Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

19/11/2021

Biển Đông : Việt Nam quan ngại, Trung Quốc đuổi tàu Philippines

RFI tổng hợp

Việt Nam lên tiếng lo ngại về những luật lệ và hành động trái với UNCLOS

Trọng Nghĩa, RFI, 19/11/2021

Hôm 18/11/2021, phát biểu khai mạc hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông tại Hà Nội, kéo dài trong 2 ngày, thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Quang Hiệu đã nêu bật thái độ quan ngại của Việt Nam trước tình hình căng thẳng dai dẳng trong khu vực và những hành vi trái với Luật Biển Liên Hiệp Quốc. 

biendong1

Ảnh do Hải Cảnh Philippines cung cấp ngày 07/03/2021 : Một số con tàu trong tổng số 220 tàu Trung Quốc được nhìn thấy neo đậu tại rạn san hô Whitsun Reef (Philippines đặt tên là Julian Felipe - Việt Nam gọi là Đá Ba Đầu) ở quần đảo Trường Sa (Biển Đông). © Philippine Coast Guard/National Task Force-West Philippine Sea via AP

Theo báo chí Việt Nam, cuộc hội thảo quốc tế lần thứ 13 năm nay - do Học viện Ngoại giao Việt Nam cùng các đối tác phối hợp tổ chức - tập hợp hơn 180 đại biểu tham gia trực tiếp, cùng hơn 400 đại biểu khác đăng ký tham dự trực tuyến. Trong số này, có khoảng 60 diễn giả là các chuyên gia đến từ 30 quốc gia. 

Trong bài phát biểu chào mừng hội thảo, thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Quang Hiệu đã cho rằng các diễn biến ở Biển Đông trong một năm qua đã làm dấy lên nhiều mối quan ngại về nguy cơ "chạy đua vũ trang" tăng tốc và xẩy ra những "sự cố va chạm ngoài ý muốn".

Theo đại diện chính quyền Việt Nam, trong thời gian qua, "vẫn còn nhiều bộ luật hoặc các hoạt động quốc gia không nhất quán hoặc trái với UNCLOS (Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển)", trong lúc "quyền và lợi ích hợp pháp của các quốc gia ven biển chưa được tôn trọng đầy đủ". 

Dù thứ trưởng Việt Nam không nêu đích danh Trung Quốc, nhưng theo giới quan sát, tác giả của các "bộ luật hoặc hoạt động không nhất quán hoặc trái với UNCLOS" chính là Trung Quốc. Trong năm qua, Bắc Kinh đã không ngừng cho tàu vào sách nhiễu các láng giềng từ Việt Nam cho đến Malaysia, Philippines ngay trong vùng đặc quyền kinh tế của các nước này, vùng được Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển quy đinh.

Về mặt luật lệ, ví dụ rõ nhất là việc Bắc Kinh ban hành một bộ luật hải cảnh mới, áp đặt quyền hạn của Trung Quốc trên hầu như toàn bộ vùng Biển Đông, bất chấp việc các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc, từ năm 2016, đã bị một tòa trọng tài trong khuôn khổ Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển phán quyết là không có cơ sở pháp lý. 

Các hành vi của Trung Quốc tại Biển Đông, đặc biệt là dùng lực lượng dân quân biển để khẳng định yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh một lần nữa lại bị vạch trần trong một công trình nghiên cứu được công bố hôm qua. 

Trong bản nghiên cứu mang tựa đề "Vén Bức Màn Che Phủ Lực Lượng Dân Quân Biển Trung Quốc" (Pulling Back the Curtain on China’s Maritime Militia), Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế (CSIS), trụ sở tại Washington (Hoa Kỳ) đã nêu bật sự kiện có lúc có tới 300 tàu thuộc lực lượng dân quân hàng hải của Trung Quốc tuần tra tại quần đảo Trường Sa trên Biển Đông để áp đặt yêu sách chủ quyền gây tranh cãi Bắc Kinh. 

Báo cáo nêu rõ việc Nhà Nước Trung Quốc đã tài trợ cho lực lượng này, cũng thuộc diện lưỡng dụng, tức là có thể vừa đánh cá, vừa chiến đấu, cho phép Bắc Kinh phủ nhận ý đồ hiếu chiến khi bị tố cáo. 

Trọng Nghĩa

***********************

Hải cảnh Trung Quốc phun vòi rồng sách nhiễu tàu tiếp liệu Philippines

Thanh Hà, RFI, 18/11/2021

Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin ngày 18/11/2021 mạnh mẽ tố cáo hành động "bất hợp pháp" của ba tàu hải cảnh Trung Quốc hôm 16/11 đã chận đường, phun vòi rồng vào hai tàu tiếp liệu Philippines đang trên đường đến bãi Cỏ Mây ( Second Thomas Shoal ), Trường Sa, thuộc vùng có tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông.

biendong2

Tàu Hải cảnh của Trung Quốc trên Biển Đông. Ảnh tư liệu chụp ngày 15/07/2014.  Reuters - Reuters Staff

Hãng tin Pháp AFP trích lời ngoại trưởng Locsin bày tỏ "phẫn nộ và với những lời lẽ mạnh mẽ nhất để phản đối" về sự cố nói trên với đại sứ Trung Quốc tại Manila.Vụ việc xảy ra khi tàu tiếp liệu của Philippines đang trên đường đến bãi Cỏ Mây, tiếp tế lương thực cho hòn đảo này.

Manila cho biết không một ai bị thương trong sự cố này, tuy nhiên, công tác của hải quân Philippines đã bị gián đoạn. Trên mạng xã hội Twitter, ngoại trưởng Teodoro Locsin xem đây là hành động "bất hợp pháp" từ phía Trung Quốc và điều này "không thể chấp nhận được" do Trung Quốc "không được quyền thực thi pháp luật chung quanh những khu vực được hiệp ước phòng thủ hỗ tương giữa Philippines và Hoa Kỳ bảo vệ". Ông Locsin cũng cho biết thêm trong vụ đó, tàu hải cảnh Trung Quốc đã "lùi bước". Theo hãng tin Anh Reuters, Bắc Kinh hiện chưa có phản ứng về căng thẳng lần này.

Trước khi xảy ra vụ tàu hải cảnh Trung Quốc phun vòi rồng vào tàu Philippines tại bãi Cỏ Mây, cố vấn an ninh quốc gia Philippines Hermogenes Esperon ghi nhận sự hiện diện khác thường của 49 tàu thuộc lực lượng dân quân biển Trung Quốc gần đảo Thị Tứ và 19 tàu khác tại Cỏ Mây. Ông Esperon đã nói đến thái độ "rất hung hăng" của các dân quân biển Trung Quốc.

Bãi Cỏ Mây thuộc quần đảo Trường Sa, nơi Trung Quốc, Việt Nam, Đài Loan, Philippines, Brunei, Malaysia cùng đòi hỏi chủ quyền. Căng thẳng giữa Manila và Bắc Kinh về tranh chấp chủ quyền lãnh hải tăng thêm một nấc trong năm 2021 với vụ hàng trăm tàu dân quân biển xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế của Philippines hồi mùa xuân vừa qua.

Thanh Hà

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFI tiếng Việt
Read 306 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)