Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

02/02/2020

Sợ siêu virus Corona : Trung Quốc bị cả thế giới cô lập

Tổng hợp

Virus corona : Quốc tế tiếp tục xa lánh Trung Quốc (RFI, 02/02/2020)

Khủng hoảng dịch viêm phổi tại khiến Trung Quốc mỗi ngày mỗi bị cô lập. Mỹ, Úc, cấm hẳn du khách Trung Quốc trong khi Nga tái lập chế độ visa. Gần 150 trường hợp lây nhiễm virus corona được phát hiện tại 20 nước. Trong bầu không khí bất an, cuộc di tản kiều dân nước ngoài tiếp diễn.

CHINA-HEALTH/INDONESIA

Nhân viên y tế chuẩn bị lên đường sang Vũ Hán đưa công dân Indonesia hồi hương. Reuters

Pháp, Đức, Anh, Mỹ, Ấn, Canada, Ba Lan, Tây Ban Nha, Nhật, Hàn, Úc... một loạt quốc gia đã và đang chuẩn bị đưa máy bay sang Trung Quốc di tản công dân của mình.

Trưa ngày 02/02/2020 chuyến bay thứ hai của quân đội Pháp đưa về cơ sở một trường sĩ quan lực lượng chữa lửa tọa lạc trong tỉnh Aix-en-Provence, gần Địa Trung Hải khoảng 300 người gồm công dân Pháp và 29 quốc tịch khác nhau, trong tinh thần tương thân tương trợ, theo tuyên bố của Ngoại trưởng Jean Yves Le Drian. Sau đó, những người di tản sẽ được cơ quan đại diện ngoại giao mỗi nước hỗ trợ hồi hương. Trước đó, máy bay của Đức cũng đã hồi hương khoảng một trăm kiều dân.

Song song với cuộc di tản kiều dân, Luân Đôn rút bớt nhân viên ngoại giao về nước chỉ để lại một số cộng sự viên cần thiết với vị đại sứ ở Bắc Kinh.

Về phần chính quyền Nga, tuy rất thân thiết với Bắc Kinh, cũng quyết định ngưng cấp visa cho lao động Trung Quốc và tái lập thị thực nhập cảnh đối với du khách đi theo đoàn.

Tú Anh

*****************

Trung Quốc : 304 người tử vong, virus corona lan mạnh, Ôn Châu bị cách ly (RFI, 02/02/2020)

Cho tới ngày 02/02/2020, dịch viêm phổi cấp tính chủng mới tại Trung Quốc tiếp tục lây lan, làm 304 người chết và 14.000 người bị lây nhiễm. Chính quyền Ôn Châu, cách trung tâm dịch Vũ Hán gần 700 km áp đặt biện pháp cách ly toàn thể 9 triệu dân. Mỗi nhà chỉ có một người được quyền đi mua thức ăn, hai ngày một lần.

xalanh2

Vì virus corona, Apple thông báo đóng cửa hiệu bán Smartphone tại Thượng Hải. Ảnh ngày 01/02/2020. Reuters

Quốc tế tiếp tục di tản kiều dân và cấm cửa du khách Trung Quốc. Doanh nghiệp nước ngoài ngưng hoặc giảm hoạt động. Tác hại lên nền kinh tế đã hiện rõ. Ngày Chủ Nhật, 02/02/2020 Ngân Hàng Trung Ương loan báo đầu tư kích hoạt kinh tế 1000 tỷ nhân dân tệ.

Từ Bắc Kinh, thông tín viên Stéphane Lagarde phân tích :

"Trong thời khủng hoảng thì điện thoại thông minh cũng hết còn quyến rũ. Các rạp chiếu bóng, hàng quán vắng khách thưa người. Sau McDo, IKEA, Wallmart, Starbuck, Pizza Hutt hay KFC đến phiên Apple thông báo đóng cửa khoảng 40 địa điểm thương mại tại Trung Quốc.

Theo giới phân tích được tạp chí kinh tế Tài Kinh (Caixin) trích dẫn, siêu vi viêm phổi chủng mới corona đã làm cho các ngành dịch vụ từ quán ăn, du lịch cho đến giải trí bị thiệt hại 143 tỷ đôla ngay trong tuần nghỉ lễ đầu tiên của Tết Nguyên Đán.

Trung Quốc, trong bối cảnh tăng trưởng thấp nhất từ 30 năm nay, hy vọng kinh tế sẽ phục hồi với thỏa thuận hưu chiến thương mại với Mỹ. Thế nhưng, siêu vi corona làm tiên tan hy vọng này. Trong ngày Chủ Nhật, Ngân Hàng Nhà Nước Trung Quốc loan báo sẽ bơm vào thị trường 1.000 nhân dân tệ để hỗ trợ kinh tế".

Nguy cơ bất ổn xã hội

Thiếu thốn dụng cụ - thiết bị y tế, các hoạt động kinh tế bị đình trệ, Trung Quốc giờ có nguy cơ đối mặt bùng nổ xung đột xã hội. Việc các nhà xưởng phải kéo dài ngày nghỉ buộc chính quyền Bắc Kinh theo dõi sát sao tỷ lệ thất nghiệp do lo ngại bất ổn xã hội.

Vũ Hán, ổ dịch nhưng còn là lá phổi công nghiệp Trung Quốc, nhất là trong lĩnh vực lắp ráp xe ô tô và điện tử. Tâm trạng sợ virus corona buộc nhiều người ở yên trong nhà. Vào lúc nhu cầu khẩu trang và các thiết bị - dụng cụ y tế ngày càng cấp bácy, các nhà xưởng hoạt động hết công suất, nhưng tại nhiều doanh nghiệp, công nhân vẫn không trở lại làm việc.

Trả lời câu hỏi nhà báo Jelena Tomic của RFI, ông Samuel François, giảng viên Y khoa, đại học Vũ Hán nhận định hiện tại, người dân tại Vũ Hán vẫn còn "giữ nụ cười", chưa tỏ ra hoảng loạn, bất chấp tình trạng bị cách ly. Tuy nhiên, nếu tình hình này kéo dài, "tình hình có nguy cơ thay đổi".

Một điều chắc chắn, khi nhìn thấy những chiếc máy bay chở kiều dân các nước hồi hương cất cánh, những hình ảnh này sẽ hằn sâu trong ký ức người Trung Quốc. Hơn nữa, khẩu hiệu "Tôi là người Vũ Hán" không còn được lắng nghe tại Trung Quốc cũng như ở bên ngoài, cư dân Hồ Bắc, giờ cũng đang bị đối xử giống như là những người bị mắc bệnh hủi.

Tú Anh - Minh Anh

******************

Y học cổ truyền Trung Quốc chống virus corona ? (RFI, 02/02/2020)

Trung Quốc nổi tiếng có những bài thuốc bắc thần dược, nhưng chưa có "thuốc tiên" trị virus corona. Vào lúc Bắc Kinh ghi nhận đã có hơn 300 ca tử vong, trên 12.000 người bị viêm phổi, tại Trung Quốc những chai thuốc Song Hoàng Liên trở nên vô cùng khan hiếm.

xalanh3

Một hiệu thuốc tại Hồng Kông. Ảnh minh họa. Reuters

Lý do : loại thuốc này được chế biến từ một loài thảo dược chuyên trị ho, sốt hay viêm quản. Đây cũng là những triệu chứng do siêu vi corova gây nên.

Trong những ngày qua các giới chức y tế Trung Quốc nỗ lực thuyết phục dân tình tránh lui tới những chỗ đông người có khả năng lây nhiễm cao, nhưng các nhà thuốc là một ngoại lệ. Dịch bệnh đang lan tràn vẫn không làm nản lòng những người đứng xếp hàng đông như kiến đợi đến lượt vào mua thần dược Song Hoàng Liên và mua khẩu trang.

Mua khẩu trang là điều dễ hiểu, nhưng hiện tượng "lên cơn sốt" trước những lọ thuốc Song Hoàng Liên, chế biến từ một loài thảo dược, có cánh hoa vàng, đang khiến giới khoa học hoài nghi. Đành rằng, hôm 31/01/2020 chính Hàn Lâm Viện Khoa Học Trung Quốc quả quyết rằng loài dược thảo này có tính chất để "hút virus". Chỉ vài giờ sau đó công dân mạng và cả báo chí chính thức Trung Quốc cũng tỏ ra hoài nghi về kết luận này. Chính Nhân Dân Nhật Báo đã phải lên tiếng kêu gọi người dân chớ dùng thuốc dân tộc mà không tham khảo ý kiến của bác sĩ. Đài truyền hình nhà nước báo động "coi chừng phản ứng phụ hoặc bị công phạt".

Điều đó không có nghĩa là thuốc bắc, thuốc dân tộc bất lực trước một chủng virus mới "bất trị" như siêu vi corona. Hàng chục nhà nghiên cứu Trung Quốc đang quan tâm đến một loài thảo dược có tên gọi Cốt Khí Củ - Reynoutria japonica, lá nhọn tựa như rau răm của Việt Nam. Theo AFP Bắc Kinh quyết tâm khai thác thế mạnh của y học cổ truyền Trung Quốc trong việc đẩy lùi virus corona. Ngoài ra hàng chục chuyên gia về thuốc dân tộc cũng đã được điều tới Vũ Hán để tiếp tay với các bác sĩ tại thành phố đã bị cô lập từ hôm 23/01/2020.

Trung Quốc rất tự hào về ngành y học cổ truyền. Chính ông Tập Cận Bình từng gọi đây là "một kho tàng của nền văn minh Trung Hoa" và "đông y phải có một chỗ đứng xứng đáng hơn nữa bên cạnh ngành y học hiện đại". Năm 2016, doanh thu trên thị trường thuốc bắc tại Trung Quốc lên tới 120 tỷ euros.

Thanh Hà

****************

Virus corona : Bắc Kinh kêu gọi Châu Âu hỗ trợ chống dịch (RFI, 02/02/2020)

Trong bối cảnh cứ mỗi ngày có thêm gần 50 người chết và hàng ngàn bệnh nhân mới được kiểm kê, chính quyền Trung Quốc kêu cứu. Theo thông báo của chính phủ Trung Quốc, thủ tướng Lý Khắc Cường kêu gọi Liên Hiệp Châu Âu tạo thuận lợi cung cấp khẩn cấp trang thiết bị, dụng cụ y khoa.

xalanh4

Ảnh minh họa cho dịch viêm phổi do virus corona gây nên. Ảnh ngày 01/02/2020. Reuters/Feline Lim

Bản tin Tân Hoa Xã ngày 01/02/2020 cho biết, trong cuộc điện đàm với chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von Der Leyen, thủ tướng Trung Quốc đã giải thích tình hình dịch bệnh hiện nay ở Hoa lục nhất là ở Vũ Hán nơi mà ông gọi là "tuyến đầu" của cuộc chiến chống virus viêm phổi chủng mới.

Thủ tướng Trung Quốc cam kết sẽ tăng cường chia sẻ thông tin và hợp tác với Liên Hiệp Châu Âu chống khủng hoảng virus corona.

Trước quy mô lây lan nhanh chóng, giới y tế Trung Quốc có lẽ gặp nhiều khó khăn và thiếu phương tiện. (Xem giải thích của của bác sĩ Philippe Klein trên RFI-01/02/2020).

Ông Lý Khắc Cường kêu gọi Bruxelles và các thành viên Liên Hiệp Châu Âu hỗ trợ cho Trung Quốc, nhanh chóng cung cấp trang thiết bị khẩn cấp.

Tân Hoa xã cho biết chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von Der Leyen đã nhận lời trợ giúp y tế cho Bắc Kinh.

Tú Anh

*****************

Siêu vi viêm phổi : Thế giới bế quan tỏa cảng đối với người Trung Quốc (RFI, 01/02/2020)

Thứ Bảy 01/02/2020, khủng hoảng virus corona làm Trung Quốc ngày càng bị cô lập. Từ Châu Á, Châu Âu đến Úc, Mỹ, hàng loạt quốc gia từ chối mọi hành khách đến từ Hoa lục trong bối cảnh số người bị lây nhiễm lên đến gần 12.000, thêm 2.100 ca mới so với báo cáo ngày hôm trước.

CHINA-HEALTH/USA

Máy bay Mỹ hồi hương nhân viên chính phủ và công dân Mỹ từ Vũ Hán (Trung Quốc) hạ cánh xuống Riverside, bang Californie, ngày 29/01/2020. Reuters/Mike Blake

Cho đến hiện nay, dường như chỉ có Châu Phi và Nam Mỹ chưa bị dịch viêm phổi Trung Quốc lan đến, trong khi trên thế giới đã có khoảng 20 nước và vùng lãnh thổ đã bị lây nhiễm. Tại Hoa lục, số nạn nhân cũng tăng từng ngày. Tất cả mọi tỉnh thành đều bị lây nhiễm.

Trong bối cảnh này, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng kêu gọi dân chúng tránh sang Trung Quốc hoặc hồi hương về Mỹ trong giai đoạn có dịch này.

Biện phát mới là kể từ tối Chủ nhật 02/02, Washington cấm triệt những người không phải là công dân Mỹ, đã ở Trung Quốc 14 ngày qua, nhập cảnh vào Hoa Kỳ. Còn nếu là công dân Mỹ, hành khách sẽ bị cách ly 14 ngày để được theo dõi tình trạng sức khỏe.

Úc, cũng như Singapore và Mông Cổ tại Châu Á, và Ý ở Châu Âu cũng ban hành biện pháp tương tự đối với hành khách không phải là công dân bản địa.

Việt Nam, một nước láng giềng của Trung Quốc, thông báo ngưng cấp visa cho người Trung Quốc và những những người nước ngoài lưu trú tại Hoa lục trong hai tuần cuối cùng. Tin từ Việt Nam cho biết sáu trường hợp lây nhiễm. Từ chiều 01/02, các hãng hàng không Việt Nam ngưng các chuyến bay sang Trung Quốc. Riêng ở Sài Gòn, có bốn người mới bị cách ly để theo dõi, tất cả đều từ Vũ Hán trở về, trong đó có ba người Pháp (Tuổi Trẻ).

Trước tình trạng bế quan tỏa cảng của các nước trên đây, đặc biệt là của Châu Á và Hoa Kỳ, chính quyền Trung Quốc khuyến cáo tránh "hành động hoảng hốt vô ích và các biện pháp quá đáng".

Đại sứ Trung Quốc bên cạnh phái bộ Liên Hiệp Quốc ở Geneve cho là "Tổ Chức Y tế Thế giới tin tưởng vào khả năng chống dịch của Trung Quốc". Trong khi đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Xuân Oánh chỉ trích "các lời nói và hành động của một số quan chức Mỹ là không có cơ sở và không đúng với thực tế".

Bác sĩ nước ngoài tin vào khả năng của các bệnh viện địa phương Trung Quốc

Trả lời RFI, từ Vũ Hán, bác sĩ Philippe Klein cho biết ông tin tưởng vào khả năng của các bệnh viện địa phương :

"Đến hôm nay (31/01), tình hình được cải thiện nhiều lắm. Với 30 bệnh viện lớn, mỗi bệnh viện có 1.000 giường, cộng với hai bệnh viện dã chiến, Vũ Hán có đủ khả năng để chăm sóc cho tất cả những người bị nhiễm siêu vi viêm phổi nghiêm trọng.

Người ta đã tính đến giải pháp cho nhập viện cả những trường hợp triệu chứng nhẹ mới xuất hiện. Bởi vì những người này, đang bị cách ly ở nhà, nhiều khi không tôn trọng các nguyên tắc phòng ngừa lây lan cho người khác. Phải nói là nhu cầu sử dụng dụng cụ xét nghiệm rất lớn vì còn phải kiểm chứng thường xuyên để coi những người đã bệnh có khỏi hẳn chưa. Do mỗi bệnh viện tại Vũ Hán có một bệnh viện "đỡ đầu" ở một tỉnh khác cho nên không thiếu hụt dụng cụ.

Trái lại, Vũ Hán thiếu thốn dụng cụ bảo hộ cho nhân viên y tế, bác sĩ, y tá… Trung Quốc đang nỗ lực tìm cách tái trang bị để không bị thiếu hụt lâu dài. Tôi nghĩ là trong nay mai, các trang thiết bị bảo hộ (áo choàng, quần, giày, găng, kính) sẽ về đầy đủ".

Tú Anh

********************

Virus corona : Số người chết tiếp tục tăng, bí thư thành ủy Vũ Hán nhận trách nhiệm (RFI, 01/02/2020)

Chính quyền Trung Quốc ngày 01/02/2020 loan báo, trong vòng 24 giờ, có thêm 46 người chết vì chứng viêm phổi cấp tính do virus corona mới gây ra, nâng tổng số nạn nhân lên thành 259 người.

xalanh6

Thành phố Vũ Hán, tâm ổ dịch virus corona mới, bị cách ly từ ngày 23/02/2020. Hector RETAMAL / AFP

Hầu hết các ca tử vong đều được phát hiện ở tỉnh Hồ Bắc, ổ dịch virus corona mới. Thông cáo của Ủy Ban Y tế Quốc Gia Trung Quốc còn nêu rõ tổng số người bị lây nhiễm tính đến ngày 31/01 là 11.791 ca trên cả nước, tăng thêm 2.102 ca nhiễm so với hôm trước.

Bị nhiều người dân chỉ trích là đã che giấu thông tin về dịch virus corona, ông Mã Quốc Cường (Ma Guoqiang), bí thư thành ủy thành phố Vũ Hán thừa nhận trách nhiệm là đã ra lệnh hạn chế di chuyển quá chậm trễ. Ông nói : "Tôi cảm thấy có tội và tôi rất ân hận".

Tỉnh Hồ Bắc, tâm dịch bệnh tại Trung Quốc, hiện vẫn bị cách ly. Mọi con đường đi vào thành phố đều bị ngăn chặn. Các phương tiện giao thông công cộng đều ngưng hoạt động nhằm tránh cho dịch bệnh lây lan.

Thị trường dầu lửa căng thẳng

Dịch viêm phổi cấp virus corona đã có những tác động đối với nền kinh tế thế giới. Giá cả trên thị trường dầu lửa tụt giảm thê thảm trong những ngày gần đây. Chỉ số hai loại dầu được niêm yết trên sàn chứng khoán là WTI tại New York và Brent ở Luân Đôn lần lượt giảm 16% và 12%. Giới quan sát lo ngại thị trường dầu khí có nguy cơ trở lại những tháng căng thẳng tồi tệ nhất như đã từng trải qua hồi tháng 5/2019 ở New York và tháng 11/2018 ở Luân Đôn.

Minh Anh

****************

Virus corona biến Vũ Hán thành một thành phố chết (RFI, 01/02/2020)

Virus corona biến Vũ Hán thành một thành phố chết ; Tin giả về dịch bệnh lan tràn trên mạng xã hội ở Malaysia ; Du lịch Thái Lan bị thiệt hại nặng do mất khách Trung Quốc ; Nga đóng cửa biên giới với Trung Quốc để chặn nguy cơ lây lan ; Cựu vương Bỉ nhận con ngoài giá thú sau nhiều năm chối bỏ. Đó là những chủ đề của tạp chí Thế giới đó đây cuối tuần này.

xalanh7

Một đại lộ chính ở thành phố Vũ Hán, không một bóng người, sau khi chính quyền thành phố cấm mọi phương tiện giảo thông không phải trọng yếu. Ảnh chụp ngày 26/01/2020. China Daily via Reuters

Virus corona : Vũ Hán giống như thành phố chết

Thành phố Vũ Hán, nơi xuất phát dịch viêm phổi do virus corona (2019-nCoV) gây ra, nay giống như một thành phố chết, kể từ khi lệnh giới nghiêm được ban hành. Kể từ nay, tổng cộng 56 triệu người bị cách ly tại các thành phố của tỉnh Hồ Bắc : một cái Tết Nguyên Đán của thời dịch bệnh.

Thông tín viên Simon Leplâtre tường trình từ Thượng Hải :

"Luc Liu, 30 tuổi, là người gốc Vũ Hán nhưng sống ở Pháp từ 5 năm nay. Anh đã về nước để ăn Tết với gia đình và kẹt lại trong một thành phố bị cách ly, nội bất xuất, ngoại bất nhập.

Anh nói : "Đường phố rất vắng vẻ, không có xe chạy nữa, có rất ít người đi trên đường". Bình thường, theo truyền thống ngày Tết, mọi người đi thăm gia đình, bạn bè, nhưng vào lúc này thì không thể đi được. Luc Liu cho biết : "Do chúng tôi đã hủy các cuộc viếng thăm, nên tôi ở nhà với bố mẹ. Cả ba chúng tôi ở nhà xem TV, gọi điện cho người thân để xem có ai bị bệnh không, mọi chuyện có ổn hay không. Trong khu nhà, do không ai ra ngoài được, nhưng vì chúng tôi cũng thèm nói chuyện với nhau, cho nên chúng tôi mở cửa sổ nói với sang".

Tuy thấy thời gian rất dài, nhưng Luc cảm thấy mừng là trong gia đình anh, trong số những người thân, không có ai mắc bệnh".

Malaysia : Virus corona và tin giả

Malaysia cũng là một trong những quốc gia có người bị nhiễm virus corona Vũ Hán. Từ đầu dịch bệnh đến nay, các tin giả và những bình luận mang tính kỳ thị sắc tộc tràn ngập các mạng xã hội, như tường trình của thông tín viên Gabrielle Maréchaux từ Kuala Lumpur :

"Một người đàn ông ngã quỵ xuống, những tiếng khóc và tiếng la bằng Hoa ngữ vang lên, những hình ảnh và âm thanh như thế trong video clip này dễ khiến cho người xem hoảng sợ. Nhưng thật ra đó là những hình ảnh không rõ lấy từ đâu và đã có từ năm 2015. Đó là một trong số rất nhiều tin giả đang lan truyền hiện nay.

Là phóng viên của nhật báo Malay Mail, Zurairi AR từ cuối tuần qua đã truy tìm và bác bỏ các tin giả đó. Anh nói : "Ca đầu tiên xác nhận nhiễm virus ở Malaysia là vào ngày 24/01. Ngay hôm sau, chúng tôi đã bắt đầu thấy có ít nhất hai tin giả, rằng có đến 2 ca nhiễm bệnh ở hai thành phố Malaysia. Rồi lại có chuyện tù nhân chết vì con virus này ở miền đông Malaysia !"

Nhưng điều làm nhà báo này lo ngại nhất, đó là thái độ kỳ thị sắc tộc đằng sau những tin giả đó. Anh nói : "Một số lãnh đạo tôn giáo và lãnh đạo chính trị đã bắt đầu có những phát biểu mang tính bài ngoại, xem virus corona là do Trời phạt Trung Quốc về việc đàn áp thiểu số người Hồi Giáo Duy Ngô Nhĩ, cũng như do việc người Trung Quốc ăn những loài vật mà Hồi Giáo cấm ăn.

Trên mạng Twitter, bộ Y tế Malaysia đã cảnh báo dư luận và đưa các bằng chứng để cho thấy đó là những hình ảnh giả".

Virus corona : Du lịch Thái Lan bị ảnh hưởng nặng

Tại Thái Lan, ngành du lịch Thái Lan đang bị thiệt hại nặng nề do virus corona ở Trung Quốc. Hàng trăm ngàn du khách Trung Quốc lẽ ra đến Thái Lan đã ở lại nhà vì sợ bị lây nhiễm.

Từ Bangkok, thông tín viên Carol Isoux tường trình :

"Trên đường phố Bangkok, thoạt nhìn người ta vẫn thấy có nhiều du khách từ khắp nơi trên thế giới. Thái Lan tiếp đón mỗi năm trên 10 triệu du khách Trung Quốc, trong đó có một phần khá lớn đến vào dịp Tết. Một số khách sạn, nhất là những khách sạn làm việc với các công ty du lịch ở Vũ Hán, trung tâm điểm của dịch bệnh, than phiền là có rất nhiều tour bị hủy, và mùa du lịch năm nay coi như là mất trắng.

Chính phủ Trung Quốc đã hủy toàn bộ các chuyến bay từ Vũ Hán và tạm thời cấm bán các tour du lịch theo đoàn, nguồn thu nhập chính từ du lịch Trung Quốc sang Thái Lan.

Theo chủ tịch hiệp hội các công ty lữ hành, Vichit Prakobsol, tình hình có thể sẽ trở nên trầm trọng. Câu hỏi đặt ra bây giờ là lệnh cấm du lịch sẽ kéo dài bao lâu, nhất là đối với các tour du lịch theo đoàn. Nếu lệnh cấm kéo dài, ngành du lịch sẽ bị thiệt hại nặng nề, hiện giờ thiệt hại do việc hủy các tour hiện nay được thẩm định là khoảng 50 triệu bath (1 triệu euro).

Dịch viêm phổi cấp tính SARS năm 2003 đã kéo dài khoảng 8 tháng. Du khách Trung Quốc là những du khách tiêu xài nhiều nhất ở Thái Lan, chỉ riêng họ đã chiếm 25% thu nhập của ngành du lịch, một ngành rất quan trọng đối với kinh tế của nước này".

Virus Corona : Nga đóng cửa biên giới với Trung Quốc

Ngày 30/01/2020, tân thủ tướng Mikhaïl Mischoustine thông báo đóng cửa các biên giới trên bộ với Trung Quốc để ngăn chặn sự lây lan của dịch viêm phổi cấp tính do virus corona. Hiện còn nhiều người lao động và du khách Trung Quốc vẫn đang ở trên lãnh thổ nước Nga.

Từ Moskva, thông tín viên Daniel Vallot tường trình :

"Nga có hơn 4.000 km đường biên giới với Trung Quốc và biện pháp này sẽ có liên quan đến tổng cộng 5 vùng, đặc biệt ở Siberia và vùng Viễn Đông Nga.

Chính phủ Nga nói rõ là biện pháp sẽ có hiệu lực hôm nay (30/01) và sẽ mang tính tạm thời, nhưng không cho biết là đến khi nào. Moskva cũng thi hành một biện pháp khác : công dân Trung Quốc sẽ không thể xin visa điện tử để đến các tỉnh vùng Viễn Đông, thành phố Saint-Petersbourg, và vùng Kaliningrad.

Trung bình mỗi năm có khoảng 1,5 triệu du khách Trung Quốc đến nước Nga. Thiệt hại có thể sẽ rất lớn, lên tới 100 triệu đôla, theo thẩm định của Hiệp hội các công ty du lịch Nga.

Hiện giờ (tính đến ngày 30/01) chưa có ca nhiễm virus corona nào được phát hiện trên lãnh thổ Nga. Nhưng chính phủ tuyên bố họ sẵn sàng đối phó với mọi tình huống. Các phương tiện phát hiện và ngăn ngừa dịch bệnh sẽ được huy động và đã được sử dụng ở các sân bay.

Ngoài ra, hơn 5.000 du khách Nga, hiện đang ở Trung Quốc, sẽ được hồi hương từ đây đến ngày 04/02".

Thanh Phương

*****************

Virus corona : Tòa án Trung Quốc phục hồi danh dự cho 8 bác sĩ (RFI, 31/01/2020)

Dưới áp lực rất lớn của dư luận, Tòa án Tối cao Trung Quốc hôm 29/01/2020 đã có một động thái chưa từng thấy từ trước đến nay : ra thông cáo khiển trách công an vì đã trừng phạt tám người bị cho là lan truyền "tin đồn".

xalanh8

Ông Chung Nam Sơn (Zhong Nanshan), chuyên gia về các bệnh đường hô hấp được mời lãnh đạo ủy ban nghiên cứu về virus corona (19/01/2020). China Daily via Reuters

Công an Vũ Hán, thành phố xuất phát dịch corona, vào ngày đầu năm dương lịch 01/01/2020 đã câu lưu tám bác sĩ vì "đăng tải hay lan truyền các thông tin sai lạc trên internet mà không kiểm chứng".

Nhật báo Thanh Niên Bắc Kinh cho biết, một bác sĩ bệnh viện Vũ Hán sau khi khẳng định có bảy bệnh nhân bị nhiễm SARS, đã bị công an bắt buộc phải làm cam kết không đăng những tin như vậy nữa.

Trong thông cáo, Tòa án Tối cao nhận định : "Tuy giờ đây đã biết được loại bệnh viêm phổi mới không phải là SARS, nhưng nội dung được tác giả đăng lên không hẳn là sai. Nếu công chúng hồi đó vì sợ dịch SARS theo "tin đồn" này, bắt đầu mang khẩu trang, khử trùng và tránh đến các chợ bán thịt rừng, thì có thể tình hình đã tốt hơn".

Có rất nhiều cư dân mạng Trung Quốc giận dữ đòi hỏi phải công khai phục hồi danh dự cho tám bác sĩ trên, coi họ là những người cảnh báo cần thiết nhưng bị chính quyền địa phương e ngại vì muốn giấu kín thông tin.

Tòa án Tối cao nhấn mạnh, một khi các tác giả và những người chia sẻ thông tin không có ý đồ xấu, thì cần phải có thái độ cởi mở hơn đối với những tin tức bị coi là không chính thống.

Bên cạnh đó, chính quyền thành phố Thiên Tân (miền bắc) hôm qua loan báo cho ngưng chức một thành viên ủy ban y tế địa phương vì thiếu trách nhiệm. AFP cho đây có thể là trừng phạt đầu tiên đối với một quan chức trong khuôn khổ cuộc khủng hoảng dịch virus corona.

Thụy My

*******************

Dịch virus corona : Chính sách hai mặt của Bắc Kinh trong việc sơ tán ngoại kiều (RFI, 31/01/2020)

Bệnh dịch virus corona mới ngày càng trở nên nguy hiểm, với số lượng người nhiễm và chết do virus tăng vọt từng ngày. Hàng loạt quốc gia muốn nhanh chóng đưa kiều dân thoát khỏi vùng tâm dịch, tuy nhiên chính quyền Trung Quốc, một mặt cho biết "sẵn sàng hợp tác với cộng đồng quốc tế", mặt khác gây trở ngại cho việc sơ tán ngoại kiều nhiều nước.

xalanh9

Chiếc Boeing 747-400 chở công dân Hàn Quốc từ Vũ Hán về đến Gimpo International Airport, Hàn Quốc, ngày 31/01/2020. Reuters/Heo Ran

Gần 10 ngày sau khi chính quyền Trung Quốc chính thức công bố dịch, ngày 22/01/2020, mới bắt đầu có những chuyến bay quốc tế đầu tiên đưa kiều dân rời khỏi vùng tâm dịch ở Vũ Hán (Wuhan). Theo nhiều phương tiện truyền thông, chính quyền Trung Quốc đã có nhiều biện pháp ngấm ngầm cản trở các công dân Châu Âu sơ tán về nước.

Theo nhật báo Pháp Le Figaro, trong lúc chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố Bắc Kinh "sẵn sàng hợp tác với cộng đồng quốc tế" để đối phó với khủng hoảng dịch bệnh, thì trong hậu trường, giới ngoại giao Trung Quốc có thái độ cứng rắn với các đồng nhiệm Châu Âu.

Hôm thứ Hai, 27/01, trong cuộc họp với một số đại sứ Châu Âu, đại diện của chính quyền Bắc Kinh đã bác bỏ các kế hoạch di tản đang diễn ra. Vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của chính quyền các nước, rốt cục Bắc Kinh đã nhân nhượng bằng cách hứa hẹn không chống lại các kế hoạch sơ tán ngoại kiều. Tuy nhiên, ngay cả khi đã có động thái nhân nhượng bề mặt, chính quyền Trung Quốc vẫn tiếp tục có các thủ đoạn "thọc gậy bánh xe", gây khó khăn cho việc hồi hương của kiều dân, theo một số nguồn tin ngoại giao Châu Âu.

"Thọc gậy bánh xe"

Hàng loạt trở ngại được dựng nên, từ việc đặt ra các đòi hỏi phức tạp về giấy tờ hành chính đối với những người muốn ra đi, cho đến việc các phi cơ Đức hay Pháp bị gây khó dễ trong việc hạ cánh tại Vũ Hán. Đặc biệt là việc vợ, chồng hay con cái của các ngoại kiều, mang quốc tịch Trung Quốc, không được chính quyền Trung Quốc bảo đảm là được phép rời khỏi lãnh thổ.

Kênh truyền thông BFMTV của Pháp tổng hợp nhiều nguồn tin quốc tế, theo đó chính quyền các nước Pháp, Đức, Úc, Anh và Ấn Độ đều gặp nhiều trở ngại trong việc tổ chức các cuộc hồi hương của kiều dân. Trong lúc Hoa Kỳ và Nhật Bản, hai đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc, đã sơ tán được hàng trăm người, thì các nước Châu Âu vẫn bị gây khó khăn.

Trung Quốc bị tố cáo là đã gây áp lực buộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trì hoãn không ban bố "tình trạng khẩn cấp toàn cầu". Cuối cùng trước nguy cơ dịch bệnh bùng phát vượt tầm kiểm soát, hôm qua 30/01, WHO đã tuyên bố "tình trạng khẩn cấp toàn cầu", có nghĩa là khủng hoảng dịch virus corona mới không còn là khủng hoảng nằm trong tầm kiểm soát của chính quyền Trung Quốc, mà đã trở thành vấn đề chung mà cộng đồng quốc tế phải có nghĩa vụ chung tay ngăn chặn.

Sự thật phũ phàng và nỗi lo mất mặt

Theo nhiều nhà quan sát, Bắc Kinh không ủng hộ kiều dân các nước rời khỏi Trung Quốc, bởi đây rõ ràng là một dấu hiệu cho thấy cộng đồng quốc tế không tin tưởng vào khả năng kiểm soát dịch bệnh của Bắc Kinh, một thực tế khiến chính quyền Tập Cận Bình thêm mất mặt trước công luận quốc tế. Về mặt đối nội, việc sơ tán hàng nghìn ngoại kiều, và có thể cả nhiều người Trung Quốc làm việc cho các công ty nước ngoài, ra khỏi vùng tâm dịch ở tỉnh Hồ Bắc, nơi khoảng 60 triệu dân Trung Quốc đang sống trong tình trạng nội bất xuất, ngoại bất nhập, rõ ràng là một vấn đề nhạy cảm, có thể gây những bất bình trong xã hội.

Dù sao, chính quyền Bắc Kinh cũng dần dần từng bước phải chấp nhận đối diện với những sự thật phũ phàng. Từ chỗ che giấu dịch, đến chỗ thừa nhận dịch ; từ chỗ gây khó dễ cho việc sơ tán ngoại kiều, chần chừ trong việc đưa khách du lịch Trung Quốc về nước, đến chỗ phải chấp nhận điều ngược lại. Chính quyền Bắc Kinh không có cách nào khác là buộc phải dần dần minh bạch tình trạng dịch bệnh, bởi càng che giấu, khủng hoảng càng có nguy cơ trầm trọng hơn.

Lo nhất là "các nước có hệ thống y tế bấp bênh"

Hồi cuối tuần trước, trong lúc chính quyền Trung Quốc thông báo chỉ có khoảng vài nghìn người nhiễm virus corona mới, và một chuyên gia của chính quyền dự báo đỉnh dịch sẽ đến trong mươi ngày tới, thì một số nhà khoa học Hồng Kông ước tính đã có khoảng 40.000 người nhiễm virus và nạn dịch sẽ chỉ đạt đỉnh vào khoảng tháng Tư, tháng Năm tới. Điều đó có nghĩa là dịch bệnh có nguy cơ sẽ lớn hơn gấp bội.

Thái độ hai mặt, lẩn tránh sự thực, ỷ mạnh hiếp yếu của chính quyền Trung Quốc gây lo ngại là sẽ góp phần làm dịch bệnh corona mới thêm nghiêm trọng. Hôm 30/01/2020, tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới Tedros Ghebreyesus cho biết nỗi lo sợ lớn nhất của WHO là "virus lây lan ở những nước có hệ thống y tế bấp bênh hơn nhiều", chứ không phải với các quốc gia phát triển có cơ hội nhanh chóng sơ tán kiều dân.

Cam Bốt là một ví dụ tiêu biểu. Quốc gia đàn em của Trung Quốc tại Đông Nam Á, để chiều lòng Bắc Kinh, đã khăng khăng khẳng định dịch bệnh virus conora mới hoàn toàn không phải là điều đáng sợ. Hôm 30/01/2020, thủ tướng Cam Bốt Hun Sen, trong một cuộc họp báo tại Phnom Penh, đã đe dọa đuổi các phóng viên và bất cứ ai đeo khẩu trang phòng dịch ra khỏi phòng họp.

Trọng Thành

*********************

Virus corona : Ngoại kiều nhiều nước ồ ạt rút khỏi Trung Quốc (RFI, 31/01/2020)

Trong lúc số người nhiễm virus corona mới và số người tử vong do virus tiếp tục tăng vọt tại Trung Quốc, ngày 31/01/2020, nhiều quốc gia đưa kiều dân trở về nước bằng đường hàng không. Nhiều nước khuyến cáo công dân chỉ nên đi Trung Quốc, trong trường hợp bất khả kháng. Một số nước thậm chí đình chỉ toàn bộ các tuyến bay đến và đi từ Trung Quốc.

JAPAN-CHINA-VIRUS-HEALTH

Một chiếc Boeing 767-300 của hãng hàng không Nhật Bản chuẩn bị hồi hương các công dân Nhật tại Vũ Hán, Trung Quốc, ngày 30/01/2020. STR / JIJI PRESS / AFP

Nhật Bản và Hoa Kỳ là hai quốc gia đầu tiên đưa công dân rời tâm dịch Vũ Hán (Wuhan), từ ngày thứ Tư 29/01. Cũng hôm nay, Nhật Bản đưa thêm 149 công dân về nước, nâng số tổng số người Nhật rời khỏi Trung Quốc lên 565. Sáng nay, 368 công dân Hàn Quốc đã từ Vũ Hán trở về nước bằng đường hàng không. 18 người trong số họ có dấu hiệu nhiễm virus. Trong những ngày tới, sẽ có thêm 300 công dân Hàn Quốc rời Vũ Hán.

Về phía Châu Âu, chính quyền Bồ Đào Nha cho biết chuyến bay đưa khoảng 350 công dân Châu Âu từ Vũ Hán về nước, đã cất cánh sáng hôm qua, đến Trung Quốc trong ngày hôm nay. Hôm nay, Luân Đôn sẽ đưa khoảng 200 người hồi hương, trong đó khoảng 50 người là công dân Anh.

AFP hôm 30/01 cho hay, một số người Anh nói với BBC là việc vợ, chồng hay con cái của họ mang quốc tịch Trung Quốc không được chính quyền địa phương cho phép đi cùng buộc họ phải cân nhắc trở về nước một mình hay ở lại Trung Quốc với gia đình.

Đêm hôm nay, một phi cơ quân sự đưa khoảng 200 công dân Pháp rời Vũ Hán. Toàn bộ các công dân Pháp di tản, trở về Pháp hôm nay, sẽ được sống cách ly tại một trại nghỉ ở gần thành phố Marseilles, trong vòng 14 ngày, thời gian để xác minh xem họ có nhiễm virus corona hay không.

Một số quốc gia cắt đứt giao thông hàng không

Lo ngại virus corona, hàng loạt hãng hàng không lớn quốc tế thông báo đình chỉ hoàn toàn hoặc một phần các chuyến bay đến Hoa lục. Ý là quốc gia Châu Âu đầu tiên ngưng nối tuyến với Trung Quốc. Tối thứ Năm 30/01, thủ tướng Ý thông báo đình chỉ toàn bộ các chuyến bay đến và đi từ Trung Quốc, để phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm. Trong số các hãng đình chỉ hoàn toàn các chuyến bay có hãng hàng không Pháp Air France (thông báo hôm 30/01), hãng hàng không Anh Britsh Airways (hôm thứ Tư 29/01).

Cùng ngày, Israel cũng thông báo không tiếp nhận máy bay đến từ Trung Quốc. Hôm nay đến lượt quốc gia Đông Nam Á Singapore tuyên bố không cho phép máy bay từ Trung Quốc hạ cánh tại đảo quốc.

Chính quyền hai nước Mỹ, Nhật hôm 30/01 khuyến cáo công dân nước này không đến bất cứ khu vực nào tại Trung Quốc, để tránh dịch, nếu không thực sự cần thiết.

Tiếp theo Bắc Triều Tiên, Mông Cổ và một số quốc gia Trung Á, đến lượt chính quyền Nga thông báo sẽ đóng cửa toàn bộ đường biên giới dài hơn 4.000 cây số với Trung Quốc, để bảo đảm an toàn cho dân chúng.

Trọng Thành

********************

Trung Quốc di tản dân Hồ Bắc đang du lịch ở nước ngoài (RFI, 31/01/2020)

Dân tỉnh Hồ Bắc và thủ phủ Vũ Hán đang du lịch ở nước ngoài sẽ được đưa về tận quê quán, nơi phát xuất dịch siêu vi Coronavirus và đang bị cách ly với thế giới.

xalanh11

Đoàn xe chở công dân Hàn Quốc hồi hương từ Vũ Hán, ổ dịch viêm phổi cấp tính do virus corona mới gây ra, rời phi trường Gimpo International Airport, ngày 31/01/2020. Reuters/Heo Ran

Theo thông báo ngắn, không chi tiết, của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Xuân Oánh, những du khách này đang gặp "nhiều vấn đề khó khăn thực tế" ở nước ngoài, chính phủ sẽ nhanh chóng gởi máy bay chở họ về tận Vũ Hán.

Từ Bắc Kinh, thông tín viên Stéphane Lagarde phân tích :

"Không chắc là những người Trung Quốc đang đi du lịch ở nước ngoài thật lòng muốn hồi hương. Nhưng theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, tình cảnh của du khách Hồ Bắc và nhất là dân thủ phủ Vũ Hán, trung tâm phát dịch, rất phức tạp. Nếu không bị xem là cùi hủi thì ít ra là những ổ dịch tiềm tàng. Dù muốn hay không, con đường hồi hương của các du khách này bị đầy trở ngại, nói theo thuật ngữ của chính quyền Trung Quốc.

Cơ quan quản trị hàng không dân dụng bố trí hai chiếc máy bay của China Airlines sang Bangkok, Thái Lan và Kota Kinabalu ở Malaysia vào thứ Sáu (31/01/2020).

Trong số 11 triệu dân Vũ Hán, khoảng 5 triệu đã rời thành phố trước khi lệnh cách ly được ban hành, theo lời thị trưởng hôm Chủ Nhật (26/01/2020). Cơ quan du lịch thành phố cho biết thêm là hiện còn 4000 người còn ở ngoài lãnh thổ Trung Quốc, chưa về.

Lễ hội Tết Nguyên đán năm nay trở thành cơn ác mộng ở hầu hết các thành phố Hoa lục. Thời gian nghỉ Tết được kéo dài vì dịch đang hoành hành và cũng để tránh tình trạng lây nhiễm nơi sở làm. Đối với người dân Vũ Hán, ngày Tết năm nay không hề có".

Tú Anh

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Tổng hợp
Read 583 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)