Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

27/12/2019

Châu Á : Philippines, Đài Loan, Ấn Độ, Nhật Bản, Hồng Kông

RFI tiếng Việt

2019 : Thế giới thiệt hại hàng trăm tỉ đô la vì thảm họa tự nhiên (RFI, 27/12/2019)

Trong năm 2019, có ít nhất 15 thảm họa tự nhiên trên thế giới liên quan đến biến đổi khí hậu đã gây thiệt hại trên 1 tỉ đô la/vụ, 7 vụ thiên tai gây thiệt hại ít nhất 10 tỉ đô la/vụ. Trên đây là số liệu do tổ chức phi chính phủ Christian Aid của Anh Quốc công bố vào hôm nay 27/12/2019.

asia1

Mang thức ăn phân phát cho những người dân bị kẹt trong lũ do trận bão Hagibis ở Shibata, Miyagi (Nhật) ngày 13/10/2019. CHARLY TRIBALLEAU / AFP

Dựa vào các nguồn dữ liệu mở trong các báo cáo của Liên Hiệp Quốc và các cơ quan nhà nước, các công trình nghiên cứu khoa học…, tổ chức phi chính phủ Christian Aid đã liệt kê 15 thảm họa tự nhiên gây thiệt hại nặng nề nhất : bão, ngập lụt, cháy rừng… Đợt cháy rừng ở California hồi tháng 11-12 làm Mỹ mất tới 25 tỉ đô la, cơn bão Hagibis ở Nhật (15 tỉ), đợt lũ lụt ở Midwest và miền nam nước Mỹ (12,5 tỉ), trận lũ hồi tháng 08 ở Trung Quốc (12 tỉ), cơn bão Dorian ở Nam Mỹ (11,4 tỉ).

Theo AFP, các nhà nghiên cứu nhấn mạnh tất cả các vụ thiên tai nói trên đều có liên quan đến biến đổi khí hậu và cho rằng mặc dù các con số thiệt hại vật chất là rất cao, nhưng chưa thể hiện hết những hậu quả mà người dân phải chịu đựng.

Tổ chức phi chính phủ Christian Aid cũng lưu ý là mặc dù ba thiên tai gây thiệt hại nặng nề nhất về vật chất liên quan đến hai nước giàu là Nhật và Mỹ, nhưng người dân của các nước nghèo nhất mới phải trả giá đắt nhất cho nạn biến đổi khí hậu. Hai thảm họa khiến nhiều người chết nhất là đợt lũ lụt ở miền bắc Ấn Độ lấy đi sinh mạng của 1.900 người và trận lũ Idai ở Mozambique khiến 1.300 người chết.

Hồi giữa tháng 12/2019, hãng bảo hiểm Thụy Sĩ Swiss Re đánh giá nền kinh tế thế giới thiệt hại 140 tỉ đô la vì thiên tai và các thảm họa do con người gây ra trong năm 2019, so với con số 176 tỉ đô la hồi năm 2018.

Thùy Dương

*******************

Philippines cấm cửa 2 nghị sĩ Mỹ, dọa siết chặt visa đối với người Mỹ (RFI, 27/12/2019)

Phát ngôn viên phủ tổng thống Philippines vào hôm nay, 27/12/2019, cho biết là hai thượng nghị sĩ Mỹ đã không được phép vào Philippine. Sắp tới đây Manila sẽ ra quy định nhập cảnh khắt khe hơn đối với công dân Hoa Kỳ, nếu Washington tăng cường trừng phạt về việc một nhà đối lập chỉ trích chính quyền bị bắt giữ.

asia2

Tổng thống Philippines Duterte trong một cuộc họp báo tại Manila, ngày 26/03/2017. Reuters/Romeo Ranoco

Trong một cuộc họp báo tại Manila, ông Salvador Panelo, người phát ngôn của tổng thống Philippines đã đọc một bản thông cáo xác nhận rằng hai thượng nghị sĩ Mỹ Richard Durbin và Patrick Leahy đã bị ông Duterte ra lệnh cấm cấp visa nhập cảnh.

Hai nhà lập pháp này đã vận động Quốc Hội Hoa Kỳ cấm nhập cảnh đối với mọi quan chức Philippines có liên can đến vụ bắt giam thượng nghị sĩ đối lập Philippines, bà Leila De Lima.

Ngoài ra, theo ông Panelo, tổng thống Philippines còn dự trù việc siết chặt chế độ visa đối với mọi công dân Mỹ nếu Washington áp dụng các biện pháp trừng phạt Manila trong vụ giam giữ bà Leila De Lima.

Philippines cho đến nay vẫn cho phép người Mỹ nhập cảnh và lưu trú 30 ngày mà không cần visa nhập cảnh. Trong 9 tháng đầu năm 2019, đã có 792.000 người Mỹ đến thăm Philippines, chiếm 13% khách nước ngoài đến đây, theo số liệu của chính phủ.

Quốc Hội Mỹ mới đây đã thông qua ngân sách 2020 trong đó có một điều khoản được hai thượng nghị sĩ Durbin và Leahy đưa vào, đề nghị trừng phạt những người dính líu đến việc cầm giữ bà De Lima, bị chính quyền Duterte cáo buộc vị phạm luật về ma túy sau khi bà tiến hành một cuộc điều tra về những vụ giết người hàng loạt trong chiến dịch bài trừ ma túy của ông Duterte.

Trong cuộc họp báo, phát ngôn viên của tổng thống Philippines đã cho rằng đề nghị giới hạn việc đi lại của các quan chức Philippines vì vụ bà De Lima bị cầm tù là một điều phi lý, vì bà De Lima không hề bị giam giữ trái phép mà chỉ bị tạm giam chờ ngày ra tòa. Đây không phải là một trường hợp truy bức.

Hoa Kỳ và Philippines là đồng minh có hiệp ước phòng thủ, nhưng đương kim tổng thống Duterte không mặn mà chút nào với người đồng minh kết ước này.

Mai Vân

*****************

Bắc Kinh lại dùng chiêu thị uy trước lúc Đài Loan bầu tổng thống (RFI, 27/12/2019)

Vào hôm qua 26/12/2019, chiếc tàu sân bay thứ hai của Trung Quốc là chiếc Sơn Đông lại đi từ phía Nam ngược lên miền Bắc, băng qua eo biển Đài Loan. Theo các nhà phân tích, đây lại là một động thái thị uy của Trung Quốc nhằm phô trương sức mạnh quân sự, trước thời điểm Đài Loan tổ chức bầu cử tổng thống vào ngày 11/01 tới đây.

asia3

Các máy bay chiến đấu J15 trên hàng không mẫu hạm Liêu Ninh của Trung Quốc trong một cuộc tập trận. Ảnh chụp ngày 24/04/2018. AFP

Đây không phải là lần đầu tiên chiếc Sơn Đông di chuyển qua eo biển Đài Loan. Hôm 17/11 vừa qua, con tàu này, lúc đó chưa có tên, đã từng đi qua eo biển Đài Loan để xuống vùng Biển Đông với lý do được công bố là "hoạt động thử nghiệm khoa học và huấn luyện thường kỳ" tại vùng Biển Đông.

Theo một nhà bình luận quân sự tại Hồng Kông, được nhật báo South China Morning Post hôm qua trích dẫn, thì mục tiêu của Trung Quốc khi cho chiếc tàu sân bay mới áp sát Đài Loan là nhằm gửi đi một thông điệp cảnh cáo chính quyền Đài Bắc, trong bối cảnh tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn nhiều triển vọng tái đắc cử trong cuộc bầu cử vào tháng tới.

Theo nhà bình luận này thì : "Chiếc hàng không mẫu hạm Sơn Đông cùng với chiếc Liêu Ninh có thể tạo thành một bộ đôi tác chiến. Hoạt động di chuyển qua eo biển Đài Loan có thể giúp hải đội tác chiến kèm theo tàu sân bay Trung Quốc thu thập thêm thông tin tình báo và kinh nghiệm địa hình phục vụ tình huống thực chiến".

Đối với chuyên gia này, động thái di chuyển qua eo biển Đài Loan còn nhằm cho thấy là vùng eo biển cũng như toàn bộ đảo Đài Loan nằm trong phạm vi của cả hai chiếc tàu sân bay Trung Quốc. Qua đó răn đe chính quyền Đài Loan rằng, nếu họ cố tìm kiếm con đường độc lập hoặc khiêu khích quân sự, họ chỉ có đi vào ngõ cụt.

Giới chuyên gia phân tích tại Hồng Kông gần đây đã cho rằng chiến thuật của Trung Quốc là dùng đến hai chiếc tàu sân bay và nhóm tác chiến kèm theo hai chiếc, để chặn đường không cho các lực lượng bên ngoài đến hỗ trợ Đài Loan trong trường hợp nổ ra chiến tranh.

Theo hãng tin Anh Reuters, một quan chức Đài Loan cấp cao thông thạo các vấn đề an ninh cũng nhận định rằng, chuyến băng qua eo biển Đài Loan hôm qua là nỗ lực mới nhất của Bắc Kinh để xen vào cuộc bầu cử Đài Loan.

Theo quan chức này, khi phô trương sức mạnh quân sự, Bắc Kinh đang muốn hù dọa thành phần cử tri Đài Loan chưa dứt khoát chọn bầu cho ứng cử viên Thái Anh Văn thuộc đảng Dân Tiến, theo xu hướng độc lập, hay cho ứng viên Hàn Quốc Du thuộc Quốc Dân Đảng thân Bắc Kinh.

Tuy nhiên, đối với quan chức Đài Loan kể trên, thì Bắc Kinh chắc cũng nhận thức được rằng hành vi đe dọa có thể là con dao hai lưỡi, nhưng điều khiến Trung Quốc lo lắng hơn cả là khả năng thảm bại của các lực lượng thân Trung Quốc trong cuộc bầu cử. Trung Quốc muốn thấy ứng cử viên của đảng đối lập Quốc Dân Đảng giành chiến thắng.

Chính quyền Đài Loan chưa có phản ứng gì về động thái mới nhất của Trung Quốc. Nhưng cách nay một tháng, sau khi chiếc hàng không mẫu hạm mới của Trung Quốc vượt eo biển Đài Loan lần đầu tiên, lãnh đạo ngành ngoại giao Đài Loan đã khẳng định rằng "Dân Đài Loan sẽ không bị hù dọa".

Trọng Nghĩa

****************

Ấn Độ : Chính quyền cắt internet đề phòng dân chúng biểu tình (RFI, 27/12/2019)

Phong trào phản kháng xã hội ở Ấn Độ liên quan đến luật mới về quyền công dân hôm qua vẫn tiếp diễn tại nhiều thành phố. Hôm nay 27/12/2019, chính quyền Ấn Độ lại tiếp tục ngắt đường truyền internet ở nhiều nơi trong cả nước để ngăn ngừa làn sóng biểu tình lan rộng, tiêu biểu nhất là ở bang Uttar Pradesh.

asia4

Cảnh sát dùng gậy đánh những người biểu tình chống luật công dân mới tại Lucknow, Ấn Độ. Ảnh chụp ngày 19/12/2019. STR / AFP

Có 20% dân bang Uttar Pradesh, miền bắc Ấn Độ, theo Hồi Giáo. Thứ Sáu hàng tuần là ngày có lễ cầu nguyện quan trọng của người Hồi Giáo. Lo sợ biểu tình bùng phát mạnh trong ngày hôm nay, tại bang Uttar Pradesh, vài ngàn cảnh sát được vũ trang sáng nay đi tuần ở những quận đa số dân chúng là người Hồi Giáo và bắt giữ 5.000 người để đề phòng họ đi biểu tình. Hơn 1.000 người khác cũng bị bắt vì có liên quan đến phong trào phản kháng.

Chính quyền bang cũng ra lệnh cắt đường truyền internet trên điện thoại di động và dịch vụ tin nhắn tại 21/75 quận, kể cả ở thủ phủ Lucknow. Tại nhiều khu vực của bang này, internet đã bị cắt gần một tuần và mới được khôi phục lại hôm thứ Ba 24/12.

Phong tỏa internet là biện pháp thường xuyên được nhà chức trách Ấn Độ sử dụng để hạn chế dân chúng biểu tình. Theo AFP, Ấn Độ dẫn đầu thế giới về số vụ cắt đường truyền internet. Trang mạng internetshutdown.in thống kê trong năm 2019, chính quyền Ấn Độ đã cắt internet khoảng 100 lần.

Du khách nước ngoài bị trục xuất vì biểu tình

Một nữ du khách Na Uy tên là Janne-Mette Johansson, 71 tuổi, hôm nay cho AFP biết là bà bị nhà chức trách Ấn Độ trục xuất vì đã tham gia biểu tình phản đối luật mới quyền công dân của nước này. Bà Johansson phải rời Ấn Độ vào tối hôm nay. Đây là công dân Châu Âu thứ hai bị New Delhi trục xuất trong tuần này vì tham gia biểu tình.

Thùy Dương

*****************

Nhật Bản phái chiến hạm và phi cơ qua tuần tra ở vùng biển Trung Đông (RFI, 27/12/2019)

Lần đầu tiên từ khi thông qua các đạo luật mới về quốc phòng vào năm 2016 cho phép quân đội Nhật Bản tham gia các chiến dịch quân sự ở nước ngoài, Tokyo vào hôm nay, 27/12/2019 loan báo quyết định phái một khu trục hạm cùng hai phi cơ qua vùng Trung Cận Đông để góp phần bảo vệ các tuyến hàng hải trong khu vực.

asia5

Một phi cơ tuần tra hàng hải P3-C Orion của Nhật bay phía trên một tàu dầu trong hoạt động chống hải tặc ở vịnh Aden, Somalia. Ảnh chụp ngày 01/08/2015. Mandatory credit Kyodo/via Reuters

Theo phát ngôn viên chính phủ Nhật Bản, Yoshihide Suga, hai chiếc phi cơ tuần tra hàng hải P-3C cùng một khu trục hạm tình báo sẽ được phái qua vùng Trung Đông vừa để "đảm bảo hòa bình và ổn định" trong khu vực, vừa nhằm "đảm bảo an toàn của các tàu vận tải phục vụ cho Nhật Bản".

Ông Suga nêu bật ví dụ là 90 % dầu thô mà Nhật Bản nhập khẩu đến từ vùng Trung Đông.

Theo hãng tin Pháp AFP, quyết định của Nhật Bản được đưa ra trong bối cảnh một số tàu chở dầu, trong số đó có một tàu Nhật Bản, bị tấn công ở vùng Vịnh, trong lúc một vài tàu khác đi qua vùng eo biển Ormuz bị Iran chận giữ.

Để đối phó với Iran, Hoa Kỳ đã lập ra một liên minh, triển khai chiến hạm trong vùng nhằm hộ tống tàu thuyền đi qua eo biển Ormuz.

Tuy nhiên, một phát ngôn viên bộ Quốc Phòng Nhật Bản đã khẳng định với AFP rằng lực lượng Nhật Bản sẽ không tham gia liên minh của Mỹ cũng như không hoạt động tại vùng eo biển Ormuz, mà chỉ tuần tra ngoài khơi trên Vịnh Oman, ở vùng phía bắc Biển Ả Rập và trên Vịnh Aden.

Nhiệm vụ của lực lượng Nhật Bản ở vùng Trung Đông sẽ kéo dài một năm, và có thể được triển hạn.

Quyết định của Nhật Bản cử phi cơ và chiến hạm đến tuần tra ở vùng biển Trung Đông được đưa ra đúng ngày Iran khởi động một cuộc tập trận hải quân chung với Nga và Trung Quốc ở vùng Ấn Độ Dương và Vịnh Oman.

Theo đài truyền hình quốc gia Iran, nội dung tập trận bao gồm các hoạt động cấp cứu tàu thuyền bị hỏa hoạn hay bị cướp biển, cũng như các bài tập bắn đạn thật.

Vào hôm qua, Bắc Kinh cho biết là đã phái một khu trục hạm có trang bị tên lửa dẫn đường tới tham gia cuộc tập trận kéo dài bốn ngày. Theo một phát ngôn viên bộ Quốc Phòng Trung Quốc, cuộc tập trận chỉ là một hoạt động "giao lưu quân sự bình thường" giữa ba lực lượng vũ trang, chứ "không nhất thiết gắn liền với tình hình khu vực".

Trọng Nghĩa

*****************

Hồng Kông : Ngày thứ ba xung đột giữa người biểu tình và cảnh sát (RFI, 27/12/2019)

Phong trào phản kháng xã hội vẫn tiếp diễn trong những ngày nghỉ lễ Giáng Sinh ở Hồng Kông. Hôm qua thứ Năm 26/12/2019 là ngày thứ ba liên tiếp xảy ra xô xát giữa người biểu tình và lực lượng cảnh sát bên trong các trung tâm thương mại, nơi tập trung đông người trong dịp lễ tết cuối năm.

asia6

Người biểu tình tại trung tâm thương mại ở khu Sa Điền (Sha Tin), Hồng Kông ngày 25/12/2019. Reuters/Lucy Nicholson

Chiều hôm qua, đông đảo người biểu tình tập trung ở các trung tâm thương mại và giương biểu ngữ chống chính phủ và cảnh sát. Để nhận diện những người biểu tình mặc trang phục đen, nhiều cảnh sát chống bạo động đã xịt hơi cay và phun sơn xanh vào những người này. Nhiều vụ bắt bớ đã xảy ra.

Từ Hồng Kông, đặc phái viên RFI Stéphane Lagarde cho biết chi tiết :

"Có hơn 300 người bị bắt giữ, trong khi đó chính phủ ra nhiều thông cáo, 3 thông cáo trong vòng 24 giờ, để bác bỏ lời tố cáo của những người tham gia phong trào phản kháng về nạn bạo lực của cảnh sát.

Trong mấy ngày lễ này, lực lượng chống bạo động can thiệp bên trong các trung tâm thương mại, nơi những người biểu tình tập trung. Các hình ảnh một lần nữa lại được truyền đi khắp thế giới, đó là hình ảnh về các gia đình đi mua sắm với khuôn mặt che kín để tránh hơi cay.

Đối với lãnh đạo đặc khu, Carrie Lam (Lâm Trịnh Nguyệt Nga), chỉ có một thủ phạm duy nhất : những người tham gia phong trào phản kháng đã phá tan ngày lễ, làm hỏng Giáng Sinh. Đó là những từ đã được lãnh đạo đặc khu hành chính Hồng Kông sử dụng.

Các chuỗi cà phê, nhà hàng thuộc sở hữu của các doanh nghiệp Trung Quốc lục địa bị phá hoại … Ủy ban công nghiệp du lịch Hồng Kông cho biết ba ngày phản kháng vừa qua đã làm doanh thu trong lĩnh vực này sụt giảm. Ông chủ tịch sáng hôm nay, thứ Sáu, nói cũng giống như "điệu nhảy tango nào cũng cần có hai người", về tình trạng hiện nay, mỗi người trong xã hội đều có một phần trách nhiệm.

Còn báo South China Morning Post thì khẳng định trách nhiệm này cũng thuộc về chính quyền đặc khu. Cây bút xã luận của báo này viết, đối với người dân Hồng Kông, kỳ nghỉ Giáng Sinh không vui vẻ mà cũng không yên bình. Chính phủ cần tìm một lối thoát cho cuộc khủng hoảng".

Thùy Dương

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFI tiếng Việt
Read 627 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)