Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

11/04/2017

Vấn đề Triều Tiên sắp được giải quyết

Tổng hợp

Bắc Hàn 'sẽ tự vệ bằng vũ lực' trước động thái của Mỹ (BBC, 11/04/2017)

Bắc Hàn tuyên bố họ sẽ tự vệ "bằng vũ lực mạnh mẽ" để đáp trả việc Mỹ triển khai tàu chiến về phía bán đảo Triều Tiên.

bachan1

Nhóm tàu chiến Carl Vinson đang tiến về phía bán đảo Triều Tiên

Bộ Ngoại giao Bắc Hàn được thông tấn xã KCNA dẫn lời tuyên bố động thái cho thấy "hành vi xâm lược liều lĩnh" "đến mức nghiêm trọng".

Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ nói rằng động thái này nhằm duy trì sự sẵn sàng trong khu vực.

Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng nước này sẵn sàng hành động đơn phương để đối phó với mối đe dọa hạt nhân từ Bắc Hàn.

Trong khi đó, Nam Hàn và Trung Quốc - đồng minh thân cận nhất của Bắc Hàn - cảnh báo về các biện pháp trừng phạt nghiêm ngặt hơn nếu Bình Nhưỡng tiếp tục tiến hành các vụ thử tên lửa.

Toán tàu chiến Carl Vinson Strike Group gồm một hàng không mẫu hạm và các tàu khu trục, tuần dương khác.

Nhóm tàu chiến này đáng lẽ sẽ tới cặp bến tại Úc nhưng thay vào đó được điều động từ Singapore tới tây Thái Bình Dương nơi họ mới đây vừa tiến hành tập trận với hải quân Nam Hàn.

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Bắc Hàn được KCNA dẫn lại cho biết : "Chúng tôi sẽ buộc Mỹ phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về những hậu quả thảm khốc gây ra bởi hành động quá đáng của họ".

"Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên sẵn sàng phản ứng trước bất kỳ hình thái chiến tranh mà Mỹ muốn", bản tuyên bố cho hay.

"Việc Hoa Kỳ triển khai tàu chiến cho thấy Bắc Hàn đã đúng khi phát triển năng lực vũ khí hạt nhân để sử dụng trong phòng vệ hoặc trong đòn tấn công phủ đầu".

bachan2

Đặc phái viên Trung Quốc Vũ Đại Vĩ gặp phái viên hạt nhân Nam Hàn Kim Hong-kyun (giữa) và ngoại trưởng Nam Hàn Yun Byung-se (phải)

Hôm 10/4, ông Vũ Đại Vĩ, phái viên Trung Quốc đặc trách bán đảo Triều Tiên đã gặp ngoại trưởng và đặc phái viên Nam Hàn.

Các quan chức Nam Hàn nói với các phóng viên rằng hai nước đã đồng ý đưa ra "các biện pháp trừng phạt bổ sung nghiêm ngặt" nếu Bắc Hàn tiếp tục tiến hành các vụ thử hạt nhân hoặc tên lửa.

Trung Quốc, đầu mối giao thương của Bắc Hàn, đã áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế gồm lệnh cấm nhập khẩu than Bắc Hàn từ tháng Hai.

Trong khi đó, Nam Hàn, Mỹ và Nhật đang sắp xếp một cuộc họp vào cuối tháng này để có phản ứng chung trước Bắc Hàn, theo hãng tin Nam Hàn Yonhap.

Bình Nhưỡng đã tiến hành một số vụ thử hạt nhân và các chuyên gia dự đoán rằng có thể sẽ có thêm nhiều vụ thử ngoài khơi khi nước này đang gần hơn với mục tiêu phát triển đầu đạn hạt nhân có khả năng bắn tới Mỹ.

Đã có những chỉ dấu từ Bắc Hàn rằng họ có thể thử tên lửa liên lục địa, dù họ bị cấm tiến hành bất kỳ vụ thử nào theo nghị quyết của Liên Hiệp Quốc.

Bắc Triều Tiên nói rằng họ bị các cuộc tập trận quân sự giữa Hoa Kỳ và Nam Hàn chọc giận và xem đấy là việc chuẩn bị cho một cuộc xâm lược.

*************************

Bắc Hàn đe dọa tấn công Mỹ bằng vũ khí nguyên tử (RFA, 11/04/2017)

bachan3

Chiến hạm của Hải quân Hoa Kỳ USS Carl Vinson chụp ngày 15/3/2017. AFP photo

Lời tuyên bố trên được hãng thông tấn nhà nước Bắc Hàn đưa ra trong ngày thứ ba 11 tháng tư. Trong khi đó thì đoàn chiến hạm tấn công Mỹ USS Carl Vinson đang trên đường hướng tới khu vực bán đảo Triều Tiên.

Tại Seoul, Tổng thống tạm quyền của Hàn Quốc, ông Hwang Kyo-ahn nói rằng có khả năng miền Bắc sẽ leo thang những vụ khiêu khích bằng cách thử tên lửa hay vũ khí hạt nhân trong những này tới đây, trùng với những kỷ niệm lớn của nhà nước Bắc Hàn, ví dụ như sinh nhật lần thứ 105 của ông Kim Nhật Thành, người thành lập nhà nước Bắc Hàn và là ông nội của lãnh tụ đương nhiệm Kim Jong-un.

Bình luận về việc Mỹ phái đoàn chiến hạm tấn công đến khu vực bán đảo Triều Tiên, hãng thông tấn nhà nước Bắc Hàn nói đó là một hành động xâm lăng liều lĩnh. Còn một người phát ngôn Bộ quốc phòng của Bình Nhưỡng thì nói rằng Bắn Hàn luôn mong muốn hòa bình, nhưng sẽ chống trả rất mãnh liệt bất cứ hành động khiêu khích nào bằng toàn bộ sức mạnh quân sự của mình để có thể tiếp bước trên con đường mà dân tộc đã chọn.

Ngay trước cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Trung diễn ra cuối tuần rồi ở Florida, Hoa Kỳ ; Bắc Hàn đã cho thử nghiệp một tên lửa tầm trung bắn vào biển Nhật Bản.

Tin cho biết là trong cuộc hội đàm giữa tổng thống Mỹ Donald Trump và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, hai bên đã bàn đến vấn đề Bắc Hàn, sau đó một đặc phái viên của Trung Quốc là ông Vũ Đại Vĩ đã đến Seoul hội đàm với Hàn Quốc, và sau cuộc hội đàm này tin từ phía Hàn Quốc cho hay là hai bên đồng ý phải có những biện pháp mạnh mẽ hơn để giải quyết vấn đề Bắc Hàn.

********************

Trung Quốc sẽ có giải pháp nếu Bắc Hàn tiếp tục thử hạt nhân (RFA, 10/04/2017)

Hàn Quốc nói rằng Trung Quốc đã đồng ý rằng phải có những giải pháp mạnh mẽ hơn để giải quyết vấn đề hạt nhân của Bắc Triều Tiên, nếu nước này tiếp tục các chương trình hạt nhân của mình.

SKOREA-NKOREA-MISSILE

Màn ảnh truyền hình chiếu cảnh Bắc Hàn phóng thử tên lửa. Ảnh chụp tại một ga đường sắt ở Seoul vào ngày 5 tháng 4 năm 2017. AFP photo

Đó là tuyên bố của ông Kim Hong-kyun đặc phái viên phụ trách vấn đề hạt nhân của Hàn Quốc sau cuộc nói chuyện với ông Vũ Đại Vĩ người đồng nhiệm Trung Quốc đang có chuyến thăm Seoul để bàn chuyện đe dọa hạt nhân của Bắc Hàn.

Ông Kim nói rằng phải dựa trên những nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc về việc cấm Bắc Hàn thử vũ khí hạt nhân, và từ đó đưa ra thêm những biện pháp cứng rắn. Ông nhấn mạnh với báo chí rằng chuyến làm việc của một quan chức Trung Quốc, quốc gia đồng minh duy nhất của Bắc Hàn là một lời cảnh cáo mạnh mẽ đối với Bình Nhưỡng, kẻ đang có một sự khiêu khích chiến lược thông qua các chương trình vũ khí hạt nhân của mình.

Tuy nhiên ông Vũ Đại Vĩ không đưa ra lời tuyên bố nào với báo chí sau khi nói chuyện với phía Hàn Quốc.

Hiện có nhiều lời đồn đoán rằng Bắc Hàn sẽ tung ra những vụ thử vũ khí tới đây để kỷ niệm sinh nhận lần thứ 105 của người thành lập nhà nước Bắc Hàn, đồng thời cũng là người ông của lãnh tụ Kim Jong-un, là ông Kim Nhật Thành.

*************************

Liệu Mỹ tính tới phương án giải quyết dứt điểm hồ sơ Bắc Triều Tiên ? (RFI, 10/04/2017)

Tình hình bán đảo Triều tiên chưa bao giờ căng thẳng như lúc này. Theo giới chuyên gia, cả Hoa Kỳ lẫn Bắc Triều Tiên cùng không muốn khơi mào cuộc chiến, nhưng chỉ cần một sự cố là không còn cơ may có hòa bình trong khu vực. Tổng thống Trump đang nghiên cứu "tất cả mọi kịch bản" để "chấm dứt đe dọa hạt nhân Bắc Triều Tiên".

korea1

Nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un với quân nhân. Ảnh được KCNA công bố ngày 01/04/2017. KCNA/via REUTERS

Hai ngày sau khi trả đũa chính quyền Damas sát hại thường dân Syria bằng vũ khí hóa học, Hải Quân Mỹ được lệnh đổi lộ trình, hướng tới bán đảo Triều Tiên thay vì đến Úc. Hải Quân Mỹ và Hàn Quốc đang tập trận trong khu vực cho đến cuối tháng 04/2017. Tới nay, Bình Nhưỡng luôn xem các đợt thao diễn quân sự giữa Hàn Quốc với đồng minh Hoa Kỳ là một mối đe dọa trực tiếp nhắm vào Bắc Triều Tiên.

Trả lời đài truyền hình ABC ngày 08/04, ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã gắn liền quyết định tấn công một căn cứ quân sự Syria với vấn đề Bắc Triều Tiên khi cho rằng, đây là "thông điệp Hoa Kỳ gửi tới tất cả các quốc gia nào trên thế giới vi phạm luật pháp và các thỏa thuận quốc tế", trong đó có cả Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, người đứng đầu ngành ngoại giao Hoa Kỳ đã bác bỏ mọi tin đồn về ý định của Washington muốn ám sát lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un hay ý đồ lật đổ chế độ tại quốc gia khép kín này.

Phát biểu trên đài truyền hình Fox ngày 09/04/2017, cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống Hoa Kỳ, tướng H.R. McMaster nói rõ, việc Mỹ đưa chiến hạm đến gần Bắc Triều Tiên là một động thái "thận trọng" trước một "chế độ bất hảo mà giờ đây đã có phương tiện hạt nhân". Cũng quan chức này cho biết thêm tổng thống Donald Trump yêu cầu các cố vấn quân sự của ông "sẵn sàng cung cấp cho bên an ninh một loạt giải phát toàn diện để chấm dứt đe dọa nhắm vào nhân dân Hoa Kỳ và các đồng minh, đối tác của Mỹ trong khu vực".

Đồng minh và cũng là đối tác chính của Hoa Kỳ tại Đông Bắc Á là Nhật Bản, theo thông cáo của Nhà Trắng, tối 08/04 trong cuộc điện đàm giữa tổng thống Trump và thủ tướng Abe, lãnh đạo hai nước đã nhất trí "tiếp tục đẩy mạnh hợp tác" chủ yếu là trong lĩnh vực an ninh, để đối phó với đe dọa hạt nhân Bắc Triều Tiên. Tương tự như vậy, tổng thống Hoa Kỳ và quyền tổng thống Hàn Quốc, Hwang Kyo Ahn cũng duy trì liên lạc chặt chẽ trên hồ sơ Bắc Triều Tiên.

Thế nhưng theo một quan chức thuộc bộ Quốc Phòng Nhật, kịch bản Hoa Kỳ tấn công Bắc Triều Tiên là "không thực tế" bởi vì ngay cả trong trường hợp Mỹ có muốn tấn công đi chăng nữa thì "có nhiều khả năng" hai đồng minh của Washington trong vùng là Nhật Bản và Hàn Quốc cùng "ngăn cản chuyện này".

Dù vậy, rủi ro xung đột trong vùng Đông Bắc Á đã tăng thêm một nấc trong tuần qua. Lãnh đạo Bắc Triều Tiên sẽ phản ứng thế nào khi chiến hạm và tàu hộ tống có trang bị tên lửa lảng vảng ngoài khơi ?

Trả lời báo South China Morning Post, chuyên gia thuộc Viện Nghiên Cứu Chiến Lược Quốc Tế của Trung Quốc, Trương Đà Sinh (Zhang Tuosheng) nhấn mạnh : "Cả Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên đều không muốn khơi mào cuộc chiến, nhưng rủi ro bất ngờ gây xung đột đang gia tăng, chỉ cần một sơ sót nhỏ hay một sự cố cũng có thể đẩy bán đảo Triều Tiên vào tình trạng chiến tranh". Vẫn theo chuyên gia họ Trương, thái độ khiêu khích của chế độ Bình Nhưỡng đặt Washington vào thế khó xử, và càng gia tăng áp lực buộc Mỹ phải hành động trước khi Bắc Triều Tiên đủ sức chế tạo tên lửa bắn trúng tới lãnh thổ Hoa Kỳ.

Một chuyên gia quân sự tại Bắc Kinh cũng đồng quan điểm và không loại trừ khả năng, tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hay lãnh đạo Bắc Triều Tiên, Kim Jong-un "lên gân hù dọa đối phương". Một cách gián tiếp, chuyên gia quân sự Trung Quốc lo ngại Donald Trump và Kim Jong-un cùng là những nhà lãnh đạo có cá tính thất thường. Giới chuyên gia và ngoại giao khó mà dự đoán các quyết định của hai vị nguyên thủ này.

Trong bối cảnh đó chuyên gia Trung Quốc lo ngại, với sự hiện diện của tàu chiến Mỹ trong vùng, khả năng xảy ra hiểu lầm giữa các bên có thể sẽ cao hơn. Lo ngại của Bình Nhưỡng dường như lại càng có cơ sở, sau những tuyên bố của tổng thống Hoa Kỳ : trước khi tiếp chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Florida, ông Trump tuyên bố là sẽ "tự giải quyết" hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên nếu không được Bắc Kinh hỗ trợ.
 
Theo quan điểm của nhà nghiên cứu Hwang Jae-ho, đại học Hankuk ở Seoul, điều quan trọng nhất hiện nay liên quan đến vấn đề thông tin chính xác về kho vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng. Bởi lẽ, nếu không có thông tin chính xác về tiềm lực hạt nhân của Bắc Triều Tiên, Mỹ không thể vô hiệu hóa khả năng tấn công của quốc gia Đông Bắc Á này một cách an toàn. Không có gì bảo đảm là khi bị tấn công, Bình Nhưỡng sẽ không sử dụng vũ khí hạt nhân, tên lửa để trả đũa hai nước láng giềng sát cạnh là Nhật Bản và Hàn Quốc và kể cả việc dùng vũ khí để "với sang đến cả Hoa Kỳ".

Vì tất cả các yếu tố kể trên, giới phân tích lo ngại, Châu Á đang lao vào một cuộc chạy đua võ trang. Bởi lẽ, Bắc Kinh hơn bao giờ hết đang theo dõi sát tình hình. Chiến tranh bùng nổ ở bán đảo Triều Tiên sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho Trung Quốc. Một chuyên gia thuộc đại học Đồng Tế (Tongji) - Thượng Hải được South China Morning Post trích dẫn cho rằng, trong bối cảnh dầu sôi lửa bỏng nói trên, Trung Quốc cần "chuẩn bị cả về phương diện quân sự để tự vệ".

Thanh Hà

****************************

Trung Quốc thảo luận với Nam Hàn về Bắc Hàn (RFA, 10/04/2017)

Ông Vũ Đại Vĩ, đặc phái viên của Trung Quốc về Bắc Hàn hiện đang có mặt tại Seoul, để thảo luận với chính phủ Seoul về tình hình an ninh bán đảo Triều Tiên, và những căng thẳng đang có do Bắc Hàn gây nên.

korea2

Ông Vũ Đại Vĩ (phải), đặc phái viên của Trung Quốc về Bắc Hàn, nói chuyện với ông Kim Hong-Kyun, đại diện Hàn Quốc trong các cuộc đàm phán 6 bên, khi họ chờ đợi Ngoại trưởng Hàn Quốc Yun Byung-se trước cuộc họp ở Seoul vào ngày 10/4/2017. AFP photo

Bắc Kinh gửi ông Đặc Sứ Vũ Đại Vĩ sang Seoul chỉ ít ngày sau thượng đỉnh Mỹ-Trung diễn ra tại bang Florida, Hoa Kỳ. Các viên chức Mỹ cho hay tại thượng đỉnh, Tổng Thống Donald Trump và Chủ Tịch Tập Cận Bình đồng ý Triều Tiên là vấn đề nghiêm trọng và nổi bật nhất.

Chuyến đi của ông Đặc Sứ Trung Quốc cũng diễn ra giữa lúc có đồn đoán Hoa Kỳ có thể sẽ đơn phương tấn công quân sự Bình Nhưỡng, để ngăn cản, không cho Bắc Hàn tiến hành một vụ thử hạt nhân mới.

Đồn đoán này bùng nổ lớn hơn từ cuối tuần trước, sau khi hải quân Hoa Kỳ thông báo hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson và đoàn chiến hạm đi kèm đang tiến tới phía Tây Thái Bình Dương để đến bán đảo Triều Tiên.

Hôm qua, Trung Tá Hải Quân Dave Benham, phát ngôn viên của Bộ Chỉ Huy Quân Sự Mỹ Tại Thái Bình Dương nói với hãng thông tấn AFP rằng Bắc Hàn tiếp tục là mối đe dọa hàng đầu trong khu vực, vì Bình Nhưỡng có những hành động vô trách nhiệm, liều lĩnh, gây bất ổn khi tiếp tục chương trình thử nghiệm hỏa tiễn và theo đuổi ý đồ chế tạo võ khí hạt nhân.

Trước đó, đài truyền hình NBC News đưa tin nói Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Mỹ đã đệ trình cho Tổng Thống Trump những phương án giải quyết chuyện Bắc Hàn, trong đó có đề nghị ám sát lãnh tụ Kim Jong-un và những tướng lãnh điều khiển chương trình chế tạo hỏa tiễn, hạt nhân của Bắc Hàn, hoặc đưa võ khí hạt nhân đặt trở lại tại Nam Hàn, hay phá hủy h thống giao thông của Bắc Hàn, đặc biệt là những tuyến đường Bình Nhưỡng thường sử dụng để vận chuyển võ khí.

NBC News cho hay biết được tin này qua những viên chức cao cấp trong chính phủ Hoa Kỳ, kể cả các viên chức cao cấp quốc phòng Mỹ, nói thêm là đề nghị được đệ trình cho Tổng thống Trump trước khi nhà lãnh đạo Hoa Kỳ đón Chủ Tịch Nhà Nước Trung Quốc Tập Cận Bình tại Florida.

********************

Đặc sứ Trung Quốc đến Hàn Quốc để thảo luận về Bắc Triều Tiên (RFI, 10/04/2017)

korea3

Đặc sứ Trung Quốc Vũ Đại Vĩ (phải) và Bộ trưởng ngoại giao Hàn Quốc Yun Byung-se tại Seoul, ngày 10/04/2017. Reuters

Một ngày sau khi Hoa Kỳ điều tàu chiến đến gần bán đảo Triều Tiên, Bắc Kinh cử đặc sứ Vũ Đại Vĩ (Wu Dawei) đến Seoul vào sáng ngày 10/04/2017 để thảo luận với đồng cấp Hàn Quốc, Kim Hong-kyun về hạt nhân Bắc Triều Tiên. Họp báo chung, đôi bên đồng ý sẽ có "những biện pháp mạnh" nếu Bình Nhưỡng lại thử nghiệm nguyên tử hay tên lửa đạn đạo.

Kết thúc buổi làm việc chung với đặc sứ Trung Quốc về bán đảo Triều Tiên, đại diện của chính quyền Seoul về hòa bình và an ninh, ông Kim Hong-kyun tuyên bố với báo giới là đôi bên đồng ý nếu Bắc Triều Tiên tiếp tục khiêu khích cộng đồng quốc tế, thì Hàn Quốc và Trung Quốc sẽ hướng tới những "biện pháp mạnh mẽ mới, phù hợp với khuôn khổ của các nghị quyết đã được Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc thông qua" và trong trường hợp đó, Liên Hiệp Quốc sẽ "biểu quyết một nghị quyết khắt khe hơn".

Hãng tin Anh, Reuters lưu ý : đặc sứ Trung Quốc Vũ Đại Vĩ không phát biểu trước báo giới sau buổi làm việc tại Seoul hôm nay. Nhưng trong các cuộc trao đổi riêng, ông đã bày tỏ bất bình trước dự án lá chắn chống tên lửa THAAD của Mỹ đặt tại lãnh thổ Hàn Quốc.

Theo giới phân tích, có nhiều yếu tố giải thích Bắc Kinh cấp tốc cử đặc sứ tới Hàn Quốc chỉ ít ngày sau buổi làm việc đầu tiên giữa chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình với tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tại bang Florida trong hai ngày 06 và 07/04/2017.

Thứ nhất, việc chủ nhân Nhà Trắng đột ngột ra lệnh tấn công vào căn cứ quân sự của Syria cuối tuần trước cho thấy Washington có thể hành động bất ngờ, nhất là sau khi tổng thống Trump từng tuyên bố Mỹ có thể "đơn phương hành động" để giải quyết vấn đề Bắc Triều Tiên. Thêm vào đó chính ngoại trưởng Mỹ, Rex Tillerson từng tuyên bố vụ tấn công Syria là một lời cảnh cáo Hoa Kỳ gửi tới một số quốc gia khác, trong đó có cả chế độ Bình Nhưỡng.

Thứ hai, là đặc sứ Trung Quốc đến Seoul trong bối cảnh Mỹ vừa điều tàu chiến USS Carl Vinson và đoàn tàu hộ tống đến khu vực Đông Bắc Á, gần bán đảo Triều Tiên, nhằm "tăng cường sự hiện diện trong vùng".

Lý do thứ ba giải thích cho chuyến công tác Hàn Quốc của đặc sứ Vũ Đại Vĩ là tổng thống Donald Trump đã yêu cầu các cố vấn trình bày một "một loạt các giải pháp" trên hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên.

Sau cùng, trong tháng này, Bình Nhưỡng sẽ tổ chức nhiều lễ kỷ niệm quan trọng. Trong quá khứ, đây thường là dịp để Bình Nhưỡng phô trương sức mạnh quân sự. Hãng tin Reuters nói rõ vào ngày 15/04, Bắc Triều Tiên kỷ niệm sinh nhật lần thứ 105 của cố lãnh tụ Kim Nhật Thành, cha đẻ chế độ Bình Nhưỡng hiện nay. Nhân dịp này, Kim Jong-un đã mời rất đông đảo phóng viên quốc tế đến thủ đô Bắc Triều Tiên. Một số nhà quan sát không loại trừ khả năng Bình Nhưỡng sẽ nhân cơ hội này thử nghiệm bom nguyên tử lần thứ sáu, bất chấp lệnh trừng phạt của quốc tế.

Bên cạnh chương trình hạt nhân Bắc Triều Tiên, theo ghi nhận của hãng thông tấn Yonhap, đặc sứ Vũ Đại Vĩ đề cập với đồng cấp Kim Hong-kyun về hệ thống lá chắn chống tên lửa THAAD của Hoa Kỳ đặt sát cạnh Trung Quốc. Cho tới nay, Bắc Kinh cực lực phản đối dự án này vì xem đó là một mối đe dọa tiềm tàng đối với quyền lợi của Trung Quốc trong khu vực.

Thanh Hà

Quay lại trang chủ
Read 784 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)