Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

22/12/2019

Thời sự Châu Á : Hồng Kông, Bắc Triều Tiên, Đài Loan, Philippines, Malaysia

RFI tiếng Việt

Dân Hồng Kông sợ chung số phận với người Duy Ngô Nhĩ (RFI, 22/12/2019)

Đông đảo người dân Hồng Kông đấu tranh vì dân chủ đã tập trung chiều 22/12/2019 để tỏ lòng liên đới với người Duy Ngô Nhĩ. Nhiều người so sánh số phận của họ với tộc người theo Hồi giáo ở Tân Cương.

asia1

Người Hồng Kông biểu tình ủng hộ dân Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương ngày 22/12/2019. REUTERS/Lucy Nicholson

Khoảng 1.000 người đã tập trung ở một quảng trường nhìn ra biển, trên đảo Hồng Kông. Nhiều diễn giả lên phát biểu, khẳng định chế độ Bắc Kinh có thể trấn áp Hồng Kông, với những biện pháp đang được áp dụng ở Tân Cương.

Một người phát biểu : "Chúng ta không được quên những người chia sẻ cùng mục tiêu với chúng ta, đấu tranh vì tự do, vì nền dân chủ và phẫn nộ chống đảng cộng sản Trung Quốc".

Một công chức khẳng định với AFP : "Chính phủ Trung Quốc bị ám ảnh về kiểm soát, họ không dung thứ cho những ý kiến trái ngược. Họ sẽ làm tương tự với Hồng Kông những gì họ làm ở Tân Cương khi họ chiếm được thành phố này".

Rất nhiều người giương cờ "Đông Turkestan". Lực lượng cảnh sát đã đến giải tán cuộc tập hợp sau khi một số người biểu tình trèo lên tháo cờ Trung Quốc trên một toàn nhà chính phủ ở bên cạnh.

Người Hồi giáo Malaysia tuần hành ủng hộ người Duy Ngô Nhĩ

Trong khi đó, hơn 100 thành viên của nhiều tổ chức Hồi giáo Malaysia đã tập trung ủng hộ người Duy Ngô Nhĩ, trước trung tâm hội nghị Bangi Avenue Convention Centre, ở Kajang, ngoại ô Kuala Lumpur, nơi sứ quán Trung Quốc tổ chức chương trình Vẻ Đẹp Văn Hóa Tân Cương.

Trang Malaymail ngày 21/12/2019 cho biết cuộc tập hợp được tổ chức để phản đối chính sách tuyên truyền sai lệch của chính quyền Bắc Kinh, vì theo một người biểu tình, "người Duy Ngô Nhĩ vẫn bị trấn áp và bị cách ly, bị tập trung trong các trại cải tạo".

Thu Hằng

**************

Bắc Triều Tiên : Kim Jong-un họp Quân ủy Trung ương (RFI, 22/12/2019)

Hãng tin nhà nước Bắc Triều Tiên KCNA hôm nay 22/12/2019 loan tin : Kim Jong-un đã triệu tập một cuộc họp mở rộng của Quân ủy Trung ương đảng Lao Động Triều Tiên, trong bối cảnh chỉ còn vài ngày nữa là đến hạn chót Bình Nhưỡng đặt ra cho Washington về hồ sơ hạt nhân.

asia2

Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un phát biểu tại cuộc họp mở rộng của Quân ủy Trung ương đảng Lao Động Triều Tiên. Ảnh không đề ngày được hãng tin Bắc Triều Tiên KCNA công bố ngày 22/12/2019. KCNA via Reuters

Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un đã trao đổi với các tướng lĩnh quân đội về các biện pháp, phương tiện tăng cường sức mạnh quân sự cho chế độ Bình Nhưỡng.

Ông Kim chính là chủ tịch Quân ủy Trung ương. Kim Jong-un đã đưa ra những phân tích tình hình trong và ngoài nước và đề ra các yêu cầu, nêu một cách chi tiết hướng đi của Bắc Triều Tiên. Lãnh đạo Kim đặc biệt đề cập đến phòng thủ quốc gia và khả năng quân sự để tự vệ.

Phi cơ giám sát của Mỹ bay trên báo đảo Triều Tiên

Trang theo dõi hàng không dân sự Aircraft Spots hôm nay cho biết Hoa Kỳ đã cho phi cơ giám sát RCA-135W bay trên bán đảo Triều Tiên. Chuyến bay được thực hiện vào cuối tuần này, nhưng Aircraft Spots không cho biết chính xác ngày bay. Đây là chuyến bay mới nhất trong hàng loạt chuyến bay giám sát mà phi cơ Mỹ thực hiện trong những tuần gần đây, trong bối cảnh căng thẳng Mỹ và Bắc Triều Tiên tăng cao.

Tướng Mark Milley, chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ, hồi tuần trước, đã nói rằng Mỹ đã sẵn sàng cho "mọi tình huống" liên quan đến khả năng Bắc Triều Tiên thử nghiệm tên lửa tầm xa.

Lãnh đạo Hàn Quốc, Nhật và Trung Quốc gặp nhau tại Bắc Kinh

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe dự kiến ​​sẽ gặp riêng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào thứ Hai 23/12/2019. Sau đó, hai lãnh đạo Hàn Quốc và Nhật Bản sẽ có cuộc gặp với thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường.

Theo Reuters, mặc dù các nhà lãnh đạo dự kiến ​​sẽ thảo luận về các vấn đề kinh tế, nhưng dường như Bắc Triều Tiên sẽ là chủ đề chính trong chương trình nghị sự.

Còn đặc sứ Mỹ về Bắc Triều Tiên Stephen Biegun đã gặp hai nhà ngoại giao cấp cao của Trung Quốc hôm thứ Sáu 20/12 trong chuyến thăm hai ngày tới Bắc Kinh, sau khi có cuộc gặp tương tự ở Hàn Quốc và Nhật Bản trước đó. Các nhà ngoại giao của các nước đang nỗ lực để ngăn chặn cuộc đối đầu mới với chế độ Bình Nhưỡng.

Thùy Dương

********************

Bầu cử tổng thống Đài Loan : Thái Anh Văn dẫn đầu các cuộc thăm dò (RFI, 22/12/2019)

Bà Thái Anh Văn đang dẫn đầu các cuộc thăm dò ý kiến bỏ phiếu bầu cử tổng thống Đài Loan, sẽ diễn ra vào ngày 11/01/2020. Sự can thiệp của Trung Quốc vào các cuộc bầu cử ở Đài Loan, phong trào dân chủ ở Hồng Kông, cũng như sự ủng hộ về mặt quân sự của Washington với Đài Bắc là một số nguyên nhân giúp điểm tín nhiệm của đương kim tổng thống gia tăng.

asia3

Tổng thống Thái Anh Văn phát biểu tại một cuộc tập trận ở Chương Hóa ngày 28/05/2019 tại Đài Loan, mô phỏng một cuộc xâm lăng của Trung Quốc. Reuters - Ảnh minh họa

Theo kết quả nhiều cuộc thăm dò, được trang Channel News Asia đăng ngày 21/12/2019 trích dẫn, bà Thái Anh Văn, 63 tuổi, thuộc đảng Dân Tiến, nhận được từ 35% đến 50% ý định bầu, bỏ xa đối thủ Hàn Quốc Du (Han Kuo Yu), thị trưởng Cao Hùng thuộc Quốc Dân Đảng, bị coi là thân Bắc Kinh, chỉ được từ 15% đến 30%.

Nhà phân tích chính trị Wang Yeh Lih, thuộc Đại Học Quốc gia Đài Loan, phân tích : "Tâm lý chống Trung Quốc ngày càng trở thành một yếu tố quyết định trong các cuộc thăm dò". Đảng Dân Tiến vận động bầu cử với khẩu hiệu : "Chống Trung Quốc, Bảo vệ Đài Loan" và kêu gọi cử tri nhìn vào trường hợp "Hồng Kông hiện nay có thể là sẽ là Đài Loan trong tương lai". Dù Hồng Kông được hưởng quy chế "một quốc gia, hai chế độ", Bắc Kinh vẫn can thiệp sâu rộng vào đặc khu hành chính này.

Điểm tín nhiệm đối với tổng thống Thái Anh Văn bắt đầu gia tăng từ tháng 01/2019 sau khi chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, trong một bài diễn văn, khẳng định thống nhất Đài Loan là "điều không tránh được" và sẵn sàng dùng vũ lực nếu cần. Tiếp theo, Bắc Kinh gia tăng sức ép đối với Đài Bắc : khẳng định Đài Loan là thuộc phần lãnh thổ "một nước Trung Hoa thống nhất", cắt đường liên lạc chính thức, gia tăng sức ép quân sự và kinh tế, cô lập Đài Loan trên trường quốc tế…

Tuy nhiên, theo AFP, Hoa Kỳ tiếp tục ủng hộ Đài Loan, đặc biệt là về lĩnh vực quân sự. Trong Luật Ngân Sách Quân Sự năm 2020, được tổng thống Donald Trump ký ngày 20/12, Washington "ủng hộ việc tăng cường khả năng quốc phòng và khả năng chiến đấu của Đài Loan, phát triển huấn luyện chung, bán vũ khí cho nước ngoài và quan hệ giữa các sĩ quan cấp cao". Luật mới của Mỹ cũng yêu cầu bộ trưởng Quốc Phòng tiến hành nghiên cứu ảnh hưởng của Bắc Kinh đối với Đài Bắc trong "các lĩnh vực quân sự, kinh tế, thông tin, ngoại giao và internet".

Dân Cao Hùng chia rẽ trong việc chống và ủng hộ thị trưởng

Ngày 21/12, vài trăm nghìn người đã xuống đường tuần hành ở thành phố Cao Hùng, nhưng chia thành hai phe, một bên ủng hộ thị trưởng Cao Hùng trong cuộc bầu cử tổng thống Đài Loan, bên kia đòi ông Hàn Quốc Du từ chức.

Phóng sự của thông tín viên RFI Adrien Simorre từ Cao Hùng :

"Một cuộc đọ sức thực sự đã diễn ra trên đường phố Cao Hùng, thành phố lớn thứ hai của Đài Loan. Đầu tiên là một cuộc tuần hành công dân được tổ chức để yêu cầu thị trưởng Hàn Quốc Du từ chức. Ông này cũng là ứng viên của Quốc Dân Đảng trong cuộc bầu cử tổng thống Đài Loan. Lý do người biểu tình phản đối ông Hàn Quốc Du là cách quản lý thành phố không đúng đắn, nhưng sâu xa hơn là ông Hàn có quan điểm mập mờ với Bắc Kinh.

Eason, một sinh viên đại học Cao Hùng, hô vang : "Đài Loan, hãy thức tỉnh đi !". Anh nói : "Trước khi ứng viên Hàn Quốc Du xuất hiện, Quốc Dân Đảng không thân Bắc Kinh đến như này. Tôi không thực sự thích tổng thống hiện nay, nhưng ít nhất, tôi nghĩ rằng bà ấy có thể bảo vệ chủ quyền của Đài Loan trước Trung Quốc".

Chỉ cách đó vài cây số, Quốc Dân Đảng cũng tổ chức tỉ mỉ một cuộc tuần hành đáp trả. Rất nhiều xe ca được huy động, một sân khấu nhạc được dựng lên. Đây là một cuộc biểu dương lực lượng, chỉ ba tuần trước cuộc bầu cử tổng thống, như giải thích của người phát ngôn thành phố.

Ông nói : "Chúng tôi có đông người hơn nhiều ! Điều này cho thấy đa số người dân ủng hộ ứng viên tranh cử tổng thống Hàn Quốc Du".

Vào cuối ngày, mỗi bên đều tuyên bố có vài trăm nghìn người tham gia cuộc tuần hành do họ tổ chức, nhưng khó có thể phân định hơn thua. Cuộc tập hợp lần tới được ấn định vào ngày 11/01/2020, nhưng sẽ trực tiếp diễn ra ở phòng phiếu".

Thu Hằng

******************

Hải Quân Philippines cảnh báo về đề án sân bay có Trung Quốc tham gia (RFI, 21/12/2019)

Một số quan chức Hải Quân Philippines đã lo lắng theo dõi kỹ lưỡng sự can dự của Trung Quốc vào một đề án trị giá 10 tỷ đô la nhằm xây dựng một sân bay mới gần Manila. Theo báo Nhật Bản Nikkei Asian Review số ra ngày 20/12/2019, lý do gây lo ngại là việc Trung Quốc tham gia công trình này hàm chứa nhiều đe dọa đối với an ninh và quốc phòng Philippines.

asia4

Công ty Xây dựng Truyền thông Trung Quốc (CCCC) tham gia nhiều dự án bồi đắp, gia cố đảo nhân tạo, trong ảnh là Đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa. CSIS/Reuters

Theo tờ báo Nhật Bản, mới đây, một tập đoàn Nhà Nước Trung Quốc là Công ty Xây dựng Truyền thông Trung Quốc (CCCC) đã liên kết với công ty dịch vụ hàng không Macroasia của một tỷ phú Philippines để giành được gói thầu xây dựng một sân bay trị giá 10 tỷ USD ở ngoại ô thủ đô Manila.

Điều được Nikkei Asian Review nêu bật là tập đoàn Xây Dựng Truyền Thông Trung Quốc chính là đơn vị đã xây dựng một loạt tiền đồn quân sự Trung Quốc ở Biển Đông, trong lúc sân bay mới của Philippines lại nằm gần một loạt cơ sở quân sự rất nhạy cảm của Manila.

Một quan chức Hải Quân Philippines cấp cao xin giấu tên đã xác nhận với tờ báo Nhật Bản : "Đấy không chỉ là một mối lo ngại đối với Hải Quân và lực lượng vũ trang Philippines, mà còn đối với cả đất nước Philippines".

Nằm cách trung tâm thành phố Manila khoảng 35 km, sân bay được cho là một giải pháp tốt để giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông hàng không của thủ đô Philippines.

Thế nhưng, sân bay Sangley Point lại nằm ở tỉnh Cavite, gần Bộ Chỉ Huy nhiều cơ quan trọng yếu của Hải Quân, cung cấp các dịch vụ hỗ trợ quan trọng cho quân đội như tiếp tế nhiên liệu, kết nối điện, và một loạt dịch vụ hậu cần khác.Sân bay cũng nằm trên vịnh Manila, nơi đặt bản doanh của Hải Quân Philippines.

Cựu tư lệnh Hải Quân Philippines đã về hưu Alexander Pama cho rằng nếu được tiến hành với sự tham gia của nhà thầu Trung Quốc gây tranh cãi đó, dự án sẽ là hiểm họa treo lơ lửng trên đầu Philippines.

Trong một bài đăng trên Facebook, vị cựu tư lệnh này cho rằng "Trong lịch sử Philippines, các căn cứ hải quân và không quân được đặt ở khu vực hiện tại chính là vị trí chiến lược của nơi đó trong việc giúp bảo vệ thủ đô Manila".

Trọng Nghĩa

********************

Ngoại trưởng Malaysia : Đường 9 đoạn Trung Quốc là yêu sách "lố bịch" (RFI, 21/12/2019)

Khẩu chiến giữa Kuala Lumpur và Bắc Kinh về chủ quyền Biển Đông vừa tăng thêm một mức. Trong một bài trả lời phỏng vấn báo chí ngày 20/12/2019, ngoại trưởng Malaysia Saifuddin Abdullah đã không ngần ngại đánh giá rằng việc Trung Quốc đòi chủ quyền trên hầu như toàn bộ Biển Đông là một yêu sách "lố bịch".

asia5

Ngoại trưởng Malaysia Saifuddin Abdullah. Ảnh chụp ngày 03/08/2018. CC/U.S. Department of State

Tuyên bố của ngoại trưởng Malaysia được cho là nhằm đáp trả lời tố cáo hôm 16/12 của Bắc Kinh, theo đó Kuala Lumpur đã vi phạm chủ quyền "lịch sử" của Trung Quốc ở Biển Đông khi nộp đơn lên Liên Hiệp Quốc xin công nhận thềm lục địa mở rộng.

Theo đài truyền hình Ả Rập Al Jazeera, ngoại trưởng Malaysia đã khẳng định rằng việc nước ông quyết định xin mở rộng vùng thềm lục địa ra ngoài phạm vi 200 hải lý ở Biển Đông nằm trong "quyền chủ quyền" của Malaysia.

Về yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông, ông Saifuddin đã không ngần ngại đánh giá : "Về phần Trung Quốc, việc họ tuyên bố rằng toàn bộ Biển Đông thuộc về họ, theo tôi điều đó thật lố bịch".

Vào ngày 12/12, Malaysia đã chính thức nộp đơn lên lên Ủy Ban Ranh Giới Thềm Lục Địa (CLCS) của Liên Hiệp Quốc xin công nhận vùng thềm lục địa ở phía bắc Biển Đông nằm ngoài phạm vi 200 hải lý tính từ đường cơ sở của nước này. Đây là yêu cầu của Malaysia đối với phần còn lại của thềm lục địa nước này, vì trước đó, vào năm 2009, Malaysia và Việt Nam đã cùng đệ trình phần thềm lục địa của hai nước ở phía nam Biển Đông.

Động thái mới của Malaysia đã khiến Trung Quốc giận dữ. Phái bộ Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc đã lập tức gởi thơ cho tổng thư ký Liên Hiệp Quốc yêu cầu không xem xét đề nghị của Malaysia, trong lúc bộ Ngoại Giao Trung Quốc gởi công hàm phản đối Malaysia là đã vi phạm chủ quyền của Trung Quốc và "các tiêu chuẩn về quan hệ quốc tế".

Trung Quốc đã viện ra luật lệ quốc tế để phản đối Malaysia, trong lúc chính Bắc Kinh đã phớt lờ phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye đánh giá rằng các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông nằm bên trong đường chín đoạn hoàn toàn không có cơ sở pháp lý.

Trọng Nghĩa

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFI tiếng Việt
Read 534 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)