Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

19/02/2020

Điểm báo Pháp - Covid-19 để lộ những trục trặc của xã hội Trung Quốc

RFI tiếng Việt

Virus corona - Covid-19 làm lộ rõ những trục trặc của xã hội Trung Quốc

Dịch virus corona giam lỏng hơn 700 triệu người Trung Quốc trong nỗi sợ không biết bao giờ chấm dứt. Thêm tài liệu về chính sách đàn áp của Bắc Kinh ở Tân Cương. Địa Trung Hải, thùng thuốc súng sát nách Châu Âu là một số chủ đề quốc tế trên báo Pháp ngày 19/02/2020.

tructrac1

Cư dân Trung Quốc đeo khẩu trang xếp hàng trước một cửa hiệu ở Vũ Hán (Hồ Bắc - Trung Quốc) ngày 23/01/2020. Ảnh chụp màn hình video. China News Service/via Reuters TV/File Photo

Virus corona : Thảm kịch xã hội tại Trung Quốc

Người dân sống như thế nào trong nỗi ám ảnh và sợ hãi triền miên ?

Le Monde chú ý số phận của khoảng 280 triệu dân công (nông dân bỏ làng lên thành phố kiếm sống) vô tình trở thành nạn nhân của chính sách "chống dịch trước đã". Đó là khổ nạn chung của di dân lao động trên khắp lãnh thổ rộng lớn này, không cách nào trở lại nhà máy sau ba tuần nghỉ Tết kéo dài bắt buộc, vì hoặc không được phép rời địa phương, hoặc không được quyền trở lại thành phố nơi làm việc, hoặc bị chủ nhà từ chối cho thuê tiếp. Trong lúc hàng trăm triệu nhân công sống trong hoang mang hồi hộp : không những không được trả lương mà chủ của họ cũng bị đe dọa khánh tận. Trong khi đó, lực lượng nhân viên y tế bị huy động làm việc không ngừng từ hơn một tháng nay. Tình trạng này kéo dài thì sẽ đặt ra nhiều vấn đề nghiêm trọng cho chính quyền Trung Quốc.

Nhật báo công giáo La Croix dành hai trang gửi đến độc giả toàn cảnh xã hội Hoa lục : sinh hoạt ngưng đọng chỉ còn im lặng, nỗi buồn và giao động tinh thần, nhà thờ vắng tín đồ, trường học đóng cửa. Một phụ nữ ở Hàng Châu cho biết nhiều người thân quen, thuộc hàng đại gia triệu phú, sống phập phồng lo sợ sản nghiệp tiêu tan. Điều bất cập trong xã hội Trung Quốc là giới y tế, lên tuyến đầu chống dịch thì thiếu phương tiện bảo hộ chống lây nhiễm.

Tuy không châm biếm hình ảnh tuyên truyền của truyền thông nhà nước Trung Quốc "đưa chủ tịch Tập Cận Bình lên tuyến đầu chống dịch", La Croix bình luận : Chưa bao giờ trong lịch sử đương đại xảy ra biện pháp áp đặt cách ly thô bạo như ở Trung Quốc. Từ Vũ Hán, Bắc Kinh, Hàng Châu, Quế Lâm cho đến Tây An, chứng nhân có người từ chối trả lời, có người can đảm lên tiếng qua điện thoại hay SMS. Tất cả đều có chung nỗi ám ảnh : Khi nào thì qua hết cơn ác mộng ?

Các câu hỏi không giải đáp

Thái độ lưng chừng, nước đôi của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cơ quan trực thuộc Liên Hiệp Quốc đặt ra nhiều nghi vấn.

Nếu virus corona không nguy hiểm thì tại sao phái đoàn điều tra không dám đến Vũ Hán ? Còn nếu dịch đã đe dọa thế giới thì khi nào WHO mới tuyên bố đại dịch ? Và chủ tịch Trung Quốc, vì sao truyền thônn nhà nước "đưa lên tuyến đầu" trong những ngày gần đây ? Phải chăng vì dịch đang được "khống chế" như bác sĩ tổng giám đốc WHO, người Ethiopia và giới chức Y tế Trung Quốc tuyên bố, nên chủ tịch xung phong chờ hưởng thành quả ? Hoặc trái lại, chủ tịch Trung Quốc bị một số người nào đó ép buộc nhận mình là chỉ huy tối cao chống dịch để sau đó lãnh trách nhiệm nếu thất bại ?

Le Monde không có câu trả lời, nhưng theo nhà phân tích Jean-Pierre Cabestan tại Hồng Kông, qua hành động xung trận này, Tập Cận Bình nhìn nhận là phải cải thiện cách điều hành đất nước, tức là nhìn nhận chế độ có vấn đề. Do vậy, ông ta cần nhanh chóng làm chủ tình hình qua các biện pháp khống chế mạng xã hội và phong tỏa lãnh thổ.

Le Monde cũng không quên xứ chùa Tháp sau khi cho hàng ngàn du khách tàu Westerdam cặp bến : Nỗi lo "ác mộng dịch tễ" tại Cam Bốt. Hệ quả của một quyết định hào phóng có dụng ý chính trị của thủ tướng Hun Sen, từ đầu vụ khủng hoảng virus corona, luôn ngả theo lập luận của Bắc Kinh "có chi đâu mà lo".

Cách ly vì không biết làm gì khác

Khủng hoảng Covid-19 hay virus corona thật ra cũng là cơ hội để rút tỉa bài học, bởi vì đó là lúc những bất cập, những trục trặc của một xã hội hiện ra một cách rõ ràng không thể che giấu.

Với nhận định này, trang ý kiến của Les Echos rút ra ba nhận xét về xã hội Trung Quốc :

Thứ nhất, dù với tất cả các biện pháp kiểm soát xã hội mà chế độ thi hành từ hệ thống video nhận diện, theo dõi kiểm duyệt thông tin trên mạng như tác phẩm "1984" của George Orwell mô tả chế độ toàn trị Stalin và Đức Quốc Xã, chính quyền Trung Quốc cũng không có khả năng truy ra nguồn cội của dịch bệnh để ngăn chặn lây lan.

Khi Nhà nước Trung Quốc ở thế kỷ 21 sử dụng chế độ cách ly như chiếu chỉ của vua Pháp ban hành cách nay 700 năm để chống bệnh cùi, thì còn gì để nói ?

Thứ ba, trước tâm lý giao động, lo sợ của công luận, một số nhà bình luận mượn hình các đường biểu diễn thống kê để chứng minh Covid-19 không nguy hiểm hơn bệnh cúm.

Vấn đề là trong cơn hấp tấp, những tín đồ của con số đã quên một điều cơ bản là trong trường hợp xuất hiện dịch lạ, lấy số nạn nhân qua đời chia cho số người bị nhiễm, để tìm tỷ lệ tử vong hầu suy đoán dịch đang tăng hay giảm, là sai. Đó là trường hợp của Trung Quốc, ngày nào cũng cho thống kê 2,1% tử vong.

Tài liệu mới về Tân Cương

Thêm tài liệu mật của Trung Quốc bị phát tán, tố giác chính sách giam cầm người Duy Ngô Nhĩ trong các nhà tù khổng lồ ở Tân Cương : Từ năm 2014, ban lãnh đạo đảng cộng sản đưa 200.000 cán bộ về nông thôn để "thu thập thông tin và dạy người Hồi giáo cách yêu nước".

Ba tháng sau khi đợt tài liệu mật thứ nhất được phát tán, đợt tài liệu thứ hai cũng được trao cho nhà báo điều tra người Đức Adrian Zenz và 12 cơ quan truyền thông quốc tế trong đó có các đài truyền hình Mỹ, Anh, báo New York Times Le Monde

Tài liệu liên quan đến quận Karakash, sát sa mạc Taklamakan, Tân Cương, trong đó có danh sách hàng trăm người bị nhốt vào trại cải tạo vì những lý do chẳng có gì là bất chính như có ba đứa con, có liên lạc với nước ngoài, biểu lộ niềm tin tôn giáo. Cụ thể, chỉ cần có một người bà con ở nước ngoài hay xin cấp hộ chiếu mà sau đó không đi du lịch… là có thể ở tù.

Một thành phần khác, gồm những người từ 20 đến 40 tuổi tức sinh vào những thập niên 1980, 1990, 2000, thì bị xem là thành phần có "tư tưởng khó đoán". Chỉ trong một huyện mà có đến "3.000 người đi cải tạo" trong đó có "331 học viên" có thân nhân ở nước ngoài.

Những người được thả cũng không yên thân sau đó. Họ luôn sống trong mối đe dọa bị bắt trở lại.

Danh sách đen Karakash, theo nhà báo Đức Adrian Zenz, cho thấy rõ chiến dịch "giam cầm và tẩy não đặt trên nguyên tắc nghi can là người có tội hoặc đồng lõa với tội ác", một hình thức khủng bố tinh thần buộc toàn gia phải luôn tuân thủ chế độ.

Donald Trump, đồng minh của phe bảo thủ Iran ?

Phe bảo thủ Iran củng cố thế thống trị. Phe ôn hòa được dự báo thua lớn trong kỳ bầu Quốc hội 21/02. Nhờ công ai hay lỗi tại ai ?

Đây là chủ đề bài phóng sự đặc biệt của Le Monde từ Tehran. Trong mục đích củng cố phe bảo thủ, chế độ Hồi giáo dàn dựng tuyên truyền đánh bóng tướng Qasem Soleimani, bị Mỹ oanh kích giết chết hồi đầu tháng Giêng.

Cuộc bầu cử Quốc hội ngày 21/02 tới đây, dưới sự kiểm soát của chế độ, sẽ là chiến thắng lớn của phe cực kỳ bảo thủ. Tổng thống Hassan Rohani, trong buổi lễ ngày 11/02 có dấu hiệu lép vế. Theo nhận định của một cựu chỉ huy Vệ binh Cách mạng Hồi giáo, Donald Trump đã tặng cho phe bảo thủ một món quà vô giá khi hạ sát tướng Qasem Soleimani.

FSB bị cáo buộc ám sát đối lập Tchetchenia tị nạn tại Đức

Về thời sự Châu Âu, vụ án mật vụ Nga ám sát một nhà đối lập Tchetchenia ở Đức ngày 23/08/2019 là đề tài của báo Pháp. Thủ phạm, Vadim Krasikov, tên trong hộ chiếu là Vadim Sokolov, 54 tuổi, bị bắt tại chỗ và bị truy tố tội sát nhân hôm 11/02 vừa qua.

Qua nhân vật này, cảnh sát liên bang Nga FSB, hậu thân của KGB bị tố cáo đích danh. Theo Le Monde, cũng như các đồng nghiệp Đức, hiếm khi FSB can thiệp ngoài nước Nga. Hầu hết các vụ ám sát, đầu độc thi hành được hay bị tình báo Tây phương phá vỡ, đều do an ninh quân đội Nga thi hành.

Địa Trung hải căng thẳng

Một chủ đề làm tốn giấy mực nhiều nhất là tình hình căng thẳng tại Địa Trung Hải. Với bản đồ chi tiết, Libération La Croix phân tích vì sao Thổ Nhĩ Kỳ và các nước bờ đông quyết liệt giành nhau quyền khai thác tài nguyên trong bối cảnh giữa Ankara và Athens đều ở trong tình trạng chiến tranh chưa kết thúc. Cả hai đều là thành viên của NATO. Hy Lạp còn là thành viên của Liên Hiệp Châu Âu.

Hải sản, khí đốt và nay có thêm tham vọng tại Lybia khiến Thổ Nhĩ Kỳ không ngần ngại đưa quân sang Syria và Libya. Liệu Địa Trung Hải sẽ nổi sóng ?

Từ năm 2019, Ankara đưa chiến hạm đến gần đảo Chypre để dọa tập đoàn dầu khí của Ý đang thăm dò. Trong một động tác trấn an thành viên Liên Hiệp Châu Âu, bộ trưởng quân lực Pháp Florence Parly, ngày hôm qua đến Nicosie để trao đổi về tình hình an ninh với đồng nhiệm đảo Cyprus.

Phim mới

Như mỗi thứ Tư hàng tuần, các rạp chiếu phim Pháp trình chiếu phim mới. Trang phim ảnh của báo chí Pháp hôm nay chú ý bộ phim "Trường hợp Richard Jewell" của Clint Easwood. Câu chuyện có thật, một nhân viên FBI, phá vỡ một vụ khủng bố cứu hàng trăm sinh mạng lúc Thế Vận Atlanta 1996. Nhưng sau đó bị cáo buộc dàn dựng chiến công để được lợi danh.

Phim thứ hai, "Wet Season", mang màu sắc "vòng tay học trò" của đạo diễn Singapore, Anthony Chen.

Phim thứ ba, ấn bản mới dựa theo danh tác The Call Of The Wild, "Tiếng gọi nơi hoang dã" của Jack London với hai tài tử gạo cội Harisson Ford và Omar Sy cùng con chó Buck đi tìm vàng.

Tú Anh

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFI tiếng Việt
Read 526 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)