Hoa Kỳ điều máy bay đến Biển Đông để tìm rò rỉ phóng xạ
RFA, 02/11/2021
Hoa Kỳ vừa điều máy bay WC-135 Constant Phoenix chuyên phát hiện dấu hiệu hạt nhân đến Biển Đông, một tháng sau khi tàu ngầm hạt nhân của Mỹ đâm phải một vật thể chưa xác định ở khu vực này. Trang tin South China Morning Post loan tin này hôm 2/11.
WC-135 Constant Phoenix được tiếp liệu từ một máy bay trên không - Reuters
Theo SCMP, một tổ chức phân tích có trụ sở ở Bắc Kinh (Nhóm Sáng kiến Theo dõi tình hình chiến lược Biển Đông - SCSPI) đã chụp được những hình ảnh vệ tinh cho thấy có năm máy bay do thám của Mỹ hoạt động ở Biển Đông vào cuối tuần trước. Trong số năm máy bay này có máy bay WC-135 Constant Phoenix chuyên phát hiện các mảnh vỡ nhiễm phóng xạ.
Theo SCSPI, "Rất hiếm khi máy bay WC-135 Constant Phoenix xuất hiện tại khu vực Biển Đông. Hoạt động gần đây nhất của nó ở khu vực này là từ tháng 1/2020".
Theo hình ảnh vệ tinh của SCSPI, máy bay này được hộ tống bởi máy bay do thám E-8C, hai máy bay tuần tra hàng hải P-8A và một máy bay tác chiến điện tử và do thám EP-3E.
SCMP trích lời một số chuyên gia về quân sự cho rằng có thể đây là một biện pháp mà Mỹ thực hiện để tìm kiếm xem có sự rò rỉ chất phóng xạ nào từ vụ va tàu ngầm hồi đầu tháng trước hay không.
Sau vụ tàu ngầm hạt nhân USS Connecticut va phải vật thể dưới mặt nước ở Biển Đông, Hải quân Mỹ cho biết tàu không bị hư hại và lò phản ứng hạt nhân vẫn hoạt động bình thường.
Trong khi đó, Trung Quốc đã chỉ trích tai nạn này của Mỹ như là một sự vô trách nhiệm và yêu cầu Mỹ phải nói rõ iệu có sự rò rỉ phóng xạ từ tàu ngầm hay không.
********************
Mỹ - Nhật tăng cường hợp tác đối phó Trung Quốc, Việt Nam là quốc gia trong chiến lược
VOA, 03/11/2021
Tân Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Tổng thống Mỹ Joe Biden trong cuộc hội đàm trực tiếp đầu tiên hôm 2/11 đã nhất trí tăng cường liên minh song phương và hợp tác chặt chẽ hướng tới một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở, giữa bối cảnh Trung Quốc ngày càng trở nên hung hăng và quyết đoán trong khu vực.
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida.
Theo truyền thông Nhật Bản, cuộc gặp của Thủ tướng Nhật với các lãnh đạo thế giới diễn ra bên lề hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên Hiệp Quốc ở Glasgow của Scotland. Tại đây, ông Kishida đã có các cuộc gặp trực tiếp mà tờ Kyodo của Nhật mô tả là "không chỉ thể hiện cam kết của ông đối với các vấn đề có tầm quan trọng toàn cầu mà còn kết nối với các quốc gia quan trọng có chung mối quan ngại về sự quyết đoán của Trung Quốc ở Ấn Độ - Thái Bình Dương".
Ngoài Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Kishida còn có các cuộc gặp với Thủ tướng Anh Boris Johnson, Thủ tướng Úc Scott Morrison và Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính, ba quốc gia mà Tokyo coi là đối tác quan trọng trong việc thúc đẩy một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở.
Từng giữ chức ngoại trưởng lâu năm, tân thủ tướng Nhật Bản cho biết ông đã có một "khởi đầu rất tốt" trong hoạt động ngoại giao trực tiếp và xúc động trong các cuộc trò chuyện ngắn ngủi với Tổng thống Mỹ và các lãnh đạo trên, vẫn theo tường thuật của Kyodo.
Tờ báo Nhật dẫn lời các chuyên gia nói rằng chỉ vài giờ có mặt ở Glasgow thì rất khó để tân thủ tướng Nhật chuyển tải nhiều nội dung trong lần "ra mắt" ngoại giao, nhưng ông Kishida cũng đã kịp thể hiện "cam kết chính trị mang tính biểu tượng quan trọng" đối với các quốc gia mà ông đã gặp, trong đó có Việt Nam, quốc gia mà Nhật Bản hy vọng sẽ hợp tác để chống lại các hành vi quyết đoán của Bắc Kinh trên Biển Hoa Đông và Biển Đông.
Trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính, ông Kishida đã bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ đối với những nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.
Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết Thủ tướng Kishida và người đồng cấp Việt Nam cũng đã nhất trí hợp tác trong các vấn đề về chuỗi cung ứng, đồng thời đẩy nhanh các cuộc đàm phán để thúc đẩy xuất khẩu quốc phòng của Nhật Bản.