Virus corona : Trung Quốc "giam lỏng" dân để ngăn ngừa lây nhiễm
Tại Pháp, khủng hoảng niềm tin trong nội bộ đảng cầm quyền Cộng Hòa Tiến Bước (LREM) giữa một bên là lập pháp và và bên kia là hành pháp ; đảng Dân chủ Mỹ bị chia rẽ sau kết quả bầu cử sơ bộ ở tiểu bang Iowa, tổng thống Mỹ đương nhiệm trên thế thượng phong trong cuộc bầu cử tổng thống là chủ đề chính trên các nhật báo Pháp ra ngày 06/02/2020.
Người dân đeo khẩu trang bên ngoài ga Thượng Hải, Trung Quốc, ngày 04/02/2020. Reuters/Aly Song/File Photo
Dù không đăng trên trang nhất, nhưng virus corona mới (2019-nCoV) vẫn tiếp tục được các báo đề cập. Cả Le Monde và Les Echos cùng quan tâm đến sự kiện "Các biện pháp giam lỏng được mở rộng ở Trung Quốc", ngoài Vũ Hán, hiện được áp dụng thêm ở ba thành phố ở tỉnh Chiết Giang (phía đông Trung Quốc) để phòng lây nhiễm virus corona mới (2019-nCoV).
Hai nhật báo đưa tin, Hàng Châu (Hangzhou), ở tỉnh Chiết Giang, đang áp dụng biện pháp hạn chế đi lại. Mỗi gia đình chỉ được phép có một người ra khỏi nhà đi chợ hai ngày một lần. Sau Hàng Châu, thêm ba thành phố cũng áp dụng biện pháp "giam lỏng" là Thai Châu (Taizhou), Ôn Châu (Wenzhou) và Ninh Ba (Ningbo). Liệu Thượng Hải, thành phố lớn thứ hai của Trung Quốc, chỉ cách Hàng Châu chưa đầy 200 km, sắp phải chịu những biện pháp tương tự ?
Thị trưởng Ôn Châu, nói rõ : "Người dân không được ra khỏi nhà trong vòng một tuần". Ôn Châu có hơn 3 triệu dân và có hơn 170.000 người đi làm ở tỉnh Hồ Bắc, vùng dịch virus corona mới và về nhà ăn Tết nguyên đán. Trong số lao động đó, có thể rất nhiều người đã nhiễm virus corona mới và biến thành phố này thành địa phương bị nhiễm nặng nhất ngoài vùng ổ dịch Hồ Bắc.
Một số nhân chứng ở Ôn Châu thuật lại đời thường của họ với nhật báo Le Monde. Joss Van der Broek, một người Hà Lan 49 tuổi, chủ một nhà hàng ở Ôn Châu từ 9 năm nay, cho biết là đã 3 đêm, ông phải ngủ lại nhà hàng ở trung tâm thành phố. Dân làng nơi ông sinh sống, nằm ở ngoại ô, đã đóng mọi ngả đường, chỉ để mở một lối vào duy nhất, được người dân thay nhau canh gác trước rào chắn bằng tre. Họ để ông đi, nhưng cảnh báo "không thể cho ông vào làng". Trong làng có rất nhiều người già.
Hou Shenglie, một người dân khác sống ở Ôn Châu, cho Le Monde biết cả gia đình ông phải ở trong nhà. Ông được nhiều tờ giấy mầu hồng, kiểu "giấy thông hành", trên đó ghi : "Khu phố Doumen, giấy phép ra". Giấy này chỉ được sử dụng một lần nên chính quyền địa phương khuyến cáo mỗi gia đình chỉ nên dùng một phiếu hai ngày một lần để đi chợ. Ngoài ra, theo ông Hou, "các biện pháp kiểm tra được thực hiện rất chặt chẽ. Họ đang tách các khu dân cư trong thành phố".
Ở Hàng Châu, cũng tương tự, người dân nhận được giấy cho phép ra khỏi nhà hai lần mỗi tuần để đi chợ và mỗi nhà chỉ có một người được phép ra. Còn ở Thai Châu, xe mang biển số từ địa phương khác bị cấm vào thành phố, nếu lái xe không có giấy tờ hợp lệ cần thiết. Một số thành phố khác ở tỉnh Chiết Giang, như Thiệu Hưng (Shaoxing) hay Nghĩa Ô (Yiwu), cũng áp dụng những biện pháp tương tự.
Trên mạng xã hội, nếu như một số người dường như chấp nhận bị hạn chế đi lại, một số khác thì lên án những biện pháp kiểu "chuyện đã rồi". Khác với Vũ Hán, các thành phố ở Chiết Giang không báo trước các biện pháp cách ly. Ví dụ ở Ôn Châu, trong số 46 điểm vào thành phố, chỉ có 9 điểm được mở cửa và bị kiểm soát.
Hàng triệu người lao động, về quê ăn Tết, giờ chờ đèn xanh của chính quyền để trở về nơi làm việc. Chính những đợt di chuyển lớn như thế này khiến giới chuyên gia lo ngại dịch bệnh lan truyền nhanh hơn, đặc biệt trong hệ thống giao thông công cộng ở những thành phố lớn. Để cố hạn chế phần nào khả năng lây lan, kiểm tra thân nhiệt trở thành chuyện bình thường ở mỗi lối vào chung cư hay siêu thị. Nhiều cơ quan hành chính ở Bắc Kinh cho phép công chức "từ nơi khác đến" làm việc tại nhà trong vòng hai tuần.
Le Monde kết luận, ba thành phố ở tỉnh Chiết Giang đang trở thành phòng thí nghiệm cho một Trung Quốc, xây từng bức tường nhỏ ngăn cách, để dựng lên Vạn Lý Trường Thành ngăn dịch. Trong khi chưa dập tắt được dịch, chính phủ Trung Quốc che giấu những lời chỉ trích và mở rộng tuyên truyền. Một chiến dịch được Le Figaro phân tích trong bài : "Virus corona : Tập Cận Bình mạnh tay kiểm duyệt".
Virus corona : Bao nhiêu ca được chữa khỏi ?
Tính đến ngày 06/02/2020 đã có hơn 28.000 ca nhiễm virus corona mới được xác nhận. Nhưng có bao nhiêu ca được chữa khỏi ? Nhật báo Libération đặt câu hỏi, vốn cho đến nay vẫn ít được đề cập.
Theo kết quả của một nhóm nghiên cứu, thuộc trường Đại học Johns-Hopkins ở Baltimore, Mỹ, có 910 người được chính thức chữa khỏi virus corona mới. Con số này lớn hơn tổng số người chết là 563, tính đến ngày 06/02. Riêng tại Pháp, 6 người nhiễm virus corona mới vẫn chưa được chữa khỏi.
Để có được số liệu trên, nhóm nghiên cứu của trường Đại học Johns-Hopkins đã dựa vào dữ liệu được 5 tổ chức cung cấp : Tổ chức Y tế Thế gới, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh Châu Âu, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ và DXY (cơ sở dữ liệu của các chuyên gia y tế Trung Quốc).
Theo Tổng cục Y tế Pháp (DGS), một người bệnh được coi là được chữa khỏi khi đáp ứng được các "điều kiện khỏi bệnh" do WHO ấn định : sau khi hết triệu chứng, bệnh nhân đó được thử mẫu nước bọt và niêm dịch và phải có kết quả "thử PCR âm tính trong vòng 24 giờ cách biệt".
Công xưởng thế giới đắp chiếu vì virus corona
Theo nhật báo Le Figaro, về mặt chính thức, hàng trăm nghìn nhà máy ở Trung Quốc sẽ hoạt động trở lại vào ngày 09/02, hoặc chậm nhất là ngày 13/02 ở tỉnh Hồ Bắc. Thế nhưng, chưa có gì là chắc chắn.
Truyền thông Trung Quốc đồng loạt chỉ trích việc một nhà máy dệt may ở miền nam mở cửa trở lại. Ông chủ nhà máy đang bị tạm giam. Chính quyền trung ương đưa ra chỉ thị rõ ràng : an ninh trước đã, kinh tế tính sau. Hiện chỉ có những nhà máy sản xuất trang thiết bị y tế và một số nông phẩm được phép hoạt động. Hàng loạt nhà máy gia công cho các tập đoàn quốc tế đành đắp chiếu cho đến khi có lệnh mới. Dịch virus corona đưa ra bằng chứng : Trung Quốc vẫn là công xưởng của thế giới, cung cấp đến 20% sản lượng thế giới và các nhà máy này cung cấp gần 1/3 GDP của Trung Quốc.
Hệ quả, Foxconn tạm ngừng cung cấp thiết bị cho Apple, các nhà máy của Hyundai ở Hàn Quốc phải ngừng sản xuất vì thiếu thiết bị dây cáp được sản xuất ở Trung Quốc, Tesla phải thông báo hoãn ngày ra mắt mẫu xe điện Model 3 ở Trung Quốc, được dự kiến vào đầu tháng Hai. Văn phòng IHS Markit thẩm định virus corona có thể sẽ làm giảm 1,7 triệu xe được sản xuất trong năm 2020.
Những lĩnh vực khác như dệt may, điện thoại di động, đồ gia dụng… đều gặp vấn đề với các nhà cung cấp Trung Quốc vì dịch virus corona. Đối với một số tập đoàn lớn, đã đến lúc phải tìm đến giải pháp đa dạng hóa nguồn sản xuất. Xiaomi đã chuyển một phần đơn hàng sang Việt Nam và Thái Lan. Electrolux, phụ thuộc rất lớn vào Trung Quốc, đã lập một nhóm nghiên cứu để tìm những nhà cung cấp mới.
Mỹ : Đảng Dân chủ bị chia rẽ, tổng thống Trump trên thế thượng phong
Cuộc bầu cử sơ bộ tìm ứng viên tranh cử tổng thống Mỹ trong đảng Dân chủ bị chỉ trích vì trục trặc kỹ thuật nên không thể công bố kết quả đúng thời hạn, tiếp theo là Thông điệp Liên bang được tổng thống Trump đọc ở Quốc hội lưỡng viện được cho như bài diễn văn tái tranh cử, cuối cùng là chủ nhân Nhà Trắng được Thượng viện xử trắng án trong vụ truất phế tổng thống, được tất cả các nhật báo Pháp đề cập.
Qua tất cả những sự kiện trên trong vòng vài ngày, nhật báo Le Figaro đặt câu hỏi lớn trên trang nhất : "Bầu cử tổng thống Mỹ, ai có thể đánh bại được Trump ?". Trong Thông điệp Liên bang, tổng thống Trump ca ngợi "những kết quả không thể tin được" của chính sách "nước Mỹ vĩ đại trở lại được bắt đầu cách đây 3 năm", cùng với lời hứa "điều tốt đẹp nhất còn sắp tới" như lời khẳng định ông sẽ tiếp tục nhiệm kỳ thứ 2. Bên cạnh đó là hình ảnh một đảng Dân chủ bị muối mặt, vì trục trặc kỹ thuật ở bang Iowa và "vẫn bị chia rẽ", theo nhận định của La Croix. Tiếp theo là chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi xé bài diễn văn của tổng thống Mỹ, một hành động bị chỉ trích là để thù ghét riêng xen vào chính trị.
Le Figaro nhận định với việc được xử trắng án ở Thượng viện, "Donald Trump sẵn sàng trả đũa ở phòng phiếu". Còn Libération đánh giá : "Đảng Dân chủ sa lầy, Donald Trump phấn kích" cùng với dự đoán "Dù gặp nhiều trở ngại, việc tổng thống Mỹ được tái đắc cử chưa bao giờ lại đáng tin đến như vậy".
Pháp : Phe đa số cầm quyền gặp khủng hoảng
Như nói ở trên, thời sự Pháp là chủ đề chính của nhiều bài viết. Trước hết là "Cuộc khủng hoảng rõ ràng giữa phe đa số ở Hạ viện với hành pháp", theo nhận định của nhật báo Le Monde.
Sau khi Hạ viện, do liên minh của đảng Cộng Hòa Tiến Bước (LRM) cầm quyền chiếm đa số, bác đề xuất tăng ngày nghỉ, từ 5 ngày lên thành 12 ngày, cho cha mẹ có con qua đời, đặc biệt là phát biểu của bộ trưởng Lao động Muriel Pénicaud, các phe đối lập và dân sự đã lên tiếng chỉ trích nặng nề. Các nghị sĩ phe đa số bị chỉ trích là "Playmobil (nhân vật đồ chơi) vô lương tâm", "những kẻ đần không biết làm việc".
Sau đó, tổng thống Emmanuel Macron đã "đề nghị chính phủ thể hiện lòng nhân đạo" và bỏ phiếu lại về đề xuất trên. Nhưng chính đề nghị của tổng thống Pháp lại khiến các nghị sĩ có mặt bỏ phiếu hôm 30/01 phẫn nộ và quay sang chỉ trích chính phủ. Một nữ nghị sĩ "cảm nhận được sự chối bỏ từ phía các đồng nhiệm, thậm chí là cảm giác nhục nhã".
Trong bối cảnh phe đa số cần phải đoàn kết trong hồ sơ cải cách hưu trí, tổng thống Pháp muốn gặp các nghị sĩ LREM và tìm cách lên tinh thần cho họ. Nhưng "làm thế nào Macron thắt chặt lại quan hệ với đa số ?", Le Figaro đặt câu hỏi.
Cảnh sát Pháp tự làm truyền thông để thay đổi hình ảnh
Liên tục bị lên án bạo lực trong các cuộc biểu tình, một số cảnh sát Pháp đã viết sách và thường xuyên đăng statut trên mạng Twitter để kể lại ngày làm việc, cũng như những khó khăn của họ.
Theo Le Monde, trong bài "Khi cảnh sát mô tả ngày làm việc của họ", đây là cách "cho phép nhân văn hóa công việc của họ". Tác giả cuốn sách Vis ma vie de flic (tạm dịch : Sống cuộc đời cảnh sát của tôi), kể lại những lần trên thực địa kể từ đầu phong trào Áo Vàng ở Paris ngày 01/12/2018, lấy làm tiếc là trên truyền hình, người ta chỉ thấy những lực lượng tinh nhuệ, cảnh sát điều tra, trong khi "những người mặc trang phục giữ gìn an ninh lại là những người bị quên đầu tiên". Mathieu Zagrodzki, một nhà nghiên cứu thuộc trung tâm Cesdip, nhận định : "Rất nhiều cảnh sát đã đăng bài trên mạng xã hội từ nhiều năm qua, nhưng việc họ cùng nhau viết một cuốn sách là điều gì đó rất mới".
Nhật báo La Croix, cũng quan tâm đến chủ đề này, nhận định : Trên mạng xã hội, rất nhiều cảnh sát có vài nghìn người theo và họ không che giấu mong muốn "thay đổi hình ảnh về cảnh sát". Dù không phản đối nhưng Cơ quan Cảnh sát Quốc gia chú ý theo dõi mong muốn được tự do bày tỏ quan điểm của cảnh sát, vì cần phải "tôn trọng chặt chẽ quy định đạo đức nghề nghiệp, với tư cách là cảnh sát... cũng như với tư cách là công dân. Nếu lời bình luận mang tính tích cực, điều đó không gây vấn đề gì".
Thu Hằng