.
Nữ doanh nhân Lê Hoài Anh, có tới hơn 320.000 người theo dõi Facebook, liên tục cập nhật về tình hình Hong Kong và viết rằng bà "xót thương" cho thế hệ trẻ Hong Kong.
Bà Hoài Anh cũng đưa ra quan điểm là trong con mắt bà, chính quyền Trung Quốc - mà bà cáo buộc là đã cài người vào cảnh sát Hong Kong để đàn áp sinh viên - phải bị xem như là một loại nhà nước "phát xít".
Nữ nhà báo Bạch Hoàn, với hơn 200.000 bạn và người theo dõi Facebook, gọi chính quyền Hong Kong là một "chính quyền tội phạm", và chính quyền Bắc Kinh là một "chính quyền khủng bố". Bà cũng đưa ra cảm nhận của cá nhân là thế hệ trẻ Hong Kong "sẽ không bao giờ lùi bước" vì họ chỉ có lựa chọn giữa "chết" hoặc là "tự do, dân chủ, nhân quyền".
Nhà báo Mai Quốc Ấn đổi ảnh đại diện để bày tỏ ủng hộ Hong Kong, 17/11/2019
Nhà báo Mai Quốc Ấn, có gần 70.000 bạn và người theo dõi, khẳng định rằng người HongKong đang tranh đấu cho "những giá trị sống cơ bản nhất về quyền làm người" và ông cho rằng mọi chuyện "chỉ thực sự tồi tệ" khi HongKong được trao trả về cho Trung Quốc vào năm 1997.
Ông Ấn cáo buộc rằng 100 năm dân chủ Hong Kong khi là thuộc địa của Anh "gần như bị xoá sạch" sau chừng hai thập kỷ nằm dưới sự cai quản của Trung Quốc. Gọi đó là "tà quyền", nhà báo này cảnh báo rằng ảnh hưởng của Trung Quốc đã và đang gây nhiều tai họa cho Việt Nam, người Việt cần nhìn vào Hong Kong để cảnh giác.
VOA nhận thấy những người nổi tiếng khác như MC Phan Anh hay ca sĩ Văn Mai Hương tuy không đăng các bài viết dài song cũng bày tỏ sự ủng hộ và thương cảm với giới tranh đấu Hong Kong.
Ông Phan Anh viết "Cầu nguyện cho chính nghĩa ! Cầu nguyện cho Hong Kong ! Cầu nguyện cho hòa bình, tự do và dân chủ trên toàn thế giới !" Nữ ca sĩ Văn Mai Hương nói bà cầu nguyện cho Hong Kong và thấy "đau lòng" khi đọc báo, xem các hình ảnh về Hong Kong trong mấy ngày qua.
Các bài viết trên hoặc có nội dung tương tự được chia sẻ nhiều trong các diễn đàn, thu hút hàng nghìn lời bình luận. Theo quan sát của VOA, đại đa số những thành viên diễn đàn nhìn giới tranh đấu Hong Kong với con mắt "cảm phục" vì họ "đang quyết tử cho một nền dân chủ", thể hiện cách sống được xem là "xứng đáng một kiếp người".
Nhiều người cổ vũ rằng các bạn trẻ và nhân dân Hong Kong "hãy đoàn kết lại" để vượt qua khó khăn và "giành lấy cho bằng được thứ quí nhất về cho toàn thể nhân dân Hong Kong".
Kèm theo đó là hàng trăm lời bình lên án "cộng sản Trung Quốc tàn độc" đang "xâm chiếm Hong Kong", cũng như đòi Trung Quốc rút binh lính và để Hong Kong tự chọn lựa chế độ của mình.
Ca sĩ Văn Mai Hương bày tỏ xót thương cho những người đấu tranh ở Hong Kong, 16/11/2019
Trong số các cuộc thảo luận, đôi khi xuất hiện một số ít ý kiến lạc lõng cho rằng những người biểu tình Hong Kong đang gây hại cho đời sống và nền kinh tế của chính vùng lãnh thổ khi "làm loạn".
Đáp lại những ý kiến dạng này, nhiều người tỏ ý thương hại cho những ai không hiểu được giá trị lớn lao của dân chủ, nhân quyền.
Nhà văn, võ sư Đoàn Bảo Châu, Facebooker có hơn 115.000 bạn và người theo dõi, phân tích rằng "không nên" so sánh thế hệ trẻ Hong Kong với thế hệ trẻ Việt Nam.
"Con người Việt Nam nói chung đang ở một cảnh giới tồn tại thấp kém hơn người Hong Kong nhiều", ông Châu viết.
"Không phải chỉ thế hệ trẻ Việt Nam mà thế hệ hệ lớn tuổi cũng chưa bao giờ được biết đến thế nào là tự do dân chủ thực sự, cho nên người ta không thể hiểu tại sao người Hong Kong lại có thể sẵn sàng đổ máu để bảo vệ một giá trị ‘xa vời’ đến vậy", theo ông Châu.
Trình bày khái quát về giá trị này, ông Châu viết : "Con người sinh ra phải được bình đẳng, quan chức mà không mang lại lợi ích cho nhân dân thì đáng vứt đi. Một chế độ chính trị tốt thì phải tôn trọng quyền con người và nhiệm vụ của thể chế ấy là phục vụ nhân dân, giải phóng sức sáng tạo và lao động, sự tự do tinh thần, tư tưởng của nhân dân, đưa đất nước đi lên".
Dưới góc nhìn của ông Châu, người trẻ Hồng Kông "đã được tắm trong bầu không khí tự do dân chủ thực sự", nên trước mối hoạ bị Trung Quốc cộng sản tước đi những giá trị ấy, "họ quyết phải bảo vệ cho dù máu và nước mắt đã chan hòa xứ sở của họ".
Do sự khác biệt quan trọng này, nhà văn-võ sư Đoàn Bảo Châu nhận định : "Sẽ còn lâu lắm trước khi Việt Nam có được cả một thế hệ hiểu thế nào là tự do dân chủ và quyết tâm đấu tranh vì những điều đẹp đẽ ấy".
Lúc này, tin tức trên báo chí nhà nước Việt Nam cho hay Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 18/11 "đã hỗ trợ 40 sinh viên đại học và sau đại học tại Hong Kong về nước an toàn".
Một nhóm nữa gồm 10 sinh viên Việt Nam và một số giáo viên, giảng viên "đang ở tại các khu vực an toàn", Bộ Ngoại giao cho biết thêm.
Bộ cũng chỉ đạo Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Hong Kong và Macau "sẵn sàng triển khai các biện pháp bảo hộ công dân trong trường hợp cần thiết", tin cho hay.