Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

19/04/2017

Đài Loan và Trung Quốc : tăng cường và cải tổ quốc phòng

RFI tiếng Việt

Biển Đông : Đài Loan tiếp tục quân sự hóa đảo Ba Bình  (RFI, 19/04/2017)

Hãng tin UPI hôm 18/04/2017, dẫn nguồn tin từ báo chí Đài Bắc, cho biết quân đội Đài Loan đề nghị tăng cường cho Ba Bình, đảo lớn nhất thuộc quần đảo Trường Sa mà Việt Nam, Philippines và Trung Quốc đang tranh chấp.

dltq1

Đảo Ba Bình (Itu Aba) nhìn từ trên không. Ảnh chụp ngày 29/11/2016. REUTERS/Fabian Hamacher

Theo tờ Apple Daily, bộ Quốc Phòng Đài Loan dự định trang bị một hệ thống có thể phóng nhiều hỏa tiễn từ xa, có khả năng chống đổ bộ, sẽ là xương sống cho hệ thống phòng vệ bờ biển.

Đài Bắc cũng xem xét khả năng triển khai hệ thống vũ khí tầm ngắn XTR-102, trong đó có hai khẩu súng tự động T-75 20 ly. Taipei Times cho biết loại vũ khí này do Viện nghiên cứu quốc gia Trung Sơn (Chungshan) thiết kế, có thể điều khiển từ xa. Hiện trên đảo Ba Bình đã được trang bị pháo phòng không 40 ly, 120 ly và hỏa tiễn chống tăng AT-4.

Hãng thông tấn Trung ương Đài Loan dẫn lời phát ngôn viên bộ Quốc Phòng Trần Trung Cát (Chen Chung Chi) nói rằng bộ này đã vạch ra "một kế hoạch chi tiết và hoàn chỉnh" để "bảo vệ vùng biển của Đài Loan". Các hình ảnh vệ tinh cho thấy các tháp pháo phòng không trên đảo Ba Bình từ tháng 9/2016.

Việc quân sự hóa Biển Đông đang diễn ra, chủ yếu từ phía Bắc Kinh. Trung Quốc đã xây các phi đạo và nhà chứa máy bay trên các đảo nhân tạo ở Trường Sa. Đầu tháng Tư, Bắc Kinh cho triển khai các chiến đấu cơ J-11 tại quần đảo Hoàng Sa, mà Trung Quốc đã dùng vũ lực chiếm từ tay quân đội Việt Nam Cộng Hòa năm 1974. Phía Việt Nam bố trí một hệ thống phòng không trên một đảo gần Đài Loan, còn Philippines có thể sẽ tập trận chung với Mỹ trong tháng Năm.

Đảo Ba Bình (Itu Aba Island) thuộc cụm Nam Yết ở quần đào Trường Sa, nằm trong địa phận tỉnh Bà Rịa của Việt Nam thời Pháp thuộc, bị quân Nhật chiếm làm căn cứ tàu ngầm trong Đệ nhị Thế chiến. Năm 1946 lợi dụng danh nghĩa giải giáp tàn quân Nhật, Trung Hoa Dân Quốc đã đổ bộ lên đảo Ba Bình.

Thụy My

********************

Quân đội Trung Quốc : Tập Cận Bình loan báo bước cải tổ thứ hai (RFI, 19/04/2017)

Với mục tiêu biến quân đội Trung Quốc thành một lực lượng tinh nhuệ có năng lực hợp đồng tác chiến cao hơn, sau khi hoàn thành giai đoạn một là cải tổ các cơ chế chỉ huy, vào hôm qua, 18/04/2017, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã loan báo bước cải cách thứ hai, thiết lập 84 đơn vị cấp trung gian. Theo giới quan sát, công việc cải tổ này cho phép ông Tập Cận Bình củng cố trong thực tế quyền kiểm soát quân đội.

dltq2

Một tầu ngầm của quân đội Trung Quốc.REUTERS

Trong một bản tin vào tối hôm qua, 18/04/2017 Tân Hoa Xã trích phát biểu của ông Tập Cận Bình với chỉ huy các đơn vị mới tại Bắc Kinh, theo đó công cuộc cải tổ được tiến hành "mang ý nghĩa sâu sắc và quan trọng trong việc xây dựng một quân đội đẳng cấp thế giới".

Cuộc cải tổ phản ánh nỗ lực trong nhiều năm qua của lãnh đạo Trung Quốc nhằm hiện đại hóa quân đội nước này, nhấn mạnh hơn trên những năng lực mới như chiến tranh mạng, chiến tranh thông tin và điện tử.

Báo Trung Quốc China Daily cho biết là bước cải tổ này tập trung trên một kiến trúc mới, bao gồm 84 đơn vị quân đội hỗn hợp, với sĩ quan chỉ huy mang quân hàm thiếu tướng hoặc chuẩn đô đốc, và quân số chọn lọc từ các lực lượng có sẵn trong quân đội, vì lẽ Trung Quốc đang thực hiện kế hoạch ban hành từ năm 2015 nhằm cắt giảm 300.000 quân.

Từ nay cho đến năm 2020, Trung Quốc sẽ xây dựng một cơ chế chỉ huy tác chiến hỗn hợp, sắp xếp lại các quân khu hiện có, đồng thời tiếp tục tinh giản số lượng binh lính, đặc biệt là trong các lực lượng phi chiến đấu.

Trong giai đoạn một của cuộc cải tổ, Trung Quốc đã giảm số lượng 7 quân khu trước đây thành 5 đại quân khu, đồng thời biến 4 tổng cục trong quân đội - bao gồm nhân sự, chính trị, hậu cần và vũ khí - thành 15 cơ quan. 84 đơn vị mới thành lập sẽ trực thuộc 15 cơ quan này.

Trả lời câu hỏi của hãng Reuters, tướng hồi hưu Hứa Quang Dụ (Xu Guangyu), chuyên viên nghiên cứu cấp cao tại Hiệp Hội Giải Trừ Quân Bị và Kiểm Soát Khí Giới tại Bắc Kinh, xác định đây là bước quan trọng thứ hai trong công cuộc cải tổ quân đội mà ông Tập Cận Bình chủ trương, nhắm vào các đơn vị cấp trung, sau khi đã hoàn thành đợt cải cách nhắm vào những cấu trúc cấp cao.

Cải tổ theo mô hình Mỹ ?

Do việc chi tiết về công cuộc cải tổ chưa được tiết lộ nhiều, giới phân tích quân sự nước ngoài chưa thể xác định tác động của tiến trình này đến năng lực chiến đấu của quân đội Trung Quốc. Richard Bitzinger, chuyên gia nghiên cứu về quân sự tại Trường Nghiên Cứu Quốc Tế S.Rajaratnam ở Singapore, cho rằng tác động có thể là tích cực, vì với các đơn vị nhỏ hơn, quân đội Trung Quốc có thể trở nên linh hoạt, nhanh nhẹn hơn.

Dường như Trung Quốc đã lấy ý tưởng từ cách tổ chức của quân đội Mỹ. Theo ông Bitzinger, các đơn vị quân đội mới của Trung Quốc có thể được trang bị để tự cung tự cấp, với các bộ phận tình báo pháo binh, công binh của riêng mình. Tuy nhiên, chuyên gia này thận trọng cho rằng để cho các thay đổi phát sinh hiệu quả, cần phải mất thêm nhiều thời gian nữa.

Song song với việc cải tổ cơ cấu, Trung Quốc cũng đã nhanh chóng nâng cấp các thiết bị quân sự và vũ khí của mình, trong bối cảnh Bắc Kinh ngày càng thêm quyết đoán trong việc áp đặt chủ quyền tại Biển Đông, cũng như tìm cách mở rộng sức mạnh quân sự ra nước ngoài.

Hải quân là lực lượng được Bắc Kinh ưu tiên phát triển, như lời thừa nhận mới đây của ông Vương Duy Minh (Wang Weiming), phó tổng tham mưu trưởng hải quân Trung Quốc, bên lề khóa họp thường niên của Quốc Hội Trung Quốc, theo đó Bắc Kinh đang tăng tốc phát triển thêm các loại tàu tuần dương, tàu khu trục và sẽ đẩy mạnh tuần tra trên biển, trên không.

Theo ghi nhận của Reuters, báo chí Trung Quốc hiện đang suy đoán là rất có thể quân đội Trung Quốc cho hạ thủy một hàng không mẫu hạm thứ hai, hoàn toàn made in China, vào ngày 23/04 tới đây, nhân kỷ niệm ngày thành lập lực lượng hải quân.

Trọng Nghĩa

*********************

Trung Quốc áp đặt tên cho 6 địa điểm ở vùng tranh chấp với Ấn Độ (RFI, 19/04/2017)

Bắc Kinh đã ban hành tên gọi chuẩn cho sáu địa điểm trong một khu vực đang tranh chấp với Ấn Độ. Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 19/04/2017 không ngần ngại xác định đó là hành động biểu thị chủ quyền của Trung Quốc tại vùng đó.

dltq3

Một bức tượng Phật tại Tawang, tây bắc bang Arunachal Pradesh, nơi có tu viện nổi tiếng cùng tên được xây dựng từ thế kỷ XVII. Ảnh chụp ngày 09/04/2017. REUTERS/Anuwar Hazarika

Theo ghi nhận của hãng tin Anh Reuters, vào tuần trước, bộ phụ trách các vấn đề dân sự của Trung Quốc đã công bố một danh sách sáu địa điểm tại vùng Arunachal Pradesh, một khu vực phía đông dãy núi Himalaya đang do New Delhi quản lý, nhưng bị Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền dưới tên gọi "Nam Tạng".

Danh sách này bao gồm tên Trung Quốc "chính thức" gọi các địa điểm đó, được viết bằng ba thứ tiếng Hoa, Tây Tạng và Anh ngữ.

Phát biểu vào hôm nay, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc đã cho rằng quyết định "chuẩn hóa địa đanh" đó hoàn toàn đúng đắn, vì phản ánh các tên gọi mà các dân tộc Trung Quốc, chẳng hạn như người Tây Tạng, từng sử dụng trong một thời gian dài.

Đối với phát ngôn viên Trung Quốc, các địa danh đó cũng "phản ánh và lý giải" được là các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với vùng "Nam Tạng" có cơ sở hiển nhiên về lịch sử, văn hóa và thẩm quyền hành chính.

Đầu tháng 4/2017, Bắc Kinh đã rất tức giận trước việc Ấn Độ cho phép lãnh tụ người Tây Tạng, đức Đạt Lai Lạt Ma, đến vùng Arunachal Pradesh sát biên giới với Trung Quốc. 

Các quan chức Ấn Độ đã bác bỏ những lời chỉ trích từ phía Trung Quốc, cho rằng đức Đạt Lai Lạt Ma là một lãnh đạo tôn giáo, chỉ đến thăm một nơi ông có tín đồ mà thôi.

Trọng Thành

Quay lại trang chủ
Read 794 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)