Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

10/04/2021

Bắc Kinh khóa tay Alibaba, nàn tay sắt tại Tân Cương gây lo ngại

RFI tiếng Việt

Trung Quốc phạt nặng Alibaba vì tội lạm dụng thế độc quyền

Thanh Hà, RFI, 10/04/2021

Trung Quốc giáng một đòn đau vào tập đoàn Alibaba của nhà tỷ phú Mã Vân/Jack Ma. Báo chí Bắc Kinh ngày 10/04/2021 tiết lộ 18,2 tỷ nhân dân tệ- tức khoảng 2,8 tỷ đô la Mỹ, là khoản nộp phạt mà tập đoàn mua bán trên mạng Alibaba sẽ phải đóng cho nhà nước. Alibaba bị cáo buộc lạm dụng thế độc quyền, bắt chẹt các nhà cung cấp muốn bán hàng trên mạng giao dịch này.

ali1

Tập đoàn Alibaba của Trung Quốc. Ảnh tháng 11/2020, nhân Hội Nghị Thế Giới Internet (WIC) ở Chiết Giang, Trung Quốc.  Reuters - ALY SONG

Thông tín viên Liu Zifan của đài RFI từ Bắc Kinh nhắc lại từ cuối năm 2020, chủ nhân Alibaba, Jack Ma đã bị thất sủng. 

"Khoản tiền phạt tương đương với 4% doanh thu của tập đoàn này trong năm 2019. Đây là một vố đau mới đối với Alibaba vốn đã trong vòng điều tra từ tháng 10 năm ngoái.

Tập đoàn có trụ sở tại Hàng Châu, miền nam Trung Quốc này, từ nhiều tuần qua rơi vào tầm ngắm của các giới chức Trung Quốc sau những tuyên bố hồi tháng 10/2020 của chủ nhân Alibaba. Từng được xưng tụng đôi khi quá đáng, Jack Ma đã cả gan chỉ trích guồng máy kiểm soát tài chính của Trung Quốc và chính cơ quan này đã ban hành lệnh phat nặng nhắm vào tập đoàn Alibaba.

Gần như cùng lúc, Bắc Kinh đã chận chi nhánh tài chính của Alibaba là Ant Group tham gia sàn chứng khoán. Nhẽ ra đây phải là thương vụ tài chính quan trọng nhất trong lịch sử tài chính Trung Quốc.

Một cách tổng quát hơn toàn bộ lĩnh vực internet đang bị theo dõi. Theo quan điểm của đảng Cộng Sản Trung Quốc, ảnh hưởng của lĩnh vực này đã quá lớn. Bắc Kinh muốn là các đại công ty trong lĩnh vực công nghệ cao phải quay trở lại và tập trung phát triển chuyên môn chính của những công ty này".

Thanh Hà

*********************

Tân Cương : Hai quan chức Duy Ngô Nhĩ bị kết án tử hình

Thanh Phương, RFI, 07/04/2021

Hai quan chức cao cấp người Duy Ngô Nhĩ tại vùng tự trị Tân Cương đã bị kết án tử hình vì có "những hoạt động ly khai", theo thông báo của chính quyền địa phương tối qua, 06/04/2021. Bản án được đưa ra vào lúc Bắc Kinh bị quốc tế lên án ngày càng nặng nề về việc đàn áp thiểu số theo Hồi Giáo tại vùng này.

ali2

Cảnh sát đi tuần tra tại thành phố Kashgar, vùng tự trị Tân Cương, phía tây bắc Trung Quốc, ngày 04/11/2017.  AP - Ng Han Guan

Từ Bắc Kinh, thông tín viên Stéphane Lagarde tường trình :

" Đó là những quan chức có liên hệ đến hai ngành nhạy cảm là Tư Pháp và Giáo Dục bị đưa ra xử trước tòa án nhân dân cấp cao Tân Cương. Shirzat Bawudun, cựu lãnh đạo Sở Tư pháp Tân Cương, bị tuyên án tử hình với 2 năm được hưởng án treo, vì bị cáo buộc đã có âm mưu với Phong trào Hồi Giáo Đông Turkestan (tên mà những người Duy Ngô Nhĩ lưu vong đòi độc lập gọi vùng Tân Cương), cũng như đã nhận hối lộ và đã có những hoạt động ly khai, theo lời phó chánh án của tòa.

Theo Tân Hoa Xã, vị phó chánh án này còn cáo buộc Shirzat Bawudun đã cung cấp "các thông tin cho các thế lực ngoại bang" và đã tiến hành "những hoạt động tôn giáo trái phép" khi làm đám cưới cho con gái.

Tham nhũng, ly khai cũng là những cáo buộc nhắm vào Sattar Sawut. Cựu giám đốc sở Giáo Dục Tân Cương cũng đã lãnh án tử hình với hai năm hưởng án treo, vì đã cho phép đưa vào các sách giáo khoa bằng tiếng Duy Ngô Nhĩ những nội dung bị xem là cổ vũ cho xu hướng ly khai sắc tộc, khủng bố và cực đoan Hồi Giáo. Theo tòa, chính những sách giáo khoa này đã kích động các vụ bạo loạn ở Urumqi, thủ phủ vùng Tân Cương, năm 2009.

Hôm nay, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã đề cập đến việc phát hành một phim tài liệu thứ tư do đài truyền hình nhà nước thực hiện nói về việc chống khủng bố ở vùng tự trị Tân Cương.

Tại Trung Quốc, các án tử hình treo thường được giảm xuống thành án tù chung thân".

Trong khi đó tại Ý, đang có tranh cãi về việc có nên xem là Trung Quốc đang phạm tội "diệt chủng" đối với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương hay không, làm gia tăng áp lực lên chính phủ liên minh của thủ tướng Mario Draghi, vốn vẫn chống lại việc này. Hôm nay, ủy ban các vấn đề quốc tế của Quốc hội Ý sẽ biểu quyết về nghị quyết lên án những vi phạm nhân quyền ở Tân Cương và gọi đó là hành động "diệt chủng".

Còn Thổ Nhĩ Kỳ hôm qua đã triệu đại sứ Trung Quốc tại Ankara lên sau khi trên mạng Twitter sứ quán Trung Quốc đả kích hai quan chức Thổ Nhĩ Kỳ đã chỉ trích việc Bắc Kinh đàn áp người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.

Mỹ sẽ bàn với các đồng minh về tẩy chay TVH Bắc Kinh

Hôm qua, 07/04, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo là Washington sẽ thảo luận với các nước đồng minh về khả năng tẩy chay Thế Vận Hội Mùa Đông Bắc Kinh 2022. Tuy nhiên, ông Ned Price không nói rõ lập trường của Hoa Kỳ về vấn đề này. Chính quyền tổng thống Biden vẫn không loại trừ khả năng tẩy chay Thế Vận Hội Bắc Kinh, nhưng chưa đưa ra định hướng dứt khoát.

Nhiều tổ chức nhân quyền và chính khách Cộng Hòa gần đây đã liên tục kêu gọi Mỹ tẩy chay sự kiện thể thao này, để phản đối việc Trung Quốc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.

Về phần mình, Bắc Kinh vẫn lên án những lời kêu gọi tẩy chay Thế Vận Hội, cũng như bác bỏ cáo buộc diệt chủng đối với người Duy Ngô Nhĩ.

Thanh Phương

************************

Ngoại trưởng Nhật "quan ngại sâu sắc" về tình hình nhân quyền ở Tân Cương

Trọng Thành, RFI, 06/04/2021

Tối ngày 05/04/2021, trong một cuộc điện đàm, ngoại trưởng Nhật Bản đã bày tỏ "quan ngại sâu sắc" với đồng nhiệm Trung Quốc về tình hình vi phạm nhân quyền ở Tân Cương. Đây cũng là một chủ đề chính được dự kiến trong cuộc gặp giữa thủ tướng Nhật và tổng thống Mỹ ngày 16/04 tới.

ali3

An ninh Trung Quốc đứng gác trước cổng một " trung tâm dạy nghề", trên thực tế là trại tập trung người Duy Ngô Nhĩ ở vùng Tân Cương. Ảnh chụp ngày 03/09/2018.  Reuters - Thomas Peter

Theo hãng tin Nhật Kyodo News, trong cuộc điện đàm 90 phút hôm qua, ngoại trưởng Toshimitsu Motegi đã kêu gọi Trung Quốc "giải quyết các vấn đề nhân quyền liên quan đến thiểu số người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi ở Tân Cương, miền tây Trung Quốc". Ngoài Tân Cương, lãnh đạo ngoại giao Nhật Bản cũng bày tỏ quan ngại về tình hình Hồng Kông.

Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi đưa ra những tuyên bố nói trên sau khi Washington, trong một báo cáo thường niên về nhân quyền do Bộ Ngoại giao Mỹ công bố tuần trước, đã một lần nữa cáo buộc Bắc Kinh phạm tội ác "diệt chủng" và các tội ác chống nhân loại khác đối với cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.

Về phía Trung Quốc, theo một thông báo của bộ Ngoại giao nước này, trong cuộc điện đàm hôm qua, ngoại trưởng Vương Nghị (Wang Yi) đã kêu gọi đồng nhiệm Nhật Bản đảm bảo rằng quan hệ song phương "không rơi vào cái gọi là thế đối đầu giữa các nước lớn". Thông cáo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh : "Trung Quốc hy vọng rằng Nhật Bản, với tư cách là một quốc gia độc lập, sẽ nhìn nhận sự phát triển của Trung Quốc một cách khách quan và hợp lý, thay vì bị đánh lừa bởi một số quốc gia có quan điểm thiên vị, chống lại Trung Quốc".

Đây là lần đầu tiên ngoại trưởng hai nước có cuộc trao đổi kể từ khi ngoại trưởng Trung Quốc công du Nhật Bản tháng 11/2020. Bộ ngoại giao Nhật cho biết cuộc điện đàm diễn ra theo yêu cầu của phía Trung Quốc.

Giới quan sát đặc biệt chú ý đến việc cuộc điện đàm giữa hai ngoại trưởng Nhật – Trung diễn ra chỉ ít ngày trước cuộc gặp giữa thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga và tổng thống Mỹ Joe Biden. Thủ tướng Nhật Bản là lãnh đạo nước ngoài đầu tiên trực tiếp gặp tổng thống Joe Biden kể từ khi ông nhậm chức.

Theo hãng tin Bloomberg, trong lĩnh vực nhân quyền, chính quyền Nhật Bản đang ngày càng "khó giữ thế cân bằng" trong quan hệ giữa Hoa Kỳ, đồng minh quân sự duy nhất, và Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất. Tokyo đưa ra những phát biểu mạnh mẽ hơn về tình trạng xâm phạm nhân quyền tại Trung Quốc, trong lúc chính quyền Joe Biden dự báo sẽ ưu tiên nhân quyền trong chính sách đối ngoại.

Tuy bày tỏ quan ngại về nhân quyền bị xâm phạm tại Trung Quốc, nhưng cho đến nay Nhật Bản là quốc gia duy nhất trong khối G7 không đưa ra các trừng phạt nhắm vào Bắc Kinh về các vi phạm nhân quyền tại Tân Cương. Trong cuộc họp báo hôm nay 06/04, tại Tokyo, chánh văn phòng chính phủ Nhật Bản, ông Katsunobu Kato, cho biết "mục tiêu là cải thiện tình hình nhân quyền. Mỗi quốc gia sẽ quyết định theo quan điểm riêng của mình".

Báo Nhật Japan Times hôm nay nhấn mạnh là chính phủ của Suga đang phải đối mặt với áp lực trong nước gia tăng, kể cả từ trong nội bộ đảng cẩm quyền, yêu cầu Tokyo nói phải đi đôi với làm, phải trừng phạt Bắc Kinh về các vi phạm nhân quyền. Một nhóm các nghị sĩ liên đảng của Quốc hội Nhật Bản sẽ nhóm họp hôm nay để bàn về chủ đề này.

Trọng Thành

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thanh Hà, Thanh Phương, Trọng Thành
Read 482 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)