Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

22/10/2021

Chế độ quân phiệt Miến trong tầm nhắm của Liên Hiệp Quốc

RFI tổng hợp

Miến Điện : Liên Hiệp Quốc tố cáo tập đoàn quân sự tập trung quân ở miền bắc

Thanh Phương, RFI, 22/10/2021

Hôm 22/10/2021, báo cáo viên của Liên Hiệp Quốc về nhân quyền ở Miến Điện tố cáo tập đoàn quân sự đang "tập trung hàng chục ngàn quân và các vũ khí hạng nặng" ở miền bắc nước này và lo ngại quân đội Miến Điện sẽ lại có những hành động "tàn ác".

myanmar1

Báo cáo viên đặc biệt của Liên hợp quốc Tom Andrews (ô giữa) đã mô tả việc sử dụng vũ khí chiến tranh của quân đội Myanmar là "hèn nhát", kêu gọi thế giới phải có biện pháp cụ thể

Theo hãng tin AFP, ông Tom Andrews đã đưa ra lời tố cáo như trên khi trình bày báo cáo thường niên về tình hình nhân quyền ở Miến Điện trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York. Theo báo cáo viên Liên Hiệp Quốc, việc tập trung quân đông đảo này khiến người ta nhớ đến chiến thuật của quân đội Miến Điện trước khi mở các cuộc tấn công diệt chủng nhắm vào cộng đồng người Rohingya Hồi Giáo ở bang Rakhine năm 2016 và 2017.

Ông Tom Andrews, nguyên là một nghị sĩ Quốc hội Mỹ, tuyên bố : "Tất cả chúng ta, cũng như như những người dân trong vùng, phải chuẩn bị cho khả năng quân đội Miến Điện sẽ có những hành động tàn ác nhiều hơn nữa". Báo cáo viên của Liên Hiệp Quốc kêu gọi quốc tế hãy có hành động cụ thể để ngăn chận "thảm họa" này.

Theo một thông cáo của Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, kể từ cuộc đảo chính đầu tháng 2, tập đoàn quân sự Miến Điện có thể đã tiếp tục phạm "những tội ác chống nhân loại và tội ác chiến tranh" đối với người dân nước này.

Cũng hôm qua, một tổ chức phi chính phủ ở Miến Điện cho biết hơn 100 nhà đối lập trong số những người vừa được phóng thích đã bị bắt trở lại. Thứ ba vừa qua, chính quyền Miến Điện đã trả tự do cho khoảng 5.600 người bị bắt giữ trong các cuộc biểu tình rầm rộ chống cuộc đảo chính quân sự tháng 2.

Thanh Phương

*********************

Liên Hiệp Quốc : Tình hình tại Miến Điện tiếp tục xấu đi

Thanh Hà, RFI, 22/10/2021

Đặc sứ Liên Hiệp Quốc về Miến Điện Christine Schraner Burgener đánh giá tập đoàn quân sự Naypyidaw "đi lầm đường" và 8 tháng sau cuộc đảo chính, tình hình tại Miến Điện "tiếp tục xấu đi nghiêm trọng".

myanmar2

Trước nhà tù Insein, Rangun, Miến Điện. Người thân và bạn bè chờ đón các tù nhân được phóng thích hôm 19/10/2021.  AP

Họp báo tại New York hôm 21/10/2021, đặc sứ Liên Hiệp Quốc về Miến Điện Christine Schraner Burgener nhấn mạnh "xung đột đang gia tăng tại nhiều vùng và các đợt đàn áp của quân đội tới nay đã làm hơn 1.180 người thiệt mạng". Đại diện Liên Hiệp Quốc mạnh mẽ tố cáo tập đoàn quân sự Miến Điện sử dụng một loạt chiến thuật tàn bạo nhắm vào thường dân, như "đốt phá làng mạc, hôi của và bắt giữ thường dân một cách tùy tiện, tra tấn, sát hại tù nhân…". Bà Schraner Burgener kêu gọi Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc "nỗ lực hơn trong việc bảo vệ thường dân Miến Điện".

Từ sau cuộc đảo chính của quân đội lật đổ chế độ dân sự của Liên Đoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ do bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo, hệ thống y tế và tài chính Miến Điện đã hoàn toàn "sụp đổ", với từ 370.000 đến 589.000 người phải tản cư, 3 triệu người cần được cứu trợ nhân đạo. Theo thẩm định của Liên Hiệp Quốc, con số này cao gấp ba lần so với trước đây. 

Ngoài ra, từ sau cuộc đảo chính hôm 01/02/2021, Liên Hiệp Quốc có thông tin là khoảng 4.000 quân nhân đã đào ngũ, nhưng hiện tại chưa thể kiểm chứng con số nói trên. Bà Schraner Burgener cho biết lần gần đây nhất tiếp xúc với đại diện của chính quyền Naypyidaw là vào tháng 7/2021, khi bà đề xuất phương pháp làm việc với các tướng lãnh Miến Điện, nhưng "từ đó tới nay, vẫn chưa được hồi âm".

Còn đặc sứ ASEAN về Miến Điện, bộ trưởng Brunei Erywan Yusof, sau nhiều tháng thương lượng vẫn chưa được phép tiếp xúc với cựu cố vấn nhà nước Miến Điện, bà Aung San Suu Kyi.

Sáu người Rohinga chết trong tại tị nạn

Cảnh sát Bangladesh hôm nay, 22/10/2021, cho biết một vụ nổ súng đã xảy ra tại trại Balukhali, ở Cox Bazar, sát biên giới hai nước, khiến 6 người Rohingya thiệt mạng và hàng chục người bị thương. Đây là một vụ "tấn công" nhắm vào một lớp học của người Rohingya theo Hồi Giáo trong trại Balukhali, nơi mà 27.000 người sắc tộc thiểu số này đang tạm trú.

Cox Bazar có nhiều trại tị nạn và là nơi đón nhân hơn 900.000 Rohingya. Cảnh sát địa phương cho biết đã bắt được hung thủ. AFP cho biết tnhắc lại tình hình tại Cox Bazar thêm căng thẳng từ nhiều tuần qua. Một số nguồn tin thông thạo quy trách nhiệm cho nhóm cực đoan mang tên ARSA. Vụ tấn hôm nay diễn ra ba tuần sau vụ một nhà đấu tranh ôn hòa 48 tuổi, đại diện cho những người Rohingya bị sát hại cũng tại Cox Bazar.

Thanh Hà

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thanh Phương, Thanh Hà
Read 380 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)