Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

22/11/2020

Thái Lan : chính quyền dọa đàn áp, dân xuống đường đông hơn

RFI tổng hợp

Thái Lan : Học sinh trung học biểu tình ở Bangkok đòi cải cách trường học và xã hội

Thùy Dương, RFI, 22/11/2020

Phong trào đấu tranh ủng hộ dân chủ ở Thái Lan kêu gọi lực lượng xuống đường biểu tình vào ngày 25/11/2020. Nhiều lãnh đạo phong trào cảnh báo chính quyền là ngày này "sẽ mở ra một thời kỳ mới cho các cuộc tranh đấu" của họ.

thailan1

Trong cuộc biểu tình tại Bangkok, một số học sinh hóa trang thành khủng long, một phép ẩn dụ ám chỉ giới chính trị Thái Lan già nua thủ cựu mà họ muốn loại trừ.  AP - Sakchai Lalit

Trong khi chính quyền Thái Lan kêu gọi những người tham gia phong trào đấu tranh bình tĩnh lại, trong ngày hôm qua 21/11, hàng ngàn, hàng chục ngàn học sinh đã xuống đường yêu cầu cải cách trường học và xã hội, ủng hộ phong trào đấu tranh của giới sinh viên Thái Lan.

Từ Bangkok, thông tín viên RFI Carol Isoux cho biết thêm chi tiết :

"Bãi bỏ quy định học sinh phải mặc đồng phục đến trường và để tóc ngắn, bỏ quy định học sinh phải cúi rạp người trước các giáo viên... Đây là một vài trong số các yêu sách cải cách đặc biệt mà học sinh trung học đưa ra.

Là một phần quan trong trong lực lượng biểu tình của phong trào sinh viên, các học sinh trung học đã được tôi luyện từ khi phong trào đấu tranh của giới sinh viên bắt đầu cách nay vài tháng. Hôm qua, sau khi các thủ tục pháp lý được khởi động nhắm vào hai người đứng đầu phong trào vẫn còn ở độ tuổi vị thành niên vì họ đã tham gia các cuộc biểu tình, nhiều học sinh trung học đã tập trung trước trụ sở bộ Giáo Dục ở Bangkok.

Nhiều người mặc những bộ đồng phục tiêu biểu cho các trường trung học Thái Lan. Một số học sinh giương biểu ngữ và cầm micro hát vang, một số khác hóa trang thành khủng long và thiên thạch. Đối với họ, đây là một hình ảnh ẩn dụ về thế hệ mới ở Thái Lan, những người sẽ quét sạch giới cầm quyền già nua thủ cựu. Trong phong trào đấu tranh của học sinh trung học, các nữ sinh có vị trí nổi trội".

Thùy Dương

************************

Thái Lan : Chính quyền dọa dùng "tất cả" luật lệ sẵn có để chống biểu tình

Trọng Nghĩa, RFI, 19/11/2020

Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-o-cha hôm 19/11/2020 tuyên bố là "tất cả các bộ luật, tất cả các điều khoản" sẽ được sử dụng đối với những người biểu tình "vi phạm luật pháp". Tuyên bố của thủ tướng Thái Lan đã khiến giới lãnh đạo phong trào biểu tình lo ngại luật chống khi quân thuộc loại khắc nghiệt nhất thế giới sẽ được áp dụng để đàn áp đối lập.

thailan1

Những người biểu tình đòi dân chủ giơ cao "ba ngón tay" (biểu tượng của phong trào phản kháng), và hát quốc ca Thái Lan trước Siam Paragon, một khu trung tâm thương mại, Bangkok, ngày 20/10/2020. AP/Sakchai Lalit

Trong một bản thông cáo, thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-o-cha đã báo động là "tình hình không được cải thiện" và "có nguy cơ bạo lực leo thang". Theo ông, nếu không được giải quyết, tình trạng này có thể gây hại cho "đất nước và chế độ quân chủ thân yêu". Thủ tướng Thái Lan tuy nhiên không nói rõ là liệu Điều 112 của bộ Luật Hình Sự, cấm xúc phạm chế độ quân chủ có được áp dụng trở lại hay không. Hồi đầu năm, ông Prayuth đã nói rằng điều luật đó tạm thời không được sử dụng, theo yêu cầu của quốc vương Maha Vajiralongkorn.

Tuyên bố của ông Prayuth được đưa ra một hôm sau khi hàng nghìn người biểu tình đã ném sơn vào trụ sở cảnh sát Thái Lan, để phản đối việc lực lượng an ninh sử dụng vòi rồng và hơi cay đàn áp khiến hàng chục người bị thương. Một số người biểu tình còn phun sơn vẽ grafiti chống chế độ quân chủ. 

Theo hãng tin Anh Reuters, các cuộc biểu tình là thách thức lớn nhất đối với giới quyền thế đang lãnh đạo Thái Lan, và đã phá vỡ điều cấm kỵ lâu đời bằng cách chỉ trích chế độ quân chủ, một hành động mà theo luật "chống khi quân" hiện hành có thể bị phạt đến 15 năm tù.

Đối với nhà hoạt động Thái Lan Tanawat Wongchai, tuyên bố của thủ tướng Thái Lan có thể có nghĩa là chính quyền "muốn sử dụng Điều 112 để bắt giữ các nhà lãnh đạo biểu tình".

Việc viện đến công cụ pháp lý khắc nghiệt này cũng là mong muốn của một bộ phận dân chúng Thái Lan rất gắn bó với chế độ quân chủ. Trên mạng xã hội, một số người theo chủ nghĩa bảo hoàng đã kêu gọi áp dụng Điều 112 để trừng trị những người bị cho là đã xúc phạm chế độ quân chủ. Theo ghi nhận của Reuters, trong những tháng gần đây, hàng chục người biểu tình, bao gồm nhiều lãnh tụ đấu tranh, đã bị bắt giữ với nhiều tội danh, mặc dù không phải vì tội chỉ trích chế độ quân chủ.

Trọng Nghĩa

***********************

Thái Lan : Phong trào dân chủ tiếp tục xuống đường

Thanh Hà, RFI, 18/11/2020

Một ngày sau cuộc tập hợp của hàng chục ngàn người tại thủ đô Bangkok và đã xảy ra xung đột với cảnh sát, hôm nay 18/11/2020 phong trào phản kháng Thái Lan tiếp tục kêu gọi xuống đường. Cùng lúc, Quốc Hội biểu quyết về lộ trình sửa đổi một số điều khoản trong bản Hiến Pháp.

thailan0

Cảnh sát triển khai phương tiện chuẩn bị đối phó với người biểu tình chống chính phủ gần trụ sở Nghị Viện Thái Lan, tại Bangkok, ngày 17/11/2020.  AP - Sakchai Lalit

Yêu sách của phong trào phản kháng Thái Lan vẫn là đòi tập đoàn quân sự trao trả quyền lực cho xã hội dân sự, đòi thủ tướng Chan Ô Cha phải từ chức và giới hạn quyền lực của nhà vua. Một trong số các nhà lãnh đạo của phe đòi dân chủ Thái Lan được AFP trích dẫn cho rằng "cuộc đấu tranh đã rẽ sang một khúc quanh mới, không còn chỗ cho các giải pháp thỏa hiệp". Về phía chính phủ, phó thủ tướng Prawit Wongsuwan hôm nay kêu gọi các lực lượng an ninh "bảo vệ người tuần hành, cho dù họ thuộc phe nào đi chăng nữa".

Hôm 17/11/2020, cảnh sát chống bạo động đã dùng vòi rồng và hơi cay giải tán đám đông tập hợp trước trụ sở Quốc Hội, nơi dự án cải tổ Hiến Pháp đang được thảo luận. Xung đột làm ít nhất 55 người bị thương.

Từ thủ đô Bangkok, thông tín viên Carol Isoux tường thuật về cuộc xuống đường rầm rộ của phe đòi dân chủ Thái Lan vào chiều tối qua :

"Không khí ngột ngạt đến khó thở tại khu vực chung quanh tòa nhà Quốc Hội Thái Lan. Hàng trăm quả lựu đan cay ném về phía người biểu tình. Số này tự vệ với những phương tiện sẵn có như đeo kính bơi, pha nước với kem đánh răng để làm dịu cay mắt. Một vài nhóm nhỏ cứ vài tiếng đồng hồ lại thay phiên nhau bước lên tuyến đầu. Nhiều chiếc xe cứu thương đưa nạn nhân vào các bệnh viện gần nhất dưới tiếng vỗ tay của đám đông.

MiAn, một thanh niên đang theo học ngành y tá đến đây giúp đỡ mọi người, anh đứng ở phía sau đoàn biểu tình và nói : "Giờ đây, quả bóng đang ở bên sân của chính phủ. Có hàng trăm dân biểu … Họ phải làm việc chứ. Nếu như đòi hỏi của chúng tôi là chính phủ phải từ chức và tổ chức bầu cử được thỏa mãn, thì chúng tôi sẵn sàng chấm dứt tất cả các biểu tình. Nhưng dường như phía chính phủ chỉ biết dùng bạo lực và luôn luôn là bạo lực để đáp lại những yêu sách của người biểu tình. Họ chỉ biết làm có thế thôi".

Các va chạm đối đầu đã bắt đầu từ chiều qua với các nhóm Áo Vàng thuộc thành phần bảo hoàng cực đoan. Phe này chống đối cải tổ Hiến Pháp thu hẹp quyền hạn của nhà vua. Đây là một trong những đòi hỏi chính của phong trào sinh viên. Cảnh tượng đối đầu giữa phe bảo hoàng và những người ủng hộ cải cách làm người ta liên tưởng đến những gì đã diễn ra trước cuộc đảo chính hồi năm 2014".

Thanh Hà

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trọng Nghĩa, Thanh Hà
Read 737 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)