Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

25/11/2021

Úc và Pháp tăng cường liên minh Nam Á trong vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương

RFI tổng hợp

Úc dự định tẩy chay ngoại giao Thế Vận Hội Bắc Kinh 2022

Phan Minh, RFI, 25/11/2021

Theo Sydney Morning Herald, hôm 25/11/2021, Úc đang cân nhắc việc không cử bất kỳ quan chức chính phủ nào tới tham dự lễ khai mạc Thế Vận Hội mùa đông sẽ được tổ chức tại Bắc Kinh vào năm tới trong bối cảnh ngày càng có nhiều nhà lập pháp Úc kêu gọi tẩy chay ngoại giao sự kiện này.

phapuc1

Một khu thi đấu chuẩn bị cho Thế Vận Hội mùa đông Bắc Kinh 2022, ngày 25/11/2021.  © Reuters/Tingshu Wang/File Photo

Đảng Tự do cầm quyền và Công Đảng Úc thuộc phe đối lập đều yêu cầu chính phủ liên bang tẩy chay Thế Vận Hội mùa đông Bắc Kinh sẽ được tổ chức vào tháng 2/2022.

Một cuộc tẩy chay ngoại giao có nghĩa là không cử phái đoàn quan chức đến nước đăng cai tham dự các lễ hội, nhưng vẫn cho phép các vận động viên tham gia thi đấu thể thao.

Tổng thống Mỹ Joe Biden tuần trước cho biết Hoa Kỳ cũng đang xem xét tẩy chay ngoại giao Thế Vận Hội mùa đông Bắc Kinh, nhằm phản đối các vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc.

Báo Úc Sydney Morning Herald nói thêm, chính phủ Úc đang chờ những động thái tiếp theo của chính quyền Mỹ Biden trước khi đưa ra quyết định chính thức tẩy chay Thế Vận Hội tại Bắc Kinh.

Phan Minh

*********************

Pháp tăng cường quan hệ với Indonesia để bảo toàn chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương

Trọng Nghĩa, RFI, 25/11/2021

Mong muốn tăng cường và mở rộng quan hệ với Indonesia đã được ngoại trưởng Pháp công khai thể hiện vào hôm qua tại Jakarta khi ông loan báo việc Pháp dấn thân vào một "quan hệ đối tác tăng cường" với Indonesia. Để cụ thể hóa điều này, ông Jean-Yves Le Drian đã ký với đồng nhiệm Indonesia Retno Marsudi "một kế hoạch hành động nhằm tăng cường quan hệ đối tác chiến lược" đã có giữa hai nước từ năm 2011. 

phapuc2

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (P) và tổng thống Indonesia Joko Widodo găjp nhau tại Roma, Ý, ngày 30/10/2021, nhân thượng đỉnh G20.  AFP – Eliot Blondet

Phát biểu tại thủ đô Indonesia, ngoại trưởng Pháp cho biết là quan hệ song phương sẽ được làm sâu sắc hơn "trong các lãnh vực quốc phòng và hàng hải, đặc biệt với việc thiết lập một cơ chế đối thoại hàng hải song phương" vào năm 2022, nhưng cũng bao gồm cả những địa hạt như y tế, năng lượng và biến đổi khí hậu. 

Trong cuộc họp báo, ngoại trưởng Pháp xác nhận rằng trọng tâm hợp tác được tăng cường giữa Paris và Jakarta chính là "tầm nhìn của chúng tôi – tức là Pháp và Indonesia - về một vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, dựa trên pháp quyền và sự tôn trọng chủ quyền của mọi quốc gia". 

Theo hãng tin Pháp AFP, quyết định của Paris tăng cường quan hệ với Jakarta được đưa ra trong bối cảnh chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Pháp bị đảo lộn sau khi Úc đột ngột hủy bỏ hợp đồng mua tàu ngầm của Pháp và thông báo tham gia liên minh chiến lược AUKUS bao gồm ba nước Mỹ, Anh và Úc.  

Thất vọng trước việc mất đi một cột trụ quan trọng trong chiến lược của mình, Paris đã quay sang tăng cường quan hệ đồng minh với các đối tác truyền thống là Nhật Bản và Ấn Độ, cũng như với Indonesia, Malaysia, Việt Nam, Hàn Quốc, New Zealand và khối ASEAN mà Pháp đã được công nhận là đối tác từ năm ngoái. 

Việc đẩy mạnh quan hệ với Indonesia vào lúc này cũng không phải là ngẫu nhiên. Vào tháng 12 tới đây, trọng lượng của quốc gia Đông Nam Á này sẽ tăng lên đáng kể khi họ bắt đầu đảm nhận chức chủ tịch luân phiên của Nhóm G20, ít lâu trước khi Pháp cũng lên làm chủ tịch luân phiên Liên Hiệp Châu Âu trong nửa đầu năm 2022. 

Paris đã không ngần ngại tuyên bố rằng một trong những ưu tiên của Pháp trong nhiệm kỳ chủ tịch Liên Hiệp Châu Âu của mình là đẩy mạnh chính sách Ấn Độ-Thái Bình Dương của toàn khối, với Paris sẽ đóng vai trò cầu nối giữa vùng Châu Á với các quốc gia Liên Âu. 

Ngoài việc có thêm một đối tác nặng ký hậu thuẫn cho chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của mình, Pháp cũng có thể bù đắp phần nào mất mát xuất phát từ việc Úc hủy hợp đồng đóng tầu ngầm. 

Tại Jakarta, ngoại trưởng Pháp cũng đã gặp bộ trưởng quốc phòng Indonesia Prabowo Subianto hôm 23/11. Trong nhiều tháng gần đây, Indonesia đã đàm phán với Pháp về khả năng mua 36 chiến đấu cơ Rafale, đồng thời cũng cho thấy sự quan tâm đến tàu ngầm, tàu hộ tống và các thiết bị quân sự khác trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Bắc Kinh và các nước giáp Biển Đông, trong đó có Indonesia. 

Phải nói là Indonesia không phải là đối tác nặng ký duy nhất mà Pháp mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ trong chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của mình. Nước thứ hai được quan tâm chính là Ấn Độ, có quan hệ quốc phòng quân sự ngày càng được thắt chặt thêm với Pháp, cũng như là một khách hàng mua vũ khí quan trọng. 

Trọng Nghĩa

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Phan Minh, Trọng Nghĩa
Read 454 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)