Phong trào phản kháng Hồng Kông : Giáo phận bị chia rẽ
Báo công giáo La Croix hướng về giáo phận Hồng Kông và phong trào đấu tranh dân chủ tại đặc khu hành chính Trung Quốc. Trong bài viết "Người Công giáo Hồng Hông bị chia rẽ trước các cuộc phản kháng", đặc phái viên Dorian Malovic của La Croix cho biết mặc dù đông đảo thanh niên Công giáo rất hăng hái tham gia các cuộc biểu tình chống chính quyền Hồng Kông và Bắc Kinh trong suốt 6 tháng qua, nhưng các chức sắc Giáo phận Hồng Kông vẫn cực kỳ thận trọng, dè dặt, do sợ Bắc Kinh mếch lòng.
Hồi giữa tháng 11/2019, vào ngày thứ 15 Đại học Bách Khoa Hồng Kông bị cảnh sát bao vây, các nhà báo, những nhà làm công tác xã hội và cứu hộ đã có ấn tượng mạnh mẽ về lòng can đảm của giám mục phụ tá Giáo phận Hồng Kông Giuse Hạ Chí Thành, người khi đó hết sức bình tĩnh thương lượng với lực lượng cảnh sát đang vây quanh ông để giải cứu những sinh viên cuối cùng còn bám trụ trong trường, không để họ bị cảnh sát bạo hành hay bắt đi.
Giám mục phụ tá Giuse Hạ Chí Thành chưa bao giờ ngần ngại lên tuyến đầu kể từ khi nổ ra phong trào phản kháng xã hội chống chính phủ hồi cuối tháng 06. Một nhà hoạt động xã hội tích cực ca ngợi Cha Giuse Hạ Chí Thành là một người hùng, một người tốt, gần gũi với nhân dân, thậm chí một số người còn muốn theo Công giáo khi thấy ông ngược xuôi trên địa bàn suốt 6 tháng qua.
Nhiều tín đồ Công giáo và Tin Lành thường có mặt trong đoàn người biểu tình. Qua tiếng hát, họ xoa dịu cả những người tuần hành và cảnh sát. Thế nhưng, sự tham gia của họ không nhận được sự đồng tình tuyệt đối trong nội bộ Giáo phận Hồng Kông. Giáo phận Hồng Kông không dám tham gia chính thức vào phong trào. Mặc dù nhiều tu sĩ trẻ đứng về phía người biểu tình bằng cách mở cửa nhà thờ cho họ vào ẩn náu khi cảnh sát đi vây bắt người biểu tình, nhưng nhiều cha xứ cao tuổi hơn lại từ chối để người biểu tình ẩn náu, nhiều tín đồ Công giáo cũng không muốn Giáo phận chỉ trích chính phủ.
Trong khi rất nhiều cha xứ cho phép các tín đồ hát "quốc ca" của người biểu tình "Vinh quang cho Hồng Kông" sau các buổi lễ, nhưng giáo phận Hồng Kông thì nghiêm cấm. Nhiều cha xứ trẻ tuổi sợ phải phát biểu công khai về quan điểm của họ vì lo sợ bị Giáo phận khiển trách, mặc dù họ rất tích cực "bên trong hậu trường", ngầm bảo vệ các học sinh, quyên góp quần áo và thực phẩm cho người biểu tình.
Một số tín đồ Công giáo Hồng Kông tỏ ra thất vọng về Giáo phận, nhiều tín đồ trẻ tuổi rất có cảm tình với hình mẫu giáo phận Hàn Quốc đã tham gia tích cực vào chiến dịch lật đổ chế độ độc tài năm 1987.
1979, năm ma trận của thế giới
Chỉ còn vài ngày nữa là năm 2019 khép lại, báo Le Monde nhìn lại các sự kiện năm 1979, cách nay tròn 40 năm. Trong mục Ý tưởng, Le Monde giới thiệu bài viết của sử gia Justin Vaïsse, tổng giám đốc Diễn đàn Paris về hòa bình : "1979, năm ma trận của thế giới".
Bức tường Berlin sụp đổ năm 1989 trong bối cảnh có nhiều thay đổi đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới, nhưng theo sử gia Justin Vaïsse, những biến chuyển đó thực chất bắt nguồn từ trước đó cả chục năm, tức là vào năm 1979.
Vào năm 1979, Margaret Thatcher được bầu lên làm thủ tướng Anh, đánh dấu bước khởi đầu của các chính sách tân tự do ở nhiều nước phát triển, đẩy nhanh quá trình toàn cầu hóa, nhưng cũng khoét sâu bất bình đẳng xã hội. Còn tại Châu Á, các chính sách kinh tế do Đặng Tiểu Bình phát động hồi cuối năm 1978 đã "đánh thức" Trung Quốc, mang lại cho quốc gia này tỉ lệ tăng trưởng kinh tế gần 10% hàng năm, làm xáo trộn thế cân bằng thế giới, kéo theo sự trỗi dậy của các quốc gia mới nổi, nhất là trong những năm 2000.
Về địa chính trị, cuộc cách mạng Iran và cuộc xâm lược Iraq cho Liên Xô tiến hành đã làm đảo lộn thế cân bằng trong thế giới Hồi giáo, đẩy nhanh sự sụp đổ của đế chế Xô Viết và đưa thế giới vào thời kỳ tái khẳng định, củng cố bản sắc, nhất là trong thế giới Hồi giáo. Sự thách thức Giáo chủ Khomeyni của Iran nhắm vào Saudi Arabia trở thành cuộc đua về vị trí lãnh đạo thế giới Hồi giáo. Chính điều này đã kích thích sự phát triển của Hồi giáo cực đoan. Đương nhiên, Hồi giáo cực đoan đã tồn tại từ trước đó, trong các cuộc đấu tranh giải phóng thuộc địa, nhưng từ năm 1979 Hồi giáo cực đoan vượt lên trên cả chủ nghĩa liên ả rập hay cộng sản.
Hệ quả thứ hai là cuộc Cách Mạng Iran 1979 đã biến sự đối lập giữa hệ phái Shia và hệ phái Sunni thành một ván bài địa chiến lược. Kể từ năm 2003, chiến dịch xâm lược Iraq của Mỹ làm đất nước vốn do hệ phái Sunni lãnh đạo gia nhập phe của các nước theo hệ phái Shia, làm trầm trọng thêm mối thâm thù giữa Riyadh và Tehran, hai nước có vai trò lãnh đạo lớn nhất Trung Cận Đông hiện nay.
Liên quan tới Afghanistan, vào Giáng sinh năm 1979, khi tấn công quân sự vào nước này, Liên Xô vấp phải sự kháng cự mãnh liệt của cả đất nước Hồi giáo, vốn được sự hậu thuẫn về cả vũ khí và tiền bạc từ các kẻ thù của Moskva là Mỹ, Saudi Arabia, Pakistan, và dần dần Liên Xô phải đối phó với cả hàng chục ngàn người Hồi giáo của các nước Trung Cận Đông tình nguyện chiến đấu chống lại lực lượng xâm lược vô thần.
Công cuộc kháng cự của những người Hồi giáo cực đoan chiến đấu vì đức tin và của những người Ả Rập tự nguyện chiến đấu đã tạo ra ma trận chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo cực đoan hiện đại, thông qua những người như Abdallah Azzam, người truyền bá tư tưởng Hồi giáo cực đoan, Usama bin Laden, người đã đổi hướng quay lại chống Tây phương, những người tình nguyện chiến đấu từ khắp nơi trên thế giới đến Afghanistan, rồi đến các vùng đất Hồi giáo cực đoan khác như Algeri, Bosnia, Chechnya… al-Qaeda, tổ chức của Usama bin Laden, bắt nguồn từ Hồi giáo cực đoan Afghanistan, đã nhiều lần chống lại các lợi ích của Mỹ, cho đến ngày tấn công khủng bố nước Mỹ vào ngày 11/09/2001.
Cỗ máy khủng khiếp khởi động : việc Mỹ đáp trả quân sự bằng các cuộc tấn công Afghanistan (2001) và Iraq (2003) khiến Hồi giáo cực đoan tăng cường chiêu mộ chiến binh, đẩy mạnh việc tái khẳng định bản sắc và cứ như vậy tạo thành một vòng luẩn quẩn. Sau al-Qaeda là đến tổ chức Nhà nước Hồi giáo, và các miền đất mới của Hồi giáo cực đoan xuất hiện : Iraq, Syria, Libya, Sahel, Châu Phi cận Sahara.
Thế nhưng, ai phải chịu trách nhiệm cho những gì xảy ra vào năm 1979 ? Theo sử gia Justin Vaïsse, phải kể tới cuộc cách mạng Iran, các chính sách hiện đại hóa chuyên quyền độc đoán. Liên quan đến Afghanistan, cuộc xâm lược của Moskva, rồi cuộc chiến tranh chống nổi loạn là điểm khởi đầu. Nhưng trách nhiệm cũng thuộc về chính quyền Mỹ và một nhân vật "rất diều hâu", Zbigniew Brzezinski, cố vấn an ninh của tổng thống Jimmy Carter. Không chỉ ủng hộ những chiến binh chiến đấu vì đức tin Hồi giáo cực đoan để làm suy yếu Liên Xô, ông ta còn tạo ra cái bẫy Afghan bằng kích thích các phe đối lập của chế độ thân Xô Viết.
Về phía Afghanistan, năng lực yếu kém và sự tàn bạo của các nhà lãnh đạo nối tiếp nhau (Taraki và Amin) khiến điện Kremlin lo ngại về việc sẽ đánh mất chế độ thân Xô Viết này, và quyết định phải can thiệp quân sự. Về phía Mỹ, Brzezinski ngày càng ủng hộ sự hậu thuẫn của tình báo Mỹ CIA dành cho các chiến binh Hồi giáo cực đoan chiến đấu vì đức tin tôn giáo, thông qua tình báo Pakistan và tiền của Saudi Arabia. Sau này, vào thời tổng thống Ronald Reagan, Quốc Hội Mỹ thông qua việc chi thêm rất nhiều ngân sách giúp Afghanistan kháng cự Liên Xô và chuyển giao cho họ cả tên lửa phòng không Stinger.
Liệu có nên trách cứ các nhà hoạch định chính sách hồi năm 1979 đã tạo ra thế giới như bây giờ ? Sử gia Justin Vaïsse kết luận, không thể có chuyện chỉ có một người, cho dù có quyền lực cao đến thế nào đi chăng nữa, có thể làm thay đổi dòng chảy của lịch sử, điểm giao nhau của nhiều sự thay đổi cơ bản mới có ý nghĩa quyết định.
Hàng giả và những con số cao "chóng mặt"
Giáng sinh là dịp người dân bận rộn mua sắm quà cáp tặng cho gia đình, người thân. Nhưng không phải ai cũng chắc chắn món hàng mình mua không phải là hàng giả, hàng nhái. "Bao nhiêu món quà Giáng sinh là hàng giả "made in Fake Economy ?" là tiêu đề một bài viết trong mục Ý kiến và Tranh luận của báo kinh tế Les Echos.
Theo số liệu mới đây của Cơ quan Châu Âu về sở hữu trí tuệ, mỗi năm, số lượng hàng nhái, hàng giả nhập vào Liên Hiệp Châu Âu có tổng giá trị lên đến 85 tỉ euro. Các nạn nhân lớn nhất Châu Âu chính là Pháp, Ý và Tây Ban Nha. Hàng giả làm PIB hàng năm của Liên Âu thiệt hại tới 60 tỉ euro, làm mất tới 434.000 việc làm. Riêng Pháp mất gần 30.000 việc làm vì Fake Economy.
Năm 2018, chỉ riêng Hải quan Pháp tịch biên 1,8 triệu món hàng thời trang, đồ trang sức giả, nhưng Les Echos nhấn mạnh hàng hóa của tất cả các lĩnh vực đều bị làm nhái : từ phần mềm máy tính, thuốc men, đồ chơi, phụ tùng xe hơi, cho đến những loại hàng cực kỳ nhạy cảm như thiết bị liên quan đến vũ khí, hạ tầng năng lượng, thậm chí cả hạt nhân. Fake Economy không chỉ gây tác hại với tăng trưởng kinh tế và việc làm mà còn liên quan đến vấn đề an toàn cho người sử dụng.
"Nền kinh tế hàng giả" đứng đầu thế giới là Trung Quốc (hơn 80%), nhất là miền tây nước này. Tác giả bài viết, Emmanuel Maurel, nhấn mạnh đã đến lúc Châu Âu cần phản ứng chống "nền kinh tề hàng giả" đang ngầm phá hoại Liên Hiệp, cần mở rộng quyền của Hải quan, trao cho họ nhiều phương tiện phù hợp hơn nữa, cả về pháp lý và tài chính. Các mối quan hệ thương mại giữa Liên Âu và Trung Quốc cũng phải kèm theo mục đích phá hủy Fake Economy, tức là Trung Quốc phải đóng cửa các "nhà máy sao chép".
"Nền kinh tế hàng giả" phát triển mạnh cũng là nhờ phương thức bán hàng trực tiếp trên mạng internet, qua các trang như Alibaba và nhất là Amazon và các dịch vụ chuyển phát hàng. Vì thế, "các tòng phạm" này không thể không bị trừng phạt.
Trang nhất các báo Pháp
Nhìn sang Châu Á, Le Monde quan tâm đến phong trào phản kháng xã hội tại Ấn Độ sau khi New Delhi cho thông qua luật mới về quyền công dân, bị cho là nhắm vào người Hồi giáo. Le Monde chạy tựa trang nhất : "Ấn Độ : Xã hội dân sự thức tỉnh để đối phó với thủ tướng Modi". Trong khi đó, báo kinh tế Les Echos nói tới cuộc khủng hoảng lịch sử của Boeing mang tên 737MAX : "Tập đoàn Boeing hy sinh chủ doanh nghiệp khi đang ở giữa tâm bão".
Báo Le Figaro lại quan tâm đến người theo Công giáo tại Trung Đông qua hàng tựa : "Làn sóng di cư đáng lo ngại của người Công giáo Trung Đông". Từ Iraq, qua miền Đất Thánh, tới Syria, hàng loạt Giáo dân ngoan đoạn ở Trung Đông phải ra đi, vì lo sợ về sự bất ổn, mất an toàn do Hồi giáo cực đoan và các vụ khủng bố bài Công giáo. Tại Iraq, hiện nay chỉ còn 300.000 Giáo dân, so với con số 1,5 triệu hồi năm 2003, thời điểm trước khi chế độ độc tài Saddam Hussein bị Mỹ lật đổ. Trong vòng một thế kỷ, tỉ lệ dân Trung Đông theo Công giáo giảm từ 20% xuống còn 2-3%. Hàng năm, nước Pháp vẫn đón tiếp vài ngàn Giáo dân từ Trung Đông, nhất là từ Iraq.
Thùy Dương