Tàu ngầm : Úc phải thủ thế trước sự hiếp đáp của Trung Quốc
Vụ tàu ngầm Úc vẫn chưa hết dư âm trên báo chí Pháp. Trên Le Monde ngày 04/10/2021, triết gia Clive Hamilton, giáo sư trường đại học Charles-Sturt ở Canberra có bài viết trần tình "Ở Úc, chúng tôi biết rằng mình dễ bị tổn thương và chúng tôi lo sợ".
Tàu ngầm tấn công USS Illinois (SSN 786) quay về Trân Châu Cảng sau khi tham gia hoạt động của Đệ thất Hạm đội Mỹ. Ảnh minh họa chụp ngày 13/09/2021. AP - Petty Officer 1st Class Michael B Zingaro
Anh chồng phản bội chỉ dám thú nhận vào phút chót
Tác giả nhìn nhận trong việc hủy hợp đồng mua tàu ngầm Pháp, Úc đã xử trí một cách vụng về, thậm chí thô bạo. Chính phủ của thủ tướng Scott Morrison cứ như một anh chồng ngoại tình, không dám nói với vợ rằng sẽ chia tay, cho đến lúc xách vali ra đến tận ngưỡng cửa mới thú thật. Dứt tình như vậy hết sức phũ phàng, và người vợ còn cảm thấy bị phản bội nặng nề hơn khi khám phá ra rằng người chồng đã chuẩn bị cú đòn này từ nhiều tháng qua, bỏ rơi mình để đi theo cô bạn thân !
Tuy vậy cũng phải nghĩ đến nguyên nhân của vụ chia tay. Từ khi chính phủ Úc đặt mua 12 tiềm thủy đĩnh chạy bằng điện và diesel của Pháp năm 2016, bối cảnh chiến lược và nhu cầu quân sự của Úc đã hoàn toàn thay đổi. Mới cách đây hai năm, nếu ai đó đề nghị mua tàu ngầm nguyên tử Mỹ sẽ bị bác ngay. Nhưng giờ đây, Bắc Kinh ngày càng tỏ ra thù địch và đầy đe dọa, từ khi Canberra thông qua các biện pháp nghiêm ngặt năm 2017 để chống can thiệp và gián điệp Trung Quốc.
Chế độ Bắc Kinh liên tục có những hoạt động gây ảnh hưởng trong giới tinh hoa chính trị, kinh tế, đại học, tấn công tin học đại quy mô và xâm nhập ồ ạt vào cộng đồng người Hoa ở Úc. Tháng 4/2020, ngoại trưởng Maryse Payne đòi mở điều tra quốc tế độc lập về xuất xứ Covid, Trung Quốc tức giận trả đũa bằng chiến dịch phá hoại kinh tế, cấm nhập nhiều loại hàng của Úc nhất là rượu vang, lúa mạch.
Bắc Kinh quá hung hăng, công luận Úc căm ghét
Giải pháp ngoại giao là bất khả. Sự lăng nhục, hăm dọa từ các cơ quan và quan chức Đảng cộng sản Trung Quốc lên đến cực độ, thậm chí còn dọa sẽ trút hàng loạt hỏa tiễn mang đầu đạn nguyên tử xuống đầu người Úc nếu không chịu quy hàng.
Điều chưa từng thấy là tháng 11/2020, đại sứ quán Trung Quốc ở Canberra chuyển cho truyền thông Úc danh sách 14 điều kiện để tái lập "quan hệ bình thường". Những điều kiện này đánh vào trái tim nền dân chủ và chủ quyền nước Úc : hủy bỏ luật chống can thiệp, cho phép Hoa Vi (Huawei) tham gia mạng 5G, hạn chế tự do báo chí và khóa miệng các dân biểu. Bất chấp áp lực của đối tác thương mại lớn nhất, Canberra thẳng thừng từ chối. Sự hung hăng và các thủ đoạn đe dọa của Bắc Kinh đã khiến công luận Úc từ cảm tình với Trung Quốc chuyển sang ngờ vực, căm ghét và sợ hãi. Úc cảm thấy buộc phải tự vệ, liên minh mới AUKUS giúp hợp tác chặt chẽ hơn với Hoa Kỳ, Anh về công nghệ quân sự và an ninh mạng, gia tăng sức mạnh chiến lược, đối phó với bối cảnh bất định và nguy hiểm.
Viễn cảnh Trung Quốc thống trị Ấn Độ-Thái Bình Dương khiến các quốc gia láng giềng lo lắng. Với số lượng tàu chiến đã vượt quá Mỹ, Bắc Kinh chiếm đóng nhiều nơi tại Biển Đông, xây lên các căn cứ quân sự trên những hòn đảo bất chấp phán quyết của Tòa Trọng tài. Các nước như Việt Nam, Philippines bị xua đuổi khỏi khu vực đánh cá truyền thống và vùng khai thác dầu khí của họ. Bắc Kinh còn tự cho mình cái quyền quyết định ai sẽ được du hành trên Biển Đông mênh mông, ai có thể bay qua không phận phía trên vùng biển ấy. Ấn Độ đành phải tăng cường lực lượng tại biên giới, Nhật Bản diễn dịch lại Hiến Pháp chủ hòa để đối phó với Trung Quốc.
Một khi Pháp hạ hỏa, nên hợp tác với Úc
Bắc Kinh còn dấn lên cả ở lãnh địa của Pháp, chiếm được lòng tin của giới tinh hoa chính trị, kinh tế, và nay có ảnh hưởng lớn tại Polynésie thuộc Pháp.
Đối với người dân Paris, Nam Thái Bình Dương có thể chỉ là một "thiên đàng nhiệt đới", nhưng với Úc đó là sân sau nhà mình, và "một kẻ xấu đã nhảy qua hàng rào". Giáo sư Clive Hamilton cho rằng trước sự bành trướng thô bạo của Trung Quốc, Pháp không thể duy trì sự hiện diện ở Thái Bình Dương mà không phối hợp với Úc và Hoa Kỳ, cũng như với Nhật Bản và New Zealand ; các bên đều cần lẫn nhau.
Đây không phải là lần đầu tiên một cường quốc đang lên với chủ trương dân tộc chủ nghĩa, do một nhà độc tài có tham vọng toàn cầu lãnh đạo, giương oai diễu võ. Châu Âu muốn đứng ở đâu khi trọng tâm thế giới đã chuyển sang Ấn Độ-Thái Bình Dương ? Nga tuy gây phiền nhiễu, nhưng chính Trung Quốc mới đe dọa trật tự thế giới. NATO nay tụt xuống vị trí hạng nhì. Theo tác giả, không thể trông cậy vào Đức - vốn hay thỏa hiệp với Bắc Kinh - mà hy vọng rằng Pháp một khi cảm giác bị bội phản đã dịu xuống, có thể dẫn đầu một mặt trận Châu Âu chống lại chủ nghĩa toàn trị mới.
Shinzo Abe vẫn giựt dây tân chính phủ Nhật
Cũng tại Châu Á, Les Echoscho biết "Từ trong bóng tối, ông Shinzo Abe vẫn duy trì ảnh hưởng trên tân chính phủ Nhật". Được bầu là tân thủ tướng Nhật Bản hôm nay, ông Fumio Kishida có trợ thủ là những người thân cận của nhà cựu lãnh đạo, và tiếp tục các chủ trương chính của Abe về chính trị, kinh tế.
Cựu thủ tướng Abe từ chức hồi tháng 9/2020 vì lý do sức khỏe sau tám năm cầm quyền. Cánh tay phải của ông là Yoshihide Suga lên thay cũng có cùng đường hướng, và nay Fumio Kishida tuy không nằm trong số các nhân vật thân cận nhất với Shinzo Abe, nhưng là người trung thành với đảng Dân chủ Tự do (PLD) và biết rằng cựu thủ tướng đã đóng góp rất lớn cho chiến thắng của mình.
Cuối tuần qua, Kishida đã bổ nhiệm nhiều người thân cận của ông Abe vào các chức vụ chính trong đảng. Ngoại trưởng Toshimitsu Motegi vẫn được tại vị, cũng như bộ trưởng Quốc Phòng. Nhà kinh tế Naohiko Baba nhận định Fumio Kishida vẫn sẽ kế tục "Abenomics". Trong những tuần lễ tới, chính phủ sẽ xem xét việc tăng ngân sách, trong đó có một món tiền trợ cấp mới cho tất cả các cư dân trên 18 tuổi bất kể thu nhập. Biện pháp này sẽ làm hài lòng người dân trước cuộc bầu cử ngày 30/10 tới mà PLD có nhiều hy vọng chiến thắng.
Về lâu về dài, tân thủ tướng không hứa hẹn một cải cách lớn nào, nhưng cho biết sẽ gia tăng chống bất bình đẳng xã hội. Lần đầu tiên, Nhật Bản sẽ có một bộ về "an ninh kinh tế", với nhiệm vụ không chính thức là đối phó với Trung Quốc trên nhiều lãnh vực chiến lược (nguồn cung các thiết bị quan trọng, tình báo công nghệ…). Ở chiến dịch vận động trong nội bộ đảng, Fumio Kishida cũng đã rắn giọng trước Bắc Kinh. Như vậy cũng như thời Shinzo Abe, Nhật Bản tiếp tục liên minh với Hoa Kỳ và xích lại gần các nước Châu Á đang lo ngại trước thái độ hiếu chiến của Trung Quốc.
Trung Quốc có thể gây chiến tranh với Đài Loan ?
Cụ thể, trang web La Croixđặt vấn đề "Liệu Trung Quốc có gây chiến với Đài Loan ?". Đài Bắc vẫn giữ được bình tĩnh, nhưng một ngày nào đó có thể mất kiên nhẫn.
Chỉ trong hai ngày, có đến 93 phi cơ tiêm kích và oanh tạc cơ Trung Quốc bay vào vùng nhận diện phòng không Đài Loan. Tờ báo dẫn nhận xét của chuyên gia Antoine Bondaz, cho rằng Bắc Kinh muốn vừa trắc nghiệm năng lực phòng không Đài Loan, làm người dân đảo quốc nản lòng, thăm dò phản ứng quốc tế đồng thời tạo ra bất ổn về chiến lược. Điều gì sẽ xảy ra nếu 40 máy bay Trung Quốc xâm nhập hẳn không phận Đài Loan ?
Nhà Trung Quốc học Jean-Pierre Cabestan cho biết có những lời đồn đãi tại Hoa lục là Tập Cận Bình muốn thống nhất Đài Loan bằng vũ lực trước đại hội đảng 2022. Những khiêu khích quân sự của Bắc Kinh hoàn toàn nằm trong logic quấy nhiễu thường xuyên trước khi ra đòn quyết định. Không rõ đây chỉ kế hoạch xâm lược đã được chuẩn bị kỹ càng hay chỉ là đòn gió. Theo ông Cabestan, nguy cơ "sự cố vũ trang và thậm chí xung đột quân sự" là có thực, nhưng trước mắt chiến tranh khó thể xảy ra.
Kim Jong-un khiêu khích Joe Biden
Cũng theo La Croix, tại Bắc Á, "Bắc Triều Tiên chơi trò cân não với Joe Biden". IV hỏa tiễn chỉ trong bốn tuần qua, rõ ràng Bình Nhưỡng đã tính kỹ để gia tăng áp lực lên chính quyền Dân chủ của Biden. Loạt hỏa tiễn này cho thấy Bắc Triều Tiên đã mất kiên nhẫn, muốn thử xem giới hạn của việc khiêu khích đến mức nào. Từ đầu năm, ngoại trưởng Mỹ luôn nói rằng Hoa Kỳ sẵn sàng mở đối thoại mà không đòi hỏi điều kiện tiên quyết, nhưng Kim Jong-un bác bỏ.
Nhà nghiên cứu Ahn Chan cho rằng Bình Nhưỡng muốn hiện hữu trên trường quốc tế đồng thời tìm cách câu giờ. Đang phải chống chọi với Covid và nạn đói, Kim Jong-un mong được Mỹ bỏ cấm vận. Với việc bắn hỏa tiễn, ông ta hy vọng có được đối thoại trong điều kiện tốt nhất cho mình. Đối với Joe Biden, Bắc Triều Tiên vẫn là hồ sơ ưu tiên, nhưng khó thể giải quyết. Ý thức được khả năng quấy nhiễu của mình, Kim Jong-un - sẽ kỷ niệm 10 năm cầm quyền vào tháng 12 - còn tiếp tục khiêu khích cho đến khi có hy vọng được xóa cấm vận.
Monulpiravir, thuốc uống mới chống Covid
Trên lãnh vực y tế, Les Echos giới thiệu dược phẩm mới Monulpiravir của hãng Merck MSD (Mỹ), loại thuốc viên đầu tiên chống Covid có hiệu quả và dễ sử dụng. Theo tờ báo, đây là một bước tiến dài trong cuộc chiến chống lại con virus từ Vũ Hán.
Monulpiravir được Merck MSD mua độc quyền từ công ty công nghệ sinh học Ridgeback Biotherapeutics ở Miami với giá 1,2 tỉ đô la, hiệu quả đến nỗi thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 đã được ngưng trước khi tuyển mộ đủ số tình nguyện viên trên thế giới (775/1.550 theo dự kiến). Cố vấn Nhà Trắng Anthony Fauci nhận xét dữ liệu thử nghiệm "rất ấn tượng". Loại thuốc này giúp giảm tỉ lệ nằm viện đến 50%, và không có trường hợp tử vong nào nơi các bệnh nhân Covid dùng thuốc này.
Monulpiravir làm giảm số lượng virus nơi bệnh nhân và giảm khả năng sinh sản của con virus, có thể góp phần giúp Covid bớt lây lan, chống được biến thể Delta, Gamma và Mu. Cần phải uống ít nhất 5 ngày sau khi xuất hiện các triệu chứng, gồm 4 viên nhộng loại 200 mg uống hai lần vào buổi sáng, tối trong năm ngày, thích hợp khi dùng tại nhà ; rất tiện lợi so với thuốc chích tĩnh mạch ở bệnh viện như kháng thể đơn dòng Remdisivir đắt tiền.
Trong thời gian đầu, thuốc được dành cho các bệnh nhân có ít nhất một bệnh nền (béo phì, tiểu đường, bệnh tim). Hãng Merck từ nay đến cuối năm có thể cung cấp 10 triệu liều, và nhượng quyền cho một số nhà sản xuất thuốc gốc (générique) trên thế giới để bán cho các nước có thu nhập thấp và trung bình.
Thụy My