Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

14/05/2020

Trung Quốc ngày càng ngang ngược để lộ tham vọng bành trướng

Tổng hợp

Việt Nam phản đối Trung Quốc đưa máy bay do thám đến đá Chữ Thập, phản đối Lào xúc tiến xây thêm đập trên Sông Mê kong (RFA, 14/05/2020)

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê thị Thu Hằng vào ngày 14 tháng 5 lên tiếng phản đối Trung Quốc về việc các máy bay của Hoa lục xuất hiện tại Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa mà Việt Nam đòi chủ quyền.

ngangnguoc1

Không ảnh Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa - AMTI. Hình minh họa.

Phản đối vừa nêu được đưa ra tại cuộc họp báo thường kỳ ở Hà Nội khi báo giới nêu câu hỏi về việc hãng ảnh vệ tinh ImageSat International (ISI) của Israel vào ngày 13 tháng 5 cho công bố những ảnh chụp ngày 9 tháng 5 cho thấy máy bay cảnh báo sớm KJ-500, KQ-200 và máy bay trực thăng Z-8 của Trung Quốc xuất hiện tại Đá Chữ Thập.

Theo ISI những máy bay vừa nêu được đưa ra khỏi kho chứa và đậu ở bên ngoài. Điều này cho thấy Đá Chữ Thập là nơi Trung Quốc dùng làm căn cứ cho hoạt động do thám máy bay trong khu vực.

Cũng tại cuộc họp báo thường kỳ vào chiều ngày 14 tháng 5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng phản đối Lào về kế hoạch xây dựng thêm đập thủy điện thứ 6 trên dòng chính Sông Mê kong. Đó là đập Sanakham.

Tin vừa đưa ra trong tuần này cho biết chính phủ Lào đã lên kế hoạch xây dựng đập thủy điện Sanakham trên dòng chính Mê kong và dự kiến khởi công vào cuối năm nay.

Reuters dẫn nguồn từ Ủy Hội Sông Mê Kong cho biết kinh phí xây dựng nhà máy thủy điện Sanakham khoảng hơn 2 tỷ đô la. Công ty xây dựng đập thủy điện này có tên Datang Sanakham là một công ty con của Công ty Sản xuất điện Quốc tế Datang, Trung Quốc.

Công suất dự kiến của nhà máy thủy điện Sanakham được nói khoảng 684 MW và theo kế hoạch có thể bắt đầu vận hành từ năm 2028. Nhà máy này nằm giữa tỉnh Xayaburi và Vientaine của Lào, cách biên giới Thái Lan chừng 2 kilomet về phía thượng lưu ở tỉnh Loei.

*******************

Báo mạng Trung Quốc đòi cả chủ quyền Kyrgyzstan và Kazakhstan (RFI, 14/05/2020)

Trang web của đài WION (Ấn Độ) cho biết, sau khi yêu sách chủ quyền phần lớn Biển Đông) và đỉnh núi cao nhất thế giới Everest, nay hai tờ báo mạng Trung Quốc còn cho rằng các quốc gia Trung Á như Kyrgyzstan và Kazakhstan từng thuộc về Trung Quốc, và Kazakhstan "mong muốn" quay về với đất mẹ Trung Hoa.

ngangnguoc2

Bản đồ các quốc gia Hồi giáo Trung Á và Trung Quốc

Trang tuotiao.com có trụ sở tại Bắc Kinh gần đây đăng bài "Tại sao Kyrgyzstan không quay về với Trung Quốc sau khi giành được độc lập ?". Tờ báo nói rằng dưới thời Thành Cát Tư Hãn, Kyrgyzstan với diện tích 510.000 kilomet vuông hoàn toàn thuộc lãnh thổ Trung Quốc, nhưng sau đó lại lọt vào tay đế quốc Nga.

Trang web này có 750 triệu độc giả, và là nền tảng di động phổ biến nhất Trung Quốc.

Trong khi đó trang sohu.com, thuộc một công ty internet có trụ sở tại Bắc Kinh cũng đăng một bài báo mang tựa đề "Kazakhstan nằm trên một vùng đất thuộc về Trung Quốc về mặt lịch sử". Bài này đã làm đại sứ Trung Quốc tại Kazakhstan là Trương Tiêu (Zhang Xiao) lập tức bị triệu tập ngày 14/04/2020.

Các quốc gia Trung Á nhận được rất nhiều đầu tư từ Trung Quốc, nhưng điều này cũng làm các nước này "dễ tổn thương về tài chính" trước Bắc Kinh. Kyrgyzstan đã vay 1,7 tỉ đô la từ ngân hàng Eximbank của Trung Quốc, được cho là chiếm 43% tổng nợ công quốc gia. Còn đối với Kazakhstan, Trung Quốc đóng một vai trò quá lớn trong lãnh vực năng lượng.

Sự kiện này diễn ra trong bối cảnh vào cuối tuần trước, đài truyền hình Trung Quốc CGTN đăng trên Twitter một tấm ảnh núi Everest, viết rằng "đỉnh núi cao nhất thế giới nằm tại khu tự trị Tây Tạng của Trung Quốc". Bị dư luận Nepal phản đối, tweet này sau đó bị xóa, viết lại rằng "đỉnh núi cao nhất thế giới nằm tại biên giới Trung Quốc-Nepal".

"Quyền lịch sử" từng được Bắc Kinh nhấn mạnh nhằm chiếm hữu Biển Đông, nhưng đã bị Tòa án Trọng tài Thường trực La Haye năm 2016 cho là "vô căn cứ".

Trang WION nhắc lại, tháng trước, Trung Quốc loan báo thành lập hai "quận" mới là "Tây Sa" đặt tại đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa – cưỡng chiếm của Việt Nam năm 1974 ; và "Nam Sa" tại Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa – nơi Bắc Kinh ra sức bồi đắp nhiều đảo nhân tạo trong thời gian gần đây. Cả hai trực thuộc cái gọi là "thành phố Tam Sa", để "quản lý" các đảo tranh chấp trên Biển Đông. Hành động này không chỉ gây phẫn nộ cho các nước láng giềng, mà còn khiến Hoa Kỳ và Úc phản ứng mạnh mẽ.

Trước đó, Bắc Kinh còn tự ý đặt tên cho 25 đảo, rạn san hô và 55 thực thể địa lý dưới nước tại Biển Đông, nhằm "tái khẳng định" chủ quyền, khiến các nước láng giềng tức giận. Đặc biệt Việt Nam cực lực phản đối vì trong số đó có những đảo, thực thể nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Hà Nội tuyên bố hành vi này vi phạm chủ quyền của Việt Nam và không có giá trị, Philippines trao kháng thư cho đại sứ quán Trung Quốc tại Manila, còn ngoại trưởng Úc Marise Payne lên án hành động bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông.

Thụy My

****************

Indonesia tố tàu cá Trung Quốc ngược đãi ngư dân lên Liên Hiệp Quốc (RFA, 13/05/2020)

Indonesia hôm 12/5 đã đưa vấn đề Trung Quốc ngược đãi người lao động Indonesia trong ngành đánh bắt cá tại cuộc họp của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc.

ngangnguoc3

Ngư dân Indonesia tại Banda, Aceh hôm 27/2/2020. AFP - Ảnh minh họa

Mạng báo Asian Review loan tin vừa nói hôm 13/5 và cho biết, tại cuộc họp trực tuyến với Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc có chủ đề "Tác động của đại dịch Covid-19 với nhân quyền", phái đoàn Indonesia tại Liên Hợp Quốc đã đưa ra vụ việc các ngư dân Indonesia bị ngược đãi trên tàu cá Trung Quốc dẫn đến tử vong.

Indonesia đã kêu gọi Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc cảnh giác với các hành vi lạm dụng trong ngành thủy sản, sau khi xác của ba ngư dân Indonesia bị chủ tàu cá Trung Quốc ném xuống biển trong thời gian những tháng gần đây.

"Indonesia nhấn mạnh yêu cầu cấp bách của hội đồng để bảo vệ quyền của các nhóm dễ bị tổn thương, cụ thể là quyền của người làm việc trong ngành thủy sản", ông Hasan Kleib, đại sứ Indonesia tại Liên Hiệp Quốc ở Geneva, cho biết.

Trước đó, Ngoại trưởng Indonesia trong cuộc họp báo ngày 10/5 cho biết, có ít nhất 4 ngư dân của Indonesia trong số 46 ngư dân bị ngược đãi trên 4 tàu cá Trung Quốc đã thiệt mạng. Trong đó, thi thể của 3 ngư dân bị ném xuống biển.

Các ngư dân cho biết, họ phải làm việc trong điều kiện sinh hoạt tồi tệ, 18 giờ một ngày, không được trả công hoặc nhận tiền công không như hợp đồng đã ký kết. Indonesia đã thành lập một nhóm điều tra nội bộ và phối hợp với cảnh sát để bảo vệ quyền lợi các ngư dân Indonesia. Đồng thời, yêu cầu Trung Quốc phối hợp điều tra vụ việc.

Tại buổi họp báo ngày 11/5, Phát Ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Triệu Lập Kiên cho biết, Trung Quốc sẽ nghiêm túc xem xét vụ việc theo báo cáo của phía Indonesia. Tuy nhiên, Trung Quốc cho rằng, các cáo buộc do truyền thông đưa ra không dựa trên sự thật và phía Trung Quốc sẽ xử lý vấn đề dựa trên sự thật và luật pháp.

"Chôn cất thi thể các ngư dân trên biển, để bảo vệ sức khoẻ cho các thuyền viên khác là phù hợp với thông lệ hàng hải quốc tế và quy định của Tổ chức Lao động quốc tế", Phát Ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nhấn mạnh tại buổi họp báo.

*******************

Vấn đề nhân quyền trong mùa đại dịch ở Châu Á-Thái Bình Dương ! (RFA, 14/05/2020)

Buổi họp báo trực tuyến được điều hành bởi bà Loretta Hieber Girardet, Chánh Văn phòng Khu vực Châu Á-Thái Bình Dương (UNDRR) tại Bangkok, Thái Lan. Bà này cho biết, chuỗi hội thảo của UNDRR đã được bắt đầu 7 tuần trước và nhấn mạnh tính quan trọng của nhân quyền và tác động của Covid-19 :

ngangnguoc4

Tấm biển cảnh báo dịch bệnh Covid-19 ở Hà Nội hôm 29/4/2020 - Ảnh minh họa - AFP

"Nhân quyền là một chủ đề quan trọng được nhắc đến trong suốt các buổi hội thảo này. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên, chúng tôi biết rằng nhân quyền là một vấn đề quan trọng trong mọi thảm họa và đại dịch Covid-19 cũng không ngoại lệ. Tác động sâu rộng của cuộc khủng hoảng Covid-19 đã làm trầm trọng thêm các vấn đề nhân quyền ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương".

Buổi hội thảo trực tuyến này xoay quanh 4 vấn đề quan trọng về nhân quyền vốn đã được quốc tế quan tâm từ rất lâu trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương và đã được đưa lên hàng đầu trong các cuộc tham vấn trong mùa dịch Covid-19. Bà Loretta liệt kê 4 vấn đề gồm các biện pháp khẩn cấp và tác động đại dịch đến quyền tự do ngôn luận ; thách thức trước sự phân biệt chủng tộc gia tăng ; nhân quyền cho người di cư ; những người bị tước đoạt quyền tự do.

Bà Loretta cho rằng nhiều quốc gia đã lợi dụng đại dịch này để hạn chế quyền của người dân và tống giam những người lên tiếng nói :

"Một số quốc gia có thể đang sử dụng đại dịch như một cái cớ để nhắm vào các nhà phê bình và để hạn chế các quyền dân sự và chính trị, bao gồm cả quyền tự do ngôn luận".

ngangnguoc5

Bà Loretta Hieber Girardet, Chánh Văn phòng Khu vực Châu Á-Thái Bình Dương UNDRR, điều hành buổi hội thảo trực tuyến. Chụp màn hình từ Zoom

Ông Ricky Gunawan, một luật sư về nhân quyền từ Indonesia và là cựu Giám đốc Viện Trợ giúp Pháp lý Cộng đồng (LBHM), nhận định rằng đại dịch Covid-19 đã phơi bày sự mất bình đẳng trong hệ thống pháp lý hình sự. Ông Ricky cho rằng cơ cấu nhà tù của các quốc gia trong khu vực cần được xem xét và cải cách lại, vì ngoài việc tước quyền tự do công dân, các trại giam hiện là điểm nóng cho sự lây nhiễm của coronavirus :

"Trong bối cảnh ‘bình thường mới’, chúng ta nên tập trung vào cải cách hệ thống nhà tù. Coronavirus đã cho chúng ta một bài học để giảm bớt tình trạng quá đông tù nhân và thúc đẩy các biện pháp thay thế cho việc tống giam. Làm thế nào chúng ta có thể áp dụng giãn cách trong các trại giam quá đông ? Các tội nhẹ và không bạo lực không nên bị bỏ tù. Ngoài ra, vào những thời điểm như hiện nay, chính phủ nên trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện đối với tù nhân cao tuổi, phụ nữ mang thai và các tù nhân chính trị".

Theo ông Ricky Gunawan, các chính quyền cần tăng cường hệ thống y tế gồm nâng cao điều kiện vệ sinh trong nhà tù, vì hiện nay có nhiều báo cáo về tình trạng không đủ nước sạch trong các trại giam, gây ra nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cao cho các tù nhân và quản tù.

Về vấn đề mạng xã hội, bà Loretta Girardet cho rằng đây là phương tiện rất phổ biến để truyền tải thông tin trong mùa đại dịch và có hai mặt—vừa là công cụ lan truyền thông tin thất thiệt và cũng để đính chính, truyền tải những thông tin chính thống, hữu dụng.

Trước vấn đề này, bà Ambika Satkunanathan, một nghiên cứu sinh của tổ chức có tên Open Society và là cựu Ủy viên Ủy ban Nhân quyền Sri Lanka cho rằng rất khó để có thể ra quy định hợp lý đối với mạng truyền thông xã hội, vì có nhiều quốc gia trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương có nhiều phản ứng và ra quy định kiểm soát thái quá đối với mạng truyền thông xã hội. Dù vậy, bà Ambika cho rằng mạng xã hội vẫn là công cụ phổ biến cho các mặt tích cực của xã hội :

"Sử dụng công cụ truyền thông xã hội vẫn là vấn đề đáng quan tâm, nhưng nó cũng có thể là một nguyên nhân tốt. Chúng tôi đã thấy nhiều tiếng nói chính trị được vang lên, thúc đẩy nhanh chóng các cuộc vận động ; nó làm tăng khả năng hiển thị đại chúng và giúp mọi người tạo kết nối với nhau. Đó là những mặt tích cực".

Tuy nhiên, bà Ambika cho rằng các nhà mạng truyền thông xã hội hiện nay đã có xu hướng liên kết với các chính quyền và điều đó sẽ không giúp ích trong tình hình đại dịch Covid-19 vẫn đang xảy ra. Bà kêu gọi các công ty, tập đoàn mạng xã hội nên xem xét các trách nhiệm của mình trong việc quản lý thông tin do người dùng đăng tải. Ngoài ra, họ cần lắng nghe các khuyến nghị của Liên Hiệp Quốc về các vấn đề dân sự và nhân quyền.

Bà Mami Mizutori, Trưởng Văn phòng LHQ về Giảm thiểu Rủi ro Thiên tai, nhận định để giảm thiểu rủi ro và nâng cao quyền con người trong mùa đại dịch không chỉ là trách nhiệm của chính quyền mà còn của các công dân và các tổ chức nhân quyền quốc tế. Bà cho rằng cần có nhiều phản ánh lớn hơn trong truyền thông, xã hội dân sự, LHQ và cả các tập đoàn, công ty tư nhân dành cho vấn đề nhân quyền. Ngoài ra, chính phủ các nước trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương cần xem xét thế nào để trở thành một chính phủ tốt, nhân đạo và lấy người dân làm trung tâm cho các chính sách đề ra.

Bà Pia Oberoi, Cố vấn Cấp cao về Di cư và Nhân quyền thuộc Văn phòng Khu vực Đông Nam Á của Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (OHCHR) nhấn mạnh các hoạt động công tác nhằm ngăn chặn và giảm thiểu rủi ro thiên tai, đại dịch của Liên Hiệp Quốc cũng là một trong những biện pháp để bảo vệ và thúc đẩy quyền con người. Liên Hiệp Quốc đang làm việc cùng các quốc gia trong khu vực với các khuyến nghị cho chính sách quốc gia trong mùa đại dịch :

"Chính sách phải đảm bảo rằng các biện pháp khắc phục thảm họa được bao gồm, lấy người dân làm trung tâm và phù hợp với khuôn khổ của chúng tôi với việc thúc đẩy và bảo vệ mọi quyền con người. Một chủ đề chính trong khuôn khổ chính sách là trách nhiệm. Nó nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giảm thiểu rủi ro thiên tai được tích hợp vào chính sách công, để các quyền cơ bản của con người được bảo vệ khi công việc quản lý rủi ro vẫn còn tiếp diễn".

Ngoài ra, bà Pia Oberoi nhận định rằng các tổ chức hoạt động nhân quyền cần xem những người có nguy cơ đều có quyền bình đẳng và không phải là những người được hưởng lợi từ các hành động nhân đạo. Bà cho rằng các quốc gia cần lên kế hoạch phục hồi tốt hơn sau khi đại dịch đi qua với một cuộc sống ‘bình thường mới’ bình đẳng hơn.

Nguồn : RFA, 14/05/2020

Quay lại trang chủ
Read 672 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)