Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

03/06/2021

Điểm báo Pháp - Truy bức người Uyghur tận ngoài biên giới

RFI tiếng Việt

Trung Quốc : Truy bức người Duy Ngô Nhĩ ra tận ngoài biên giới

Trang quốc tế của Libération tiếp tục quan tâm đến hồ sơ nhân quyền của người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương, Trung Quốc với bài viết : "Mihriay Erkin, ngôi sao Duy Ngô Nhĩ bị tắt trong các trại tập trung u tối".

uyghur1

Một người Duy Ngô Nhĩ biểu tình chống Trung Quốc đàn áp người thiểu số Hồi Giáo ở Tân Cương, tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 01/10/ 2020.  Reuters - MURAD SEZER

Bài báo đề cập đến số phận bi kịch của cô Mihriay Erkin người dân tộc Duy Ngô Nhĩ. Năm 2019, khi đang làm nghiên cứu sinh tại Viện Khoa học Công nghệ Nara danh tiếng của Nhật Bản, cô bất ngờ được cha mẹ ở Tân Cương khẩn thiết gọi về quê nhà, thậm chí mẹ cô còn gửi cả tiền mua vé máy bay cho cô về.

Quyết định về nước, gặp cha mẹ, khi đến Tân Cương ngay lập tức cô bị chính quyền thu hết hộ chiếu giấy tờ và quản thúc tại gia. Đầu năm 2020, cô bị đưa vào trại cải tạo tập trung đến cuối năm thì bị chết trong trại Yanbullaq, gần Kashgar, Tân Cương, phía tây Trung Quốc. Đến tận hôm 20 tháng 5 vừa rồi, đài Châu Á Tư Do tại Mỹ mới thu thập được các tin tức khẳng định cô đã bị chết trong trại cải tạo.

Mihriay Erkin, không phải là đối tượng có hoạt động nguy hiểm, nhưng cô có bố bị bắt giam vì tội "kích động nổi dậy". Theo Libération, cái chết của nhà nghiên cứu trẻ người Duy Ngô Nhĩ trong trại tập trung là bằng chứng rõ nét cho chính sách toàn trị và diệt chủng của chính quyền Trung Quốc đã vượt ra ngoài biên giới.

Libération cho biết, để đưa những người Duy Ngô Nhĩ đang ở nước ngoài như cô Mihriay Erkin về nước, an ninh Trung Quốc dùng mọi thủ đoạn, chẳng hạn như buộc họ về Trung Quốc để ký các giấy tờ hay làm lại hộ chiếu. Nhưng cách chính vẫn là dùng gia đình làm cái bẫy gọi họ về nước rồi bắt.

Tại Pháp, Canada và nhiều nước khác, tất cả những người Duy Ngô Nhĩ sống ở nước ngoài từ năm 2017 đều nhận được những cuộc gọi, dưới sự ép buộc và giám sát, của cha mẹ gọi về nhà. Chính quyền biết trong văn hóa người Duy Ngô Nhĩ, gia đình và đức tính vâng lời cha mẹ chiếm một vị trí rất quan trọng. Những người ngây thơ cứ nghĩ bố mẹ gọi về không biết rằng hành trình về nước của họ là chuyến đi một chiều tới thẳng địa ngục trần gian trong các trại tẩy não, cải tạo… 

Số phận của nhà nghiên cứu trẻ tuổi Mihriay Erkin là một minh chứng sống cho những cơn ác mộng của người Duy Ngô Nhĩ sống dưới sự truy bức của chính quyền Trung Quốc.

Úc : Chiến lược "Không Covid" và bài toán kinh tế

Nhật báo kinh tế Les Echos có bài "Phép mầu kinh tế Úc bị đe dọa bởi chiến lược "Không Covid"". Theo tờ báo, Úc là một trong số hiếm các nước đã nhanh chóng bù đắp được tổn thất kinh tế do trận đại dịch Covid-19 gây ra, đã tìm lại được tăng trưởng kinh tế. Có được thần kỳ đó chủ yếu nhờ hoạt động khai khoáng. Dù đại dịch hoành hành và phong tỏa ở nhiều vùng, các hoạt động khai thác mỏ ở Úc chưa hề bị gián đoạn, đặc biệt là khai thác quặng sát, trong khi đó nhà sản xuất quặng mỏ lớn nhất thế giới là Brazil đang bị Covid tàn phá khiến các hoạt động khai thác sản xuất đình đốn.

Giai đoạn phục hồi kinh tế đã xong và giờ đây Úc bắt đầu bước sang giai đoạn phát triển. Thế nhưng với chiến lược "Không Covid", Úc buộc phải phong tỏa ngay khi dịch chớm bùng phát cả một thành phố hay thậm chí cả nhiều bang. Chính điều này có thể sẽ ngáng đường tăng trưởng kinh tế của nước này.

Les Echos cho biết thêm, trong khi đó lĩnh vực du lịch, giao thông hàng không, giáo dục đang trong tình trạng hấp hối. Nhưng để bảo đảm "Không Covid", Úc vẫn tiếp tục đóng cửa với thế giới bên ngoài (tất nhiên ngoại trừ hoạt động khai thác mỏ). Theo nhật báo kinh tế, tình trạng tự biến mình thành ốc đảo cô lập không nên kéo dài quá gây tác hại đến tăng trưởng kinh tế. Chiến lược "Không Covid - Zero Covid", đòi hỏi những biện pháp kiên quyết triệt để nhất nhằm dập tắt nhanh đà lây lan của dịch, bảo vệ sức khỏe cộng đồng nhưng mặt trái của nó là làm tê liệt hoạt động kinh tế. Đây luôn là sự lựa chọn khó khăn của các chính phủ trong thời đại dịch Covid.

Châu Âu xem lại kiểm soát biên giới

Cũng là liên quan đến dịch Covid, Liên Hiệp Châu Âu đang chuẩn bị mở cửa biên giới mùa hè này sau một thời gian đóng, mở vì các đợt dịch. Le Figaro cho biết : "Châu Âu muốn cải cách các quy định về không gian tự do đi lại Schengen".

Hôm qua, Ủy Ban Châu Âu đã bắt đầu đưa ra bàn thảo một chiến lược mới về quy định Schengen, không gian đi lại tự do rộng lớn nhất thế giới, trên tinh thần rút kinh nghiệm từ trận đại dịch và vẫn duy trì bằng mọi giá không gian Schengen, kiểm soát tốt hơn biên giới với bên ngoài để bảo đảm tự do đi lại trong không gian chung.

Le Figaro cho hay, không gian Schengen tập hợp 26 nước, gồm 22 nước trong Liên Hiệp và bốn quốc gia trong châu lục là Thụy Sĩ, Iceland, Na Uy và Liechtenstein, với tổng dân số 420 triệu dân tự do di chuyển không có kiểm soát biên giới. Nhưng từ khi nổ ra trận đại dịch, đã nảy sinh nhiều vấn đề trong chuyện kiểm soát biên giới. Việc bắt buộc kiểm soát đi lại qua biên giới trở lại đã khiến cuộc sống của 1,7 triệu người dân bên các đường biên trở nên khó khăn, chưa kể đến việc vận chuyển lưu thông hàng hóa giữ các nước bị đảo lộn, đình đốn nghiêm trọng.

Trước dịch Covid-19, nạn khủng bố, làn sóng di dân đã khiến các nước Châu Âu đau đầu về không gian tự do đi lại này. Nhiều nước đã ra các quy định riêng rẽ để đối phó với tình hình dẫn đến việc quản lý không gian Schengen trở nên trục trặc. Vì thế, lúc này Châu Âu phải tính chuyện cải cách lại các quy định sao cho phù hợp với tình hình hoàn cảnh mới. Tuy nhiên, Ủy Ban Châu Âu muốn các nước không đụng đến đường biên giới nội địa mà chủ yếu tăng cường kiểm soát biên giới bên ngoài Liên Hiệp.

Châu Âu - Hoa Kỳ : Mở cửa bên giới, có đi không có lại

Cũng về chuyện đóng mở biên giới giữa các nước, trở lại với Les Echos, tờ báo cho hay, quy định cấm du khách Châu Âu nhập cảnh vào Hoa Kỳ vì dịch Covid ban hành từ tháng 3/2020 vẫn có hiệu lực trong khi mà tình hình dịch bệnh ở Mỹ đã thuyên giảm rất nhiều.

Việc này đang làm cho số người xếp hàng chờ xin visa vào Mỹ ngày thêm dài, trong số này phần đông là những người có nhu cầu di chuyển vì công việc, làm ăn. Trong khi đó, những công dân Mỹ có visa công vụ vào Châu Âu vẫn được quyền xuất nhập cảnh ngay cả trong đại dịch. Nhưng với công dân Châu Âu thì lại không được phép. Đại sứ Liên Hiệp Châu Âu tại Mỹ đã phải lên tiếng phàn nàn về cách đối xử không tương xứng của Hoa Kỳ với Châu Âu.

Châu Âu : Covid và những hệ lụy cho cả thế hệ trẻ

Le Monde quan tâm đến thế hệ trẻ của Châu Âu. Tựa chính trang nhất của tờ báo : "Châu Âu : Giới trẻ điêu đứng vì khủng hoảng y tế"

Không phải là đối tượng chiếm số đông trong những ca nhiễm hay tử vong vì Covid-19, nhưng cuộc sống của giới trẻ từ 18 đến 25 tuối ở Châu Âu thực sự điêu đứng vì đại dịch. Trận đại dịch đã và đang làm biến đổi thế hệ trẻ này từ cách sống, suy nghĩ, tâm lý và các dự định trong tương lai của họ. Trên đây là kết luận rút ra từ cuộc khảo sát xã hội trong giới trẻ do nhiều tờ báo có uy tín của Châu Âu thực hiện. Đó là các nhật báo Le Monde của Pháp, The Guardian của Anh, La Vanguardia của Tây Ban Nha, Suddeutsche Zeitung ở Đức và La Stampa của Ý.

Cuộc khảo sát nhằm tìm hiểu tác động của cuộc khủng hoảng Covid thế nào đến thế hệ trưởng thành, nguồn nhân lực chính để phát triển của các nước trong hiện tại cũng như tương lai. Các nhân chứng trong cuộc khảo sát cho thấy, cả một thế hệ trẻ ở Châu Âu đang trong tâm trạng hoang mang, chán nản, vì cuộc sống và tương lai bị đảo lộn vì trận đại dịch kéo dài. Cuộc khủng hoảng dịch lần này đang để lại những di chứng tâm lý, tinh thần cho cả một thế hệ trẻ, họ trở thành những nạn nhân gián tiếp của Covid-19.

Anh Vũ

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Anh Vũ
Read 518 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)