Lãnh tụ suốt đời Tập Cận Bình vẫn muốn củng cố quyền lực
Chiến dịch tranh cử tổng thống Pháp, mạng xã hội Facebook lại rơi vào tầm ngắm của Châu Âu, Hội nghị khí hậu toàn cầu COP 26 bước vào tuần thứ 2 đầy khó khăn, và đặc biệt là Đảng cộng sản Trung Quốc họp hội nghị Trung ương 6 để củng cố thêm quyền lực của Tập Cận Bình… là những thông tin được các báo Pháp ra ngày đầu tuần này đề cập đến nhiều.
Ông Tập Cận Bình tham gia một hoạt động kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng cộng sản Trung Quốc, Bắc Kinh, 28/06/2021. AP - Ng Han Guan
Từ ngày 08/11 đến ngày 11/11, Đảng cộng sản Trung Quốc họp hội nghị toàn thể Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 6. Các nhật báo La Croix và Les Echos đều có bài viết phân tích xung quanh tính chất quan trọng của kỳ hội nghị trung ương diễn ra trước Đại hội toàn quốc của Đảng một năm. Các báo đều nhận thấy đây là kỳ họp quan trọng của chế độ cộng sản Bắc Kinh, nhằm tìm ra một hướng đi chiến lược cho một cường quốc và đặc biệt quan trọng với quyền lực của ông Tập Cận Bình. Nhật báo La Croix chạy tựa : Tập Cận Bình củng cố quyền lực của "lãnh tụ suốt đời". Cùng chung cái nhìn, Les Echos có bài "Tại Trung Quốc, một hội nghị toàn thể nhằm tăng cường chi phối ảnh hưởng của Tập Cận Bình". Theo báo Pháp, tại kỳ hội nghị trung ương 6 lần này, ông Tập Cận Bình, sẽ phải cho thông qua một nghị quyết nhằm tăng cường vị thế là người lãnh đạo quyền lực nhất Trung Quốc.
Les Echos ghi nhận "một năm trước kỳ Đại hội Đảng cộng sản Trung Quốc, mà chắc chắn đại hội sẽ vẫn dành cho ông quyền đứng đầu Nhà nước – Đảng. Ông Tập Cận Bình không hài lòng với việc sắp xếp những người trung thành với mình vào các vị trí lãnh đạo chủ chốt, mà còn muốn nắm lại sinh mệnh của giới kinh doanh và gia tăng kiểm soát xã hội dân sự. Nhà lãnh đạo có quyền lực tuyệt đối ở Trung Quốc này cho thấy ông ta đang viết lại lịch sử".
Một nghị quyết "lịch sử"
La Croix cũng như Les Echos đều dự báo trước là nghị quyết được công bố sau hội nghị Trung ương 6 lần này sẽ là một "nghị quyết lịch sử" của Đảng cộng sản Trung Quốc.
Tờ báo nhắc lại, từ khi thành lập năm 1921, Đảng cộng sản Trung mới chỉ có hai nghị quyết được đánh giá mang tính lịch sử. Đó là nghị quyết năm 1945, khẳng định quyền lãnh đạo tuyệt đối của Mao Trạch Đông trong Đảng, trước khi Đảng cộng sản giành chính quyền năm 1949. Nghị quyết lịch sử thứ 2 là vào năm 1981, theo ý muốn của Đặng Tiểu Bình, chính thức phê phán sai lầm của cuộc Cách mạng Văn hóa và cũng là để chuẩn bị cho các cải cách kinh tế.
Mặc dù thông tin của văn kiện nghị quyết hội nghị Trung ương 6 không lọt ra ngoài, nhưng giới quan sát chính trị Pháp đã có thể dự báo trước được nội dung chủ yếu của văn kiện lịch sử này. Theo chuyên gia về Trung Quốc Mathieu Duchâtel, thuộc Viện nghiên cứu chính trị của Pháp Montaigne nhân định "Nghị quyết này sẽ là chỉ dấu rõ ràng về cách thức mà Tập Cận Bình quan niệm về quyền lực của mình trong kỷ nguyên mới. Với Mao, Trung Quốc đã đứng dậy, với Đặng, Trung Quốc trở nên giàu có, còn với Tập, Trung Quốc trở thành một cường quốc". Khẳng định là một cường quốc để chinh phục thế giới, đó là tư tưởng cốt lõi của Tập Cận Bình. Một nội dung không thể thiếu trong nghị quyết sắp tới đây là để đạt mục tiêu trở thành một quốc gia "phồn thịnh hùng mạnh", Trung Quốc buộc phải cần có Tập Cận Bình, tư tưởng Tập Cận Bình.
Kinh tế Trung Quốc giảm tốc ảnh hưởng toàn cầu
Một chủ đề thời sự khác liên quan đến Trung Quốc. Trang kinh tế báo Le Monde có bài "Trung Quốc đè nặng lên sự phục hồi kinh tế thế giới". Tờ báo cho thấy, từ Châu Á qua Nam Mỹ sang đến Châu Âu, tất cả các nước đều đang bị ảnh hưởng của việc kinh tế Trung Quốc giảm tốc độ tăng trưởng.
Le Monde ghi nhận, "khi đầu tầu kinh tế Trung Quốc dừng lại, toàn bộ nền kinh tế của Châu Á, thậm chí cả thế giới cũng chậm lại. Đến quý 3 năm nay, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế thứ 2 thế giới chững lại ở mức 4,9% trên cả năm và nhiều dấu hiệu cho thấy từ nay đến cuối năm, xu hướng này còn tiếp tục". Giới chuyên gia kinh tế đều nhận định, thực tế này có thể sẽ là một cú sốc cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu, vốn đang bị tác động nặng nề của đại dịch Covid-19. Những nước đầu tiên bị ảnh hưởng của việc kinh tế Trung Quốc giảm tốc độ là các quốc gia Châu Á. Đó là những nước đều có chuỗi cung ứng đan cài nhau, trong khi Trung Quốc là thị trường xuất khẩu hàng đầu của các nước này. Điển hình như trong năm 2020, các nước Đông Nam Á (ASEAN) đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc với trao đổi thương mại hai bên lên tới 730 tỷ đô la. Le Monde cho biết cụ thể : 20% xuất khẩu của Việt Nam phụ thuộc vào Trung Quốc. Đài Loan cũng bị lệ thuộc 1/3 tỷ trọng xuất khẩu vào Trung Quốc. Rồi đến Philippines hay Thái Lan không chỉ bị phụ thuộc vào Trung Quốc về xuất khẩu mà còn cả ngành du lịch.
Châu Á bị ảnh hưởng nặng nề nhất, nhưng các nghiên cứu của tập đoàn tài chính Natixis còn ghi nhận hầu hết tất cả các châu lục đều bị ảnh hưởng từ kinh tế Trung Quốc giảm tốc độ, trong đó kể cả những nước phát triển như Pháp hay Đức.
Tuy nhiên Le Monde cũng nhận thấy, việc kinh tế Trung Quốc hạ cánh không chỉ có những người mất mà vẫn có kẻ được. Đó là Hoa Kỳ đang nhìn sự suy yếu kinh tế Trung Quốc như một dấu hiệu tốt trên phương diện chiến lược.
Một câu hỏi khác cũng được đặt ra là liệu có cường quốc khác nào có thể nổi lên để thay thế Trung Quốc ? Câu trả lời là khó có thể được hiện nay cũng như trong tương lai.
Mạng xã hội Facebook vào tầm ngắm của Châu Âu
Mạng xã hội và những tác động lên xã hội là chủ đề chiếm trang nhất của nhật báo La Croix và Libération. Những phát giác về "Facebook Files" về tính chất độc hại của mạng xã hội đối với trẻ vị thành niên đang kéo dài thêm danh mục chỉ trích tập đoàn Meta của Mark Zuckerberg, hiện đang trong tầm ngắm của chính quyền Mỹ và cả Châu Âu.
La Croix chạy tựa lớn trang nhất : "Mạng xã hội, xưởng sản xuất bạo lực". Tờ báo đề cập đến hồ sơ này nhân việc cựu nhân viên của Facebook, France Haugen, sau khi đưa ra những tố cáo về nội bộ tập đoàn và cảnh báo những nguy cơ về mạng xã hội của Facebook, hôm nay ra điều trần trước các nghị sĩ Châu Âu xung quanh về những tác động tiêu cực của mạng xã hội nói chung và đặc biệt của tập đoàn Meta, tên mới của Facebook.
Các báo nhận thấy, mạng xã hội từ khi ra đời đã chứng minh khả năng to lớn không thể phủ nhận là kết nối mọi người trên khắp thế giới cùng chia sẻ bày tỏ quan điểm chính về những gì diễn ra xung quanh mình. Các mạng xã hội đã nhanh chóng trở thành những phương tiện truyền thông không thể thiếu trong thời đại công nghệ số. Nhưng cùng với thời gian, mạng xã hội đã phát triển quá nhanh và ngày càng bộc lộ những khía cạnh độc hại của nó. Mạng xã hội giờ được nhiều người sử dụng như công cụ để lăng mạ, xúc phạm, vu khống hay gây kích động thù hằn lẫn nhau trong xã hội. Đã có không ít những hành động bạo lực bắt nguồn từ các mạng xã hội, theo lời tố cáo của cựu nhân viên France Haugen, "Phiên bản Facebook tồn tại hiện nay đang xé nát xã hội chúng ta". Như vậy thì mạng xã hội không còn giá trị kết nối mọi người với nhau như ý tưởng ban đầu khi ra đời.
Liên Hiệp Châu Âu hiên đang nghiên cứu về những đề xuất điều chính quản lý hoạt động của các tập đoàn khổng lồ trong công nghệ số, trong đó có một phần không thể thiếu là đưa vào khuôn khổ pháp lý các mạng xã hội. Cả Châu Âu cũng như ở Hoa Kỳ đã bắt đầu tính đến việc làm sao có thể kiểm soát được hoạt động của các mạng xã hội. Cản trở lớn cho các giải pháp lại là tự do ngôn luận, một trong những giá trị cơ bản của dân chủ.
COP 26 tuần cuối quyết định
Chuyển qua với thời sự nổi bật khác, hội nghị quốc tế về khí hậu toàn cầu đang diễn ra tại Glasgow, nhật báo kinh tế Les Echos ghi nhận : "COP 26 : tuần thứ hai căng thẳng".
COP 26 còn một tuần để đưa thương lượng về mặt kỹ thuật và chính trị đi sâu hơn, với hy vọng đưa ra những quyết định quan trọng cho mục tiêu bảo vệ bầu khí hậu chung của trái đất như : khuôn khổ các thị trường cacbon quốc tế, tức là cách thức, quy định hạn ngạch trao đổi giữa các nước hay các thị trường tư nhân về lượng phát thải khí cacbon gây hiệu ứng nhà kính. Hay vấn đề về hỗ trợ tài chính của những nước giàu cho các nước nghèo, dễ bị tác động của biến đổi khí hậu…. Kết quả thương lượng của tuần này mang tính quyết định cho thành công hay thất bại của hội nghị Glasgow. Nhưng đây lại là những vấn đề rất khó thương lượng, vì liên quan đến kinh tế và tài chính.
Les Echos ghi nhận, trong tuần đầu của COP26, đã có nhiều sáng kiến quan trọng được đưa ra. Đã có 80 nước chính thức ký cam kết từ nay đến 2030 giảm 30% phát thải khi methane, một loại khí phát thải chính gây hiệu ứng nhà kính, chủ yếu từ hoạt động nông nghiệp. Khoảng hai chục nước trong đó có Hoa Kỳ và Canada cam kết ngừng cung cấp tài chính đầu tư cho năng lượng hóa thạch trên quy mô quốc tế ngay từ năm 2022. Khoảng bốn chục nước trong đó có Ba Lan đã ký tuyên bố "chuyển từ than đá sang năng lượng sạch". Một loạt nước khẳng định sẽ đạt trung hòa cacbon, như với Ấn Độ vào năm 2070, hay Việt Nam vào năm 2050.
Tuy nhiên tất cả những sáng kiến tích cực đó vẫn chỉ là hứa hẹn không hề có ràng buộc pháp lý, nhiều tổ chức phi chính phủ lấy làm tiếc.
Ba Lan, thành viên khó chịu của EU
Thời gian qua, dư luận báo chí Châu Âu nói nhiều đến Ba Lan như một thành viên ngang ngược của Liên Hiệp Châu Âu. Trang Quốc tế của báo Le Figaro hôm nay có bài : Trò chơi nguy hiểm của Ba Lan, từ học sinh ngoan trở thành thành viên khó chịu của EU.
Le Figaro nhận thấy, con đường Châu Âu của Ba Lan không phải lúc nào cũng bằng phẳng. Từ khi đất nước này do đảng Luật Pháp và Công Lý (PiS) lãnh đạo, những xung khắc giữa Warswa và Bruxelles liên tiếp nổ ra, từ cuộc khủng hoảng di dân năm 2015 đến những tranh cãi xung quanh vấn đề người lao động biệt phái cho đến những chuyện liên quan đến quyền của người đồng tính hay bảo vệ môi trường… Nhưng từ hôm 07/10 vừa qua, khi tư pháp Ba Lan phủ nhận tính thượng tôn của pháp luật Châu Âu so với luật pháp của quốc gia thì cuộc khủng hoảng giữa quốc gia thành viên này với khối Liên Âu lên đến đỉnh điểm.
Le Figaro nhắc lại : Việc Ba Lan gia nhập EU năm 2004 được đánh giá như là một trong những thành công lớn nhất của quá trình mở rộng Liên Hiệp Châu Âu. Ba Lan - một học trò ngoan trong Liên Âu - đã phát triển nhanh chóng sau 40 năm trong khối Cộng cộng sản Đông Âu, nhờ vào sự hỗ trợ, chăm lo của Liên Hiệp. Nhưng chỉ trong vài năm trở lại đây, Ba Lan bỗng trở thành quốc gia "nổi loạn" của Liên Âu, kể từ khi đảng PiS lên nắm quyền. Sau Brexit, giờ đây Polexit để chỉ viễn cảnh Ba Lan ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu đang ám ảnh các kỳ họp của EU. Tất nhiên đây là một kịch bản khó có thể thành hiện thực, nhưng Liên Hiệp Châu Âu lúng túng không biết xử lý thế nào với thành viên ngỗ ngịch này. Có lẽ Liên Âu đành ngồi chờ đến khi có sự thay đổi chính trị ở chính Ba Lan mà thôi.
Anh Vũ