Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

11/04/2017

Điểm tin báo chí Pháp - Trung Quốc ở đỉnh tam giác chiến lược

RFI tiếng Việt

Trung Quốc ở đỉnh tam giác chiến lược

Thời sự Châu Á gần như vắng bóng trên các báo Pháp. Riêng báo Le Figaro (11/04/2017), trong mục ý kiến, giới thiệu bài "Trung Quốc ở đỉnh tam giác chiến lược". Bài viết của nhà báo Renaud Girard, chuyên gia quan hệ quốc tế và tác giả của nhiều cuốn sách về Trung Á.

tamgiac1

Tổng thống Mỹ Donald Trump và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Mar-a-Lago, bang Florida, Hoa Kỳ ngày 07/04/2017. REUTERS/Carlos Barria

Đầu tiên tác giả nhắc lại khái niệm về tam giác chiến lược do cựu ngoại trưởng Mỹ Henri Kissinger đưa ra vào đầu những năm 1970, trong bối cảnh chiến tranh lạnh và bất đồng giữa Liên Xô và Trung Quốc trở nên nghiêm trọng. Để xích lại gần Trung Quốc và ngăn chặn không cho Liên Xô sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật trong các cuộc xung đột biên giới với Trung Quốc, ông Kissinger quan niệm rằng, trong quan hệ tay ba, Hoa Kỳ - Liên Xô – Trung Quốc, điều quan trọng là Mỹ phải ở vị trí đỉnh của tam giác chiến lược này và hai cạnh bên phải ngắn hơn đáy của tam giác này. Diễn giải nôm na, cần phải vận động để Hoa Kỳ xích lại gần Trung Quốc và gần Liên Xô, nhưng không nên để Trung Quốc và Liên Xô xích lại gần nhau.

Nếu theo mô hình trên, thì các sự kiện quốc tế xẩy ra đầu tháng 4/2017, đặc biệt là việc Donald Trump tiếp đón nồng nhiệt Tập Cận Bình và vụ Hoa Kỳ tấn công tên lửa Syria, cho thấy Trung Quốc đã chiếm vị trí đỉnh tam giác chiến lược, tức là khoảng cách Bắc Kinh-Washington và Bắc Kinh-Moskva ngắn hơn rất nhiều so với khoảng cách Washington-Moskva.

Nhà báo Renaud Girard cho rằng quyết định của Donald Trump cho bắn tên lửa vào Syria là một hành động ngoạn mục phục vụ chính sách đối nội : Đó là tỏ ra khác biệt với người tiền nhiệm Barack Obama ; Khẳng định quyền lực tổng thống ; Xóa bỏ đi phần nào các chỉ trích cho rằng ông bị Vladimir Putin "xỏ mũi" ; Nhận được nhiều lời hoan nghênh từ phía các cơ quan truyền thông mà cho đến lúc đó vẫn chỉ trích ông hết lời.

Vậy phản ứng của Trung Quốc và Nga ra sao về hành động quân sự của tổng thống Hoa Kỳ ? Điều mà cả hai nước đều rất khó chấp nhận, nhưng không nói ra, đó là khó dự đoán được sự bất định về mặt chiến lược của Mỹ. Hơn nữa, Bắc Kinh và Moskva cũng không ưa gì việc Washington đôi khi bỏ qua Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc để đơn phương hành động quân sự. Thế nhưng, ngoại trưởng Mỹ đã lại trấn an cả hai nước rằng ưu tiên chiến lược của Washington vẫn là diệt trừ tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo.

Cần phải chờ đợi xem cuộc gặp giữa ngoại trưởng Mỹ và Nga tại Moskva ra sao, nhưng rõ ràng mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước khó có cơ may khởi sắc như người ta nghĩ trong thời kỳ Donald Trump vận động tranh cử.

Về quan hệ Mỹ-Trung, trong bối cảnh rối loạn đó, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, lúc ở Florida, đã tỏ ra rất bình thản. Ông không nói một câu nào về Syria. Theo Nhà Trắng, hai bên đồng ý mở vòng đàm phán trong vòng 100 ngày để giảm bớt sự mất cân đối trong cán cân thương mại song phương. Mục tiêu là đạt được một thỏa thuận đầu tư thuận lợi cho Hoa Kỳ, tạo lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp Mỹ, so với các doanh nghiệp Châu Âu, trên thị trường Trung Quốc.

Renaud Girard nói thẳng, trong quan hệ quốc tế, Donald Trump diễu võ giương oai với kẻ yếu và tỏ ra nhu mì với kẻ mạnh. Biết rằng khó có thể đọ sức với một nước Trung Quốc hùng mạnh, tổng thống Mỹ quay sang "vùi dập" Châu Âu yếu kém và bị chia rẽ.

Về phần mình, Trung Quốc tỏ ra sốt ruột trong các hoạt động bá quyền tại Biển Đông và biển Hoa Đông. Bắc Kinh hài lòng về mối quan hệ chiến lược với Moskva. Mặt khác, Trung Quốc từng bước củng cố các căn cứ quân sự được xây dựng trên các hòn đảo nhân tạo trong các vùng đang có tranh chấp với Việt Nam và Philippines ở Biển Đông. Chính quyền Trump đã quên đi ý tưởng đưa ra hồi tháng Giêng năm nay là ngăn chặn Trung Quốc tiếp tế cho các đảo nhân tạo này.

Trong phần kết luận, nhà báo Renaud Girard đặt câu hỏi : Phải chăng Donald Trump hành động với tư cách là một người có tư tưởng chiến lược hay chỉ như là một diễn viên ồn ào ở Hollywood ? Còn quá sớm để trả lời, nhưng Hoa Kỳ đang chơi một canh bạc lớn : đó là nguy cơ bị đuổi ra khỏi khu vực Đông Nam Á và cũng không thu lợi được gì ở Trung Đông.

Trump không muốn lệ thuộc vào Putin

Cũng liên quan đến Donald Trump, báo Le Monde có bài phỏng vấn nhà nghiên cứu chính trị học và chuyên gia về đối ngoại, bà Alexandra de Hoop Scheffer, giải thích vì sao "Khi đánh Syria, Trump chứng tỏ rằng ông ấy không thần phục Putin".

Thứ nhất, vụ tấn công này phải được hiểu đó là ý muốn phô diễn sức mạnh dưới hình thức một lời cảnh báo kép. Một mặt là gởi cho chế độ Bachar al-Assadvà các đồng minh của ông ta là Nga và Iran. Mặt khác là cho các cường quốc khác có ý định muốn trắc nghiệm Hoa Kỳ, nhất là Bắc Triều Tiên, vốn đang ra sức gia tăng chương trình tên lửa đạn đạo, nhưng đồng thời còn có cả Trung Quốc, ngay chính thời điểm ông Trump tiếp lãnh đạo nước này.

Về đối nội, đợt đánh Syria này đưa ra tín hiệu tái cân bằng mối tương quan lực lượng ở Nhà Trắng với việc ông Trump giữ khoảng cách với nhiều vị cố vấn được cho là có quan điểm thân Nga (Michael Flynn, Stephen Bannon) theo hướng có lợi cho nhiều nghị sĩ Cộng Hòa có những lập trường cổ điển hơn, như tướng McMaster. Với cú đánh này, ông Trump đã chinh phục được phe Cộng Hòa.

Sau cùng, đó còn là trường hợp biến đổi chiến lược cổ điển bằng hành động quân sự trong tình hình đối nội khó khăn cho ông Trump : Thất bại của nhiều chính sách (y tế, nhập cư) ; Các cáo buộc về sự can dự của Nga trong bầu cử tổng thống ; Các cuộc điều tra của FBI và Thượng viện về những người thân cận của ông bị cáo buộc có liên hệ với Nga. Do đó, vụ oanh kích vào không quân Syria và những cảnh báo gởi đến Moskva là một cách để chứng tỏ là ông ấy không thần phục Nga.

Bên cạnh đó, Donald Trump cũng muốn chỉ cho thấy thất bại của sáng kiến ngoại giao được thực hiện trong 6 năm qua là đã "không làm thay đổi được thái độ của ông Assad". Vụ tấn công này là nhằm thúc ép sự thay đổi đó và buộc lãnh đạo Syria cũng như các đồng minh của ông ta phải nhắm đến tương lai chính trị của Syria mà không có Bachar al-Assad.

Với quyết định đánh bất ngờ này, ông Trump xóa tan mọi giả thuyết về chủ nghĩa cô lập đã gán cho ông ấy trong suốt chiến dịch vận động tranh cử và cho thấy là ông có khả năng hành động nhanh chóng và cứng rắn khi nhận thấy là lợi ích của Hoa Kỳ bị đe dọa. Trong chiều hướng đó, ông Trump trung thành với việc đi theo những lập trường chính trị có được từ 30 năm gần đây. Chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ sẽ được thể hiện rõ qua hình thức đơn phương phô diễn sức mạnh và can thiệp có chọn lọc.

Giáo dân Ai Cập : Miếng mồi ngon của Daesh

Hôm Chủ Nhật 09/04/2017, hai vụ tấn công tự sát xảy ra trong nhà thờ công giáo tại Tanta và Alexandria, tại Ai Cập ngay trong mùa lễ Lá (Rameau) đã làm thiệt mạng 44 người và hơn 100 người khác bị thương. Le Figaro trên trang nhất ngậm ngùi đưa tít lớn : "Mục tiêu ưu tiên của Daesh, giáo dân Ai Cập thương khóc người chết".

Le Monde trên trang nhất nhận định : "Giáo dân Ai Cập : Mục tiêu tấn công hai vụ khủng bố của Nhà Nước Hồi Giáo". Bởi vì, ngay sau đó, tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo đã lên tiếng nhận trách nhiệm. Giáo dân công giáo, tuy chỉ chiếm có 10% dân số Ai Cập giờ đã trở thành đối tượng tấn công hàng đầu của Daesh.

Cộng đồng tôn giáo thiểu số này thường xuyên bị tổ chức khủng bố này chỉ định như là một ưu tiên của họ trong các đoạn video tuyên truyền. Trong tháng Hai năm nay, Daesh đã cam kết sẽ có nhiều vụ tấn công mới nhắm vào cộng đồng công giáo và ít nhất đã có 8 vụ ám sát có chủ đích diễn ra tại thành phố al-Arish, đẩy hàng trăm gia đình công giáo đến lánh nạn tại vùng phía tây kênh đào Suez.

Tổng thống Ai Cập hôm qua buộc phải ban hành tình trạng khẩn cấp, kéo dài trong ba tháng và thông báo tăng cường quân đội để đảm bảo an ninh. Mục đích cũng là để dập tắt mọi chỉ trích về việc không bảo vệ những nơi thờ phượng của người công giáo. Như vậy, "Khi nhắm vào người công giáo Ai Cập, Daesh đang gây áp lực lên tổng thống Sissi" tựa đề bài nhận định của Le Figaro trên trang 5.

Khí hậu ấm dần đe dọa rạn san hô Grand Barrier

Trong lĩnh vực môi trường, LibérationLe Figaro cùng báo động về tình trạng khí hậu ấm dần đe dọa rạn san hô Grand Barrier. Đây là năm thứ hai liên tiếp các nhà khoa học lên tiếng cảnh báo về tình hình "sức khỏe" của rạn san hô này.

Theo lời tổng giám đốc UNESCO, bà Irina Bokova, Grand Barrier, một trong những "báu vật di sản thế giới" đang chịu một hiện tượng bị "trắng ra" chưa từng có và có thể sẽ không bao giờ hồi phục lại được. Ngày 16/3 vừa qua, gần 40 nhà khoa học đã gióng chuông báo động trong tạp chí Nature, kêu gọi một "hành động khẩn cấp và nhanh chóng". Nỗi lo sợ này của các nhà khoa học đã được chứng minh qua các hình ảnh chụp từ vệ tinh.

Nguyên nhân là do hiện tượng khí hậu ấm dần. Ông Serge Planes, giám đốc chương trình thám hiểm Tara Pacific giải thích: "Khi nhiệt độ trung bình trong nước vượt quá 31°C, người ta nhận thấy hiện tượng stress ở san hô dẫn đến việc chúng bị chết dần". Đáng lo nhất là rạn san hô xuống cấp đe dọa cả một hệ sinh thái. Grand Barrier quy tụ đến 400 loài san hô khác nhau, 1.500 loài cá và 4.000 loài động vật thân mềm.

Rác thải điện tử nhiễm độc chất brom

Đây là kết quả một báo cáo kỹ thuật đề tựa "Sàng lọc và sắp xếp các loại nhựa từ rác thải trang thiết bị điện và điện tử" được báo Le Monde trích dẫn. Báo cáo dài 34 trang do Viện Quốc Gia Về Môi Trường Công Nghiệp Và Các Rủi Ro (Ineris) thực hiện theo yêu cầu của bộ Môi Trường Pháp đăng trên mạng ngày 20/3 cho thấy rõ "toàn bộ các sản phẩm nhựa đều bị nhiễm chất brom".

Cho đến lúc này, người tiêu dùng chỉ biết là chất brom hiện diện chủ yếu trong các màn hình và thiết bị điện tử nhỏ. Thế nhưng, các phương pháp đo lường do Ineris thực hiện lại cho thấy rõ một thực tế khác các thành phần bị "brom hóa" có mặt gần như khắp nơi : trong đồ chơi, các dụng cụ điện, hệ thống chiếu sáng, và nhất là trong các loại thiết bị điện tử gia dụng (tủ lạnh). Theo Ineris, khoảng 39% các thiết bị điện và điện tử đều chứa chất brom trong tất cả các linh kiện bằng nhựa.

Vấn đề đặt ra là kết luận mới này sẽ gây thêm nhiều khó khăn cho ngành xử lý rác thải công nghiệp. Từ năm 2006, một nghị định của Châu Âu đã áp đặt việc tách rời rác thải nhựa có chất brom với các loại khác, nhưng lại không quy định rõ từ ngưỡng nào một sản phẩm nhựa được xem như có chất brom. Năm 2015, Ủy Ban Châu Âu đặc trách về chuẩn hóa sản phẩm điện tử đã đặt ra ngưỡng là 2g brom/kg.

Những loại sản phẩm nhựa có chất brom này khi được xếp vào loại "nguy hiểm" và "chất hữu cơ dẻo gây ô nhiễm" (POP) thì không thể tái chế, không để chung vào rác thải thường, không thiêu hủy được trong các lò thiêu cổ điển. Chúng phải được tiêu hủy trong những lò thiêu đặc biệt ở nhiệt độ cao, có khả năng bẻ gãy các phân tử được cho là có hại cho sức khỏe con người như polybromodiphenyléther (PBDE), một loại chất gây rối loạn nội tiết tố bị nghi ngờ gây tác hại nguy hiểm lên sự phát triển não.

Minh Anh

Quay lại trang chủ
Read 677 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)