Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

08/07/2021

Tập đoàn quân sự Miến Điện "đã phạm tội ác chống nhân loại"

RFI tiếng Việt

Hôm 07/07/2021, báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về Miến Điện tố cáo tập đoàn quân sự Miến Điện "đã phạm những tội ác chống nhân loại" kể từ sau cuộc đảo chính ngày 01/02, đồng thời ông kêu gọi cộng đồng quốc tế chấm dứt "cơn ác mộng" này.

miendien1

Sinh viên Miến Điện biểu tình ngày 07/07/2021 tại Rangoon chống cuộc đảo chính quân sự lật đổ chính phủ của bà Aung San Suu Kyi, ngày 01/02/2021. AP

Theo hãng tin AFP, phát biểu trước Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, ông Tom Andrews đã lên án "những vụ tấn công toàn diện và mang tính hệ thống của tập đoàn quân sự nhắm vào người dân Miến Điện, những hành động có thể xem là tội ác chống nhân loại". Báo cáo viên của Liên Hiệp Quốc về Miến Điện cũng chỉ trích cộng đồng quốc tế "đã không thể làm những gì cần làm để chấm dứt tình trạng này".

Ông Tom Andrews cảnh báo : "Một số người dân Miến Điện đã hết hy vọng nhận được sự yểm trợ của quốc tế, cho nên họ đã thành lập các lực lượng tự vệ và tiến hành những hoạt động phá hoại, còn những người khác thì dường như đã tấn công vào các cộng sự viên và các quan chức của tập đoàn quân sự".

Báo cáo viên của Liên Hiệp Quốc về Miến Điện yêu cầu cộng đồng quốc tế cắt đứt các nguồn thu nhập của tập đoàn quân sự để chấm dứt "chế độ khủng bố" này.

Về phần Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, bà Michelle Bachelet hôm qua nhận định rằng diễn tiến tình hình chính trị tại Miến Điện ngày càng trầm trọng và "gây nhiều nguy cơ cho khu vực".

Theo thống kê của Liên Hiệp Quốc, gần 900 người đã bị giết và khoảng 200.000 người đã phải chạy lánh nạn sau các vụ bố ráp của quân đội, trong đó hàng ngàn người đang tỵ nạn tại các nước láng giềng. Ngoài ra, ít nhất 5.200 người đã bị bắt giữ một cách tùy tiện, trong đó có hơn 90 phóng viên.

Trong khi đó, cũng theo hãng tin AFP, tập đoàn viễn thông Telenor của Na Uy đang rút ra khỏi thị trường Miến Điện, với việc bán chi nhánh của tập đoàn này cho một công ty bị nghi là có liên hệ với chính quyền quân sự. Theo lời tổng giám đốc Sigve Brekke, "tình hình tại Miến Điện trong những tháng qua đã trở nên ngày càng khó khăn cho Telenor, vì những lý do về an ninh đối với nhân viên, về việc phải tuân thủ các quy định".

Kể từ sau cuộc đảo chính 01/02, các công ty quốc tế làm ăn ở Miến Điện chịu áp lực ngày càng mạnh của các tổ chức nhân quyền yêu cầu họ phải rút khỏi một quốc gia mà quân đội kiểm soát phần lớn hệ thống kinh tế.

Thanh Phương

Nguồn : RFI, 08/07/2021

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thanh Phương
Read 417 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)