Miến Điện : Phong trào phản đối đảo chính hoan nghênh sự tham gia của các sắc tộc
Trọng Nghĩa, RFI, 05/04/2021
Hôm 05/04/2021, người biểu tình ở Miến Điện tiếp tục xuống đường đòi khôi phục chính phủ dân sự của bà Aung San Suu Kyi và kêu gọi phối hợp hành động nhiều hơn nữa trên toàn quốc, bất chấp đàn áp của chính quyền quân sự. Điểm nổi bật là lời kêu gọi những người biểu tình trên đường phố “vỗ tay” hoan nghênh quyết định của một số lực lượng võ trang sắc tộc tham gia phong trào chống đảo chính.
Theo hãng Reuters, các hình ảnh trên mạng xã hội cho thấy người biểu tình với biểu ngữ ủng hộ bà Suu Kyi và các tấm biển yêu cầu quốc tế can thiệp, đã tuần hành qua các đường phố của Mandalay, thành phố lớn thứ hai Miến Điện.
Người biểu tình kêu gọi toàn quốc phối hợp vào hôm nay để hoan nghênh các đội quân dân tộc thiểu số đã đứng về phía phong trào chống đảo chính, cũng như giới trẻ thành thị đang chiến đấu mỗi ngày với lực lượng an ninh trên đường phố, cố gắng che chắn hoặc giải cứu những người biểu tình bị thương.
Trên mạng Facebook, Ei Thinzar Maung, một lãnh đạo biểu tình đã viết: "Hãy vỗ tay trong năm phút vào ngày 5 tháng 4, 5 giờ chiều để vinh danh các Tổ Chức Vũ Trang Dân Tộc và những thanh niên Thế hệ Z tại Miến Điện, bao gồm cả Rangoon, những người đang thay mặt chúng ta chiến đấu cho cách mạng”.
Hôm qua, những người phản đối chế độ quân sự đã ghi những thông điệp phản đối vào biểu tượng quả trứng Phục sinh như: “Chúng ta phải chiến thắng” hay “Thoát khỏi MAH” - ám chỉ tướng lãnh đạo quân đội Min Aung Hlaing.
Đã có ít nhất 557 người thiệt mạng kể từ khi nổ ra cuộc đảo chính vào ngày 01/02, chỉ vài giờ trước khi Quốc Hội mới được triệu tập, để ngăn đảng của bà Suu Kyi bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai.
Trong một bài phát biểu trước các binh sĩ được đăng tải trên các phương tiện truyền thông Nhà nước hôm qua, tướng Min Aung Hlaing cho biết các lực lượng an ninh đang "hết sức kiềm chế" trước những kẻ bạo loạn có vũ trang đang gây ra bạo lực và tình trạng vô chính phủ.
Canberra : Chính quyền Miến Điện đã thả hai người Úc
Hai công dân Úc bị giam giữ tại Miến Điện từ cuối tháng Ba đã được trả tự do và rời khỏi Rangoon, bộ Ngoại Giao Úc cho biết như trên vào hôm nay, 05/04. Các cố vấn kinh doanh Matthew O'Kane và Christa Avery, người mang hai quốc tịch Canada-Úc, đã bị quản thúc tại gia khi họ muốn rời khỏi Miến Điện vào cuối tháng Ba.
Một người Úc thứ 3, Sean Turnell, nhà kinh tế học và giáo sư đại học, cố vấn cho bà Aung San Suu Kyi, bị bắt một tuần sau cuộc đảo chính, vẫn bị giam giữ. Sean Turnell là công dân nước ngoài đầu tiên bị bắt sau cuộc đảo chính ngày 01/02. Ông đang bị điều tra về những tội liên quan đến nhập cư và bí mật Nhà nước.
Canberra đã đình chỉ hợp tác quân sự với Naypyidaw và khuyên công dân Úc rời khỏi Miến Điện.
Trọng Nghĩa
*************************
Miến Điện : Người dân biểu tình chống tập đoàn quân sự với trứng Phục Sinh
Minh Anh, RFI, 04/04/2021
Treo trứng luộc có trang trí trước cửa nhà nhân ngày lễ Phục Sinh, cầm cờ chạy xe gắn máy, là những cách thức mà người dân Miến Điện tiến hành biểu tình hôm 04/04/2021, chống quân đội đảo chính, bất chấp cuộc trấn áp đẫm máu hôm qua làm bốn người chết.
Theo AFP, các hình ảnh loan truyền trên mạng xã hội Facebook cho thấy những quả trứng luộc được để trong những chiếc rổ có vẽ hình nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi và ba ngón tay giương cao – biểu tượng của phong trào phản kháng được treo hay để trước cửa nhà. Nhiều khẩu hiệu khác cũng được nhắc đến : "Hãy cứu lấy dân tộc chúng tôi" và "Chúng tôi cần dân chủ".
Tâm sự cùng AFP, một người trang trí trứng cho biết là dù theo đạo Phật nhưng anh vẫn tham gia chiến dịch này bởi vì rất dễ có được trứng. Một nhóm xúc tiến biểu tình bằng quả trứng trên Facebook kêu gọi người tham gia tôn trọng những truyền thống của người Công giáo.
Trong khi đó, các cuộc trấn áp vẫn tiếp diễn. Cảnh sát phát lệnh truy nã 40 thành viên ban lãnh đạo của đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ. Một số người dân bị bắt chỉ vì nói chuyện với phóng viên nước ngoài. Đất nước có nguy cơ rơi vào nội chiến khi 10 nhóm nổi dậy lớn nhất có vũ trang, trong tổng số 20 nhóm, hôm qua, 03/04/2021 cho biết sẽ "xem xét lại thỏa thuận ngừng bắn ký kết với quân đội năm 2015".
Total ở lại và chi tiền cho NGO
Trong bối cảnh này, bất chấp các trấn áp đã làm cho 557 người chết và nguy cơ nội chiến lan rộng, hãng khai thác dầu khí Total của Pháp thông báo vẫn sẽ ở lại Miến Điện. Ông Patrick Pouyanné, tổng giám đốc của Total, khi trả lời tờ Journal du Dimanche giải thích "thế khó xử" của hãng như sau :
"Chúng tôi đã quyết định ngưng các dự án và các hoạt động thăm dò ở Miến Điện, nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục sản xuất khí đốt. Không phải để duy trì lợi nhuận hay tiếp tục nộp phí hay đóng thuế cho tập đoàn quân sự. Mà là để bảo đảm an ninh cho nhân sự, nhân viên và các lãnh đạo của chúng tôi, tránh cho họ cảnh tù tội hay cưỡng bức lao động, và nhất là tránh làm nghiêm trọng thêm điều kiện sống của người dân khi cắt nguồn điện của hàng triệu người sử dụng".
Vị tổng giám đốc này còn cam kết "bởi vì tôi không thể quyết định ngưng sản xuất, hôm nay, tôi quyết định hỗ trợ tài chính cho các hiệp hội hoạt động vì nhân quyền tại Miến Điện với số tiền tương đương bằng khoản phí mà chúng tôi sẽ phải nộp cho chính phủ Miến Điện" sắp tới đây.
Hãng Total của Pháp hiện diện ở Miến Điện từ năm 1992. Nhiều tổ chức phi chính phủ hối thúc hãng này "ngưng tài trợ cho tập đoàn quân sự". Theo các tài liệu tài chính do tập đoàn đa quốc gia này công bố, Total đã chi trả khoảng 230 triệu đô la cho chính phủ Miến Điện năm 2019, rồi 176 triệu trong năm 2020 dưới hình thức nộp phí "quyền khai thác".
Quân đội Miến Điện kiểm soát tập đoàn dầu khí quốc gia Myanmar Oil and Gas Enterprise (MOGE), vốn có nhiều thỏa thuận đối tác với Total.
Minh Anh
********************
Miến Điện : Hơn 12.000 người chạy lánh nạn do các cuộc oanh tạc của quân đội
Thanh Phương, RFI, 03/04/2021
Hơn 12.000 người đã phải chạy lánh nạn do quân đội Miến Điện mở các cuộc oanh tạc trong những ngày qua, theo thông báo của một lực lượng vũ trang sắc tộc thiểu số hôm nay, 03/04/2021.
Trong bản thông cáo, Liên minh Dân tộc Karen KNU, một trong những lực lượng vũ trang lớn nhất ở Miến Điện, tố cáo là các vụ oanh tạc của quân đội đã "khiến nhiều người thiệt mạng, trong đó có trẻ em và học sinh, đồng thời phá hủy nhiều trường học và làng mạc".
Đáp lại các vụ đàn áp đẩm máu của lực lượng an ninh Miến Điện nhắm vào những người biểu tình chống đảo chính, lực lượng KNU vào tuần trước đã đánh chiếm một căn cứ quân sự tại bang Karen ở miền đông nam Miến Điện. Quân đội đã phản công bằng các cuộc oanh tạc trong thời gian từ 27 đến 30/03, nhắm vào những cứ địa của lực lượng KNU. Đây là lần đầu tiên từ khoảng 20 năm qua có những vụ oanh kích như vậy trong vùng này. Thông cáo của KNU kêu gọi tất cả các sắc tộc thiểu số trong nước "có những hành động mạnh mẽ và trừng trị những kẻ có trách nhiệm".
Trong những năm gần đây, quân đội Miến Điện đã ký các hiệp định ngừng bắn với một số lực lượng sắc tộc thiểu số nổi dậy để đòi quyền tự trị. Nhưng kể từ sau cuộc đảo chính lật đổ chính phủ dân sự của bà Aung San Suu Kyi ngày 01/02, nhiều lực lượng sắc tộc thiểu số đã ủng hộ những người biểu tình chống đảo chính và dọa sẽ khởi động lại đấu tranh vũ trang chống tập đoàn quân sự đang dìm trong biển máu phong trào phản kháng.
Theo hãng tin AFP, 10 trong số các lực lượng phiến quân chính ở Miến Điện vừa tuyên bố sẽ "xét lại" hiệp định ngưng bắn ký với quân đội vào năm 2015, vì họ phẫn nộ trước việc chính quyền đàn áp đẩm máu thường dân.
Theo hãng tin Reuters, trích dẫn báo chí Miến Điện và một nhân chứng, hôm nay, lực lượng an ninh Miến Điện lại nổ súng vào những người biểu tình đòi dân chủ, sát hại 5 người.
Theo Hiệp hội trợ giúp tù chính trị AAPP, trong hai tháng qua đã có ít nhất 550 thường dân thiệt mạng do trúng đạn của lực lượng an ninh Miến Điện. Số tử vong chắc còn cao hơn thế, bởi vì có hơn 2.700 người đã bị bắt, bị giam giữ ở những nơi bí mật, gia đình và luật sư không được vào thăm. Nhiều người được xem là mất tích.
Trong một tuyên bố được nhất trí thông qua hôm thứ Năm vừa qua, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã "bày tỏ mối quan ngại sâu sắc trước sự xấu đi nhanh chóng của tình hình Miến Điện", và "cực lực" lên án các hành động bạo lực. Nhưng cho tới nay, Trung Quốc và Nga, 2 trong số 5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an, vẫn chống lại việc Liên Hiệp Quốc ban hành các trừng phạt đối với tập đoàn quân sự Miến Điện. Chỉ có Hoa Kỳ và Anh Quốc đã ban hành các trừng phạt riêng.
Trong khi đó, Ấn Độ đã tỏ thái độ cứng rắn hơn với tập đoàn quân sự Miến Điện, với lời lên án mạnh mẽ nhất từ trước đến nay về những vụ đàn áp đẩm máu. New Delhi đồng thời kêu gọi tái lập dân chủ và chấm dứt các vụ bạo lực ở Miến Điện.
Thanh Phương
**********************
Miến Điện : Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc tố cáo tập đoàn quân sự đàn áp làm hàng trăm người thiệt mạng
Thanh Hà, RFI, 02/04/2021
Hai tháng sau cuộc đảo chính làm hơn 500 người thiệt mạng, ngày 01/04/2021, cựu cố vấn nhà nước Miến Điện, bà Aung San Suu Kyi bị ghép thêm tôi danh thứ 5. Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc lên án tập đoàn quân sự Miến Điện trấn áp dã man người biểu tình.
Tại New York, sau hai ngày đàm phán, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc chiều qua, 01/04, đã ra thông cáo "bày tỏ quan ngại sâu sắc trước tình hình đang xấu đi tại Miến Điện (…) mạnh mẽ lên án bạo lực nhắm vào những người biểu tình ôn hòa, làm hàng trăm thường dân thiệt mạng, trong đó có phụ nữ và trẻ em". Riêng Anh Quốc, ngay trong ngày hôm qua, đã thông báo biện pháp trừng phạt kinh tế nhắm vào một tập đoàn do quân đội Miến Điện kiểm soát.
Các nước láng giềng Miến Điện, trước mắt, chưa ban hành lệnh cấm vận, trừng phạt quân đội tiến hành đảo chính. Tuy nhiên Thái Lan tuyên bố "quan ngại sâu sắc" về tình hình Miến Điện. Philippines, Malaysia, Indonesia hay Singapore cũng lên tiếng trước tình trạng "bạo lực leo thang" ở Miến Điện.
Còn tại Miến Điện, đêm qua, phe chống đảo chính đã tổ chức một đêm canh thức, thắp nến tưởng niệm các nạn nhân và kêu gọi tiếp tục đấu tranh, bãi công kháng cự. Nhiều người đặt hoa tại các trạm xe buýt nơi những người biểu tình bị quân đội sát hại.
Từ hôm qua, bộ Giao thông và Thông tin ra lệnh cho các nhà cung cấp mạng chận các ngả truy cập internet kể từ hôm nay 02/04/2020. Mục tiêu của chính quyền Naypyidaw là ngăn chận các cuộc xuống đường, không để cho người biểu tình liên lạc với nhau qua các mạng xã hội.
Cũng trong ngày hôm qua, luật sư của bà Aung San Suu Kyi cho biết bà đã ra trình diện tòa qua cầu truyền hình. Phiên tòa chủ yếu tập trung vào việc chỉ định 8 luật sư chính bảo vệ cho cựu cố vấn Nhà nước Miến Điện.
Trong phiên trình diện tòa, lãnh đạo Liên Đoàn Quốc Gia vì Dân Chủ, đã bị cáo buộc thêm một tội danh mới. Trả lời hãng tin Reuters, luật sự Min Min Soe cho biết, căn cứ vào một đạo luật có từ thời Miến Điện còn là thuộc địa của vương Quốc Ạnh, quân đội nước này cáo buộc bà Aung San Suu Kyi "vi phạm luật bí mật quốc gia". Đây là tội danh thứ 5 và cũng là tội danh nghiêm trọng nhất, mà tập đoàn quân sự gán cho bà Aung San Suu Kyi. Với tội danh này, bà Aung San Suu Kyi có thể bị lãnh án đến 14 năm tù giam.
Nguy cơ nội chiến
Cho dù bị đàn áp dã man, phe chống đảo chính vẫn rất quyết tâm tiếp tục cuộc đấu trang, như lời một sinh viên Sau Lu Naung tại đại học Rangoon đã trả lời nhà báo Camille Marigaux của RFI :
"Chúng tôi yêu cầu người biểu tình trang bị mũ an toàn, kính để bảo vệ và găng tay. Bởi vi trước mặt chúng tôi là những người được trang bị súng ống. Người biểu tình khó có thể đáp trả nhưng chúng tôi có thể cản đường họ. Chúng tôi cũng có vũ khí như là gạch đá, chai bom xăng hay súng cao su. Bạo lực gia tăng từng ngày, đến mức có nhiều người biểu tình đã bị bắt, một số bị giết chết. Dân cư ở những bang khác cũng biểu tình và cũng bị binh lính đàn áp. Quân đội sẽ không buông tha. Quân đội có súng và do vậy họ không sợ gì ai, kể cả lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc hay bất kỳ một quốc gia nào. Giải pháp duy nhất để giành thắng lợi và tiến hành thành công cuộc cách mạng này là chúng tôi cũng phải tấn công. Chính vì thế chúng tôi lo ngại và e rằng sẽ có nội chiến".
Thanh Hà