Chính phủ Mỹ sẽ dành hơn 150 triệu USD cho các dự án hợp tác tại khu vực Mekong, một phần quan trọng trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ nhằm đối trọng với sự bành trướng của Trung Quốc trong khu vực.
Trong một thông cáo báo chí ra hôm 14/9, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết rằng việc khởi động quan hệ Đối tác Mekong-Hoa Kỳ phản ánh tầm quan trọng của khu vực Mekong đối với Mỹ trong lúc các hiểm họa từ Trung Quốc ngày càng gia tăng đối với khu vực này.
"Quan hệ của chúng tôi với các quốc gia đối tác Mekong là một phần không thể tách rời của tầm nhìn Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương và quan hệ đối tác chiến lược với khối ASEAN", Ngoại trưởng Pompeo nói trong thông cáo.
Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ cũng thông báo về khoản đầu tư hơn 150 triệu USD cho các chương trình trong khu vực dựa trên nền tảng tốt của cơ chế Sáng kiến Hạ nguồn Mekong (LMI) được thành lập từ năm 2009.
Đây là các khoản đầu tư ban đầu cho các dự án hợp tác tại khu vực Mekong, trong đó có 55 triệu USD cho các dự án phòng chống tội phạm xuyên biên giới ; 1,8 triệu USD hỗ trợ Uỷ hội sông Mekong tăng cường chia sẻ dữ liệu nguồn nước phục vụ công tác hoạch định chính sách, và một số dự án về quản lý thiên tai, tổ chức đối thoại chính sách nhiều bên về phát triển khu vực Mekong.
Theo Ngoại trưởng Pompeo, khu vực Mekong đang đối diện với nhiều thách thức "trong đó có những thách thức từ Đảng cộng sản Trung Quốc hiện đang ngày càng gây hiểm họa tới môi trường tự nhiên và sự tự chủ về kinh tế của Mekong".
"Các quyết định đơn phương của CCP (Đảng cộng sản Trung Quốc) nhằm chặn dòng chảy trên thượng nguồn đã làm trầm trọng thêm đợt hạn hán lịch sử", ông Pompeo nói. "Mỹ sát cánh với khu vực và Uỷ hội sông Mekong trong việc kêu gọi chia sẻ dữ liệu minh bạch. Chúng tôi khuyến khích các quốc gia trong khu vực sông Mekong buộc (Đảng cộng sản Trung Quốc) phải chịu trách nhiệm trong các cam kết chia sẻ dữ liệu nguồn nước".
Ngoại trưởng Pompeo nói rằng các dữ liệu này cần được công bố cho công chúng và cần được chia sẻ thông qua Uỷ hội sông Mekong (MRC), tổ chức phục vụ cho các quyền lợi của các nước trong khu vực Mekong, "chứ không phải cho những lợi ích của Bắc Kinh".
MRC tháng trước cũng đưa ra một báo cáo trong đó nói các con đập trên thượng nguồn của Trung Quốc làm ảnh hưởng đến dòng chảy dưới hạ nguồn và đưa ra những khuyến nghị, gồm sự minh bạch về dữ liệu và chia sẻ thông tin. Để tăng cường sự minh bạch về các hoạt động của các con đập ở thượng nguồn sông Mekong cũng như chứng minh sự hợp tác có tính thiện chí, MRC cho rằng Trung Quốc cần xem xét việc cung cấp dữ liệu cho các nước ở hạ lưu sông Mekong.
Trước áp lực này, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cuối tháng trước khi phát biểu tại diễn đàn Lan Thương-Mekong, trong đó có Việt Nam, nói rằng Bắc Kinh sẽ bắt đầu chia sẻ dữ liệu thủy văn quanh năm của con sông này.
Để đối phó với các thách thức mà ngoại trưởng Pompeo nêu ra trong thông cáo, Mỹ đã nâng tầm mục tiêu của Sáng kiến Hạ nguồn sông Mekong để ứng phó với các tác động từ thượng nguồn do Trung Quốc gây ra, tại Hội nghị Bộ trưởng Đối tác Mekong-Hoa Kỳ lần đầu tiên vừa được tổ chức cuối tuần qua tại Hà Nội qua hình thức trực tuyến,.
Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, hội nghị này khẳng định cam kết của Washington đối với tương lai của Sáng kiến Hạ nguồn sông Mekong "như một phần của tầm nhìn chung cho một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở".