Hoa Kỳ sẽ tiếp tục có những biện pháp cứng rắn ở Biển Đông
RFA, 04/09/2020
Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam khẳng định những biện pháp cứng rắn gần đây của Hoa Kỳ với Trung Quốc trên Biển Đông là điều tất yếu và sẽ được tiếp tục trong thời gian tới.
Tàu chiến Mỹ ở Biển Đông giữa lúc căng thẳng tại đây đang gia tăng - Photo : RFA
Đại sứ Hoa kỳ (HK) tại Việt Nam (VN) Daniel Kritenbrink đã nói điều đó trong cuộc trả lời phỏng vấn với mạng báo Tiền Phong trong nước vào ngày 3/9.
Đại sứ HK cho rằng "Có một sự thay đổi lớn đã diễn ra ở Biển Đông từ năm 2013, đó là Trung Quốc ngày càng tăng cường các hành vi bất hợp pháp, hung hăng và khiêu khích để cưỡng ép và bắt nạt các nước láng giềng, buộc họ phải chấp nhận những yêu sách bành trướng của Bắc Kinh. Đây chính là lý do chúng tôi thực hiện các bước đi đó".
Đại sứ Kritenbrink cũng nói rõ việc tại sao HK trừng phạt 24 công ty và các cá nhân TQ tham gia xây dựng và quân sự hóa các đảo trên Biển Đông là vì để thể hiện lập trường rằng Hoa Kỳ ủng hộ mạnh mẽ luật pháp quốc tế trên Biển Đông.
Điều đó được minh chứng rất rõ khi trong vòng 3 tháng qua, Hoa Kỳ đã có một số bước đi quan trọng để thể hiện rõ hơn nữa cam kết của mình đối với những nguyên lý về luật pháp quốc tế, duy trì ổn định và tự do về hàng hải đã có từ lâu.
Nói về hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, Đại sứ Kritenbrink khẳng định quan hệ hai nước đang phát triển trên hầu hết các lĩnh vực ; hai bên đã phối hợp với nhau trong nhiều vấn đề, từ Triều Tiên, Biển Đông tới xây dựng năng lực cho Việt Nam.
Đại sứ Kritenbrink cho rằng hợp tác an ninh Việt Nam – Hoa Kỳ sẽ tiếp tục phát triển và được củng cố trong thời gian tới, mở rộng ra các lĩnh vực mới, có thể là thương mại quốc phòng và trao đổi thông tin vì "Một nước Việt Nam vững mạnh, độc lập và thịnh vượng rất có lợi cho Hoa Kỳ và toàn bộ khu vực".
*******************
Trung Quốc gọi Mỹ là "kẻ gây rối" ở Biển Đông
RFI, 04/09/2020
Bắc Kinh tiếp tục phản ứng gay gắt với Mỹ về tình hình Biển Đông. Hôm qua, 03/09/2020, thứ trưởng Ngoại Giao Trung Quốc phụ trách Châu Á gọi Hoa Kỳ là "kẻ gây rối" trong khu vực, và kêu gọi các nước ASEAN không ủng hộ các nỗ lực can dự vào khu vực của Washington.
Báo Hồng Kông South China Morning Post cho hay, trong một hội thảo quốc tế do Bộ Ngoại giao Trung Quốc tổ chức hôm qua, qua mạng, thứ trưởng Ngoại Giao Trung Quốc La Chiếu Huy (Luo Zhaohui) khẳng định Hoa Kỳ là "nguồn gốc" của các vấn đề ở Biển Đông. Ông La Chiếu Huy, cựu đại sứ Trung Quốc tại Ấn Độ, cũng đả kích các đồng minh và đối tác của Mỹ tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương đã ủng hộ lập trường của Washington về Biển Đông và trong nhiều tranh chấp khác.
Nhà ngoại giao Trung Quốc cũng cực lực phản đối cơ chế hợp tác Bộ Tứ Ấn Độ - Thái Bình Dương, mà Hoa Kỳ đang tìm cách mở rộng cho các đối tác khác tham gia : "Ngoài việc can thiệp vào Biển Đông, Hoa Kỳ còn thiết lập Bộ Tứ, một mặt trận chống Trung Quốc (ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương), được coi là một khối NATO thu nhỏ. Điều này phản ánh tâm lý chiến tranh lạnh của nước Mỹ".
Báo Hồng Kông South China Morning Post ghi nhận, theo nhiều nhà quan sát, các tuyên bố quá cứng rắn nói trên của lãnh đạo ngoại giao Trung Quốc rất có thể "gây phản tác dụng".
Cũng trong cuộc hội thảo nói trên, thứ trưởng Ngoại Giao Trung Quốc thông báo là các đàm phán giữa Bắc Kinh với khối ASEAN về Bộ Quy Tắc Ứng Xử ở Biển Đông (COC) được khởi sự trở lại từ hôm qua, 03/09, đàm phán bị gián đoạn do đại dịch Covid-19.
Mỹ tố cáo Bắc Kinh bức tử sông Mêkông, thách thức ASEAN
Hơn một tuần trước ngày Diễn đàn An ninh Khu vực (ARF), diễn đàn an ninh Châu Á thường niên do khối ASEAN tổ chức (12/09), Trung Quốc và Hoa Kỳ liên tục có các tuyên bố mạnh mẽ về các hồ sơ lớn của khu vực.
Cũng ngày hôm qua, vụ trưởng vụ Đông Á và Thái Bình Dương, Bộ Ngoại giao Mỹ, ông David Stilwell, tố cáo việc Trung Quốc "thao túng" lưu lượng sông Mê kông, khiến mức nước sông xuống thấp kỷ lục là "một thách thức trực tiếp đối với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN )". Phát biểu của quan chức Mỹ được đưa ra trong một cuộc thảo luận do United States Institute of Peace và trường Chính sách công Lý Quang Diệu của Singapore tổ chức. Ông David Stilwell cho biết có thể sẽ đưa vấn đề này vào bàn luận trong Hội nghị Bộ trưởng Đối tác Mêkông-Mỹ với năm nước hạ nguồn khai mạc vào tuần tới.
Theo một thẩm định của tổ chức Eyes on Earth, có trụ sở tại Hoa Kỳ, hồi tháng 4/2020, các con đập của Trung Quốc ở thượng nguồn Mêkông, giữ lại tổng cộng 47 tỉ mét khối nước, làm biến đổi hoàn toàn dòng chảy ở hạ lưu, bức tử dòng sông, nơi sinh sống của 60 triệu cư dân Đông Nam Á.
Trọng Thành
**********************
Đại sứ Kritenbrink : Chính sách Biển Đông của Mỹ ‘vẫn tiếp tục’ sau bầu cử
VOA, 04/09/2020
Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink phát biểu rằng những biện pháp cứng rắn hơn với Trung Quốc trên Biển Đông trong thời gian gần đây là sự tiếp nối chính sách của Washington đã có từ lâu và "sẽ được tiếp tục trong nhiều năm tới".
Trong cuộc phỏng vấn với báo Tiền Phong ngày 3/9, Đại sứ Kritenbrink nói rằng Hoa Kỳ từ lâu đã là một cường quốc ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, và những bước đi gần đây của Mỹ là cách Washington tiếp nối và điều chỉnh chính sách đã có từ lâu của mình.
Đại sứ Hoa Kỳ cho biết như trên khi báo Tiền Phong đề cập một số ý kiến cho rằng việc Mỹ gần đây có những biện pháp cứng rắn hơn với Trung Quốc trên Biển Đông là do yếu tố bầu cử.
Đại sứ Kritenbrink nói : "Có một sự thay đổi lớn đã diễn ra ở Biển Đông từ năm 2013, đó là Trung Quốc ngày càng tăng cường các hành vi bất hợp pháp, hung hăng và khiêu khích để cưỡng ép và bắt nạt các nước láng giềng, buộc họ phải chấp nhận những yêu sách bành trướng của Bắc Kinh. Đây chính là lý do chúng tôi thực hiện các bước đi đó".
Trang Facebook của Đại sứ quán Hoa Kỳ dẫn lời Đại sứ Krintenbrink phát biểu trong cuộc phỏng vấn nói : "Hoa Kỳ đã có các hành động nhằm thể hiện rất rõ rằng chúng tôi ủng hộ mạnh mẽ luật pháp quốc tế, đặc biệt là luật pháp quốc tế về hàng hải, cụ thể là tại Biển Đông. Chúng tôi mong muốn tất cả các quốc gia dù lớn hay nhỏ đều tuân thủ luật pháp quốc tế, hành xử theo luật lệ và không thực hiện các hành vi bắt nạt hay cưỡng ép".
Ông Kritenbrink nói rằng trong ba tháng qua Hoa Kỳ đã có một số bước đi quan trọng để thể hiện rõ hơn nữa cam kết của mình đối với những nguyên tắc về luật pháp quốc tế, duy trì ổn định và tự do hàng hải đã có từ lâu đời.
Cuối tháng 8, chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã công bố hạn chế thị thực nhập cảnh đối với một số cá nhân Trung Quốc có vai trò trong hoạt động bồi đắp và xây đảo nhân tạo, quân sự hóa các cấu trúc tại Biển Đông và đưa thêm 24 doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc vào danh sách đen của Bộ Thương mại Mỹ.
Trước đó, ngày 14/7, Ngoại trưởng Mike Pompeo khẳng định các yêu sách của Trung Quốc về tài nguyên ngoài khơi trên Biển Đông là "hoàn toàn bất hợp pháp", đồng thời Hoa Kỳ bác bỏ bất cứ yêu sách nào của Trung Quốc đối với các vùng biển nằm ngoài lãnh hải 12 hải lý tính từ các đảo mà Trung Quốc đưa ra yêu sách tại Quần đảo Trường Sa, và các yêu sách đó không được gây phương hại đến lợi ích của các nước khác.
Từ California, tiến sĩ Lê Minh Nguyên, một chuyên gia hàng đầu về Trung Quốc trong cộng đồng người Việt tại Mỹ, nói với VOA trong một cuộc phỏng vấn rằng căng thẳng Trung – Mỹ đã từng xảy ra trước đây và sẽ tiếp tục trong thời gian tới.
"Đảng Dân chủ từ thời Tổng thống Obama nắm quyền có lần Ngoại trưởng Hillary Clinton tại một cuộc họp ở Hà Nội [năm 2010] tố cáo Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì [về Biển Đông, theo hồi ký của bà Clinton] rất nặng nề, khiến ông Dương bỏ phòng họp bước ra ngoài".
"Dù Cộng hòa hay Dân chủ [đắc cử] thì vấn đề cứng rắn với Trung Quốc sắp tới sẽ xảy ra", Tiến sĩ Lê Minh Nguyên nói với VOA.
Trang SCMP hôm 3/9 có bài phỏng vấn các chuyên gia Hoa Kỳ nói rằng "chính sách của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc sẽ không thay đổi mấy" dù dương kim Tổng thống Donald Trump của đảng Cộng hòa hay cựu Phó Tổng thống Joe Biden của đảng Dân chủ đắc cử trong cuộc bầu cử 3/11 sắp tới.
Bà Elizabeth Freund Larus, trưởng khoa chính trị và quan hệ quốc tế tại Đại học Mary Washington nói với với trang SCMP : "Đã có thay đổi thực sự về tư duy trong cả đảng Dân chủ và Cộng hòa. Tôi không cho rằng chúng ta sẽ trở lại với quan hệ Mỹ - Trung của những năm 1990".
**********************
Báo cáo Quốc phòng Mỹ : Trung Quốc gia tăng hiện diện quân sự ở Biển Đông
RFA, 02/09/2020
Trung Quốc đang tiến tới việc gia tăng hơn nữa sự hiện diện quân sự ở Biển Đông và các nước láng giềng sẽ sớm thấy Bắc Kinh triển khai các tàu sân bay mới, tên lửa diệt hạm và thủy quân lục chiến tại vùng nước tranh chấp khi quân đội Trung Quốc tập trung vào khả năng viễn chinh và quân sự hóa các tiền đồn ở Hoàng Sa và Trường Sa. Một báo cáo được công bố hôm 2/9 của Bộ Quốc phòng Mỹ đã đánh giá như vậy.
Thủy thủ đứng gần các chiến đấu cơ trên tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc trong lễ kỷ niệm 70 năm Hải quân Trung Quốc hôm 23/4/2019 - AFP
Trung Quốc đã hiện đại hóa và tăng cường khả năng của quân đội đến mức Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc thậm chí đã vượt cả Hoa Kỳ trong một số khu vực, theo báo cáo thường niên về sức mạnh quân sự của Trung Quốc của Bộ Quốc phòng Mỹ.
Theo báo cáo, Trung Quốc hiện có lực lượng hải quân lớn nhất thế giới với số tàu chiến bao gồm cả tàu ngầm là 350 chiếc. Con số này của Mỹ là 293 tàu. Bộ Quốc phòng Mỹ đánh giá một phần của sự gia tăng tàu chiến của Trung Quốc là nhằm đẩy mạnh những đòi hỏi về chủ quyền ở Biển Đông.
Đáng chú ý, tàu sân bay tự làm của Trung Quốc mang tên Sơn Đông có nhiều khả năng sẽ đóng hẳn ở căn cứ hải quân Yulin ở đảo Hải Nam, rất gần quần đảo Hoàng Sa và rất gần Việt Nam cũng như Đài Loan.
Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, Trung Quốc hiện có 30 khu trục hạm có tên lửa dẫn đường loại 054A và hơn 42 tàu hộ tống loại 056. Cả hai loại tàu này thường xuyên có mặt ở Biển Đông. Ngoài ra, Trung Quốc cũng sẽ cho các thiết bị bề mặt không người điều khiển tuần tra ở Biển Đông. Tuy nhiên báo cáo không đưa chi tiết cụ thể về các thiết bị này.
Thủy quân lục chiến thuộc hải quân Trung Quốc cũng đã thực hiện các cuộc diễn tập ở quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa trong năm nay, và đã tăng nhanh chóng từ 2 lên 8 lữ đoàn. Tuy nhiên, theo báo cáo, khả năng của thủy quân lục chiến Mỹ được cải thiện chậm hơn so với mong đợi khi chỉ có 2 lữ đoàn được trang bị đầy đủ và sẵn sàng tham gia nhiệm vụ bảo vệ các căn cứ của Trung Quốc ở Biển Đông cũng như chiếm các đảo và đá nhỏ khác ở đó.
Nói về các đảo nhân đạo nơi Trung Quốc có các tiền đồn quân sự ở Biển Đông, báo cáo nhận định : "việc xây dựng các đường băng mới và các nhà chứa máy bay ở các tiền đồn ở Biển Đông đã mở rộng khu vực hoạt động cho các lực lượng không quân của Trung Quốc". "Việc triển khai máy bay chiến đấu của Trung Quốc ra Trường Sa trong tương lai có thể cho thấy phạm vi và thời gian hoạt động mở rộng (của máy bay chiến đấu Trung Quốc) ở Biên Đông và thậm chí vươn tới cả Ấn Độ Dương".
HIện Trung Quốc đã triển khai các chiến đấu cơ mới nhất là H-6K và H-6J ra căn cứ quân sự ở đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa.
Theo báo cáo, các căn cứ quân sự của Trung Quốc ở Trường Sa bao gồm Đá Subi, Đá Chữ Thập, Đá Vành Khăn, Đá Gaven, Bãi ngầm Đá Tư Nghĩa, Gạc Ma và Đá Châu Viên có các hệ thống chống tầu và máy bay hiện đại cùng các thiết bị gây nhiễu.
Báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ cũng đánh giá quân giải phóng nhân dân Trung Quốc đã cải thiện khả năng nhắm bắn tên lửa vào các tàu đang di chuyển ở biển từ đất liền của Trung Quốc.