Trung Quốc tuyên bố không tiếp tục tham gia điều tra nguồn gốc Covid-19
Trọng Nghĩa, RFI, 22/07/2021
Bắc Kinh chính thức bác bỏ kế hoạch tiếp tục điều tra nguồn gốc dịch Covid-19 như Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) đề nghị. Phát biểu với báo giới vào hôm nay, 22/07/2021, tại Bắc Kinh, phó chủ tịch Ủy Ban Y Tế Quốc Gia Trung Quốc khẳng định là Bắc Kinh sẽ không tham gia giai đoạn 2 của cuộc điều tra nguồn gốc dịch Covid-19 mà Tổ Chức Y Tế Thế Giới tổ chức.
Chữ "Covid-19" phản chiếu trên một giọt thuốc từ đầu kim ống chích. Ảnh chụp ngày 09/11/2020. Reuters – Dado Ruvic
Theo hãng tin Anh Reuters, ông Tăng Ích Tân (Zeng Yixin) khẳng định : "Trung Quốc sẽ không chấp nhận một cuộc điều tra truy tìm nguồn gốc như vậy vì trên nhiều khía cạnh, hành động đó coi thường ý thức chung và thách đố khoa học". Nhân vật này đã tỏ thái độ "ngạc nhiên" trước việc WHO đưa giả thuyết virus SARS-CoV-2 rò rỉ từ phòng thí nghiệm ở Trung Quốc vào giai đoạn 2 của cuộc điều tra nguồn gốc dịch Covid-19, đồng thời nhắc lại quan điểm chính thống là không thể chia sẻ hoàn toàn một số dữ liệu mà Bắc Kinh có được.
Ngày 15/07, chính tổng giám đốc Tổ Chức Y Tế Thế Giới Tedros Adhanom Ghebreyesus đã kêu gọi Trung Quốc hợp tác đầy đủ hơn trong cuộc điều tra nguồn gốc dịch Covid-19 mới. Ông phàn nàn là bản báo cáo đầu tiên của cuộc điều tra phối hợp với phía Trung Quốc, đã "thiếu dữ liệu thô về những ngày đầu dịch bùng phát". Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên sau đó một hôm đã có ý kiến phản bác, nhấn mạnh rằng Bắc Kinh "đã hợp tác đầy đủ với cuộc điều tra ban đầu của WHO". Quan chức này đồng thời bác bỏ cáo buộc của nhóm điều tra quốc tế, theo đó họ không được phép tiếp cận bất kỳ địa điểm hoặc dữ liệu cần thiết nào.
Tháng 3, WHO công bố báo cáo điều tra ban đầu về nguồn gốc dịch Covid-19, trong đó xác định virus SARS-CoV-2 có thể bắt nguồn từ động vật trước khi lây lan sang con người vào khoảng tháng 12-2019. Tuy nhiên, ngày càng nhiều quốc gia phương Tây đặt câu hỏi về tính chính xác của báo cáo đó, chẳng hạn tổng thống Mỹ Joe Biden đã ra lệnh cho các cơ quan tình báo Mỹ xem xét dịch Covid-19 bùng phát như thế nào.
Trọng Nghĩa
*******************
Tin tặc Trung Quốc đánh cắp dữ liệu về sông Mêkông từ Bộ Ngoại giao Cam Bốt
Trọng Nghĩa, RFI, 22/07/2021
Theo hãng tin Anh Reuters, Tư pháp Mỹ ngày 19/07/2021 tiết lộ : Tin tặc Trung Quốc đã thâm nhập vào hệ thống tin học của Bộ Ngoại giao Cam Bốt - một đồng minh trung thành của Bắc Kinh tại Đông Nam Á - để đánh cắp dữ liệu về sông Mêkông.
Ngư dân Cam Bốt chèo thuyền đánh cá trở về gần đập Don Sahong, làng Preah Romkel, tỉnh Stung Treng, sát biên giới Cam Bốt - Lào, ngày 21/06/2016. AP - Heng Sinith
Hôm thứ Hai 19/07, bộ Tư Pháp Mỹ cho biết là đã có bốn công dân Trung Quốc - ba quan chức an ninh và một tin tặc được thuê mướn - đã bị truy tố về tội tấn công tin học vào hàng chục công ty, trường đại học và cơ quan chính phủ ở Hoa Kỳ và nước ngoài.
Trong bản cáo trạng dài 30 trang, Tư Pháp Hoa Kỳ đã nêu chi tiết các hoạt động của một thực thể bị coi là công ty bình phong do an ninh Trung Quốc điều hành trên đảo Hải Nam. Trong số các mục tiêu tấn công của tin tặc, có cơ quan được gọi là "Bộ A của chính phủ Cam Bốt", nơi mà các bị cáo đã "đánh cắp dữ liệu liên quan đến các cuộc thảo luận giữa chính phủ Trung Quốc và Cam Bốt về việc sử dụng sông Mêkông" vào tháng 01/2018.
Hai nguồn thạo tin đã xác nhận với Reuters rằng bộ A đó là Bộ Ngoại giao Cam Bốt.
Theo cáo trạng, nhóm tin tặc Trung Quốc lấy được dữ liệu từ Bộ Ngoại giao Cam Bốt vào ngày 10/01/2018, đúng hôm nước này tổ chức tại Phnom Penh hội nghị thượng đỉnh nhóm Hợp Tác Lancang-Mekong (LMC) do Trung Quốc hậu thuẫn (Lancang hay Lan Thương là tên Trung Quốc đặt cho sông Mêkông), tập hợp các nước Trung Quốc, Lào, Miến Điện, Thái Lan và Việt Nam. Dữ liệu mà các tin tặc thu được liên quan đến các cuộc thảo luận đó, nhưng cáo trạng không cho biết chi tiết.
Cũng theo bản cáo trạng, vào cùng một ngày, nhóm tin tặc Trung Quốc đã truyền đi các "bí mật thương mại và dữ liệu thủy âm" ngụy trang trong các bức ảnh kỹ thuật số cho thấy một con gấu koala và cựu tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump. Tài liệu đã được gửi đến một tài khoản trực tuyến do tin tặc kiểm soát. Không rõ là dữ liệu thủy âm - dữ liệu được thu thập bằng sóng siêu âm và được sử dụng để theo dõi các đặc điểm dưới nước - có phải là của sông Mêkông hay không.
Theo Reuters, mục tiêu của vụ tấn công cho thấy là ngoài Biển Đông, khu vực sông Mêkông đang nổi lên thành một chiến trường mới giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc ở Đông Nam Á.
Trọng Nghĩa