Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

18/12/2019

Điểm báo Pháp - Dùng Macao chống Hồng Kông

RFI tiếng Việt

Tập Cận Bình dùng Macao chống Hồng Kông

Nước Pháp với cuộc biểu tình lớn hôm qua, 17/12/2019, trong ngày đình công thứ 13, chống dự luật cải cách hưu trí, là tựa trang nhất của hầu hết các báo. Trước hết xin giới thiệu bài viết trên Le Figaro về chuyến công du của chủ tịch Trung Quốc đến Macao. Bắc Kinh muốn lợi dụng mô hình Macao thần phục chính quyền trung ương, để tuyên truyền cho nguyên tắc "Một quốc gia, hai chế độ", đang bị thách thức nghiêm trọng tại Hồng Kông.

macao1

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại sân bay quốc tế Macao, bên trái là cựu lãnh đạo Macao Thôi Thế AnFernando Chui), ngày 18/12/2019. Reuters/Jason Lee

Chuyến đi nhân kỷ niệm 20 năm vùng lãnh thổ này trở về Hoa Lục của ông Tập Cận Bìnhkhông phải là một chuyến đi thông thường. Theo Le Figaro, Bắc Kinh muốn lợi dụng mô hình Macao thần phục chính quyền trung ương, để tuyên truyền cho nguyên tắc "Một quốc gia, hai chế độ", hiện đang bị thách thức nghiêm trọng tại Hồng Kông, với phong trào phản kháng chống chính quyền thần Bắc Kinh từ nửa năm nay, chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Bài "Tập Cận Bình dùng Macao chống Hồng Kông" nhấn mạnh đến tham vọng của Bắc Kinh, muốn biến sòng bài nổi tiếng Châu Á này trở thành địa điểm thu hút đầu tư công nghệ cao, một trung tâm tài chính quốc tế ngang ngửa với đặc khu Hồng Kông.

Đối với Bắc Kinh, ưu điểm trước hết của Macao là thái độ thần phục vô điều kiện của dân cư hòn đảo 30 km², với khoảng 700.000 dân cư này.

Ngay từ năm 2009, Macao đã thông qua luật về an ninh nội địa, để chính quyền độc tài rảnh tay đè bẹp các mưu toan phản kháng. Các sách giáo khoa lịch sử dạy trong trường học Macao do Bắc Kinh ấn hành, học sinh Macao phải chào cờ Trung Quốc hàng ngày. Đây là những điều mà dân chúng Hồng Kông không chấp nhận. Kể từ đầu phong trào phản kháng Hồng Kông, tư pháp Macao ngăn chặn mọi cuộc biểu tình ủng hộ Hồng Kông tại hòn đảo.

Trong một cuộc gặp lãnh đạo Macao Hạ Nhất Thành (Ho Lat Seng) tại Bắc Kinh hồi tháng 9, ông Tập Cận Bình khen ngợi Macao "từ 20 năm qua đã hiểu và áp dụng tốt nguyên tắc một quốc gia hai chế độ" và đáng là một tấm gương sáng cho Hồng Kông.

Với chuyến công du của ông Tập, giới lãnh đạo Macao có thể nhận được một số phần thưởng, vì thái độ "vâng lời", như ghi nhận của giảng viên Đại học Báp-tít Hồng Kông Bruce Lui Ping Kuen. Hòn đảo có thể được chính quyền trung ương hỗ trợ để tăng gấp đôi GDP trong hai thập niên tới, và bớt phụ thuộc vào các sòng bạc, hiện chiếm đến hơn 80% thu nhập của giới lãnh đạo địa phương. Trung Quốc cũng đang có kế hoạch hội nhập Macao vào vùng Châu thổ sông Châu Giang, bao gồm Hồng Kông và nhiều thành phố Quảng Đông, trong đó có Thâm Quyến, khu vực mà Trung Quốc hy vọng biến thành một "California" mới.

Tuy nhiên, theo nhận định của Le Figaro, hòn đảo rửa tiền và trung tâm mua bán dâm nổi tiếng này sẽ còn lâu mới có thể cạnh tranh lại được với Hồng Kông, về phương diện thu hút đầu tư. Bất chấp khủng hoảng, Hồng Kông vẫn còn là một trung tâm tài chính quan trọng với nhiều doanh nghiệp Trung Quốc, mà việc tập đoàn Alibaba lên sàn chứng khoán Hồng Kông mới đây là một ví dụ.

Chuyến đi của Tập Cận Bình đến Macao có thể coi là một trắc nghiệm của Trung Quốc với nguyên tắc "Một quốc gia, hai chế độ". Tuy nhiên, thất bại thảm hại của đảng thân Bắc Kinh tại Hồng Kông trong cuộc bầu cử địa phương ngày 24/11, và viễn cảnh tổng thống mãn nhiệm Đài Loan Thái Anh Văn gần như chắc chắn sẽ đắc cử trong cuộc bầu cử 11/01 tới, do ảnh hưởng thuận lợi của phong trào dân chủ Hồng Kông, khiến "tấm gương Macao" mà ông Tập muốn quảng bá ngày càng trở nên đơn độc.

Biểu tình tại Pháp : Ít người tham gia hơn, nghiệp đoàn "thua cược"

Trở lại với tình hình nước Pháp, cuộc biểu tình tuy đông đảo, nhưng ít người tham dự hơn so với ngày 05/12 đầu tháng là điều mà nhật báo kinh tế Les Echos chú ý trước hết, với hàng tựa trang nhất : "Các công đoàn thua cược", với số lượng người tham gia biểu tình ít hơn ngày 05/12. Về phần mình, chính phủ khẳng định cương quyết tiến hành cải cách. Theo Les Echos, cho dù có thêm sự tham gia của thành viên nghiệp đoàn CFDT, vốn ủng hộ cuộc cải cách của chính phủ, giới công đoàn đã thất bại trong việc huy động đông đảo người tham gia, sau hai tuần bãi công liên tiếp.

"Đối diện với làn sóng phản kháng, chính phủ tỏ thái độ kiên quyết", tựa lớn của nhật báo thiên hữu Le Figaro. Nhật báo thiên hữu Le Figaro có bài xã luận "Nghiệp đoàn hay cử tri ?" khẳng định chính phủ không nên trông chờ ở sự hợp tác của nghiệp đoàn cải cách CFDT, mà cần kiên quyết lựa chọn giới "cử tri cải cách", thay vì "nghiệp đoàn cải cách".

Chính phủ gặp khó

Mục "Mỗi ngày một sự kiện" của Les Echos ghi nhận thực trạng thủ lĩnh công đoàn cải cách CFDT Laurent Berger, từ chỗ là đối tác trở thành "đối thủ đáng gờm" của chính phủ.

Báo Le Monde mô tả khó khăn về phía chính phủ : "Cải cách hưu trí : Chính phủ mất Delevoye trong lúc khủng hoảng đang ở giai đoạn cao trào". Tuy nhiên, một giới chức hàm bộ trưởng cho biết việc người phụ trách hồ sơ cải cách hưu trí từ chức không hề ảnh hưởng đến tiền trình cải cách, vì quyết định giờ đây được đưa ra tại phủ thủ tướng hoặc phủ tổng thống. Vấn đề hiện nay là làm sao để các thảo luận trong chính phủ và Quốc hội về dự luật cải cách diễn ra suông sẻ. Ngày 22/01, nội các sẽ bàn về dự luật, và dự luật sẽ được đưa ra thảo luận tại Quốc hội vào tháng Hai, với điều kiện là tiến trình chuẩn bị luật không bị ảnh hưởng bởi phong trào phản kháng.

"Đừng giễu võ giương oai"

Nhật báo thiên tả Libération đăng hình ảnh một cuộc tập hợp lớn tại quảng trường Bastille, với hàng tựa : "Dân chúng xuống đường, chính quyền dưới áp lực. Lối thoát nào cho khủng hoảng ?". Nhật báo thiên tả Libération có bài xã luận mang tựa đề "Giễu võ giương oai".

Libération tuy thừa nhận các nghiệp đoàn không thu hút thêm người tham gia, nhưng phong trào vẫn "rất mạnh và kiên định", vì vậy chính quyền "đừng giễu võ giương oai". Chính phủ nên "thảo luận một cách nghiêm túc", nhất là với CFDT. Cụ thể là nên chấp nhận rút khỏi dự luật điều khoản ấn định mức tuổi được hưởng toàn phần lương hưu cơ bản. Theo Libération, đây là "một ý tưởng tai họa, khiến cánh hữu rất hài lòng", và bởi tuổi về hưu, trên thực tế, đã mỗi năm bị lùi đi vài tháng, do hệ quả của một số cải cách hưu trí trước đó, vậy tại sao cần phải bổ sung thêm một hy sinh mới vào những chấp nhận thua thiệt, vốn đã được lập trình.

"Phải tái lập lòng tin !"

Về cuộc khủng hoảng xã hội hiện nay tại Pháp, nhật báo công giáo La Croix có bài "Cải cách hưu : Điều cần làm để trấn an người Pháp", nhấn mạnh đến mức độ mất lòng tin rộng lớn với chính quyền đang lộ rõ. Theo cuộc điều tra dư luận của Harris Interactive, có đến hai phần ba người Pháp cảm thấy cuộc cải cách này là "khó hiểu". Một giới chức của nghiệp đoàn CFTC so sánh việc chính phủ gửi đến từng nhà thư giải thích về cải cách phương thức thu thuế, lấy ngay từ gốc, mới đây, với tình trạng gần như vắng bóng các giải thích về cuộc cải cách hiện nay, xét về quy mô, phức tạp gấp bội phần.

Một trong các lo ngại lớn khác là, một khi cải cách hưu trí đã diễn ra, không có gì bảo đảm là các chính phủ tiếp theo sẽ không tìm cách thay đổi để tìm cách hạ thấp tiền hưu bổng, do đó cần phải đưa những nguyên tắc chính vào Hiến pháp. Nhà nghiên cứu Jean-Marie Pernot, Viện nghiên cứu Kinh tế Xã hội, thì cho là nên tiến hành một cuộc thảo luận toàn quốc, cho phép chọn một số kịch bản, để sau đó đưa ra trưng cầu dân ý.

Quá tải !

Vẫn theo thăm dò dư luận của Harris Interractive, gần 2/3 người Pháp ủng hộ phong trào xã hội nói trên, cho dù 69% muốn chính quyền và công đoàn "hưu chiến" vào dịp Noel đang đến gần.

Trong một bài viết "Người sử dụng phương tiện công cộng : tinh thần căng thẳng, cơ thể rệu rã", La Croix cho biết đời sống hàng ngày đang trở nên khó khăn không chịu nổi với đông đảo người lao động, do tình trạng giao thông bị tắc nghẽn. Nhiều người phải dậy từ 4 giờ, thậm chí 3 giờ rưỡi sáng để kịp đến nơi làm việc. Ngày làm việc cũng kéo dài hơn, nhiều người phải đi bộ 5, 7 cây số hay nhiều hơn nữa, để trở về nhà, trước khi bắt đầu một ngày làm việc mới, với nhịp độ kinh hoàng như trên.

Thể chế thế tục tại Ấn Độ bị đe dọa, quốc tế cần lên tiếng

Về tình hình Châu Á, tình hình Ấn Độ là một điểm nóng khác. Xã luận Le Monde có bài : "Thế chế thế tục, trung lập về tôn giáo tại Ấn Độ bị đe dọa".

Ngày 11/12/2019, Hạ Viện Ấn Độ thông qua luật cấp quốc tịch cho dân tị nạn một số nước láng giềng, nhưng loại trừ người theo đạo Hồi. Theo Le Monde, đây là điều hết sức đáng lo ngại, bởi với dự luật này, chính phủ Modi đang thực thi dự án mà các thế lực dân tộc chủ nghĩa cực đoan Ấn Độ đã thai nghén từ những năm 1920. Cho đến nay, chính sách bài Hồi giáo đang được chính quyền Modi thực thi tại Ấn Độ, kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2014, mà không gặp trở ngại đáng kể nào trong và ngoài nước. Do đối lập rất yếu ớt, bởi đảng Quốc Đại kiệt sức sau nhiều năm cầm quyền và nạn tham nhũng hoành hành trong nội bộ. Giới trí thức tinh hoa, báo giới, các tổ chức phi chính phủ bị chính quyền uy hiếp.

Chính trong bối cảnh này, theo Le Monde, cộng đồng quốc tế cần phải lên tiếng mạnh mẽ trước các hành động tàn bạo nhắm vào người theo đạo Hồi. Làn sóng giận dữ phản đối luật cấp quốc tịch, loại trừ người Hồi giáo, đang làm rung chuyển Ấn Độ, từ một tuần nay, làm nổi rõ ý thức hệ kỳ thị tôn giáo của phe dân tộc chủ nghĩa Ấn Giáo, và thái độ độc đoán của chính quyền Modi, phản bội lại những hứa hẹn của người cha đẻ nền độc lập Ấn Độ Mahatma Gandhi, về một nước Ấn Độ không kỳ thị tôn giáo. Một quốc gia được coi là "nền dân chủ lớn nhất hành tinh" không thể để cho hàng triệu người tị nạn lâu năm trên đất Ấn phải sống trong tình trạng ngoài vòng pháp luật, chỉ bởi tôn giáo mà họ theo.

Trọng Thành

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFI tiếng Việt
Read 513 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)