Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

06/04/2020

Toàn Châu Á tập trung chống lây nhiễm Covid-19

Tổng hợp RFI tiếng Việt

Virus corona : Singapore cách ly 20.000 người lao động nước ngoài (RFI, 06/04/2020)

Ngày 05/04/2020 Singapore phát hiện 120 ca nhiễm virus corona mới. Đây là một kỷ lục cao nhất từ đầu mùa dịch. Hầu hết trong số này đều có liên quan đến hai khu định cư của người lao động nước ngoài tại Singapore. Chính phủ lập tức ban hành lệnh “phong tỏa” nhắm vào khoảng 20.000 người lao động nhập cư.

asie1

Bên trong một khu nhà cách ly người lao động tại Singapore. Ảnh chụp ngày 06/04/2020 via Reuters

Lệnh phong tỏa bắt đầu có hiệu lực từ hôm 06/04/2020 và trong vòng 14 ngày, số người này bị cấm ra khỏi phòng trọ. Phần lớn người lao động nhập cư không có tay nghề cao tại Singapore làm việc trong ngành xây dựng.

Quyết định triệt để nói trên được đưa ra do số ca lây nhiễm trong ngày Chủ Nhật 05/04/2020 tăng 60 % so với một hôm trước đó. Sinapore đến nay ghi nhận 1.309 trường hợp lây nhiễm, 6 ca tử vong. 

Cũng trong khu vực Đông Nam Á, Malaysia và Thái Lan hôm nay lần lượt thông báo có thêm 131 và 51 ca dương tính với virus corona mới được phát hiện. Malaysia là quốc gia Đông Nam Á có số ca nhiễm cao nhất trong khu vực với gần 3.800 trường hợp.   

Thanh Hà

******************

Covid-19: Miến Điện viện cớ chống dịch để chặn hơn 200 trang mạng (RFI, 06/04/2020)

Quyền tự do ngôn luận tại Miến Điện ngày càng bị siết chặt. Chính quyền Naypiydaw ra lệnh đóng 221 trang mạng thông tin, trong số này có rất nhiều tờ báo độc lập. Lệnh cấm không được chính phủ thông báo chính thức, danh sách các trang mạng bị cấm cũng không được công bố công khai, một số nhà báo đã bị bắt giữ.

asie2

Nay Myo Lin, tổng biên tập trang tin Voice of Myanmar bị áp tải ra tòa án ở Mandalay (Miến Điện) ngày 31/03/2020. Reuters - STRINGER

Từ Rangun, thông tín viên Sarah Bakaloglou tường thuật :

Thông tin do một trong số các nhà khai thác mạng đưa ra trong một thông cáo. Lúc ấy, người dân mới hay tin là chính phủ dùng đến một điều luật về viễn thông,  cho phép trong trường hợp "khẩn cấp" và vì quyền lợi chung được áp đặt các lệnh cấm. Bị giới truyền thông chất vấn, các quan chức Miến Điện tuyên bố là quyết định này một phần còn vì mục đích chống thông tin sai lệch đang lan truyền, nhất là trong hoàn cảnh dịch Covid-19 hiện nay.

Có điều là trong số hàng chục trang mạng bị chặn, có cả các trang thông tin độc lập… những tờ báo hay đưa tin các sự kiện tại những vùng có xung đột, những nơi mà các vụ xâm phạm nhân quyền thường hay xảy ra, và thông tin về tình hình các sắc tộc thiểu số của đất nước.

Nhiều vụ khám xét của cảnh sát đã diễn ra tại các thành phố lớn như Rangun, Mandalay và Sittwe, tại trụ sở nhiều cơ quan truyền thông hay tại nhà các nhà báo. Tính đến hiện tại, ba nhà báo có nguy cơ lãnh án tù chung thân, vì bị cáo buộc là đã vi phạm luật chống khủng bố. Một trong số họ đã bị bắt, hai người khác đã bỏ trốn.

Tội của họ là đã đăng một bài phỏng vấn với một nhóm quân nổi dậy, Quân Đội Arakan (Arakan Army). Nhóm du kích này – hiện đối đầu dữ dội với quân đội Miến Điện từ năm 2019 tại bang Arakan – gần đây bị quân đội nước này xếp vào diện "tổ chức khủng bố".

Theo tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới (RSF), nhiều nhà báo khác có lẽ hiện cũng đang ẩn náu và sợ rằng họ cũng bị bắt vì đã để cho lực lượng nổi dậy được lên tiếng…Nhiều tổ chức phi chính phủ lên án các hành động vi phạm tự do ngôn luận này của chính quyền Miến Điện.

Minh Anh

*****************

Virus corona : Nhật Bản cân nhắc khả năng ban bố tình trạng khẩn cấp 6 tháng (RFI, 06/04/2020)

Hôm 06/04/2020, kênh truyên hình TBS của Nhật Bản thông báo có thể chính phủ sẽ cho áp dụng tình trạng khẩn cấp kéo dài 6 tháng và phong tỏa một số vùng để đối phó với sự lây lan của dịch bệnh Covid-19.

asie3

Thủ tướng Shinzo Abe phát biểu với báo chí Nhật về tình hình dịch virus corona, Tokyo, ngày 06/04/2020 Reuters - ISSEI KATO

Biện pháp nói trên sẽ liên quan đến thủ đô Tokyo và 3 tỉnh lân cận, cũng như tỉnh Osaka. Theo đài TBS, tình trạng khẩn cấp có thể được ban bố vào ngày mai 07/04. Còn theo nhật báo Nikkei, ủy ban cố vấn về dịch bệnh bắt đầu họp vào sáng hôm nay để chuẩn bị cho việc thủ tướng Shinzo Abe ban bố tình trạng khẩn cấp. Tuy nhiên, phát ngôn viên của chính phủ Nhật Bản, Yoshihide Suga, hôm nay tuyên bố quyết định chính thức của thủ tướng vẫn chưa được đưa ra.

Theo số liệu chính thức mới nhất, cho đến nay, Nhật Bản có hơn 4.500 ca dương tính với virus corona và 104 ca tử vong. Hồi tháng 03, một dự luật cải cách đã được thông qua, cho phép thủ tướng Nhật Bản tuyên bố tình trạng khẩn cấp nếu dịch bệnh tiếp tục là một mối nguy hiểm nghiêm trọng và nếu sự lây lan của Covid-19 có thể gây tác hại nặng nề đến nền kinh tế.

Việc ban bố tình trạng khẩn cấp cho phép chính quyền kêu gọi dân chúng ở nhà và các doanh nghiệp đóng cửa. Tuy nhiên, chính quyền không được phép chính thức ra lệnh phong tỏa đất nước như tại các nước Ý, Tây Ban Nha, Pháp… Do không thể ra quy định phạt tiền những người vi phạm, nên chính phủ Nhật chủ yếu trông chờ vào sức ép từ xã hội và sự tôn trọng chính quyền, hai nét văn hóa truyền thống của người dân Nhật Bản.

Thùy Dương

******************

Covid-19 : Trung Quốc báo động về số ca nhiễm không có triệu chứng (RFI, 06/04/2020)

Cơ quan Y tế Trung Quốc trong ngày 05/04/2020 thông báo đã có 117 ca nhiễm virus corona được ghi nhận trên toàn quốc. 78 bệnh nhân trong số này không có những triệu chứng như ho, sốt. Một nửa trong số những ca nói trên được phát hiện tại tỉnh Hồ Bắc, tâm điểm của dịch Covid-19.

asie4

Người dân đeo khẩu trang khi đi ra đường, thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Ảnh chụp ngày 05/04/2020 Reuters - ALY SONG

Điểm đáng lo ngại là số ca nhiễm không có những triệu chứng thường thấy đã tăng nhanh trong ba ngày qua. Vẫn theo các số liệu của Bắc Kinh, hôm 03/04/2020 trên toàn lãnh thổ có 40 ca mà các bệnh nhân không có triệu chứng của bệnh viêm phổi cấp tính chủng mới. 

Ngoài ra, tính đến chiều Chủ Nhật, 05/04/2020 Trung Quốc đã phát hiện thêm 39 ca bị lây nhiễm. Hai mươi trường hợp trong số này được phát hiện gần biên giới giữa Trung Quốc với Nga. Hồ Bắc cho biết không có ca nhiễm mới nào trong số 39 trường hợp kể trên. Dù vậy, vào lúc Bắc Kinh tuyên bố khống chế được dịch Covid-19 và tổ chức lễ tưởng niệm các nạn nhân vào dịp Lễ Thanh Minh, nhưng vết thương vẫn chưa lành đối với dân cư tại thành phố Vũ Hán như phóng sư tại chỗ của thông tín viên đài RFI Simon Leplâtre cho thấy sau đây : 

Tiếng còi hụ ngân dài trong ba phút. Ba phút thật dài để tưởng nhớ những người đã chết vì Covid-19 trên toàn lãnh thổ. Về mặt chính thức, có 3.300 nạn nhân, nhưng sự thực số này có thể còn cao hơn nhiều. Ngay trước cổng vào bệnh viện chính của thành phố Vũ Hán, có khoảng 15 bó hoa lan được đặt sẵn. Đôi khi có những tấm thiếp cảm ơn những người bác sĩ đã hy sinh và để tưởng nhớ bác sĩ Lý Văn Lượng. Vị bác sĩ 34 tuổi này cuối tháng 12 năm ngoái đã lên tiếng báo động về dịch bệnh. Ông đã bị công an bắt giữ rồi qua đời đầu tháng 2/2020 vì Covid-19. Cái chết của bác sĩ Lượng đã khiến công luận xúc động và làm dấy lên một làn sóng phẫn nộ đối với chính quyền. 

Cô Trương Tiểu Ái, một phụ nữ 33 tuổi đến bệnh viện để mặc niệm những người đã khuất, cô nói :Bệnh Viện Trung tâm là nơi đã có nhiều người hy sinh hơn cả. Đây là nơi bác sĩ Lý Văn Lượng từng làm việc. Vì vậy tôi cố tình đến đây. Hôm nay có rất nhiều người dân Vũ Hán không thể  ra khỏi nhà. Tôi không muốn để những người nằm xuống phải âm thầm ra đi, không một lời tiễn biệt.

 Dù vậy chính quyền Trung Quốc vẫn kiểm soát chặt chẽ ngay cả trong thời khắc tưởng nhớ những nạn nhân Covid-19. Gần nghĩa trang, nơi mà chỉ có thân nhân của những người đã nằm xuống được lui tới, các phóng viên bị xua đuổi. Đến chiều tối khi quay trở lại bệnh viện Trung tâm Vũ Hán, những bó hoa ban sáng không còn nữa”.

Thanh Hà

********************

Nhiều nước Đông Nam Á ban hành biện pháp mạnh chống virus corona (RFI, 05/04/2020)

Sau Châu Âu và Mỹ, đến lượt các nước Đông Nam Á chuẩn bị đối phó với làn sóng thứ hai của dịch Covid-19. Singapore, Malaysia và Thái Lan đều có nhiều ca nhiễm mới. Việt Nam có 241 người nhiễm virus corona tính đến ngày 05/04/2020.

asie5

Người dân Singapore đeo khẩu trang khi ra phố. Ảnh chụp ngày 05/04/2020. AFP - ROSLAN RAHMAN

Singapore đang phải đối mặt với nguy cơ dịch Covid-19 bùng nổ sau khi tưởng đã khống chế được dịch. Theo trang Tin tức Singapore, dù đã áp dụng nhiều biện pháp triệt để phòng chống dịch, số ca nhiễm virus corona tại Singapore tăng gần gấp 10 lần trong một tháng, cụ thể là 1.189 ca và 6 người chết tính đến ngày 05/04.

Một loạt biện pháp mới được thủ tướng Lý Hiển Long công bố ngày 03/04, trong đó có quyết định áp dụng cách ly xã hội trên toàn quốc từ ngày 07/04, đóng cửa mọi dịch vụ không thiết yếu và triển khai thêm các biện pháp hạn chế đi lại, phát khẩu trang tái sử dụng cho dân và khuyến cáo người dân đeo khẩu trang khi ra đường, trái với quan điểm trước đây của chính phủ.

Tại Malaysia, lệnh phong tỏa được kéo dài đến ngày 14/04 và có thể được gia hạn thêm. Tính đến ngày 05/04, Malaysia có tổng số 3.662 người nhiễm virus corona và 61 ca tử vong.

Sau lệnh giới nghiêm từ 22 giờ đến 4 giờ sáng hôm sau, có hiệu lực từ ngày 03/04, chính phủ Thái Lan đã quyết định tạm cấm mọi chuyến bay hạ cánh xuống lãnh thổ từ ngày 04 đến 06/04 nhằm ngăn đà lây nhiễm virus corona, trong khi nước này có 2.169 ca nhiễm bệnh và có 23 người tử vong tính đến ngày 05/04. Mọi hành khách đến Thái Lan trước thời điểm trên đều bị cách ly 14 ngày.

Thu Hằng

***********************

Người Nhật coi nhẹ Covid-19, không tuân thủ khuyến cáo phòng dịch (RFI, 05/04/2020)

Nhật là nước bị dịch Covid-19 khá nặng ở Châu Á, với 4000 ca nhiễm và 80 người chết cùng số ca nhiễm mới vẫn tăng mỗi ngày. Chính phủ không áp dụng phong tỏa dân cư ngoài các khuyến cáo phòng trừ. Người dân Nhật vẫn đến các nơi tập trung đông người.

asie6

Trung tâm Tokyo giữa những ngày dịch Covid-19, mặc dù chính quyền kêu gọi mọi người hãy ở trong nhà. (Ảnh chụp ngày 28/03/2020) - Reuters - Issei Kato

Những thói quen này đang gây lo ngại cho chính quyền khi mà vài ngày qua số người nhiễm mới ở thủ đô Tokyo tăng gấp 4 lần và ngày càng có nhiều người trẻ nhiễm virus.

Thông tín viên RFI, Bruno Duval gửi về bài phóng sự :

Có dịch hay không thì rất đông thanh niên Tokyo tiếp tục đi quán bar, hộp đêm, hát karaoké. Chính quyền khuyên can rất nhiều không nên đến những nơi thông gió kém như vậy, nhưng thông điệp vẫn không được ai để ý.

"Virus này không làm tôi quá sợ, một thanh niên quả quyết. Thực ra thì 8/10 ca là nhẹ". Một thanh niên khác đứng cạnh nói : "Đây là con virus già. Tôi còn trẻ và khỏe. Dù sao, nếu tôi bị nhiễm virus, tôi sẽ đẩy nó ra khỏi người mình bằng cách nhảy như điên cả đêm".

Còn một cô gái khác cho biết : "Tôi biết virus này giết chết rất nhiều người ở nước ngoài, tôi xem trên truyền hình thấy thế….nhưng tôi cảm thấy nó ở rất xa. Thực sự tôi không cho rằng mình cũng có thể bị nhiễm".

Ngay cả những thanh niên ý thức được nguy hiểm vẫn mạo hiểm đến các cơ sở giải trí như thế.

"Vô lý, rõ ràng ở nhà sẽ tốt hơn", một người trong nhóm thanh niên có ý kiến. Trong khi một người khác giải thích : "trong những hộp đêm thế này rất ồn ào, để nói chuyện được với nhau người ta phải gào hét và ở khoảng cách rất gần. Chắc chắn như thế sẽ càng làm tăng nguy cơ lây nhiễm".

"Giam mình trong nhà mọi buổi tối, như thế tôi sẽ không chịu nổi", một chàng trai thốt lên như vậy.

"Sau một ngày làm việc, tôi phải đi uống bia cho tới tối muộn mới về. Cuộc sống của tôi sẽ là địa ngục nếu không như thế. Tôi sẽ không chịu được", một người khác thêm vào.

Nhưng người già chắc hẳn cũng không thể làm gương cho giới trẻ. Rất đông người cao tuổi, bất chấp dịch bệnh, vẫn cứ đến các phòng đầy kín người đặt các máy đánh bạc mà người Nhật gọi là "Pachinko"

RFI tiếng Việt

*****************

Dịch Covid-19 : Hàn Quốc phát 3 triệu khẩu trang cho người có nguy cơ cao (RFI, 04/04/2020)

Theo Yonhap, Hàn Quốc hôm qua, 03/04/2020, quyết định kéo dài giai đoạn ‘‘giãn cách xã hội" thêm hai tuần, trong bối cảnh dịch bệnh tuy chững hẳn, nhưng vẫn có nguy cơ bùng lên trở lại. Chính quyền Seoul quyết định phân phối thêm hơn 3 triệu khẩu trang cho những người lao động làm việc trong các môi trường có nguy cơ nhiễm virus cao nhất, bao gồm người lao động nước ngoài. 

asie7

Người dân Hàn Quốc xếp hàng mua khẩu trang tại một trung tâm thương mại ở Seoul ngày 27/02/2020. Reuters/Heo Ran

Thông tín viên Frédéric Ojardias tường trình từ Seoul : 

"3,65 triệu khẩu trang sẽ được bộ Lao Động phân phát cho các tài xế tắc-xi, tài xế xe buýt, người làm nghề đưa hàng, từ đây cho đến ngày 08/05. Hàng trăm nghìn người lao động nước ngoài, không có quyền được nhận 2 khẩu trang/tuần của hệ thống phân phối quốc gia từ đầu dịch đến nay, cũng sẽ được phát khẩu trang lần này. Nhiều người trong số họ làm việc trong các ngành công nghiệp và cung ứng. 

Các nhân viên làm việc tại các trung tâm giao dịch với khách hàng qua điện thoại cũng nhận được khẩu trang. Đây là môi trường có nguy cơ truyền virus cao, vì các nhân viên nói suốt ngày và làm việc trong các văn phòng, nơi khoảng cách giữa người này với người kia là rất gần. Hồi giữa tháng 3, một ổ dịch đã được phát hiện tại một trung tâm giao dịch qua điện thoại ở Seoul, buộc chính quyền phải tổ chức xét nghiệm hàng trăm nhân viên và cư dân tại khu vực trụ sở văn phòng. 

Kể từ đầu khủng hoảng đến nay, đại đa số người Hàn Quốc mang khẩu trang, đôi khi bằng vải, nếu như không có gì tốt hơn, ngay khi họ bước chân ra ngoài. Đây cũng là một thói quen ở Hồng Kông, Đài Loan hay Nhật Bản. Điều này dường như giải thích một phần cho việc dịch bệnh lan truyền chậm hơn tại các quốc gia này. 

Virus gây bệnh Covid-19 có thể truyền đi qua những tia nước bọt. Chính vì vậy, mang khẩu trang, cho dù không phải là khẩu trang y tế, cũng tạo ra một rào cản đầu tiên, đặc biệt cho phép bảo vệ những người khác. Những người mang virus, tuy ở thể lành tính, không có triệu chứng nào, cũng có thể làm lây nhiễm virus sang người khác, mà không hay biết. Hàn Quốc dường như đã thành công trong việc kiểm soát dịch, và không buộc phải phong tỏa toàn bộ dân cư, cho dù đã trải qua một đỉnh dịch hồi đầu tháng 3". 

Trọng Thành

********************

Hồng y Miến Điện : Trung Quốc phải xin lỗi và bồi thường vì đại dịch corona (RFI, 03/04/2020)

Hãng tin CNA ngày 02/04/2020 từ Roma dẫn lời một Hồng y Miến Điện khẳng định các nước nghèo đang phải gánh chịu đại dịch virus corona vì sự bất cẩn và đàn áp của Đảng cộng sản Trung Quốc. Bắc Kinh đang nợ một lời xin lỗi và phải bồi thường thiệt hại.

asie8

Người lao động Miến Điện ở Thái Lan quay về nước trong thời kỳ dịch Covid-19. Ảnh chụp ngày 24/03/2020 - © Reuters/Stringer

Trong bài viết trên mục Ý kiến của UCA News, Hồng y Muang Bo, tổng giám mục Rangoon nhấn mạnh : "Chính chế độ toàn trị Trung Quốc do Tập Cận Bình và Đảng cộng sản Trung Quốc lãnh đạo, chứ không phải là nhân dân nước này, nợ tất cả chúng ta một lời xin lỗi và phải bồi thường về những thiệt hại đã gây ra".

Hồng y Muang Bo, người đứng đầu Hội đồng Giám mục Châu Á tố cáo chế độ Bắc Kinh đã giấu diếm thông tin về nạn dịch xuất phát từ Vũ Hán, trừng phạt các bác sĩ và nhà báo muốn cảnh báo thế giới về sự lan tràn của con virus nguy hiểm.

Dẫn ra vụ bắt bớ bác sĩ Lý Văn Lượng và các nhà báo công dân ở Hoa lục, vị Hồng y tuyên bố : "Trung Quốc là quốc gia có nền văn minh lớn và lâu đời, đã đóng góp nhiều vào lịch sử nhân loại". Nhưng chế độ cộng sản Bắc Kinh phải chịu trách nhiệm vì đã để cho đại dịch lan tràn trên toàn thế giới. Ông nhấn mạnh, người dân Trung Quốc cũng là nạn nhân và xứng đáng được cảm thông, nhưng Đảng cộng sản Trung Quốc không thể phủi trách nhiệm.

Hồng y Bo nêu ra các hậu quả tai hại đối với người nghèo, nhất là tại các quốc gia Đông Nam Á láng giềng. Chẳng hạn đối với Miến Điện giáp giới với Trung Quốc, một nước nghèo có nền y tế kém phát triển và hàng trăm ngàn người phải di tản vì xung đột đang sống trong các lều trại, không thể áp dụng giãn cách xã hội như các nước khác.

Đại dịch Covid-19 xuất phát từ Vũ Hán tháng 12/2019 đã lan tràn đến 203 quốc gia trên toàn thế giới. Tính đến ngày 02/04/2020, hơn 1 triệu người trên hành tinh đã bị nhiễm virus corona, hơn phân nửa dân số thế giới sống trong cảnh phong tỏa, 52.000 người thiệt mạng. Riêng tại các nước đang phát triển như Philippines, Malaysia, Pakistan…đã có hơn 2.000 ca.

Tổng giám mục Rangoon kêu gọi Trung Quốc xóa nợ cho các nước đang phải chống dịch Covid-19. Ghi nhận rằng chính phủ của nhiều quốc gia trên thế giới đang bị chỉ trích vì thiếu chuẩn bị trước nạn dịch từ Vũ Hán, Hồng y Bo nhắc nhở, Trung Quốc phải chịu trách nhiệm chính vì đã gian dối trong việc công bố số liệu nhiễm bệnh và tử vong khiến nhiều chính phủ chủ quan, lại còn tuyên truyền để đổ tội cho các nước khác đã gây ra đại dịch. Theo ông, "dối trá và tuyên truyền đã khiến sinh mạng của hàng triệu con người ở khắp nơi trên thế giới bị rơi vào vòng nguy hiểm".

Nêu ra tình trạng nhân quyền tồi tệ với các vụ đàn áp tự do ngôn luận, tự do tôn giáo ngày càng dữ dội trong những năm gần đây tại Trung Quốc, vị Hồng y người Miến Điện nhắc lại lời của Thánh Phaolô tông đồ về "sự thật và tự do", nhấn mạnh đây là hai cột trụ để tất cả các quốc gia xây dựng được nền tảng vững chắc.

Thụy My

********************

Ấn Độ - Virus corona : Dịch bùng phát từ một cuộc tập họp tôn giáo (RFI, 03/04/2020)

Mặc dù đã ra lệnh phong tỏa cả nước, trong 24 giờ qua số người nhiễm virus corona tại Ấn Độ tăng hơn 10%, nâng tổng số ca nhiễm chính thức xác nhận là hơn 2500. Số tử vong được ghi nhận là 56 người, theo số liệu của chính quyền Ấn Độ tính đến hết ngày hôm qua, 02/04/2020.

asie9

Giới chức y tế Ấn Độ lo ngại dịch bùng nổ trong những ngày tới. Ảnh minh họa chụp ngày 02/04/2020 Reuters/Danish Siddiqui/

Cơ quan y tế Ấn Độ xác định ổ dịch đầu tiên có liên quan đến một cuộc tập hợp tôn giáo lớn giữa tháng Ba tại New Delhi. Những người lây nhiễm trong cuộc tụ tập này sau đó phát tán về các vùng trong cả nước.

Thông tín viên RFI tại New Delhi, Sébastien Farcis tường trình :

Từ giữa tháng Ba, hơn 3000 người Hồi Giáo tại New Delhi đã tham gia vào cuộc tập họp của Tabligh Jamaat, một tổ chức truyền giáo của đạo Hồi.

Vài ngày sau đó chính quyền ra lệnh cấm mọi cuộc tập hợp, nhưng các lãnh đạo của tôn giáo này vẫn bất chấp chỉ thị để tiếp tục chương trình và nói rằng thánh Allah che chở họ. Dù vậy, một số tín đồ của họ đã mang virus.

Khi chính quyền biết đến thì đã quá muộn. Nhiều người đã trở về tỉnh nhà ở khắp nơi trên Ấn Độ, chính vì thế đã gây ra cuộc khủng hoảng y tế lớn. Giờ đây, hơn 10% các ca nhiễm virus và 1/3 số ca tử vong tại Ấn Độ là những người đã tham dự vào hoạt động nói trên hoặc người thân của họ.

Hơn một nghìn người khác đã được tìm thấy và bị cách ly. Hiện vẫn còn hàng trăm người đang được tìm kiếm. Cảnh sát Ấn Độ vừa yêu cầu khởi tố lãnh đạo của tổ chức tôn giáo trên vì tội cản trở cuộc chiến chống virus corona.

Anh Vũ

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFI tiếng Việt
Read 522 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)