Toán đặc nhiệm (quốc tế) mới sẽ điều tra vi phạm nhân quyền ở Myanmar
VOA, 06/07/2021
Một toán đặc nhiệm mới được thành lập hôm thứ Hai 5/7 để điều tra bằng chứng vi phạm nhân quyền ở Myanmar trong hơn 5 tháng sau khi quân đội lật đổ nhà lãnh đạo dân cử Aung San Suu Kyi và khiến đất nước Đông Nam Á rơi vào tình trạng hỗn loạn.
Quân đội Myanmar chống biểu tình phản đối cuộc đảo chính quân sự ở Yangon, Myanmar, ngày 28/2/2021 (Ảnh tư liệu).
Dự án Myanmar Witness (Nhân chứng Myanmar) do chính phủ Anh tài trợ cho biết họ sẽ chia sẻ thông tin với Cơ chế Điều tra Độc lập của Liên hợp quốc về Myanmar, cơ quan đang điều tra các các tội phạm quốc tế bị tình nghi ở Myanmar.
Reuters không thể liên lạc được với phát ngôn viên của chính quyền Myanmar để yêu cầu bình luận.
Sáng kiến mới được đưa ra trong bối cảnh các nước phương Tây tìm cách gia tăng áp lực lên nhà cầm quyền quân sự Myanmar về các cáo buộc vi phạm nhân quyền, với việc Liên Hợp Quốc cho biết hơn 880 người đã bị lực lượng an ninh giết hại kể từ cuộc đảo chính - một con số mà chính quyền nói là phóng đại.
Myanmar Witness cho biết "sẽ độc lập thu thập, bảo quản, xử lý, điều tra, xác minh và xem xét các sự cố có thể đã vi phạm nhân quyền."
Nhóm này cho biết họ sẽ khuyến khích người dân cung cấp thông tin và tự xác minh độc lập các vụ việc trên mạng xã hội - nơi người dân Myanmar đăng hình ảnh và video về các vụ giết người, hành hung và các vụ lạm dụng khác.
Myanmar Witness cho biết họ đã phát hiện và xác minh bằng chứng về các vụ trả đũa của quân đội Myanmar, pháo kích vào các khu vực dân sự và các đền chùa tôn giáo và các dấu hiệu cho thấy ý định hãm hại, nếu không muốn nói là giết hại người biểu tình.
Các quốc gia phương Tây và các nhóm bênh vực nhân quyền đã lên án hành động tàn bạo của lực lượng an ninh ở Myanmar. Trong khi đó chính quyền quân quản Myanmar nói rằng họ chỉ sử dụng vũ lực khi cần thiết để chống lại các mối đe dọa đối với an ninh quốc gia.
Nguồn : VOA, 06/07/2021
********************
Lãnh đạo người nước ngoài của các công ty viễn thông lớn phải xin phép mới được rời Miến Điện
Thùy Dương, RFI, 05/07/2021
Reuters hôm 05/07/2021 trích dẫn một nguồn tin ẩn danh cho biết các lãnh đạo người nước ngoài của những công ty viễn thông lớn ở Miến Điện đã nhận được thông báo từ tập đoàn quân sự cầm quyền là họ không được rời khỏi nước này khi chưa được phép.
Binh lính Miến Điện trên các xe quân sự chuẩn bị đàn áp biểu tình chống đảo chính ngày 15/02/2021 tại Rangoon, Miến Điện . Reuters - Stringer .
Theo một quyết định mật từ Cục Bưu Chính Viễn Thông Miến Điện (PTD) hồi giữa tháng 6/2021, các quan chức cấp cao, kể cả người ngoại quốc và công dân Miến Điện, phải có giấy phép đặc biệt mới được rời khỏi nước này. Vẫn theo nhân vật ẩn danh nói trên, một tuần sau đó, các công ty viễn thông nhận được chỉ thị thứ hai yêu cầu họ phải triển khai xong vào ngày 05/07 toàn bộ công nghệ theo dõi và ngăn chặn mà họ từng được yêu cầu cài đặt, để nhà chức trách có thể "theo dõi các cuộc gọi, tin nhắn và lưu lượng truy cập các trang web" và "theo dõi người dùng".
Ba công ty viễn thông xin ẩn danh cho Reuters biết quân đội Miến Điện đã gia tăng sức ép đối với họ, hai công ty khác cho biết nhiều lần bị quan chức quân đội cảnh cáo là không được phát biểu trước công chúng hoặc với giới truyền thông trong thời gian bị chặn.
Tập đoàn quân sự ngay sau khi lên nắm quyền đã thông qua dự luật an ninh mạng buộc các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông cung cấp dữ liệu theo yêu cầu, xóa hoặc chặn bất kỳ nội dung nào bị xem là gây phương hại cho sự thống nhất, ổn định và hòa bình. Nhiều tháng trước cuộc đảo chính ngày 01/02/2021, các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông và internet đã được lệnh cài đặt phần mềm gián điệp đánh chặn để cho phép quân đội nghe lén các cuộc liên lạc của công dân.
Thùy Dương
*********************
Myanmar : 25 người chết trong cuộc đột kích của lực lượng an ninh
VOA, 04/07/2021
Lực lượng an ninh Myanmar hôm 2/7 đã giết chết ít nhất 25 người trong cuộc đối đầu với những người phản đối chính quyền quân nhân tại một thị trấn ở miền trung nước này, một cư dân và truyền thông bằng tiếng Myanmar cho biết hôm 4/7.
Binh sĩ Myanmar trong một cuộc truy lùng.
Một phát ngôn viên của quân đội đã không trả lời các cuộc gọi yêu cầu bình luận về tình hình bạo lực tại Depayin thuộc vùng Sagaing, cách thủ đô Naypyidaw khoảng 300 km về phía bắc.
Nhật báo nhà nước Global New Light của Myanmar nói rằng "những kẻ khủng bố có vũ trang" đã phục kích các lực lượng an ninh đang tuần tra ở đó, làm một người chết và gây thương tích cho sáu người khác. Tờ này đưa tin thêm rằng những kẻ tấn công đã rút lui sau khi bị lực lượng an ninh trả đũa.
Myanmar đã rơi vào tình trạng hỗn loạn kể từ khi xảy ra cuộc đảo chính ngày 1 tháng Hai đối với nhà lãnh đạo dân cử Aung San Suu Kyi. Bạo lực đã bùng phát ở nhiều nơi tại đất nước với hơn 53 triệu dân này.
Một cư dân của Depayin, người không muốn tiết lộ danh tính vì sợ bị trả thù, cho biết bốn xe tải quân sự đã đưa binh sĩ tới ngôi làng vào đầu ngày 2/7.
Các thanh niên thuộc Lực lượng Phòng vệ Nhân dân địa phương, vốn được thành lập để chống lại chính quyền quân nhân, đã tìm cách đối đầu với các binh sĩ. Tuy nhiên, họ chỉ có vũ khí tự chế và trước hỏa lực mạnh hơn của lực lượng an ninh, đã bị buộc phải rút lui, người dân cho biết.
Tổng cộng 25 thi thể đã được tìm thấy sau cuộc giao tranh, người dân này cho biết qua điện thoại.
Ban tiếng Myanmar của đài BBC và trang tin Than Lwin Khet News đăng tải những lời kể tương tự. Reuters không thể độc lập xác minh các chi tiết.
Theo Reuters