Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

16/02/2020

Covi-19 để lộ sự gian dối và yếu kém về quản lý dịch bệnh của Trung Quốc

RFI tiếng Việt

Tập Cận Bình nhận đã sớm trực tiếp chỉ đạo chống dịch Covid-19 (RFI, 16/02/2020)

Lãnh đạo tối cao Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp tục cuộc chiến truyền thông lấy lại thế chủ động, trong bối cảnh khủng hoảng do dịch Covid-19 dường như chưa thấy lối ra. Báo chí chính thức Trung Quốc hôm 15/02/2020, công bố bài phát biểu của ông Tập trong một cuộc họp Bộ Chính Trị ngày 03/02, trong đó Tập Cận Bình nhấn mạnh, ngay từ ngày 07/01 đã trực tiếp chỉ đạo phòng chống virus corona mới.

covi1

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình xuất hiện trước công chúng tại Bắc Kinh chỉ đạo chống dịch virus corona ngày 10/02/2020. Tân Hoa Xã/ Reuters

Đây là lần đầu tiên chính quyền Bắc Kinh thừa nhận ban lãnh đạo tối cao đã biết và trực tiếp chỉ đạo phòng chống dịch ngay từ sớm, đúng một tuần sau khi Trung Quốc thông báo với Tổ chức Y tế Thế giới về một virus lạ gây viêm phổi tại Vũ Hán, và hai tuần trước khi Bắc Kinh chính thức thừa nhận dịch. Thông tin nói trên được truyền thông quốc tế đặc biệt chú ý.

Trả lời báo Mỹ New York Times, tiến sĩ Bùi Minh Hân (Minxin Pei), một chuyên gia về chế độ cộng sản Trung Quốc, Claremont McKenna College, Califonia, nhận xét : tinh thần chính toát lên qua bài phát biểu của ông Tập Cận Bình dường như là động thái thanh minh, ông ta đang tìm cách thay đổi cách tường thuật về diễn biến của cuộc khủng hoảng dịch Covid-19, cho đến thời điểm đó, đã tỏ ra "rất bất lợi cho lãnh đạo tối cao".

Thông tín viên Liu Zhifan từ Bắc Kinh cho biết cụ thể :

Chính trên tờ bán nguyệt san Cầu Thị, của đảng cộng sản Trung Quốc, đã xuất hiện thông tin về việc một cuộc họp của Thường Vụ Bộ Chính Trị diễn ra vào ngày 07/01, khi Bắc Kinh cho rằng dịch bệnh đang nằm trong tầm kiểm soát. Bộ Chính Trị là cơ quan quyền lực tối cao trong hệ thống chính trị Trung Quốc, mà ông Tập Cận Bình là người đứng đầu.

Thông tin lạ lùng này cho thấy chủ tịch Trung Quốc rõ ràng là người lãnh đạo cuộc chiến chống virus corona mới ngay từ những ngày đầu tiên. Nhưng điều đó cũng cho thấy là lãnh đạo tối cao Trung Quốc nắm rõ tình hình diễn biến dịch bệnh, trước rất nhiều so với tuyên bố chính thức mà ông Tập đưa ra về dịch bệnh, hai tuần sau đó.

Diễn biến này có thể đặt ra vấn đề trách nhiệm của chủ tịch Trung Quốc trong việc xử lý khủng hoảng. Cho đến nay, dân chúng vốn vẫn đổ dồn chỉ trích vào lãnh đạo thành phố Vũ Hán, do thái độ thụ động trước dịch bệnh, trong lúc hai lãnh đạo tỉnh Hồ Bắc bị cách chức, để thay thế vào đó là một người thân tín của ông Tập Cận Bình.

Tuy nhiên, với diễn biến mới nói trên, các chỉ trích có thể sẽ hướng nhiều hơn về phía chính quyền trung ương, đã trở thành đối tượng bị lên án, kể từ sau cái chết của bác sĩ Lý Văn Lượng. Cái chết của người đầu tiên cảnh báo dịch bệnh đã gây nên một làn sóng phẫn nộ chưa từng thấy trong xã hội Trung Quốc, dưới chế độ Tập Cận Bình".

Dịch bệnh virus Covid-19, tại Trung Quốc, tiếp tục khiến thêm 142 người chết trong vòng 24 giờ qua, nâng tổng số người thiệt mạng lên gần 1.700, theo con số chính thức. Hơn 68.000 người nhiễm virus.

Bắc Kinh : Ai vào thành phố đều phải qua giai đoạn cách ly 14 ngày

Trong lúc chính quyền liên tục khẳng định tình hình dịch bệnh có xu hướng cải thiện. Hôm nay, thủ đô Bắc Kinh – với 22 triệu dân – đã đưa ra biện pháp triệt để, với quyết định tất cả ai vào thành phố, đều bị buộc phải cách ly 14 ngày, trước khi trở lại với cuộc sống bình thường. Ai từ chối tuân thủ giai đoạn cách ly này sẽ bị trừng phạt. Hiện mới chỉ có 8 triệu dân Bắc Kinh nghỉ Tết trở về. Quy định siết chặt này sẽ còn khiến các hoạt động sản xuất khởi động trở lại muộn hơn nữa.

Trọng Thành

****************

Virus corona phơi bày những lỗ hổng của ngành y tế Trung Quốc (RFI, 15/02/2020)

Y tá, bác sĩ làm việc trong những điều kiện khắc nghiệt, thiếu thốn dụng cụ y khoa, hệ thống y tế bất cập… dịch bệnh virus corona mới (Covid-19) làm lộ rõ những lỗ hổng của ngành y tế tại cường quốc thứ nhì thế giới.

covi2

Nhân viên y tế ở bệnh viện Kim Ngân Đàm (Jinyintan), thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, ngày 13/02/2020. China Daily via Reuters

Bác sĩ Lý Văn Lượng, một trong số tám bác sĩ gióng chuông báo động về sự nguy hiểm của chủng virus corona mới, nhưng lại bị chính quyền trấn áp, đã qua đời ngày 06/02/2020 (chứ không phải là ngày 7/2 như thông báo của chính phủ Trung Quốc) do bị nhiễm virus corona mới khi chăm sóc các bệnh nhân.

Cái chết của ông cho thấy rõ những điều kiện làm việc ngặt nghèo của các bác sĩ tại Vũ Hán, tâm dịch bệnh. Theo tường thuật của South China Morning Post, "ít nhất có khoảng 500 bác sĩ và y tá đã bị nhiễm bệnh". Và theo như cách tính mới được Trung Quốc công bố hôm 13/02/2020, trong số hơn 1.300 người chết, là có 6 bác sĩ.

Là tâm dịch bệnh, Vũ Hán là khu vực gánh hậu quả thiệt hại nặng nề nhất : Số người chết chiếm đến hơn 2/3 trong tổng số và số ca nhiễm là hơn 43%. Trên tuyến đầu chống dịch bệnh, các y bác sĩ ở đây lại phải đối mặt với tình trạng khan hiếm thiết bị y tế và dụng cụ bảo hộ nghiêm trọng, trong khi ngành sản xuất các dụng cụ và thiết bị y khoa chỉ mới hoạt động được có 2/3 công suất.

Làm thế nào có thể ngăn chặn dịch bệnh một cách hiệu quả khi mà chính bản thân các bác sĩ cũng không được phòng hộ tốt ? Để tiết kiệm, khẩu trang khử trùng lại, mặc đồ bảo hộ công nhân thay vì là y tế, nếu có chỉ được thay bộ đồ bảo hộ một lần sau mỗi 4, 6, thậm chí là 8 tiếng… theo như xác nhận của một bác sĩ xin giấu tên với AFP.

Trong thời gian trực, các y bác sĩ cũng không có thời gian để ăn cơm, uống nước, kể cả đi toa-lét. Một số người phải mặc tã dành cho người lớn trong suốt những giờ trực bệnh dài dằng dặc. Ngay cả khi bị ốm, nếu phát hiện bị sốt, họ sẽ bị cách ly. Nhưng nếu sau 7 ngày, sốt không còn nữa, bệnh viện hối thúc họ quay trở lại làm việc ngay, theo như tâm sự của một nữ bác sĩ khác, cũng xin giấu tên vì sợ bị trừng phạt.

Dưới sự kiểm soát của đảng cộng sản

Hãng tin Pháp AFP trích dẫn các con số ấn tượng do trợ lý thị trưởng Vũ Hán, ông Hu Yabo, đưa ra để minh họa cho những khó khăn của các y bác sĩ tại Vũ Hán. Trong tổng số 59.900 bộ đồ bảo hộ cần thiết mỗi ngày, giới y tế ở đây chỉ nhận được có 18.500 bộ. Tương tự, đối với loại khẩu trang N95 để phòng virus : nhu cầu mỗi ngày là 119.000 chiếc, nhưng họ chỉ có được 62.200 chiếc.

Mặc dù chính quyền Trung Quốc đã huy động các chuyên gia trên toàn quốc để đối phó với dịch bệnh tại Vũ Hán, nhưng các bệnh viện tại đây vẫn bị quá tải. Mỗi một bác sĩ phải tiếp đến 400 bệnh nhân trong vòng 8 tiếng và phải thường xuyên đối mặt "với những bệnh nhân bị nhiễm bệnh rất nặng, hay tình trạng sức khỏe đã bị suy biến và đi đến tử vong rất nhanh".

Trên mạng xã hội, một số người thổ lộ về điều kiện làm việc tại Vũ Hán, nhưng cũng có nhiều người lại sợ bày tỏ, vì đảng cộng sản Trung Quốc giám sát và kiểm duyệt mọi thông tin có khả năng làm dấy lên sự bất mãn của người dân.

Những lỗ hổng này của ngành y tế tại tỉnh Hồ Bắc đã được một nhà báo độc lập, Chen Qiushi tố cáo ngay từ ngày 30/01/2020. Thế nhưng, sự biến mất của nhà báo trẻ tuổi này từ hôm 06/02 đến nay đang khiến cho ủy ban chuyên trách về Nhân Quyền Trung Quốc của Quốc hội Mỹ phải lo lắng.

Những bất cập trong hệ thống y tế Trung Quốc

Dịch bệnh virus corona mới xảy còn làm lộ rõ những bất cập trong hệ thống y tế Trung Quốc bất chấp những cải tổ sau trận dịch SARS năm 2002-2003.

Chữa trị bệnh tại Trung Quốc là cả một con đường "gian nan khổ ải". Ngạn ngữ Trung Quốc đã có câu "Bác sĩ càng hiếm và giỏi, giá phải trả càng cao". Hình ảnh dòng người đông đảo trước cổng bệnh viện chỉ để chờ xét nghiệm xem có nhiễm virus hay không phản ảnh rõ tình trạng quá tải tại các bệnh viện, các cơ sở y tế của Trung Quốc.

Nhà báo Dominique Baillard, trong chuyên mục Kinh Tế Hôm Nay của RFI, trước hết đưa ra các con số ấn tượng cho thấy rõ sự khác biệt về điều kiện chăm sóc và chữa trị bệnh nhân giữa Trung Quốc và các nước phương Tây.Một bác sĩ Trung Quốc phải khám trung bình mỗi ngày khoảng 100 người bệnh.

"Thậm chí là gấp đôi ở một số bệnh viện. Tại Trung Quốc, trung bình có một bác sĩ cho từ 5.000 - 6.000 bệnh nhân, tỷ lệ này tại các nước giầu nằm trong khoảng 1/1.500 - 2.000. Những bệnh viện chuyên khoa chỉ cung cấp 4 giường/1.000 cư dân. Con số này ở Hàn Quốc cao gấp ba. Tại Mỹ, khi mỗi một người dân chỉ trả có 10% chi phí khám chữa bệnh, thì người dân Trung Quốc phải trả hơn 30%.

Tại đất nước tư bản xã hội chủ nghĩa này, chăm sóc sức khỏe thuộc lãnh vực tư nhân. Khi ông Đặng Tiểu Bình mở cửa nền kinh tế đất nước, ông để cho thị trường tự quản lý rủi ro này, nhưng không làm tổn hại mấy đến các năng lực y tế khác. Với việc mức sống của người dân được nâng cao, sức khỏe của người dân Trung Quốc cũng được cải thiện và sự thay đổi đó nhìn chung đã được chấp nhận. 95% người dân Trung Quốc đều mua bảo hiểm bệnh tật".

Vẫn theo nhà báo Dominique Baillard, ẩn sau những con số ấn tượng đó là một thực tế rất phũ phàng :

"Tùy theo vùng địa lý, quy chế xã hội, thẻ định cư, việc tiếp cận hệ thống y tế là rất bất bình đẳng. Các vùng nông thôn và những người nghèo nhất là những đối tượng kém may mắn nhất, khác xa cả về hình thức lẫn tài chính trong việc chăm sóc sức khỏe. Rồi do khan hiếm bác sĩ, thị trường lấy hẹn khám chợ đen nở rộ và hối lộ là thông lệ thường nhật mới được khám chữa bệnh.

Gần một nửa hộ gia đình bị rơi vào tình trạng nghèo khổ (44% theo số liệu chính thức) đã khuynh gia bại sản vì phải đi vay mượn để chữa bệnh. Sức khỏe đã trở thành đối tượng bị hy sinh cho công cuộc phát triển duy ý chí của đế chế Trung Hoa. Cường quốc thứ hai thế giới này chỉ dành có 5% GDP cho lĩnh vực y tế, trong khi tại Liên Hiệp Châu Âu mức trung bình là 10%".

Minh Anh

********************

Covid-19 : Nguy cơ lây nhiễm rất cao đối với nhân viên y tế tại Trung Quốc (RFI, 15/02/2020)

Theo các số liệu thống kê mới nhất được công bố hôm nay, 15/02/2020, tại Trung Quốc, số bệnh nhân chết vì virus corona Covid-19 đã vượt qua ngưỡng 1.500, cụ thể là 1.523 ca tử vong. Số ca lây nhiễm được ghi nhận cho tới nay đã hơn 66.000, trong đó có ít nhất 1.716 bác sĩ, y tá có tiếp xúc với bệnh nhân, theo số liệu của Ủy ban Y tế Quốc gia (Bộ Y tế) Trung Quốc.

covi3

Nhân viên y tế ở bệnh viện Kim Ngân Đàm (Jinyintan), thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, ngày 13/02/2020. Reuters

Cho đến nay đã có 6 nhân viên y tế tử vong do Covid-19, cho thấy nguy cơ lây nhiễm rất cao đối với những người đang làm việc trong các bệnh viện quá tải.

Từ Bắc Kinh, thông tín viên Stéphane Lagarde tường trình :

"Không thể nào tiếp tục che giấu thực tế đáng buồn này, trong các bệnh viện ở Vũ Hán ngày càng có nhiều bác sĩ và y tá bị lây nhiễm từ bệnh nhân. Thứ trưởng Ủy ban Y tế Quốc gia thừa nhận : "Công việc của các nhân viên y tế rất là nặng nề, điều kiện làm việc rất khó khăn và nguy cơ bị lây nhiễm rất cao".

Đã có hơn 1.700 bác sĩ, y tá bị lây nhiễm virus Covid-19, đại đa số là ở Vũ Hán. Sáu người trong số họ đã chết, trong đó có bác sĩ nhãn khoa Lý Văn Lượng qua đời vào tuần trước. Ông là một trong những người đầu tiên đã báo động về dịch bệnh.

Sau cái chết của vị bác sĩ này, nhiều nhân viên y tế đã không ngần ngại lên tiếng. Chẳng hạn một y tá của Bệnh viện Trung ương Vũ Hán cho biết trên mạng xã hội Weibo : "Bệnh nhân ở tầng nơi mà tôi đang được chữa trị bao gồm chủ yếu là các đồng nghiệp của tôi. Phần lớn là các phòng có 2 hoặc 3 người nằm chung, với tên họ được ghi rõ trên giấy trắng mực đen trên các cửa".

Thiết bị bảo hộ bị thiếu rất nhiều, hệ thống y tế thì bị quá tải do tầm mức của dịch bệnh. Thêm vào đó là khối lượng công việc quá nặng khiến các ê kíp trên tuyến đầu đang kiệt sức và suy sụp tinh thần.

Ủy ban Y tế Quốc gia vừa thông báo sẽ đền bù cho gia đình của các nhân viên y tế tử vong, đồng thời tăng số tiền thưởng cho những người mà nay cả nước Trung Quốc tuyên dương như những anh hùng".

Thanh Phương

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFI tiếng Việt
Read 809 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)