Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

05/04/2021

Điểm báo Pháp - Miến Điện đơn côi và bóng ma nội chiến

RFI tiếng Việt

Miến Điện đơn côi và bóng ma nội chiến

Ban đầu giới trẻ Miến Điện tin rằng cộng đồng quốc tế sẽ ra tay giúp đỡ họ. "Hãy cứu chúng tôi", đó là dòng chữ bằng tiếng Anh trên áo thun của những người biểu tình. Hai tháng sau với 550 cái chết, những người đấu tranh dân chủ hiểu rằng họ phải đơn thương độc mã.

miendien1

Người biểu tình Miến Điện dùng ná để chống lại cảnh sát tại Thaketa, Rangoon ngày 28/03/2021.  AP

Hôm nay nước Pháp nghỉ lễ Phục Sinh, chỉ có duy nhất tờ Le Figaro vẫn ra mắt bạn đọc, bên cạnh đó là Le Monde xuất bản từ cuối tuần qua.

Trang nhất Le Monde đặt vấn đề những cam kết của chính phủ Pháp về lịch trình đối phó với Covid, từ tiêm chủng cho đến mở cửa từng phần các quán cà phê, địa điểm văn hóa liệu có giữ được hay không.Le Figaro nhìn sang một điểm nóng hiện nay ở Châu Á, chạy tựa "Miến Điện đối mặt với bóng ma nội chiến".

"Chính phủ đoàn kết quốc gia" tuyên bố hủy bỏ Hiến pháp

Le Figaro cho biết tại Miến Điện, đối lập đang tổ chức lại để đối phó với tập đoàn quân sự, thành lập ra "chính phủ đoàn kết quốc gia".

Trên những đường phố bụi bặm của Rangoon, những phát súng tiếp tục bắn hù họa vào người dân, vào tất cả những gì động đậy – theo mô tả của các nhân chứng. Từ vài ngày qua, những cuộc biểu tình càng ít dần theo với số người ngã xuống. Đã có khoảng 550 thường dân trong đó có 44 trẻ vị thành niên thiệt mạng.

Trước sự đàn áp này, những người ủng hộ bất tuân dân sự bắt đầu thay đổi. CRPH (Committee Representing Pyidaungsu Hluttaw) hay "Ủy ban đại diện Pyidaungsu Hluttaw", tức Quốc hội đã bị giải thể, loan báo thành lập một "chính phủ đoàn kết quốc gia" và hủy bỏ một cách tượng trưng Hiến pháp 2008 nhằm chia sẻ quyền lực giữa quân đội và chính quyền dân sự. CRPH bao gồm nhóm dân biểu đang lẩn trốn, đa số thuộc Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD-National League for Democracy) của bà Aung San Suu Kyi, nắm lại ngọn cờ dân chủ, tự coi là tổ chức chính danh.

Loan báo này là một bước mới, sau khi thành lập một chính phủ lâm thời vào tháng Ba, và đề cử phó chủ tịch CRPH Mahn Win Khaing Than làm khuôn mặt lãnh đạo phong trào bất tuân dân sự. Những chữ viết tắt tên ủy ban trên các biểu ngữ từ nhiều tuần qua đã trở thành khẩu hiệu tập hợp của phong trào gồm nhiều thế hệ, từ sinh viên, công chức, nhân viên lãnh vực tư nhân đến một số nhà sư. Những nhà ngoại giao ly khai với quân đội như cựu đại sứ Miến Điện tại Liên Hiệp Quốc coi CRPH là chính quyền hợp pháp.

Quân đội đánh giá thấp khả năng kháng cự của dân chúng

Các tướng lãnh phải đối mặt với sự phản kháng của nhiều tầng lớp xã hội mong muốn tự do và phát triển, lo sợ phải sống lại thời kỳ u ám của một đất nước bị cô lập gần nửa thế kỷ.

 Nhà nghiên cứu Chong Ja Ian của trường Đại học quốc gia Singapore (NUS-National University of Singapore) nhận định : "Quân đội đã đánh giá thấp sức kháng cự của phong trào dân chủ Miến Điện vốn được dân chúng ủng hộ mạnh mẽ hơn so với Hồng Kông và Thái Lan". Dù sử dụng vũ lực, tướng Min Aung Hlaing vẫn khó áp đặt được tình trạng khẩn cấp cho quốc gia 54 triệu dân. Quân đội lao vào một cuộc chiến tranh hao mòn, trông đợi đám đông biểu tình kiệt sức, kinh tế có nguy cơ tê liệt.

Khi tuyên bố hủy bỏ Hiến pháp 2008, trong đó dành ba bộ quan trọng và 25% ghế dân biểu cho quân đội mà chính bà Aung San Suu Kyi đã chấp nhận, CRPH đã tuyên chiến với Tatmadaw và không còn đường lui, ông Khaing Than kêu gọi dân chúng "nổi dậy". Việc các thành viên NLD trở nên cứng rắn lại càng làm giảm thêm cơ hội thỏa hiệp về chính trị.

CRPH kêu gọi các sắc tộc thiểu số cùng thành lập một "Nhà nước liên bang". Đây là bước ngoặt đối với một phong trào xuất thân từ sắc tộc Bamar vốn chiếm đa số của bà Suu Kyi, từng làm ngơ khi Tatmadaw thanh lọc chủng tộc đối với người Rohingya. Một thách thức khó thể vượt qua, sau nhiều thập niên nghi kỵ. Việc CRPH dấn lên là dấu hiệu khởi đầu cho thời kỳ hậu Suu Kyi, đẩy lên hàng đầu một thế hệ đấu tranh chính trị mới. Những khuôn mặt tuổi hai mươi xuất hiện đông đảo trong các cuộc biểu tình, một thế hệ Z thành thạo internet làm trẻ hóa phong trào, thay chân lớp tù nhân chính trị cũ.

Các nhóm sắc tộc có thể làm thay đổi tương quan lực lượng

Điểm đáng chú ý là các nhóm sắc tộc lần lượt ủng hộ phong trào đòi dân chủ. Miến Điện có đến 135 sắc tộc thiểu số, chiếm 30% dân số, chủ yếu sống dọc theo biên giới, nhiều nhóm xung đột vũ trang với quân đội từ 1948 đến nay để đòi quyền tự trị.

Nhóm Liên minh Quốc gia Karen (KNU) hôm 27/03 đã tấn công một căn cứ của Tatmadaw, Quân đội Độc lập Kachin (KIA), Hội đồng Tái lập Nhà nước Shan (RCSS), Liên minh Hữu nghị… tuyên bố ủng hộ phong trào biểu tình. Hôm thứ Bảy 03/04, mười nhóm nổi dậy loan báo sẽ "xem xét lại" thỏa thuận ngưng bắn ký năm 2015 với quân đội, tạo khả năng khai sinh một phong trào nổi dậy phối hợp giữa các sắc tộc.

Nhà nghiên cứu David Brenner, trường Đại học Sussex, cho rằng "Sự xuất hiện một mặt trận thống nhất giữa nhiều nhóm vũ trang có thể làm thay đổi hoàn toàn tương quan lực lượng. Bị buộc phải phản ứng trên nhiều mặt trận cả đô thị lẫn nông thôn, có thể sẽ khiến Tatmadaw bị quá tải dù có đến 400.000 quân nhân".

Tuy nhiên sự đoàn kết này khó thể xảy ra vì yêu sách của mỗi nhóm một khác. Theo tiến sĩ Hunter Marston, đại học quốc gia Úc, tập đoàn quân sự và CRPH đang cạnh tranh về tính chính danh, và CRPH nhanh chóng hiểu rằng sự tham gia của các nhóm sắc tộc là quan trọng trong cuộc khủng hoảng.

Dù đoàn kết hay không, các nhóm vũ trang đã đóng vai trò lớn trong phong trào bất tuân dân sự. Chẳng hạn Quân đội Độc lập Kachin đã tiếp đón nhiều thanh niên thành thị để huấn luyện quân sự cấp tốc cho họ, một số nhóm khác làm hậu cứ cho các cựu dân biểu. Đó là một trong những lợi ích trước mắt cho phong trào dân chủ : họ có được nơi ẩn trú xa khỏi thành phố để tiếp tục đấu tranh.

Miến Điện đơn côi với nguy cơ nội chiến lâu dài

Trong bài xã luận mang tên "Đơn độc", Le Figaro bùi ngùi ghi nhận, ban đầu giới trẻ Miến Điện tin rằng cộng đồng quốc tế sẽ ra tay giúp đỡ họ. "Hãy cứu chúng tôi", đó là dòng chữ bằng tiếng Anh trên áo thun của những người biểu tình phản đối vụ đảo chính ngày 01/02. Hai tháng sau với 550 cái chết, những người đấu tranh dân chủ ở đất nước có hàng ngàn ngôi chùa hiểu rằng họ phải đơn thương độc mã.

Phương Tây lớn tiếng đả kích việc thảm sát thường dân, những người lính nhắm bắn vào đám đông như bắn chim bồ câu. Những biện pháp trừng phạt nhẹ nhàng được Hoa Kỳ và Châu Âu đưa ra, nhưng những tập đoàn lớn như Total vẫn hiện diện. Đây không phải là thời kỳ cho các đạo quân viễn chinh với mục đích nhân đạo : sẽ không ai giải phóng người Miến Điện ra khỏi ách độc tài.

Ý thức được thực tế này, ôn hòa đang chuyển thành đối đầu. Trong khi những loạt đạn thật tiếp tục đẩy lùi những cuộc tuần hành, một chính phủ trong bóng tối đòi hủy bỏ Hiến pháp, tập hợp 135 sắc tộc. Vừa cung cấp bộ khung cho nổi dậy lại vừa cho người biểu tình bị quân đội truy lùng trú ẩn, các nhóm vũ trang gây nguy cơ "nội chiến" mà Liên Hiệp Quốc đã cảnh báo. Họ tạo cơ sở cho một cuộc kháng chiến lâu dài trong đó các tướng lãnh, ngỡ rằng có thể thống trị vĩnh viễn xã hội, không chắc sẽ chiến thắng.

Chính ở đây các cường quốc bên ngoài có thể dính líu. Đang làm ăn với tập đoàn quân sự, Trung Quốc không thể để xảy ra một cuộc cách mạng, dân chủ đạt được vầng hào quang ngay sát biên giới của mình, còn Hoa Kỳ có chọn lựa ngược lại. Bị mắc kẹt trong cuộc chiến tranh lạnh mới Mỹ-Trung, Miến Điện có nguy cơ rơi vào một đường hầm dài dằng dặc của đấu tranh và đau khổ.

Bóng dáng Trung Quốc bao trùm lên bầu cử Greenland

Cũng liên quan đến Châu Á, Le Mondeđề cập đến "Cái bóng của Trung Quốc bao trùm lên cuộc bầu cử ở Greenland", đảo quốc tự trị thuộc vương quốc Đan Mạch, trong đó việc khai thác đất hiếm gây tranh cãi.

Thường thì các vấn đề xã hội luôn đóng vai trò chính, nhưng cuộc bầu cử lần này hoàn toàn khác. Tâm điểm là một dự án khai thác mỏ đất hiếm và uranium chỉ cách thành phố nhỏ bé Narsaq ở cực nam có vài cây số. Trong cuộc tranh luận truyền hình hôm 30/03, câu hỏi đầu tiên đặt ra cho các ứng cử viên là liệu con số 500 kg uranium được khai thác mỗi năm từ mỏ Kvanefjed có thể chấp nhận được hay không.

Đây là số lượng mà công ty Greenland Minerals - trong đó cổ đông chính là công ty quốc doanh Trung Quốc Shenghe Resources Holding - đòi hỏi. Nhiều người dân địa phương chống lại dự án này vì nguy hiểm cho sức khỏe và môi trường, trong khi Narsaq là vùng nông nghiệp duy nhất của Greenland.

"Nhà báo Pháp" bí ẩn bênh vực Bắc Kinh

Tại Pháp, Le Figaronói về "nhà báo Laurène Beaumond" bí ẩn chuyên bênh vực Trung Quốc. Trước khi bị Le Monde và Libération phanh phui trong số cuối tuần là không có nhà báo Pháp nào mang tên này, trên mạng đã xầm xì, trước sau gì Bắc Kinh cũng sẽ đưa ra một nhân vật để biện minh. Quả thật "Laurène Beaumond" hôm nay "xuất hiện" trên Le Figarovới điều kiện ẩn danh, nói rằng phải lấy bút danh vì "lo ngại cho an nguy của mình cũng như gia đình", và từ nay sẽ không dùng đến nữa.

Người phụ nữ này cho biết từng là người dẫn chương trình tiếng Pháp trên đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV ở Bắc Kinh, khẳng định từng "thực tập" tại nhiều tờ báo Pháp, nhưng lại từ chối cho biết tên các phương tiện truyền thông này. "Laurène Beaumond" nói rằng bài viết mô tả một Tân Cương tuyệt vời, không có trại cải tạo nào, được dựa trên "sáu, bảy chuyến du lịch" từ 2011 đến 2016. Trong khi chính sách tống người Duy Ngô Nhĩ vào trại tập trung của Tập Cận Bình chỉ khởi động mạnh vào năm 2017.

Nếu nhà nghiên cứu Đức Adrian Zenz và chuyên gia Pháp Antoine Bondaz bị ngoại giao Trung Quốc trực tiếp tấn công, đe dọa thì Vương Nghị ca ngợi Maxime Vivas, được giới thiệu là "nhà văn Pháp nổi tiếng". Thật ra Vivas, người đã viết cuốn sách cho rằng các báo cáo về Tân Cương là "fake news", là một người về hưu ở Toulouse. Ông chủ trương trang web Le Grand Soirđậm màu mác-xít lênin-nít, và trở thành cái khiên cho Bắc Kinh để đối phó với cáo buộc diệt chủng.

Theo Le Figaro, lại thêm những ví dụ cho chiến lược gây ảnh hưởng của Đảng cộng sản Trung Quốc, nhằm mở rộng cuộc chiến tuyên truyền trên toàn cầu, dựa vào những "nhân chứng" từ phương Tây đội lốt "nhà báo chuyên nghiệp" hay "nhà nghiên cứu nổi tiếng", để phản bác lại những lời lên án của quốc tế về đàn áp người Duy Ngô Nhĩ.

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 549 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)