Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

11/12/2020

Biển Đông : Trung Quốc lại muốn độc quyền một mình một chợ

RFI - RFA

Trung Quốc nhắc lại không thừa nhận phán quyết của Tòa La Haye

Minh Anh, RFI, 11/12/2020

Trung Quốc khẳng định sẽ không chấp nhận và không thừa nhận phán quyết của Tòa Trọng Tài La Haye năm 2016, bác bỏ những đòi hỏi chủ quyền trên hầu hết diện tích Biển Đông của Bắc Kinh.

biendong1

Ảnh tư liệu : Dân Philippines biểu tình phản đối Trung Quốc bành trướng trên Biển Đông, ngày 18/06/2019 tại Manila.  AP - Aaron Favila

Hãng tin ABS-CBN, ngày 11/12/2020, trong thư trả lời báo chí, đại sứ Trung Quốc tại Philippines, ông Hoàng Khê Liên (Huang Xilian) nhấn mạnh tranh chấp giữa đôi bên phải được giải quyết thông qua đối thoại và cho đó là "hướng đi tốt nhất", phù hợp với lợi ích của các bên tranh chấp trong khu vực.

Đại sứ Trung Quốc nhắc lại rằng lãnh đạo hai nước đã đạt được một "đồng thuận quan trọng về cách xử lý đúng đắn vụ tranh chấp này, được cho là nền tảng cơ bản vực dậy quan hệ song phương. Lập trường của Trung Quốc trong vụ việc này là nhất quán và rõ ràng. Bắc Kinh không chấp nhận và sẽ không tham gia vào quá trình phân xử, cũng như là không chấp nhận hoặc công nhận điều gọi là phán quyết của La Haye".

Theo đại diện ngoại giao Trung Quốc, mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Manila vẫn "duy trì được đà phát triển lành mạnh và ổn định" đó là nhờ vào những hoạt động trao đổi và hợp tác trong nhiều lĩnh vực, thúc đẩy "hòa bình và ổn định" ở Biển Đông.

Cuối cùng, đại sứ Trung Quốc nhắc nhở rằng để quan hệ Trung Quốc và Philippines được bền vững, đôi bên nhất thiết phải "thực hiện nghiêm túc các nguyên tắc và sự đồng thuận mà lãnh đạo hai nước đã được về hồ sơ Biển Đông".

Minh Anh

************************

Trung Quốc tố cáo Mỹ đưa máy bay do thám vào vùng nhận dạng phòng không

RFA, 11/12/2020

Không quân Mỹ vừa điều máy bay do thám đi vào vùng nhận dạng phòng không của Trung Quốc (ADIZ) ở biển Hoa Đông và đi qua khu vực bầu trời eo biển Đài Loan hôm 10/12 vừa qua. Sáng kiến theo dõi tình hình Biển Đông (SCSPI) thuộc Đại học Bắc Kinh cho biết như vậy hôm 11/12.

biendong2

Máy bay F-25B của Mỹ đậu xuống tàu USS Wasp ở biển Hoa Đông hôm 5/3/2018 - Reuters

Theo SCSPI, máy bay do thám của hãng Lockheed chế tạo đã đi dọc suốt chiều dài ADIZ ở biển Hoa Đông trước khi quay lại cách tỉnh Phúc Kiến 52 hải lý và bờ biển Đài Loan 70 hải lý.

Hồi tháng trước, Hoa Kỳ cũng điều hai máy bay ném bom từ căn cứ hải quân Anderson ở Guam bay vào khu vực ADIZ của Trung Quốc ở biển Hoa Đông khiến quân đội Trung Quốc phải điều máy bay lên theo dõi.

Theo SCSPI, Hoa Kỳ đã tăng gấp đôi số lần điều máy bay do thám vào gần Trung Quốc kể từ năm 2009 trở lại đây. Không quân Mỹ đã cho máy bay bay vào khu vực Biển Đông hơn 1.500 lần một năm, trong khi Hải quân Mỹ có 1.000 ngày kỷ lục ở khu vực này trong một năm.

********************

Bộ trưởng quốc phòng ASEAN kêu gọi tránh leo thang tranh chấp

Trọng Thành, RFI, 10/12/2020

Hội nghị các bộ trưởng quốc phòng khối ASEAN khai mạc hôm qua, 09/12/2020. Một tuyên bố chung, gồm 15 điểm, đã được thông qua tại hội nghị. Có ba điểm liên quan đến Biển Đông. Tuyên bố chung kêu gọi các bên "tự kiềm chế", "tránh leo thang tranh chấp" tại vùng biển này.

biendong3

Ảnh minh họa chụp tại Hà Nội ngày 12/11/2020. Reuters - Kham

Các bộ trưởng quốc phòng 10 quốc gia ASEAN họp hội nghị ADMM lần thứ 14 qua mạng trong bối cảnh đại dịch Covid. Việt Nam là nước chủ nhà. Điểm thứ ba trong Tuyên bố chung "tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn và tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông, cũng như đòi hỏi tự kiềm chế trong các hoạt động có thể làm phức tạp hơn tình hình hay làm leo thang tranh chấp, ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định".

Tuyên bố chung của các bộ trưởng quốc phòng ASEAN cũng nhắc lại là các tranh chấp phải được giải quyết một cách hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, bao gồm Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS). Các bộ trưởng ASEAN cũng nhấn mạnh đến việc "duy trì và thúc đẩy một môi trường thuận lợi cho việc sớm ký kết Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC), thực chất và hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế".

Hôm nay, các bộ trưởng ASEAN cũng họp qua mạng với các đồng nhiệm Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và cùng với bộ trưởng quốc phòng một số quốc gia khác trong khuôn khổ cơ chế ADMM+, với ASEAN là trụ cột. ADMM+ được coi là diễn đàn chính thức duy nhất của các bộ trưởng quốc phòng khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Hội nghị ADMM+ mở rộng diễn ra trong bối cảnh đối đầu Mỹ - Trung gia tăng.

Trọng Thành

**********************

Các căn cứ Trung Quốc ở Trường Sa không có giá trị về quân sự ?

Trọng Nghĩa, RFI, 09/12/2020

Trong bối cảnh các hành động quân sự hóa Biển Đông của Bắc Kinh tiếp tục gây quan ngại nơi các nước bên trong và bên ngoài khu vực, một tạp chí chuyên đề Trung Quốc mới đây đã có một phân tích bi quan khác thường về giá trị của các tiền đồn mà Bắc Kinh đã dày công xây dựng ở Trường Sa, không ngần ngại cho rằng về mặt quân sự, các căn cứ của Bắc Kinh ở Biển Đông hầu như không có giá trị.

biendong4

Ảnh chụp Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef,) từ máy bay dọ thám Mỹ P-8A Poseidon, ngày 21/05/2015.  Reuters

Theo đài truyền hình Mỹ CNN ngày 07/12/2020, và nhật báo Hồng Kông South China Morning Post trước đó một hôm, đó là một bài viết đăng trên nguyệt san Naval and Merchant Ships của Tập Đoàn Đóng Tàu Nhà Nước Trung Quốc CSSC, trụ sở ở Bắc Kinh. Tập đoàn này là một nhà cung cấp quan trọng cho Hải Quân Trung Quốc.

Nội dung bài viết trên tạp chí quân sự Trung Quốc đã đã được CNN nêu bật trong hàng tựa : "Bắc Kinh có thể đã xây dựng các căn cứ ở Biển Đông, nhưng điều đó không có nghĩa là họ có thể bảo vệ các cơ sở này". SCMP thì đi sâu hơn vào chi tiết, ghi nhận các căn cứ quân sự của Bắc Kinh ở Biển Đông "rất dễ bị tấn công" và "không đóng góp gì nhiều" trong trường hợp nổ ra xung đột.

"Những điểm yếu tự nhiên xét về khả năng tự vệ"

Theo CNN, Bắc Kinh đã bỏ ra nhiều năm để biến các đảo đá ở Biển Đông thành các căn cứ quân sự và sân bay, trên môt vùng biển rất xa Hoa Lục và các đảo lớn khác, trải rộng trên 3,3 triệu km vuông. Tuy nhiên, theo các tác giả trong bài phân tích trên tờ báo Trung Quốc, các căn cứ này "có lợi thế độc nhất vô nhị trong việc bảo vệ chủ quyền quốc gia và duy trì sự hiện diện quân sự ở vùng biển xa", nhưng lại có "những điểm yếu tự nhiên xét về khả năng tự vệ".

Theo nguyệt san Naval and Merchant Ships, về vị trí địa dư chẳng hạn, các tiền đồn trên đây cho phép Trung Quốc mở rộng quyền kiểm soát ra tận khu vực Trường Sa, nhưng các căn cứ này lại ở rất xa những nơi có thể tiếp ứng trong trường hợp nổ ra chiến tranh.

Một ví dụ được nêu bật là trường hợp Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef) ở Trường Sa, cách thành phố Tam Á trên đảo Hải Nam của Trung Quốc 1.000 km, và cách quần đảo Hoàng Sa, cũng do Bắc Kinh kiểm soát, đến 800 km. Với khoảng cách này, các chiến hạm tiếp ứng nhanh nhất của Trung Quốc sẽ phải mất hơn 20 tiếng mới tới được bãi đá.

Chính vì khoảng cách quá xa đó mà Trung Quốc khó có thể triển khai chiến đấu cơ của họ đến nơi một cách hiệu quả, vừa do vấn đề tiếp tế nhiên liệu trên không, vừa có thể dễ bị chiến hạm đối phương đánh chặn hoặc tấn công. Bắc Kinh hiện có hai tàu sân bay đang hoạt động, về lý thuyết có thể được triển khai tới Biển Đông, nhưng các con tàu này cũng cần phải ở gần khu vực vào thời điểm xảy ra bất kỳ sự cố nào.

"Mồi ngon cho đối phương"

Bài báo trên nguyệt san Trung Quốc còn nêu bật nguy cơ các tiền đồn này là mồi ngon cho tên lửa, máy bay và chiến hạm của đối phương khi nổ ra xung đột, do vị trí xa xôi của các căn cứ, khó nhận được sự yểm trợ từ đất liền.

Các tiền đồn Trung Quốc ở Trường Sa, theo bài báo, có thể là mục tiêu của cả hệ thống tên lửa tầm xa của Mỹ và Nhật Bản, hoặc lực lượng Hải Quân của hai nước này trong khu vực. Và ngay cả khi không bị trực tiếp tấn công, các căn cứ này sẽ dễ dàng bị phong tỏa, khiến cho các nguồn tiếp tế bị ngăn chặn.

Bài báo ghi nhận : "Các nơi trú ẩn trên đảo thiếu thảm thực vật, đất đá tự nhiên và các lớp phủ khác che chắn, lại không có độ cao cần thiết so mực nước biển, khiến cho nhân sự và tài nguyên không thể trụ lại lâu dài trong các công sự ngầm dưới đất". Chính vì lý do đó mà khả năng chống trả những cuộc tấn công "rất hạn chế".

Theo chuyên gia quốc phòng Malcolm Davis, thuộc Viện Chính Sách Chiến Lược Úc ASPI, còn có nhiều vấn đề khác khiến việc bảo vệ các hòn đảo trở nên đặc biệt khó khăn : "Điều kiện môi trường khắc nghiệt ở Biển Đông - nước mặn ăn mòn, thời tiết xấu - khiến cho gần như không thể triển khai bất cứ thứ gì trên các đảo để bảo vệ các căn cứ này".

Theo chuyên gia Davis, các loại chiến đấu cơ rất đắt tiền và tối tân sẽ gần như không hoạt động được "trong vòng một tuần, hoặc lâu hơn một chút, trên những hòn đảo này". Ngoài ra, cho dù một số căn cứ có thể hữu hiệu trong việc bắn trả, các nơi này sẽ là một trong những mục tiêu đầu tiên nếu xung đột xảy ra ở Biển Đông.

Đối với chuyên gia Davis, "những gì Trung Quốc đang cố gắng làm là thôn tính một vùng hàng hải quốc tế, kiểm soát và chiếm đoạt các vùng biển quốc tế, và để làm được điều đó, họ cần phải hiện diện thường xuyên trong khu vực". Các căn cứ của Bắc Kinh ở Biển Đông, theo chuyên gia Úc, đủ để cho phép Trung Quốc áp đặt các yêu sách lãnh thổ trước mắt, nhưng rõ ràng là "Bắc Kinh không có một bước đi thực tế nào trong dài hạn, vì họ không thể thực sự bảo vệ những căn cứ đó".

Mối e ngại Bắc Kinh trả đũa

Vấn đề mà CNN ghi nhận là Bắc Kinh có thể dựa trên thực tế rằng bất kỳ cuộc tấn công nào nhắm vào một căn cứ của họ ở Biển Đông – kể cả vào một tiền đồn bị coi là phi pháp theo luật quốc tế - sẽ bị xem là một hành động chiến tranh chống lại một cường quốc hạt nhân với nguồn lực quân sự to lớn.

Mối đe dọa bị Trung Quốc trả đũa có thể đủ để khiến cho không nước nào dám tấn công vào các tiền đồn của Trung Quốc trên Biển Đông.

CNN cũng đặc biệt ghi nhận rằng Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất có các căn cứ hiểm yếu ở xa đất liền có thể bị tiêu diệt bằng các cuộc tấn công phủ đầu. Đảo Guam của Mỹ hay đảo Okinawa của Nhật Bản, nơi có các căn cứ không quân lớn của Mỹ, đều nằm trong tầm tấn công tên lửa của Trung Quốc, điều mà Bắc Kinh đã nhắc nhở Washington trong quá khứ.

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên gần như toàn bộ Biển Đông, và kể từ năm 2014 đã xây dựng các bãi đá ngầm và bãi cát nhỏ thành các đảo nhân tạo kiên cố có tên lửa, phi đạo và hệ thống vũ khí.

Hoa Kỳ - xem các tuyên bố của Trung Quốc là bất hợp pháp - đã phản công bằng cách điều tàu chiến đến gần các đảo đá mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền hoặc chiếm đóng, trong những chiến dịch "bảo vệ tự do hàng hải". Washington và các đồng minh nói rằng các cuộc tuần tra như vậy chính là thực thi quyền đi lại tự do trong vùng biển quốc tế, trong khi Trung Quốc cho rằng đó là hành động vi phạm chủ quyền của họ.

Trọng Nghĩa

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Minh Anh, Trọng Thành, Trọng Nghĩa, RFA tiếng Việt
Read 647 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)