Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

30/09/2021

Đến lượt Kim Jong-un lờn mặt Joe Biden

VietTimes - RFI tiếng Việt

Triều Tiên có thực sự sở hữu vũ khí siêu thanh ?

Truyền thông Triều Tiên trong tuần này đưa tin về một vụ thử nghiệm cái mà họ gọi là tên lửa siêu thanh.

Sau đây là một số câu hỏi và câu trả lời về công nghệ siêu thanh, cũng như khả năng thực sự của Triều Tiên ở thời điểm hiện tại.

joekim1

Hình ảnh tên lửa được hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên công bố trong tuần (Ảnh : KCNA)

Tên lửa siêu thanh là gì ?

Các tên lửa siêu thanh được định nghĩa là có khả năng đạt vận tốc lớn hơn ít nhất là 5 lần so với vận tốc của âm thanh – Mach 5, tức hơn 6.100 km/giờ. Ngoài vận tốc cao, chúng cũng có thể chuyển hướng trong lúc bay, điều này giúp chúng khó bị theo dõi hoặc đánh chặn hơn so với các tên lửa truyền thống.

Bằng cách cắt giảm được thời gian bay, chúng cũng giảm được khả năng phản kích của địch thủ. Tùy vào thiết kế mà chúng có thể mang theo các đầu đạn hạt nhân hoặc đầu đạn truyền thống, và có khả năng làm thay đổi cán cân chiến lược giữa các nước.

Ai sở hữu chúng ?

Phần lớn đều cho rằng Nga đang đi tiên phong trong công nghệ siêu thanh, khi phát triển hàng loạt các vũ khí siêu thanh mới mà Tổng thống Vladimir Putin từng mô tả là "vô địch".

Tháng 7 năm nay, Nga thử nghiệm thành công Zircon, tên lửa siêu thanh phóng từ tàu có tốc độ cao gấp 7 lần vận tốc âm thanh. Trước đó, Nga cũng đã công bố phương tiện siêu thanh Avangard và tên lửa siêu thanh Kinzhal (Dao găm). Theo giới chức Nga, Avangard đã đạt được vận tốc lên tới 33.000 km/giờ trong các cuộc thử nghiệm.

Nhiều nước khác cũng đang muốn bắt kịp Nga : Mỹ đang chi hàng tỉ USD cho một số chương trình nghiên cứu, và trong tuần này tuyên bố đã thử nghiệm thành công một tên lửa siêu thanh phóng từ trên không có vận tốc "lớn hơn Mach 5", được chế tạo bởi hãng Raytheon.

Trung Quốc cũng đã thử nghiệm nhiều phương tiện siêu thanh, theo Ủy ban Nghiên cứu Quốc hội Mỹ. Cơ quan này thêm rằng các hệ thống siêu thanh của Nga và Trung Quốc được thiết kế để lắp đầu đạn hạt nhân.

Triều Tiên chính xác là đang sở hữu thứ gì ?

Những chi tiết về tên lửa của Hwasong-8 của Triều Tiên vẫn được giữ kín.

Hãng thông tấn nhà nước KCNA của Triều Tiên nói rằng cuộc thử nghiệm mới đây "đã xác nhận được khả năng kiểm soát điều hướng và sự ổn định của tên lửa", "khả năng dẫn đường và các đặc tính bay của đầu đạn siêu thanh được tách ra", và động cơ. Vận tốc của tên lửa không được làm rõ, tuy nhiên KCNA nói rằng tên lửa sử dụng nhiên liệu dạng ống (ampoule), không cần phải tiếp nhiên liệu tại bãi phóng.

Các loại tên lửa chạy bằng nhiên liệu lỏng thông thường không thể được vận chuyển cùng với chất nổ đẩy của nó, bởi rất dễ phát nổ. Bởi vậy mà các loại tên lửa này thường được tiếp nhiên liệu ngay trước khi được phóng, đây là một quy trình tiêu tốn thời gian, không khác gì tạo cơ hội cho địch thủ định vị và tiêu diệt.

Tên lửa siêu thanh của Triều Tiên có được xác nhận độc lập ?

Hàn Quốc đến nay vẫn chưa chính thức xác nhận về chủng loại tên lửa mà Triều tiên đã phóng thử nghiệm.

Washington và Seoul là đồng minh, và họ không ngừng tăng cường áp dụng công nghệ do thám để theo dõi mọi động thái của Triều Tiên. Quân đội Hàn Quốc thường xuyên phát hiện và cung cấp thông tin về các vụ phóng tên lửa đạn đạo của Triều Tiên, chỉ trong vòng vài phút sau khi chúng xảy ra.

Tuy nhiên, Hàn Quốc lại không thể theo dõi độ cao tối đa, tầm bắn của tên lửa Triều Tiên trong các cuộc thử nghiệm đó.

Nhiều hãng truyền thông dẫn lại các nguồn giấu tên nói rằng, tên lửa mà Triều Tiên thử nghiệm vừa qua đạt độ cao 60 km và bay được dưới 200 km, tuy nhiên vẫn không biết về chi tiết quan trọng nhất là vận tốc.

Trong một tuyên bố, quân đội Hàn Quốc đưa ra đánh giá rằng, tên lửa Triều Tiên "mới đang trong giai đoạn đầu phát triển và sẽ mất khá nhiều thời gian mới có thể triển khai", thêm rằng Hàn Quốc và Mỹ "đủ khả năng để phát hiện và đánh chặn nó".

Hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc, trong khi đó, dù không dẫn nguồn tin nào nhưng nói rằng tên lửa mà Triều Tiên thử nghiệm đạt vận tốc Mach 3.

Sự khác biệt ở đây là gì ?

Một số chuyên gia cho rằng vũ khí siêu thanh có thể chỉ mang lại chút ít lợi thế, không nhiều như chúng ta nghĩ. Một bài phân tích đăng tải trên tạp chí Scientific American hồi tháng trước nói rằng vũ khí siêu thanh "không thể nào tạo nên một cuộc cách mạng được".

Tuy nhiên, nếu Bình Nhưỡng từ cuộc thử nghiệm trong tuần này thực sự đi đến bước cuối cùng trong phát triển công nghệ siêu thanh, "vậy thì họ có thể gây ra mối đe dọa quân sự đáng kể" ; Cheong Seong-chang, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Triều Tiên thuộc Viện Sejong, nhận định.

"Sẽ là hợp lý khi cho rằng Triều Tiên đang phát triển loại tên lửa này, để đối phó với Mỹ" – ông nói, thêm rằng tên lửa siêu thanh có thể giúp Triều Tiên có thêm "quân bài ngã giá" trong các cuộc đàm phán tương lai với Washington.

Vị chuyên gia thêm rằng, tên lửa được phóng thử nghiệm hôm thứ Ba trong tuần là tầm ngắn, nhưng Bình Nhưỡng sẽ tìm cách phát triển nó lên tầm trung hoặc tầm xa.

"Nếu được phát triển lên tầm xa, không quốc gia nào trên thế giới, bao gồm cả Mỹ, có thể đánh chặn được thứ tên lửa có tốc độ cao như vậy" – ông Cheong nói.

Huyền Chi

********************

Lãnh đạo Bắc Triều Tiên bác bỏ đề nghị đối thoại của Mỹ

Thanh Phương, RFI, 30/09/2021

Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un đã bác bỏ đề nghị đối thoại của Hoa Kỳ, cáo buộc tổng thống Joe Biden tiếp tục có những "hành vi thù địch" giống như những người tiền nhiệm. Washington đã bác bỏ ngay các cáo buộc này.

joekim2

Người dân Hàn Quốc theo dõi bài phát biểu trước Quốc Hội của lãnh đạo Bắc Triều Tiên, Kim Jong-un qua truyền hình ở một nhà ga tàu Seoul, ngày 30/09/2021. AP - Ahn Young-J oon

Theo hãng tin AFP, hôm qua, 29/09/2021, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định là Hoa Kỳ không hề có "một ý định thù địch nào" đối với Bình Nhưỡng. Phát ngôn viên này nhắc lại : "Hoa Kỳ sẵn sàng gặp các lãnh đạo Bắc Triều Tiên mà không có điều kiện tiên quyết. Chúng tôi hy vọng Bắc Triều Tiên sẽ đáp ứng tích cực đề nghị của chúng tôi". Đề nghị đối thoại với Bình Nhưỡng đã được chính quyền Biden đưa ra trước đó nhiều lần.

Bộ Ngoại Giao Mỹ đã có phản ứng như trên sau khi lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un cho rằng đề nghị đối thoại của Hoa Kỳ chỉ "nhằm che đậy những hành động thù địch của họ và che đậy việc tiếp tục chính sách thù địch của các chính quyền tiền nhiệm".

Theo hãng tin chính thức KCNA hôm nay, ông Kim Jong-un đã tuyên bố như trên trong một bài phát biểu dài trước Quốc Hội Bắc Triều Tiên. Cũng trong bài phát biểu này, lãnh đạo chế độ Bình Nhưỡng cho rằng lời kêu gọi gần đây của tổng thống Hàn Quốc về việc tuyên bố chính thức chấm dứt chiến tranh Triều Tiên là "quá sớm".

Tuy vậy, theo hãng tin Reuters, trích dẫn KCNA, ông Kim Jong-un đã tuyên bố sẵn sàng tái lập đường dây "điện thoại đỏ" giữa Bắc Triều Tiên với Hàn Quốc vào tháng tới. Đường dây điện thoại này đã bị Bình Nhưỡng cắt vào tháng 8, chỉ vài ngày sau khi được nối lại lần đầu tiên kể từ tháng 6/2020, trong bối cảnh căng thẳng liên Triều. Bộ Thống Nhất của Hàn Quốc đã hoan nghênh đề nghị nói trên của ông Kim Jong-un, nhưng không bình luận về những tuyên bố khác của lãnh đạo Bắc Triều Tiên.

Trong khi đó, Bắc Triều Tiên tiếp tục khiêu khích quốc tế qua các vụ bắn thử các tên lửa. Hôm qua, Bình Nhưỡng thông báo là hôm thứ Ba vừa qua đã thử nghiệm thành công một tên lửa siêu thanh. Hãng tin chính thức KCNA mô tả vụ bắn thử tên lửa này là "một bước tiến quan trọng về công nghệ" và có "một tầm quan trọng chiến lược lớn".

Sau vụ thử nghiệm nói trên, Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc hôm nay sẽ họp khẩn về Bắc Triều Tiên, theo yêu cầu của Hoa Kỳ, Pháp và Anh Quốc. Các nguồn tin ngoại giao được hãng tin AFP trích dẫn cho biết đây sẽ là một cuộc họp kín, nhưng không nói rõ là Hội Đồng Bảo An có ra một tuyên bố chung hay không.

Thanh Phương

*********************

Bắc Triều Tiên khẳng định thử thành công tên lửa siêu thanh

Anh Vũ, RFI, 29/09/2021

AFP dẫn nguồn hãng tin chính thức Bắc Triều Tiên KCNA hôm 29/09/2021, thông báo Bình Nhưỡng đã đạt tiến bộ lớn về công nghệ trong vụ bắn thử thành công tên lửa siêu thanh.

joekim3

Truyền hình Hàn Quốc đưa tin Bắc Triều Tiên bắn thử tên lửa. Ảnh ngày 28/09/2021.  Jung Yeon-je AFP

Hãng tin KCNA khẳng định thành công của vụ thử tên lửa hôm 28/09/2021 có "tầm quan trọng lớn về chiến lược" vào lúc Bình Nhưỡng đang tìm cách tăng gấp bội khả năng quốc phòng của mình.

Tên lửa siêu thanh bay nhanh hơn rất nhiều lần so với các loại tên lửa đạn đạo hay tên lửa hành trình thông thường mà Bắc Triều Tiên đã có. Hơn nữa theo các chuyên gia về vũ khí, tên lửa siêu thanh rất khó bị phát hiện và đánh chặn bằng hệ thống phòng thủ chống tên lửa hiện có của Mỹ.

Trong thông báo, KCNA cho biết vụ thử được tiến hành tại tỉnh Jagang, ở miền bắc Bắc Triều Tiên và "kết quả của các thử nghiệm đã cho thấy mọi tính năng kỹ thuật của tên lửa đều đáp ứng yêu cầu như thiết kế".

Vụ thử tên lửa siêu thanh có tên gọi Hwasong-8 lần này được một quan chức cấp cao của chế độ giám sát thực hiện, theo thông báo của Bình Nhưỡng. Nhật báo Rodong Sinmun của đảng Lao Động Triều Tiên còn đăng ảnh tên lửa đang được bắn lên lúc buổi sáng.

Theo AFP, quân đội Hàn Quốc đã thông báo có vụ bắn thử của miền Bắc ngay sau khi phát hiện. Nhưng có điều, không như thường lệ, Seoul không cho biết chi tiết độ cao và quãng đường bay của tên lửa.

Hôm nay (29/09), các chỉ huy liên quân tại Seoul khẳng định quân đội Mỹ và Hàn Quốc có đủ khả năng phát hiện và đánh chặn loại tên lửa siêu thanh.

Trong một thông cáo chung liên quân Mỹ-Hàn nhận định, "trên cơ sở đánh giá những tính năng như tốc độ bay thì đây là tên lửa vẫn trong giai đoạn sơ khởi, còn phải mất rất nhiều thời gian nữa mới có thể triển khai".

Trong tháng này, Bắc Triều Tiên liên tục tiến hành các vụ bắn thử, từ tên lửa hành trình tầm xa đến loại đạn đạo tầm ngắn, bất chấp lệnh cấm của quốc tế.

Theo ông Lim Eul Chul, giáo sư Viện nghiên cứu Viễn Đông, được AFP trích dẫn, Bình Nhưỡng dùng việc phát triển vũ khí như là "cách để tạo cho mình một không gian hành động trong ngoại giao đồng thời cũng để tăng cương vị thế quân sự của mình".

Trong khi đó Hàn Quốc cũng không ngừng tăng cường khả năng quốc phòng. Viễn cảnh giải trừ quân bị trên bán đảo Triều Tiên ngày càng xa vời.

Anh Vũ

*********************

Bắc Triều Tiên lại bắn tên lửa và khẳng định quyền thử nghiệm vũ khí

Thanh Phương, RFI, 28/09/2021

Quân đội Hàn Quốc cho biết là hôm nay, 28/09/2021, Bắc Triều Tiên dường như đã bắn một tên lửa tầm ngắn trên vùng biển. Chưa tới một tiếng sau đó, đại diện của Bình Nhưỡng tại Liên Hiệp Quốc khẳng định "quyền chính đáng" của Bắc Triều Tiên thử nghiệm các vũ khí.

joekim4

Truyền hình Hàn Quốc đưa tin vụ phóng tên lửa của Bắc Triều Tiên. Ảnh chụp tại một ga tàu ở Seoul, Hàn Quốc, ngày 28/09/2021. AP - Ahn Young-joon

Theo Bộ Tổng Tham Mưu của quân đội Hàn Quốc, tên lửa này đã được bắn từ tỉnh Jagang đến vùng biển phía đông của Bắc Triều Tiên. Một phát ngôn viên của bộ quốc phòng Hàn Quốc, xin được miễn nêu tên, khẳng định với hãng tin AFP đây có thể là một tên lửa đạn đạo.

Đây là vụ bắn tên lửa thứ ba của Bình Nhưỡng chỉ trong tháng này. Vụ thứ nhất là bắn thử một tên lửa hành trình tầm xa, vụ thứ hai là bắn một tên lửa đạn đạo tầm ngắn.

Ngay sau vụ bắn thử hôm nay, Hội đồng An ninh Quốc gia của Hàn Quốc đã họp khẩn và ra một thông cáo lấy làm tiếc là vụ bắn thử này diễn ra "vào lúc ổn định chính trị trên bán đảo Triều Tiên đang ở vào giai đoạn cực kỳ nguy hiểm". Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ cũng đã thông cáo lên án vụ bắn thử tên lửa mới của Bắc Triều Tiên.

Từ Seoul, thông tín viên RFI Nicolas Rocca tường trình :

"Chỉ một tiếng đồng hồ sau khi phóng một tên lửa mà theo chính quyền Nhật dường như là tên lửa đạn đạo, đại sứ Bắc Triều Tiên tại Liên Hiệp Quốc đã phát biểu tại Đại Hội Đồng. Ông Kim Song nhấn mạnh quyền "chính đáng" của Bắc Triều Tiên tăng cường khả năng phòng thủ bằng cách thử nghiệm các vũ khí. Nhưng ông cũng yêu cầu Hoa Kỳ ngưng các cuộc tập trận chung với Hàn Quốc và rút các tên lửa của họ ra khỏi miền nam bán đảo Triều Tiên.

Về phần mình, Washington đã lên án vụ bắn thử tên lửa Bắc Triều Tiên, cho rằng hành động này là một mối đe dọa đối với các nước trong khu vực cũng như đối với cộng đồng quốc tế.

Thời điểm của vụ thử nghiệm mới này khiến người ta không khỏi thắc mắc. Mới hôm Chủ nhật, em gái của lãnh đạo Kim Jong-un đã nêu lên khả năng hai miền tuyên bố chấm dứt chiến tranh và hai lãnh đạo sẽ gặp lại nhau. Tuy nhiên, bà Kim Yo Jong cũng yêu cầu Seoul có sự "tôn trọng lẫn nhau" và chấm dứt chính sách "thù địch" đối với Bình Nhưỡng.

Chiến lược có vẻ mâu thuẫn ở bề ngoài này có thể được xem là một cách để gia tăng áp lực lên tổng thống Hàn Quốc vào lúc ông chỉ còn tại chức trong vài tháng nữa. Sau các cuộc họp thượng đỉnh liên tục vào đầu nhiệm kỳ của ông, tổng thống Moon Jae In đang cố khởi động lại đối thoại đã bị gián đoạn từ năm 2019".

Thanh Phương

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Huyền Chi, Thanh Phương, Anh Vũ
Read 414 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)