Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

23/10/2020

600 triệu USD cho người Rohingya, Thỏa thuận Vatican-Trung Quốc

RFI tổng hợp

Liên Hiệp Quốc : Thêm 600 triệu đô la để giúp người tị nạn Rohingya

Thanh Phương, RFI, 23/10/2020

Hôm 22/10/2020, các nhà tài trợ quốc tế cam kết đóng góp thêm khoảng 600 triệu đô la để giúp người tị nạn Ronhingya ở Bangladesh nhân một hội nghị quốc tế tại Genève, được tổ chức dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc.

chaua1

Toàn cảnh trại tạm bợ Kutupalong dành cho người tị nạn Rohingya ở Ukhia, Cox's Bazar, Bangladesh, vào ngày 15 tháng 10 năm 2020.  AFP – Munir Uz Zaman

Từ Genève, thông tín viên Jérémy Lanche gởi về bài tường trình :

"Kể từ cuộc di tản năm 2017, khoảng 860 ngàn người Rohingya đã chạy sang sống ở trại tị nạn chật kín người ở Cox’s Bazar, vùng biên giới bên phía Bangladesh. Điều kiện y tế và an ninh ở đây rất tồi tệ. Tình hình lại còn tồi tệ hơn do có đại dịch Covid-19 và do các vụ đụng độ giữa những băng đảng buôn bán ma túy. Hậu quả là ngày càng có nhiều người muốn rời khỏi đất nước bằng ngõ khác.

Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc Filippo Grandi nói : Có nguy cơ là người Rohingya mất hết hy vọng, thể hiện qua việc ngày càng có nhiều người muốn rời khỏi Miến Điện. Chỉ trong năm nay đã có 2.400 người tị nạn, họ vượt biên bằng đường biển trong điều kiện rất nguy hiểm và nhiều người đã trôi dạt trên biển có khi mấy tháng trời. Ít nhất 200 người tị nạn Rohingya đã chết trên biển trong năm nay ;

Mỹ sẽ đóng góp 200 triệu đô la, Liên Hiệp Châu Âu là 113 triệu đô la, Anh Quốc 60 triệu đô la. Theo quan điểm của ông Filippo Grandi, những số tiền nói trên phản ánh sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với người Rohingya. Vấn đề là hiện giờ đó chỉ mới là cam kết tài trợ để bù cho với hàng tỷ đô la mà Phủ Cao ủy Tị nạn kêu gọi quốc tế đóng góp để giúp người Rohingya chỉ trong năm 2020."

Thanh Phương

*******************

Trung Quốc, Vatican triển hạn thỏa thuận lịch sử về bổ nhiệm giám mục

Thanh Phương, RFI, 23/10/2020

Hôm 22/10/2020, Bắc Kinh và Tòa Thánh Vatican đã triển hạn thỏa thuận lịch sử với việc bổ nhiệm các giám mục, bất chấp những lời cảnh báo của Hoa Kỳ về tình trạng đàn áp giáo dân tại Trung Quốc.

chaua2

Cửa vào Nhà Thờ Thánh Giuse – Nhà Thờ Vương Phủ Tỉnh, Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh chụp ngày 22/10/2020.  AFP – Greg Baker

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian), thông báo là hai bên đã quyết định triển hạn hai năm thỏa thuận tạm thời về việc bổ nhiệm các giám mục. Vào tháng 9/2018, Bắc Kinh và Vatican ký thỏa thuận chấm dứt một bất đồng đã kéo dài gần 70 năm về việc bổ nhiệm các giám mục. Chiếu theo thỏa thuận này, giáo hoàng Francis đã công nhận 8 giám mục do Bắc Kinh bổ nhiệm trước đó mà không thông qua giáo hoàng. Đổi lại, ít nhất hai cựu giám mục của Giáo hội "thầm lặng" đã được chính quyền Trung Quốc công nhận. Thỏa thuận này có thời hạn tạm thời hai năm và đã dự trù sẽ được triển hạn vào tháng 10/2020.

Theo hãng tin AFP, như vậy là Vatican tiếp tục tiến trình xích lại gần Trung Quốc, bất chấp lời kêu gọi của Hoa Kỳ không triển hạn thỏa thuận song phương này. Vào tháng trước, ngoại trưởng Mike Pompeo tố cáo là thỏa thuận giữa Bắc Kinh với Tòa Thánh đã không bảo vệ được giáo dân thoát được sự đàn áp của đảng cộng sản Trung Quốc.

Trong nhiều năm qua, cộng đồng khoảng 12 triệu tín đồ Công Giáo ở Trung Quốc vẫn bị chia rẽ giữa một bên là Giáo hội "thầm lặng", trung thành với giáo hoàng, nhưng bị chính quyền Bắc Kinh xem là "bất hợp pháp", và bên kia là Giáo hội "yêu nước", nghe theo lệnh của chế độ.

Những nhân nhượng của Tòa Thánh về việc bổ nhiệm giám mục đã không giúp cải thiện tình hình của giáo dân thuôc Giáo hội "thầm lặng". Một linh mục tại tỉnh Giang Tây, được hãng tin AFP trích dẫn hôm qua, tố cáo là càng đến gần ngày hết hạn hai năm của thỏa thuận tạm thời, sự truy bức càng gia tăng. Chính quyền đã gia tăng áp lực với vị linh mục này vì ông đã từ chối gia nhập Giáo hội "yêu nước". Cho nên, theo ông, việc Bắc Kinh và Vatican triển hạn thỏa thuận về bổ nhiệm giám mục khiến giáo dân càng "hoang mang và tuyệt vọng". Về phía Giáo hội chính thức, không linh mục nào nhận trả lời phỏng vấn của AFP.

Thanh Phương

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFI tổng hợp
Read 538 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)