Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

22/06/2020

Điểm báo Pháp - Xung đột ở Châu Á-Thái Bình Dương

RFI tiếng Việt

Trung Quốc, nguồn gốc tất cả mọi xung đột ở Châu Á-Thái Bình Dương

Tất cả các điểm nóng hiện nay tại Châu Á-Thái Bình Dương đều có liên quan đến Trung Quốc. "Bộ tứ Quad +3" sẽ tham gia vào "chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương", một khái niệm làm Bắc Kinh đau đầu. Các chuyên gia của đại học Thanh Hoa nhìn nhận, sự thống trị của Hoa Kỳ có lẽ đã là quá khứ, nhưng thế giới vẫn chưa thể thuộc về Trung Quốc.

source

Người biểu tình ở New Delhi ngày 22/06/2020 đốt ảnh ông Tập Cận Bình và hàng Trung Quốc, kêu gọi dùng hàng Ấn Độ. © Reuters/Adnan Abidi

Liên quan đến Châu Á, trong bài "Chiến lược của Bắc Kinh trong căng thẳng tại Châu Á-Thái Bình Dương", thông tín viên Simon Leplâtre của Le Monde nhận định, trong lúc các vụ đụng độ liên tục xảy ra trong khu vực, các nước láng giềng của Trung Quốc cố gắng giảm bị lệ thuộc.

Trung Quốc : Chiếc mặt nạ đã rơi !

Viện trưởng Viện Quan hệ Quốc tế thuộc trường đại học Thanh Hoa, ông Diêm Học Thông (Yan Xuetong) khi chủ trì "World Peace Forum" ở Bắc Kinh hôm 16/06/2020 đã tuyên bố : "Sẽ không còn lãnh đạo toàn cầu trong những thập niên tới, vai trò của các tổ chức quốc tế giảm sút, trật tự thế giới sẽ là một trật tự xấu". Nhận định này cách xa cả ngàn dặm so với "cộng đồng nhân loại cùng chung vận mệnh" của Tập Cận Bình, trong khi ông Diêm là một trong những nhà tư tưởng chính của ngành ngoại giao Trung Quốc.

Vô số điểm nóng hiện nay : xung đột đẫm máu Ấn-Trung trên rặng Himalaya (Hy Mã Lạp Sơn), Bắc Triều Tiên cho nổ văn phòng liên lạc với Hàn Quốc, Bắc Kinh áp đặt luật an ninh quốc gia lên Hồng Kông bất chấp sự phản đối của G7, nhiều vụ tập trận bất thường xung quanh Đài Loan…

Đặc biệt các vụ đụng độ liên tục xảy ra tại Biển Đông giữa Trung Quốc và các láng giềng, chủ yếu là Việt Nam. Và từ tháng Năm, Bắc Kinh tăng áp lực kinh tế lên Úc để trừng phạt việc Úc đòi hỏi mở điều tra quốc tế về dịch virus corona. Cựu thủ tướng Úc Kevin Rudd nhận định, lần đầu tiên từ 50 năm qua, hòa bình giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ là vấn đề cốt yếu trong khu vực. Trong đó Đài Loan là hồ sơ nhạy cảm nhất : hải quân Mỹ và Trung Quốc thường xuyên đi qua eo biển, và hồi tháng Tư, có lần chiến hạm đôi bên chỉ cách nhau chưa đầy 100 mét.

Bắc Kinh liên can đến tất cả các xung đột nói trên. Tạp chí Foreign Policy ghi nhận hôm 18/06 : "Những chiếc găng, hoặc mặt nạ đã rơi xuống. Ngoại giao khẩu trang của Trung Quốc trong đại dịch corona đã nhường chỗ cho việc đấu đá với số lượng láng giềng ngày càng nhiều".

Bộ tứ Quad + 3 trong chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương

Đối với cựu thứ trưởng ngoại giao Hà Á Phi (He Yafei), Trung Quốc chỉ có một địch thủ quan trọng là Hoa Kỳ, còn các nước khác không đáng kể. Ông nói : "Trong số các nguy cơ, có xung đột quân sự giữa hai cường quốc chính là Trung Quốc và Hoa Kỳ, hoặc các xung đột nhỏ hơn như giữa Trung Quốc và Ấn Độ, Trung Quốc và Nhật Bản, hay giữa hai nước Triều Tiên". Hà Á Phi cho rằng giải pháp duy nhất là "kinh tế, kinh tế, kinh tế".

Trong khi Washington muốn đưa sản xuất trở về nước, Bắc Kinh - được cho là nạn nhân của chính sách này - kêu gọi các nước Châu Á phát triển các chuỗi cung ứng trong khu vực. Vấn đề các nước láng giềng lại nghĩ ngược lại, muốn giảm lệ thuộc vào Trung Quốc. Hơn nữa, họ còn dần dà xây dựng những liên minh để có tiếng nói có trọng lượng hơn trong tương lai.

Cuối 2017, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Ấn Độ và Úc quyết định tái thúc đẩy diễn đàn bộ tứ "Quad", được lập ra cách đó 10 năm theo sáng kiến của Tokyo. Cho dù Quad không phải là một liên minh chính thức, bốn nước này sẽ tập trận hải quân chung. Hơn nữa, kể từ cuối tháng Ba, Quad đã mời ba nước Việt Nam, Hàn Quốc và New Zealand tham dự các hội nghị hàng tuần từ xa.

Về mặt công khai thì chỉ liên hệ đến việc xử lý Covid-19, tuy nhiên theo báo chí Ấn Độ, còn nhằm "duy trì các nước này trong vòng ảnh hưởng". Dù tương lai có như thế nào đi nữa, "Quad +3" cũng sẽ tham gia vào "chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương", một khái niệm làm Bắc Kinh đau đầu. Các chuyên gia của đại học Thanh Hoa nhìn nhận, sự thống trị của Hoa Kỳ có lẽ đã thuộc về quá khứ, nhưng thế giới vẫn chưa chịu trở thành một thế giới của Trung Quốc.

EU kết thúc thời kỳ ngây thơ trước Bắc Kinh

Về quan hệ với Liên Hiệp Châu Âu (EU), nhân dịp đối thoại với ông Tập Cận Bình hôm nay, Le Monde phân tích "Châu Âu đối mặt với Trung Quốc, sự chối từ chậm chạp". EU phải sáng suốt trước một nước Mỹ đã đổi khác trong thời Donald Trump và một Trung Quốc ngày càng hung hăng hơn.

Ban đầu thì hội nghị lần này nhằm chuẩn bị cho một thượng đỉnh đặc biệt giữa toàn bộ các nhà lãnh đạo EU với Tập Cận Bình tại Leipzig tháng Chín tới. Nhưng Đức đã tuyên bố hủy từ tháng Sáu với lý do dịch bệnh, và thật ra, Châu Âu muốn thống nhất đường hướng chính trị trước khi đối đầu với Bắc Kinh. Ngày 17/06, Ủy Ban Châu Âu đã công bố sách trắng, nhằm bảo vệ thị trường Châu Âu trước các công ty nước ngoài được nhà nước trợ cấp để cạnh tranh bất chính, chủ yếu nhắm vào Trung Quốc. Đây là một sự thay đổi hẳn quan điểm, thời kỳ ngây thơ đã kết thúc.

Thủ tướng Đức Angela Merkel có nhiều nỗ lực trong quan hệ với Trung Quốc, trong 15 năm cầm quyền bà đã đến thăm chính thức Bắc Kinh 12 lần. Nhưng vụ công ty robot Kuka của Đức bị tập đoàn điện tử tiêu dùng Midea của Trung Quốc thâu tóm năm 2016 khiến Berlin nhận ra tầm quan trọng của việc Bắc Kinh thâu tóm kỹ nghệ tiên tiến Châu Âu.

Mối nguy sau hai thập niên vô tư chuyển giao công nghệ cho Trung Quốc

Điều đáng lo là sau hai thập niên chuyển giao công nghệ ồ ạt cho Trung Quốc, nay Châu Âu trở nên lệ thuộc vào Bắc Kinh về 5G, dược phẩm... Đặc biệt ngành điện tử đã vô tư trao cho Trung Quốc mọi bí quyết. Một cựu viên chức Châu Âu cho biết, mới cách đây ba năm, người ta vẫn còn nghĩ rằng chuyển giao công nghệ là vô hại vì cho là EU đi trước Trung Quốc một thế hệ, khó thể bắt kịp.

Trung Quốc còn tìm cách chia rẽ Châu Âu với công thức 17+1. Theo chuyên gia Justyna Szczudlik, Viện Quan hệ Quốc tế của Ba Lan, các đề nghị của Bắc Kinh thiếu hấp dẫn đối với các nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu vì lãi vay quá cao, nhưng như vậy Trung Quốc cũng đã gây được ảnh hưởng với các nước nhỏ.

Le Monde cho rằng đôi khi vẫn còn một chút ngây thơ, như cao ủy phụ trách đối ngoại EU Josep Borrell hôm 09/06 tuyên bố Trung Quốc không có tham vọng quân sự. Vụ xung đột biên giới đẫm máu với Ấn Độ hôm 16/06 cho thấy : công cụ biểu dương sức mạnh của Bắc Kinh không chỉ đơn thuần dựa vào xuất khẩu và nguồn ngoại hối.

Nghi vấn tin tặc Trung Quốc tấn công ố ạt vào Úc

Cũng liên quan đến Bắc Kinh, Les Echos cho biết "Là nạn nhân một vụ tấn công tin học quy mô, Úc nghi ngờ Trung Quốc".

Tuy thủ tướng Scott Morrison không nêu đích danh, nhưng các chuyên gia nhận ra ngay dấu ấn của Bắc Kinh, "quốc gia duy nhất có thể tấn công hàng loạt và tinh tế như thế". Vụ tấn công mới này đụng đến "các cơ quan của Úc trên tất cả mọi lãnh vực, tất cả cấp độ của chính phủ, của nền kinh tế, tổ chức chính trị, cơ quan y tế và các nhà cung cấp hạ tầng chiến lược". Bộ trưởng quốc phòng Linda Reynolds thì trấn an rằng các dữ liệu cá nhân không bị ảnh hưởng, nhưng kêu gọi các cơ quan phải tăng cường bảo vệ trước tin tặc.

Bắc Triều Tiên gây sự, Hàn Quốc đành phải cứng rắn hơn

Cũng tại Châu Á, Le Monde nhận định "Giấc mơ hòa bình của tổng thống Hàn Quốc bị hủy hoại vì thái độ của Bình Nhưỡng".

Năm 2018, ba hội nghị thượng đỉnh liên Triều chừng như đã mở ra kỷ nguyên hợp tác, và tổng thống Moon Jae-in còn đóng góp vào việc mở ra đối thoại trực tiếp giữa Bình Nhưỡng và Washington. Nhưng sau thất bại của thượng đỉnh Trump-Kim tại Hà Nội tháng 2/2019, Bắc Triều Tiên đã thay đổi thái độ, mà theo một cố vấn của ông Moon, thì Kim Jong-un cảm thấy bị mất mặt.

Những hành động khiêu khích mới từ phía Bình Nhưỡng khiến tổng thống Hàn Quốc phải cứng rắn hơn, trong đó không loại trừ việc tổ chức lại bộ máy. Việc bộ trưởng bộ Thống nhất Hàn Quốc Kim Yeon-chul từ chức cho thấy ôn hòa không đi đến đâu, cần có những nhân vật "thực tiễn và có tham vọng chiến lược hơn" - theo chuyên gia Cheong Seong-chang - nhằm đưa Bắc Triều Tiên quay lại bàn đàm phán.

Giới trẻ chống Trump phá hoại cuộc mít-tinh ở Tulsa

Le Mondequan tâm đến việc cánh hữu chật vật đối phó với cực hữu trong cuộc bầu cử địa phương sắp tới, trong khi Libération chạy tựa trang nhất "Bầu cử địa phương : Hy vọng xanh của cánh tả". Về mặt văn hóa, La Croix chơi chữ "Ánh sáng cho các phòng tối", tức phòng chiếu phim : Sau 100 ngày đóng cửa, các rạp xi-nê hy vọng tìm lại được khán giả, còn Les Echos chú ý đến "Khí hậu : Không thể nào có được sự đồng thuận".

Riêng Le Figaro nhìn sang Hoa Kỳ, khi "Ông Trump lại bước vào chiến dịch tranh cử trong một nước Mỹ bị xâu xé". Ở trang trong, các báo đều chú ý đến tổng thống Donald Trump và cuộc vận động bầu cử.

Libérationcoi "Cuộc mít-tinh ở Tulsa là một khởi động sai lầm của ông Trump". Les Echos nhận xét "Tulsa : Donald Trump chật vật tìm sức sống mới nơi cử tri của mình". Le Figaro ghi nhận ông Trump lại thượng đài, nhưng cuộc mít-tinh đầu tiên của ông từ khi dịch bệnh khởi phát lại không đông đảo như mong muốn, trong lúc đối thủ Joe Biden tỏ ra cứng rắn hơn, với bối cảnh khủng hoảng kỳ thị chủng tộc và kinh tế.

Tuy vậy trên trang web, các báo cũng ghi nhận cuộc mít-tinh ở Tulsa bị hàng ngàn người trẻ chống Trump phá hoại bằng cách đăng ký giữ mấy chục ngàn chỗ ngồi rồi bỏ không đến. Suốt cả tuần lễ, trên mạng TikTok xuất hiện rất nhiều lời kêu gọi như thế, có video thu hút cả triệu lượt xem. Chiến dịch này cũng được tung ra trên mạng Snapchat và Instagram.

Virus corona sẽ chết vào mùa hè ?

Bước sang lãnh vực khoa học, liệu virus corona chủng mới cũng nhạy cảm với sự thay đổi thời tiết như các virus cúm khác ? Có rất nhiều nghiên cứu thậm chí cho ra kết quả trái ngược nhau về vấn đề này, vì rất khó tách rời yếu tố khí hậu khỏi hàng loạt dữ liệu khác.

Một số người cho rằng virus hoành hành trong mùa đông không hẳn vì trời lạnh mà do thói quen tập trung ở những nơi kín đáo, ít thoáng khí. Các thử nghiệm trong ống nghiệm cho thấy virus không còn hoạt động được ở 56°C trong 30 phút, tuy nhiên đây không phải là nhiệt độ bình thường ngoài trời. Một nghiên cứu của Trung Quốc nhận thấy hễ nhiệt độ tăng lên 1°C thì số ca nhiễm mới giảm 3,2% và tử vong giảm 1,2%, và Pháp cũng công nhận điều này. Tuy nhiên theo ông Laurent Lagrost, giám đốc nghiên cứu của INSERM, thì người ta đã nhấn mạnh yếu tố nhiệt độ mà bỏ quên một tiêu chí quan trọng khác là các tia cực tím (UV).

Mặt Trời gởi đến Trái Đất ba loại tia cực tím là UVA, UVB và UVC. UVC mạnh nhất, bị tầng ozone chận lại, UVA quá yếu không có tác dụng gì với vi khuẩn, chỉ còn UVB, mà tầng ozone để lọt 5%. Một nghiên cứu của Mỹ chứng tỏ tại vĩ tuyến 40° Bắc, lượng UVB nhận được trong tháng 6 vào giữa trưa cao gấp sáu lần so với tháng 12, đủ để virus không thể sinh sôi nảy nở. Tuy nhiên đó là virus trong môi trường, chứ không phải đối với những con virus đã xâm nhập vào cơ thể.

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFI tiếng Việt
Read 496 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)