Mỹ tăng cường chỉ trích Trung Quốc về các cuộc tập trận ở Biển Đông (VOA, 05/07/2020)
Mỹ tăng cường chỉ trích Trung Quốc về các cuộc tập trận quân sự mà nước này đang tiến hành ở Biển Đông trong khi hai hàng không mẫu hạm của hải quân Mỹ đã được điều đến vùng biển này để diễn tập trong ngày thứ Bảy.
Vũ khí trên tàu Hành Dương của Trung Quốc khai hỏa trong huấn luyện bắn đạn thật ngày 18.6 trên Biển Đông / PLA
Trung Quốc tuần trước thông báo họ đã hoạch định năm ngày diễn tập bắt đầu từ ngày 1/7 gần quần đảo Hoàng Sa mà cả Việt Nam và Trung Quốc đều tuyên bố chủ quyền. Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 2/7 nói cuộc tập trận này vi phạm chủ quyền của Việt Nam và cho biết Hà Nội đã trao công hàm phản đối.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đăng lại một phát biểu của phát ngôn viên Lê Thị Thu Hằng trên Twitter vào ngày 3/7 với bình luận : "Ở Biển Nam Trung Hoa [Biển Đông] và những nơi khác, tất cả các quốc gia phải ủng hộ một trật tự dựa trên các quy tắc tự do và cởi mở mà theo đó duy trì các quyền chủ quyền của tất cả các quốc gia bất kể kích cỡ, quyền lực và năng lực quân sự".
Trong dòng tweet của mình phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus đưa ra chỉ trích trực tiếp nhắm vào Trung Quốc, nói rằng các cuộc tập trận của nước này ở vùng biển tranh chấp ở Biển Đông "vi phạm cam kết của họ theo Tuyên bố chung về Cách ứng xử của các bên ở Biển Nam Trung Hoa".
"Hoa Kỳ đứng cùng những người bạn của chúng tôi ở Đông Nam Á và chống lại những tuyên bố chủ quyền phi pháp của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa", bà nói.
Trước đó Bộ Quốc phòng Mỹ ra thông cáo bày tỏ quan ngại về các cuộc tập trận của Trung Quốc và nói rằng nó "phản tác dụng đối với những nỗ lực giảm căng thẳng và duy trì sự ổn định". Bộ cũng lưu ý rằng những hành động của Trung Quốc trái ngược với tuyên bố của nước này không quân sự hóa Biển Đông và với viễn kiến của Mỹ về một vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở.
Trong khi đó hai hàng không mẫu hạm USS Nimitz và USS Ronald Reagan của hải quân Mỹ đang tiến hành diễn tập ở vùng Biển Đông tranh chấp ngày thứ Bảy trong một diễn biến được nói không phải phản ứng trước các cuộc diễn tập đang được Trung Quốc tiến hành.
"Mục đích là để tỏ rõ tín hiệu cho các đối tác và đồng minh của chúng tôi rằng chúng tôi cam kết duy trì an ninh và ổn định khu vực", Chuẩn Đô đốc George M. Wikoff được báo the Wall Street Journal dẫn lời nói.
Trung Quốc bác bỏ những chỉ trích của Mỹ về cuộc tập trận của họ vào ngày thứ Sáu và quy trách Mỹ về căng thẳng gia tăng.
Những chỉ trích của Mỹ nhắm vào Trung Quốc gia tăng trong bối cảnh quan hệ giữa hai nước căng thẳng về mọi mặt từ virus corona chủng mới đến thương mại cho tới Hong Kong.
******************
Mỹ điều 2 tàu sân bay đến Biển Đông trong khi Trung Quốc tập trận (VOA, 04/07/2020)
Hai hàng không mẫu hạm của Mỹ đang tiến hành diễn tập ở vùng Biển Đông tranh chấp ngày thứ Bảy, hải quân Mỹ cho biết, trong khi Trung Quốc cũng thực hiện các cuộc tập trận quân sự mà đã bị Lầu Năm Góc và các nước láng giềng chỉ trích.
Hàng không mẫu hạm lớp Nimitz Ronald Reagan thực hiện các hoạt động ở Biển Philippines, ngày 30/5/2020.
Trung Quốc và Mỹ đã cáo buộc lẫn nhau gây căng thẳng trên tuyến đường thủy chiến lược vào lúc mà quan hệ giữa hai nước căng thẳng về mọi mặt từ virus corona chủng mới đến thương mại cho tới Hong Kong.
Tàu USS Nimitz và USS Ronald Reagan đang thực hiện các hoạt động và diễn tập ở Biển Đông "để hỗ trợ một khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở", hải quân nói trong một phát biểu, nhưng không nêu chính xác các cuộc diễn tập được tiến hành ở đâu.
"Mục đích là để tỏ rõ tín hiệu cho các đối tác và đồng minh của chúng tôi rằng chúng tôi cam kết duy trì an ninh và ổn định khu vực", Chuẩn Đô đốc George M. Wikoff được báo the Wall Street Journal dẫn lời nói.
Ông Wikoff, chỉ huy nhóm tàu tấn công do tàu Ronald Reagan dẫn đầu, cho biết các cuộc diễn tập không phải là phản ứng trước các cuộc diễn tập đang được Trung Quốc tiến hành, mà Lầu Năm Góc trong tuần này chỉ trích là "phản tác dụng đối với những nỗ lực giảm căng thẳng và duy trì sự ổn định".
Trung Quốc bác bỏ những chỉ trích của Mỹ về cuộc tập trận của họ vào ngày thứ Sáu và quy trách Mỹ về căng thẳng gia tăng.
Các tàu sân bay của Mỹ từ lâu đã thực hiện các cuộc diễn tập ở Tây Thái Bình Dương, bao gồm cả ở Biển Đông, theo hải quân Mỹ. Gần đây có lúc Mỹ điều ba tàu sân bay tới khu vực này.
Trung Quốc tuần trước thông báo họ đã hoạch định năm ngày diễn tập bắt đầu từ ngày 1/7 gần quần đảo Hoàng Sa mà cả Việt Nam và Trung Quốc đều tuyên bố chủ quyền.
Việt Nam và Philippines cũng chỉ trích các cuộc tập trận được lên kế hoạch của Trung Quốc, cảnh báo nó có thể tạo nên căng thẳng trong khu vực và ảnh hưởng đến quan hệ của Bắc Kinh với các nước láng giềng.
Mỹ cáo buộc Trung Quốc tìm cách hăm dọa các nước láng giềng Châu Á, những nước có thể muốn khai thác trữ lượng dầu khí to lớn ở Biển Đông. Brunei, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Việt Nam cũng có tuyên bố chủ quyền đối với một số khu vực của Biển Đông, nơi mà khoảng 3 ngàn tỉ đôla khối lượng thương mại được vận chuyển qua mỗi năm.
Phát biểu của Mỹ cho biết các cuộc diễn tập hải quân cho các chỉ huy sự linh hoạt và những năng lực "mà chỉ có Hải quân Hoa Kỳ mới có thể có được".
*******************
Hai tàu sân bay Mỹ vào Biển Đông đúng lúc Trung Quốc tập trận ở Hoàng Sa (RFI, 04/07/2020)
Trong lúc Bắc Kinh tiếp tục duy trì cuộc tập trận xung quanh quần đảo Hoàng Sa, bất chấp phản đối của các nước láng giềng, hôm nay, 04/07/2020, Hoa Kỳ đưa hai đội tàu sân bay vào Biển Đông diễn tập. Chỉ huy Mỹ khẳng định cuộc tập trận này nhằm gửi đi "một thông điệp rõ ràng" là quân đội Hoa Kỳ luôn có mặt để bảo vệ "ổn định và an ninh" của khu vực.
Tàu sân bay Mỹ USS Ronald Reagan, trong một lần hoạt động tại Biển Đông ngày 06/10/2019. Ảnh do Hải Quân Mỹ US Navy cung cấp. AFP - Erwin Ja cob V. Miciano
Chuẩn đô đốc George M. Wikoff, chỉ huy một đội tàu tác chiến đi cùng tàu sân bay, trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo Mỹ Wall Street Journal, nhấn mạnh : "Mục tiêu (của đợt diễn tập này) là gửi đi một tín hiệu rõ ràng đến các đối tác và đồng minh của chúng ta, là Hoa Kỳ cam kết bảo đảm an và ổn định của khu vực". Hải Quân Mỹ cũng ra một thông cáo tái khẳng định hai hàng không mẫu hạm USS Nimitz và USS Ronald Reagan tiến hành các cuộc tuần tra và diễn tập tại Biển Đông nhằm "bảo vệ khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương mở và tự do".
Theo chuẩn đô đốc George M. Wikoff, cuộc tập trận của Hải Quân Mỹ không nhằm đáp trả lại cuộc tập trận của phía Trung Quốc. Tuy nhiên, hai hàng không mẫu hạm Mỹ dường như có mặt tại Biển Đông sớm hơn so với dự kiến. Theo trang tin UPI hôm 29/06, hai tàu sân bay USS Nimitz và USS Ronald Reagan đang có mặt tại vùng biển Philippines, có kế hoạch tập trận tại Biển Đông kể từ ngày mai, Chủ Nhật 05/06. CNN hôm nay cũng cho biết cuộc tập trận có thể sẽ diễn ra trong những ngày tới.
Theo giới quan sát, việc Hoa Kỳ đồng loạt điều hai tầu sân bay với các nhóm tàu tác chiến vào Biển Đông có thể là một dấu hiệu biểu dương sức mạnh rõ ràng, trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Trung tiếp tục căng thẳng trong hàng loạt hồ sơ, đặc biệt là tại Biển Đông, nơi Hoa Kỳ thường xuyên tiến hành "các cuộc tuần tra bảo vệ tự do hàng hải". Trả lời báo chí Mỹ, người phát ngôn của Hạm đội 7 cho biết các hoạt động thao dượt của hai nhóm tàu sân bay tại Biển Philippines và Biển Đông là cơ hội cho việc huấn luyện nâng cao, nhằm "bảo đảm khả năng đối phó linh hoạt với các tình huống tại khu vực".
Trung Quốc tổ chức tập trận từ ngày 01/07 dự kiến kéo dài đến ngày 05/07. Ngày 02/07, Việt Nam và Philippines đồng loạt lên tiếng. Hà Nội trao công hàm phản đối Bắc Kinh xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, Manila tố cáo hành động "khiêu khích cao độ". Bộ Quốc phòng Mỹ lên án Bắc Kinh vi phạm cam kết trong Tuyên bố chung về các ứng xử ở Biển Đông (DOC), "quân sự hoá" khu vực, khiến tình hình thêm bất ổn định. Ngày hôm qua, 03/07, người phát ngôn bộ Ngoại Giao Trung Quốc đã phản bác lại các chỉ trích với giải thích cuộc tập trận hoàn toàn nằm trong "quần đảo Tây Sa" (Tây Sa là tên Trung Quốc gọi quần đảo Hoàng Sa) thuộc chủ quyền của Trung Quốc.
Trọng Thành
******************
Mỹ đưa tàu sân bay và nhiều tàu chiến đến Biển Đông (BBC, 04/07/2020)
Hải quân Mỹ sẽ đưa hai tàu sân bay và một số tàu chiến đến Biển Đông trong những ngày tới để tham gia một cuộc tập trận quân sự, theo CNN.
Một tàu sân bay của Mỹ
"Hạm đội tàu sân bay tấn công chủ lực USS Nimitz và USS Ronald Reagan đang tiến hành đồng thời các hoạt động trên Biển Philippines và Biển Đông", Joe Jeiley, phát ngôn viên của Hạm đội 7 nói.
"Hoạt động của hai nhóm tàu sân bay ở Biển Philippine và Biển Đông mang đến cơ hội huấn luyện nâng cao cho lực lượng hải quân của chúng tôi, và khả năng tác chiến linh hoạt trong triển khai các hoạt động quan trọng khi được điều động phản ứng với các tình huống trong khu vực".
"Sự hiện diện của hai tàu sân bay không nhằm phản ứng lại bất kỳ sự kiện chính trị hay sự kiện nào trên thế giới. Hoạt động này là một trong nhiều cách mà Hải quân Hoa Kỳ thúc đẩy an ninh, ổn định và thịnh vượng trên khắp Ấn Độ-Thái Bình Dương", CNN dẫn lời ông Joe Jeiley.
Cuộc tập trận được lên kế hoạch từ lâu nhưng chỉ diễn ra sau khi Trung Quốc tiến hành các cuộc tập trận quân sự gần quần đảo Hoàng Sa đang tranh chấp.
Các cuộc tập trận tại Hoàng Sa của Trung Quốc đã bị Mỹ, Việt Nam và các nước khác chỉ trích.
Mỹ và Việt Nam phản đối Trung Quốc tập trận trên Biển Đông
"Mỹ đồng tình với các quốc gia bạn bè ở Đông Nam Á rằng : Cuộc tập trận quân sự của Trung Quốc ở vùng biển tranh chấp ở Biển Đông là hành động rất khiêu khích. Chúng tôi phản đối các yêu sách phi pháp của Bắc Kinh". Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo viết trên Twitter hôm thứ Sáu 3/7.
Ông Mike Pompeo cũng đăng lại trên Twitter phát biểu phản đối Trung Quốc của bà Lê Thị Thu Hằng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam.
Ông Pompeo bình luận : "Trên Biển Đông và ở bất cứ nơi đâu, mọi quốc gia cần ủng hộ một trật tự tự do và cởi mở dựa trên luật pháp, truy trì quyền chủ quyền của tất cả các nước bất kể quy mô, quyền lực và khả năng quân sự".
Phát biểu của bà Hằng hôm 2/7 được ông Pompeo đăng lại nói : "Việc Trung Quốc tiến hành tập trận ở khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam với quần đảo Hoàng Sa, đi ngược lại tinh thần tuyên bố DOC (Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông), làm phức tạp tình hình, không có lợi cho quy trình đàm phán COC (bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông) hiện nay giữa ASEAN và Trung Quốc, và việc duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông".
Hôm 2/7, Lầu Năm Góc cho biết trong một tuyên bố rằng "các cuộc tập trận quân sự của Trung Quốc là hành động mới nhất trong một chuỗi các hành động của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (PRC) nhằm khẳng định các yêu sách hàng hải bất hợp pháp và gây bất lợi cho các nước láng giềng Đông Nam Á ở Biển Đông", theo CNN.
Cũng trong ngày 2/7, Bộ Quốc phòng Mỹ ra tuyên bố bày tỏ lo ngại về việc Trung Quốc tập trận ở khu vực quần đảo Hoàng Sa, chỉ trích hành động này sẽ làm gia tăng bất ổn trong khu vực. Trong tuyên bố, Bộ Quốc phòng Mỹ khẳng định quần đảo Hoàng Sa là lãnh thổ tranh chấp.
Hôm 1/7, Mỹ đã cử một tàu chiến được cho là chiếc USS Gabrielle Giffords xuất hiện ngay tại khu vực tàu khảo sát Trung Quốc đang hoạt động dưới sự hộ tống của một tàu hộ vệ tên lửa.
Quần đảo Hoàng Sa được cả Trung Quốc, Việt Nam và Đài Loan tuyên bố chủ quyền.
Hoa Kỳ từ lâu cho biết Bắc Kinh đã quân sự hóa các đảo trên Biển Đông thông qua việc triển khai phần cứng quân sự và xây dựng các cơ sở quân sự.
Hải quân Hoa Kỳ đôi khi thách thức các yêu sách của Bắc Kinh đối với các đảo bằng cách thực hiện cái gọi là "Tự do hoạt động hàng hải", gần đây nhất là việc đưa tàu chiến tới Biển Đông vào tháng Năm.
Giới chức Mỹ cho biết các cuộc tập trận của quân đội Mỹ sẽ không được tiến hành gần với bất kỳ hòn đảo nào đang tranh chấp trong khu vực.
Trong khi Hải quân Hoa Kỳ thường xuyên hoạt động trong khu vực, hoạt động của hai tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân - USS Nimitz và USS Ronald Reagan - đại diện cho một sự phô trương lực lượng quy mô và diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh về nhiều vấn đề, bao gồm vấn đề Hong Kong.
Các phản đối của Mỹ và Việt Nam nhắm vào đợt diễn tập quân sự của Trung Quốc ở khu vực quần đảo Hoàng Sa trên Biển Đông từ 1-5/7/2020.
******************
Hoa Kỳ điều hai tàu sân bay tới tập trận ở Biển Đông (RFA, 04/07/2020)
Hai hàng không mẫu hạm của Mỹ tập trận ở khu vực Biển Đông vào thứ Bảy, ngày 4/7 vào khi Trung Quốc cũng đang có cuộc tập trận ở khu vực quần đảo Hoàng Sa. Hãng tin Reuters trích thông báo từ Hải quân Hoa Kỳ cho biết như vậy hôm 3/7.
Hình của Hải quân Hoa Kỳ hôm 7/10/2019 : Hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan và các tàu chiến khác thuộc nhóm tấn công Ronald Reagan ở Biển Đông - AFP
Thông báo của Hải quân Mỹ cho biết hai hàng không mẫu hạm là USS Nimitz và USS Ronald Reagan sẽ tập trận ở khu vực Biển Đông nhằm mục đích bảo vệ khu vực Ấn Độ Thái Bình Dương mở và tự do.
Phó Đô đốc Hải quân Mỹ George M. Wikoff được Wall Street Journal trích lời cho biết : "Mục đích (của cuộc tập trận) là nhằm cho thấy một tín hiệu rõ ràng với các đối tác và đồng minh của chúng tôi rằng chúng tôi cam kết với sự ổn định và an ninh trong khu vực".
Trong khi đó, Trung Quốc cũng đang có cuộc tập trận từ ngày 1 đến 5/7 ở khu vực quần đảo Hoàng Sa đang tranh chấp với Việt Nam. Các nước Việt Nam, Philippines và Hoa Kỳ đều đã lên tiếng phản đối cuộc tập trận này của Trung Quốc.
Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ cho rằng tiến hành tập trận tại vùng lãnh thổ tranh chấp là đi ngược lại nỗ lực giảm căng thẳng và duy trì ổn định ; gây bất ổn thêm nữa tình hình ở Biển Đông. Hoạt động tập trận như thế cũng vi phạm cam kết của Trung Quốc về Tuyên bố Ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC) là tránh những hoạt động làm phức tạp, hoặc leo thang tranh chấp và ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định.
Bắc Kinh đã lên tiếng phản đối những chỉ trích này của Hoa Kỳ và cho rằng Hoa Kỳ là nước phải chịu trách nhiệm về việc gia tăng căng thẳng trong khu vực.
Các tàu sân bay Mỹ vẫn thường tổ chức những cuộc tập trận ở khu vực Tây Thái Bình Dương, bao gồm khu vực Biển Đông, theo thông báo của Hải Quân Mỹ. Đã có lúc, Mỹ điều cùng lúc 3 tàu sân bay đến khu vực.
********************
Biển Đông : Mỹ chỉ trích Trung Quốc tập trận ở Hoàng Sa (RFI, 03/07/2020)
Ngày 02/07/2020, bộ Quốc phòng Mỹ đã lên tiếng chỉ trích cuộc tập trận của Trung Quốc trong khu vực quần đảo Hoàng Sa, Biển Đông, là hành động làm cho tình hình trong vùng thêm mất ổn định. Trước đó, Việt Nam và Philippines cũng lên tiếng phản đối hành động quân sự của Trung Quốc.
Đảo Phú Lâm, nơi có miếu thần Hoàng Sa thời vua Minh Mạng, nay trở thành thủ phủ "thành phố Tam Sa". Ảnh vệ tinh của AMTI. © AMTI
Hãng tin Pháp AFP dẫn thông cáo của Lầu Năm Góc có viết : "Bộ Quốc phòng lo ngại về việc Trung Quốc quyết định tiến hành các cuộc diễn tập quân sự quanh quần đảo Hoàng Sa". Lầu Năm Góc nhấn mạnh, những hoạt động như vậy là "vi phạm những cam kết của Trung Quốc trong Tuyên bố 2002 về ứng xử của các bên tại Biển Đông" và sẽ càng "làm tình hình thêm mất ổn định".
Tuyên bố của bộ Quốc phòng Mỹ cho biết sẽ "tiếp tục giám sát" các hoạt động quân sự của Trung Quốc trong vùng Biển Đông.
Cục Hải Sự Trung Quốc thông báo từ ngày 01 đến 05/7, Trung Quốc tiến hành các cuộc tập trận xung quanh quần đảo Hoàng Sa.
Việt Nam đã lên tiếng phản đối các cuộc diễn tập quân sự của Trung Quốc. Trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 02/07, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng khẳng định, việc Trung Quốc tiến hành tập trận ở Hoàng Sa là vi phạm chủ quyền của Việt Nam và đi ngược lại các quy tắc ứng xử ở Biển Đông. Việt Nam đã "giao thiệp, trao công hàm phản đối yêu cầu Trung Quốc không lặp lại hành động này trong tương lai", bà Thu Hằng cho biết.
Trong khi đó, nhật báo Hồng Kông South China Morning Post dẫn lời bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana đánh giá cuộc tập trận của Trung Quốc mang tính "khiêu khích cao độ".
Gần đây Trung Quốc đã đưa tàu khảo sát HD4 hoạt động trong nhiều khu vực đang có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.
Hoa Kỳ vẫn tố cáo Trung Quốc quân sự hóa nhằm độc chiếm Biển Đông. Nhân danh bảo vệ "tự do hàng hải" trong các vùng biển quốc tế, hải quân Mỹ vẫn thường xuyên có các cuộc tuần tra tại Biển Đông, nhiều lần áp sát các vùng quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Các hoạt động của Mỹ như vậy khiến Bắc Kinh bực tức.
Quần đảo Hoàng Sa, cách đảo Lý Sơn của Việt Nam 200 hải lý và cách đảo Hải Nam của Trung Quốc 230 hải lý, hiện do Bắc Kinh chiếm giữ hoàn toàn của Việt Nam từ hơn 40 năm nay. Đài Loan cũng đòi chủ quyền một số khu vực trong quần đảo. Gần đây Trung Quốc đã tiến hành nhiều hoạt động quân sự hóa, đặt hệ thống tên lửa trong vùng quần đảo đang có tranh chấp này.
Anh Vũ
**********************
Việt Nam ‘phản đối’ Trung Quốc tập trận ở Hoàng Sa (VOA, 03/07/2020)
Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 2/7 cho biết đã "trao công hàm phản đối" kế hoạch tập trận của Trung Quốc ở quần đảo Hoàng Sa mà Bộ này nói là "của Việt Nam".
"Việt Nam đã giao thiệp, trao công hàm phản đối và yêu cầu Trung Quốc không lặp lại vi phạm tương tự trong tương lai", phát ngôn viên Lê Thị Thu Hằng nói trong cuộc họp báo thường kỳ.
Bốn ngày trước đó, trang web của Bộ Quốc phòng Trung Quốc đăng tải thông tin nói rằng quân đội nước này sẽ tiến hành cuộc diễn tập quân sự ở ngoài khơi quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc gọi là Tây Sa từ ngày 1 đến 5/7.
Thông báo này nêu rõ địa điểm tập trận đồng thời cấm các tàu bè di chuyển trong khu vực tập tập trận.
Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam nói rằng động thái của Trung Quốc "đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, đi ngược lại tinh thần Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), gây phức tạp tình hình, không có lợi cho quá trình đàm phán hiện nay giữa Trung Quốc và ASEAN [Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á] về Bộ Quy tắc ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (COC) và việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông".
Phía Trung Quốc thông báo tập trận ngay sau khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói trong cuộc họp báo kết thúc Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36 rằng "Việt Nam cùng ASEAN hợp tác với các bên liên quan kiềm chế các hành động làm phức tạp tình hình trên biển" và "tái khẳng định quyết tâm của ASEAN đóng góp xây dựng Biển Đông thành khu vực biển hợp tác, phát triển, an ninh và an toàn".
********************
Hoa Kỳ, Việt Nam và Philippines phản đối cuộc tập trận 5 ngày tại Biển Đông của Trung Quốc (RFA, 03/07/2020)
Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ vào ngày 2/7 phát đi thông cáo báo chí nêu rõ quan ngại về cuộc tập trận kéo dài từ ngày 1 đến ngày 5/7 mà Trung Quốc tiến hành tại khu vực quần đảo Hoàng Sa đang có tranh chấp.
Tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc tại Biển Đông năm 2018. (Ảnh minh họa)
Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ cho rằng tiến hành tập trận tại vùng lãnh thổ tranh chấp là đi ngược lại nỗ lực giảm căng thẳng và duy trì ổn định ; gây bất ổn thêm nữa tình hình ở Biển Đông. Hoạt động tập trận như thế cũng vi phạm cam kết của Trung Quốc về Tuyên bố Ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC) là tránh những hoạt động làm phức tạp, hoặc leo thang tranh chấp và ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định.
Theo Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ thì cuộc tập trận này là mới nhất trong chuỗi hành động nhằm tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc và gây bất lợi cho các nước láng giềng tại Biển Đông.
Hành động của Trung Quốc trái ngược với cam kết của Bắc Kinh là không quân sự hóa, cũng như trái với tầm nhìn của Hoa Kỳ về một khu vực Ấn Độ- Thái Bình Dương mở, tự do. Đây là khu vực nơi mà các quốc gia lớn cũng như nhỏ đều được bảo đảm chủ quyền, không bị dọa nạt, và có thể theo đuổi tăng trưởng kinh tế phù hợp với những chuẩn mực và luật lệ quốc tế.
Cũng vào ngày 2/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê thị Thu Hằng cho biết Hà Nội đã giao thiệp và trao công hàm phản đối Trung Quốc về việc tiến hành tập trận 5 ngày tại khu vực quần đảo Hoàng Sa. Đây là nơi mà Trung Quốc thâu tóm hoàn toàn từ phía Việt Nam Cộng Hòa trong cuộc hải chiến vào tháng 1/1974.
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines vào ngày 2/7 cũng lên tiếng cho rằng cuộc tập trận mà Trung Quốc tiến hành tại khu vực quần đảo Hoàng Sa có tính chất khiêu khích cao, vô cùng đáng quan ngại và Manila theo dõi trong cảnh báo.
Vào ngày 3/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên lên tiếng cho rằng một số nước ngoài khu vực thường tiến hành tập trận tại Biển Đông nhằm phô trương sức mạnh, và đó chính là nguyên nhân chính tác động đến ổn định tại Biển Đông.
Phát biểu của ông Triệu Lập Kiên được cho rõ ràng muốn nhắm đến Hoa Kỳ.
********************
Tàu tác chiến USS Gabrielle Giffords áp sát Hải Dương 4 ở Biển Đông (RFA, 02/07/2020)
Tàu tác chiến cận bờ USS Gabrielle Giffords của Hoa Kỳ đã áp sát tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 4 của Trung Quốc trên Biển Đông hôm 1/7. Tin này được Hải quân Mỹ xác nhận hôm 2/7.
Tàu chiến USS Gabrielle Giffords trên biển. Courtesy of Hải Quân Hoa Kỳ
Tàu tác chiến cận bờ USS Gabrielle Giffords xuất hiện trên Biển Đông từ năm ngoái và tham gia vào nhiều hoạt động đối đầu, giám sát các hành động bị cho là hung hăng của Trung Quốc.
Hồi tháng 5/2020, chiếc USS Gabrielle Giffords cũng đã đối đầu với tàu Hải Dương 8 trên Biển Đông. Hải quân Mỹ cho hay, USS Gabrielle Giffords đang thực hiện đợt triển khai luân phiên, hoạt động trong khu vực Hạm đội 7 phụ trách nhằm nâng cao khả năng tích hợp với các đối tác và sẵn sàng ứng phó.
Tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 4 của Trung Quốc đã vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam từ hôm 14 tháng 6 năm 2020, chỉ cách đảo Phú Quý khoảng 182 hải lý và cách bờ biển Việt Nam 200 hải lý.
Vào tháng 7/2019, Trung Quốc đã điều tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 8 với sự hộ tống của các tàu hải cảnh, vào khu vực Bãi Tư Chính, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam quấy nhiễu hoạt động thăm dò dầu khí của Việt Nam với một công ty dầu khí của Nga.
Tàu USS Gabrielle Giffords là tàu tác chiến cận bờ, được trang bị tên lửa tấn công trên biển (Naval Strike Missile) mới. Đây là loại tên lửa có khả năng tàng hình để tránh hệ thống radar của đối phương.
Ngày 19/12/2019, tàu tác chiến cận bờ USS Gabrielle Giffords đã đến cảng Cam Ranh (Khánh Hòa). Trước đó, vào đầu tháng 11, chiếc tàu dự kiến thăm cảng Tiên Sa (Đà Nẵng) nhưng đã hủy kế hoạch. Lý do không được tiết lộ.