Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

08/05/2017

Việt Nam - Campuchia : buôn bán gỗ lậu : lâm tặc ra luật chơi

Tổng hợp

Viên chức Việt Nam nhận hối lộ từ lâm tặc (RFA, 08/05/2017)

Một cơ quan giám sát môi trường cáo buộc chính phủ Việt Nam và các quan chức quân đội nhận hối hộ để cho qua các vụ buôn lậu gỗ từ Campuchia về Việt Nam.

lamtac1

Hai xe tải vận chuyển gỗ rừng tại Đăk Lăk, ngày 17 tháng 5 năm 2003. AFP photo

Báo cáo của Cơ quan điều tra Môi trường Anh EIA cho biết số tiền hối lộ các quan chức cả hai phía Việt Nam và Campuchia lên đến hàng triệu Mỹ kim. Trong đó, bên Việt Nam chịu trách nhiệm hạn ngạch nhập khẩu gỗ (còn gọi là quota) và phía Campuchia đảm nhận việc mở các khu vực khai thác và đường dây buôn lậu.

Hãng thông tấn AP ngày 8/5 cho biết Bộ Ngoại giao Việt Nam từ chối trả lời AP về cáo buộc này. Trong khi đó Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp Campuchia khẳng định rằng việc buôn lậu gỗ đã dừng lại từ năm 2016, và nếu có tái diễn thì được thực hiện một cách bí mật.

Tin cho biết thêm rằng Việt Nam và Liên minh Châu Âu dự tính sẽ ký thỏa thuận nhằm đảm bảo chỉ có gỗ hợp pháp được xuất khẩu ra khỏi Việt Nam.

Campuchia đã ra lệnh cấm xuất khẩu gỗ tròn và kể từ đầu năm 2016 đã đóng cửa biên giới xuất khẩu gỗ sang Việt Nam. Tuy nhiên, theo số liệu thống kê hiện tại khoảng 300.000 mét khối gỗ tròn đã được vận chuyển ra khỏi Campuchia và được đưa qua Việt Nam theo con đường hạn ngạch.

******************

Việt Nam và Cam Bốt bị tố nhận hối lộ để làm ngơ nạn buôn lậu gỗ (RFI, 08/05/2017)

lamtac2

Tình trạng phá rừng bất hợp pháp tại tỉnh Koh Kong, Cam Bốt. Ảnh minh họa. CC/Paul Mason USAID/Cambodia/OGD

Một tổ chức giám sát môi trường vào ngày 08/05/2017 đã lên tiếng tố cáo chính phủ Việt Nam và nhiều giới chức lãnh đạo quân đội đã nhận đút lót để nhắm mắt làm ngơ trước nạn buôn gỗ lậu từ nước láng giềng Cam Bốt.

Trong một bản báo cáo vừa được công bố, tổ chức Environment Investigation Agency, trụ sở tại Anh Quốc, cho biết hàng triệu đô la đã được giới buôn lậu gỗ ở Việt Nam chi ra cho cả các quan chức Việt Nam lẫn Cam Bốt.

Đút lót cho các viên chức Việt Nam là để bảo đảm có quota gỗ nhập, còn chi cho phía Cam Bốt là để mở rộng thêm vùng đốn cây và đường vận chuyển gỗ lậu. Việc đốn gỗ nhiều khi trái phép nhất là trong những nơi được bảo vệ như các công viên quốc gia.

Cam Bốt đã cấm xuất khẩu gỗ và từ đầu năm 2016 đã đóng biên giới với Việt Nam về việc chuyển gỗ. Việt Nam thì có quota về việc nhập gỗ và cũng đánh thuế trên mặt hàng này.

Theo hãng tin Mỹ AP, bộ Ngoại Giao Việt Nam đã không trả lời yêu cầu bình luận về báo cáo nói trên. Phía Cam Bốt, ông Sear Ra, thuộc cơ quan Lâm Nghiệp Cam Bốt, giải thích là việc xuất khẩu gỗ đã bị ngưng năm 2016, và nếu có tiếp tục sau đó thì chỉ là lén lút và bất hợp pháp.

Cam Bốt là một trong những quốc gia có tỷ lệ phá rừng cao nhất thế giới, phần lớn là do khai thác gỗ bất hợp pháp và tham nhũng. Phần lớn việc buôn bán gỗ được quân đội bảo vệ, thương lượng hoa hồng với thương nhân.

Quota nhập gỗ chính thức của Việt Nam tạo điều kiện dễ dàng cho việc buôn lậu từ Cam Bốt, và Việt Nam, theo báo cáo, cũng hưởng lợi qua thuế đánh trên gỗ lậu. "Khoảng 300.000 mét khối gỗ đã được chuyển lậu từ Cam Bốt và được "rửa" ở Việt Nam dưới các quota này". Tiền lại quả lên hơn 13 triệu đô la từ đầu tháng 11/2016. Đấy là một trong những vụ buôn lậu gỗ lớn nhất từ nhiều năm qua.

Bản báo cáo ghi nhận là vụ buôn lậu gỗ diễn ra trong lúc mà Việt Nam đang nỗ lực bảo vệ rừng của mình, dù chính phủ Việt Nam "cổ vũ khuếch trương ngành xuất khẩu sản phẩm gỗ, đứng hàng thứ sáu thế giới". Trị giá sản phẩm gỗ xuất khẩu của Việt Nam năm nay dự kiến lên 8 tỷ đô la, trong lúc phải nhập đến 80% nguyên liệu sử dụng.

Cam Bốt và Lào là hai nước láng giềng cung cấp gỗ lậu cho Việt Nam, trị giá gần 3/4 tỷ đô la trong một năm, và một vụ truy bắt ở Lào khiến giới buôn lậu càng quay sang Cam Bốt.

Theo tổ chức giám sát môi trường nói trên, Việt Nam và Liên Hiệp Châu Âu dự kiến ký thỏa thuận hầu bảo đảm là hàng gỗ xuất đi từ Việt Nam là gỗ hợp pháp.

Trọng Nghĩa

******************

Việt Nam nhập gỗ lậu từ Campuchia ? (BBC, 08/05/2017)

lamtac3

EIA nói hơn 300.000 mét khối gỗ đã được xuất lậu từ Campuchia từ tháng 11.

Xuất gỗ lậu từ Campuchia sang Việt Nam tăng mạnh trong những tháng gần đây bất chấp lệnh cấm xuất khẩu nhằm chống lại nạn phá rừng tại một trong các nước nghèo nhất Đông Nam Á, một tổ chức bảo vệ môi trường cho biết trong phúc trình vào hôm thứ Hai.

Tổ chức Điều tra Môi trường (EIA) có trụ sở tại London ước tính rằng có hơn 300.000 mét khối gỗ đã được xuất lậu từ Campuchia từ tháng 11.

Tổ chức này cáo buộc giới chức Việt Nam nhận hối lộ từ những kẻ buôn lậu để làm việc xuất nhập gỗ này được thể hiện là hoạt động hợp pháp.

Trong thông cáo báo chí công bố hôm 8/5 tại London, EIA viết :

"Các quan chức tham nhũng thuộc chính quyền Việt Nam đã kiếm tiền từ nạn đốn trộm gỗ ở diện rộng tại Campuchia".

"Đây là hoạt động buôn lậu gỗ lớn nhất mà chúng tôi đã thấy từ nhiều năm nay", Jago Wadley, nhà vận động bảo vệ rừng của EIA nói.

Hãng tin Reuters nói Bộ Ngoại giao Việt Nam chưa phản hồi lập tức về yêu cầu bình luận đối với cáo buộc này.

Người phát ngôn viên chính phủ Campuchia Phay Siphan cho biết một số gỗ đề cập trong bản báo cáo có thể là có phép xuất sang Việt Nam nhưng từ chối bình luận thêm.

lamtac4

Giới vận động đã nêu ra vấn đề khai thác mạnh gây cạn kiệt nguồn gỗ ở Campuchia nhiều năm qua

Đầu năm ngoái, Thủ tướng Campuchia Hun Sen kêu gọi nỗ lực lớn hơn để hạn chế khai thác gỗ bất hợp pháp và cho biết ông đã ra lệnh cảnh sát bắn từ trên không vào những người khai thác gỗ, nếu thấy cần.

Vào lúc cao điểm của hoạt động khai thác gỗ, giữa tháng 12/2016 và 1/2017, khoảng 100 xe chở gỗ vượt biên giới Campuchia vào Việt Nam mỗi ngày, EIA cho biết trong báo cáo dựa trên một cuộc điều tra bí mật.

Nhóm vận động môi trường nói rằng nạn buôn lậu gỗ nên đưa ra câu hỏi về một thỏa thuận vào tháng 5 này giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu để đảm bảo rằng bất kỳ hoạt động xuất khẩu gỗ nào từ Việt Nam sang các nước EU đều là hợp pháp.

"Chúng tôi khuyến khích nhà chức trách Campuchia và Việt Nam khẩn trương điều tra các hoạt động bất hợp pháp được nói tới trong báo cáo và có hành động cương quyết chống lại các cá nhân và công ty bị phát hiện là tham gia vào việc khai thác gỗ bất hợp pháp", George Edgar, người đứng đầu phái đoàn EU, cho biết trong một email gửi tới Reuters.

Quay lại trang chủ
Read 1064 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)