Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

13/12/2021

Điểm báo Pháp - Nouvelle-Calédonie từ chối độc lập

RFI tiếng Việt

Pháp : Nouvelle-Calédonie từ chối độc lập trong cuộc bỏ phiếu bị tẩy chay nặng nề

Thời sự Pháp nổi bật trên báo chí ra ngày đầu tuần ngày 13/12/2021, với kết quả cuộc trưng cầu dân ý hôm qua về nền độc lập của vùng lãnh thổ hải ngoại Pháp Nouvelle-Calédonie và cuộc đua vào phủ tổng thống Pháp năm 2022 đã bắt đầu trở nên sôi động. Về thời sự quốc tế, bước đầu của tân thủ tướng Đức trên chính trường Châu Âu cũng thu hút sự quan tâm.

nouvellecaledonie1

Nhân viên phòng phiếu chờ cử tri tại một phòng phiếuở Nouméa (Nouvelle-Calédonie) ngày 12/12/2021.  AP - Clotilde Richalet

Kết quả cuộc trưng cầu dân ý tại Nouvelle Calédonie đã được nhật báo thiên hữu Le Figaro nêu bật trên trang nhất với hàng tựa lớn đầy vẻ vui mừng : "Vùng Nouvelle-Calédonie đã chọn nước Pháp", nhưng kèm theo một bài bình luận đầy lo ngại cho tương lai vùng này ở trang trong.

Cả phe chống lẫn phe đòi độc lập đều thắng

Đối với Le Figaro, trong cuộc trưng cầu dân ý thứ ba và cuối cùng về nền độc lập của vùng Nouvelle-Calédonie, quả đúng là phe chống độc lập đã giành được "một chiến thắng áp đảo"với 96,49% số phiếu. Tờ báo ghi nhận lời chào mừng kết quả này của tổng thống Pháp Emmanuel Macron, đã khẳng định rằng : "Nước Pháp đẹp hơn vì vùng Nouvelle-Calédonie đã quyết định ở lại".

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là cuộc trưng cầu dân ý lại bị một tỷ lệ cử tri vắng mặt kỷ lục - 56,1% - sau lời kêu gọi tẩy chay của phong trào đòi độc lập, tức là chỉ có 43,9% cử tri đi bỏ phiếu, một con số chỉ bằng một nửa so với hai lần trưng cầu dân ý năm 2018 và 2020, khi có đến 81,01% và 85,69% cử tri đi bầu.

"Một tương lai đáng lo ngại"

Theo Le Figaro, việc phe đòi độc lập tẩy chay cuộc trưng cầu dân ý rất đáng phê phán. Trong bài xã luận mang tựa đề : "Một chiến thắng áp đảo, một tương lai đáng lo ngại", Le Figaro cho rằng : "Dù có áp đảo đến đâu chăng nữa, chiến thắng của câu trả lời không đối với nền độc lập không hề dự báo cho một thời kỳ ổn định và yên ả cho vùng Nouvelle-Calédonie".

Đối với tờ báo, chính phe đòi độc lập là thủ phạm tạo ra nguy cơ bất ổn khi đơn phương kêu gọi tẩy chay cuộc trưng cầu dân ý thứ ba, vì sợ lại bị thua như hai lần trước và không muốn bị ràng buộc khi thất bại. Theo tờ báo cánh hữu, hành động tẩy chay đó đơn thuần là một hành vi phá hoại, nhất là khi chính phe đòi độc lập là bên đòi tổ chức cuộc trưng cầu dân ý thứ ba này.

Theo Le Figaro, căn cứ vào Hiệp định Nouméa 1998, ký kết giữa Paris và phong trào đòi độc lập cho vùng Nouvelle-Calédonie, trong 18 tháng tới đây, chính quyền Pháp và giới lãnh đạo vùng này sẽ đàm phán về quy chế tự trị mới của quần đảo để đưa ra trưng cầu dân ý một lần nữa vào năm 2023.

Vấn đề là chính quyền Nouvelle-Calédonie lại đang nằm trong tay phe đòi độc lập, và không gì cấm cản phe này viện cớ là cuộc trưng cầu dân ý hôm qua không có ý nghĩa để tiếp tục đấu tranh đòi độc lập và thiếu hợp tác với Paris trong các cuộc đàm phán.

Chuẩn bị cho "Ngày hôm sau"

Tương lai được dự báo là không mấy êm ả của vùng Nouvelle-Calédonie cũng được nhật báo công giáo La Croix nêu bật trong bài xã luận trang nhất với tựa đề ngắn gọn : "Ngày hôm sau".

Theo La Croix, về mặt luật pháp, tình hình vùng Nouvelle-Calédonie hoàn toàn không có một chút mơ hồ nào : Đa số cử tri, lần thứ ba trong vòng ba năm đã xác nhận mong muốn tiếp tục ở lại trong lòng nước Pháp. Tỷ lệ cử tri vắng mặt, dù rất cao - hệ quả của việc phe ly khai tẩy chay cuộc bỏ phiếu - không thể xóa bỏ tính chính đáng của cuộc trưng cầu dân ý.

Đối với La Croix, bằng cách tổ chức - và trong những điều kiện tốt - cuộc bỏ phiếu lần thứ ba này, chính quyền Pháp có thể tự khen mình về việc đã hoàn thành, trong hơn ba mươi năm, một quá trình phi thực dân hóa chưa từng thấy… Lá phiếu hôm Chủ Nhật thực sự là bước cuối cùng trên con đường được mở ra từ các thỏa thuận Nouméa, năm 1998, và Matignon, 10 năm trước đó, cho phép tái lập một tình trạng yên bình sau nhiều năm trong cảnh không khác gì nội chiến.

Thế nhưng, theo La Croix, kết quả đó không xóa được tất cả các vấn đề còn tồn tại : Lời hứa "tái cân bằng kinh tế" đã không được giữ, bất bình đẳng xã hội vẫn còn rõ ràng và ba cuộc trưng cầu dân ý đã chứng minh, thậm chí còn củng cố, sự phân cách bản sắc giữa hai phe, làm cho mục tiêu xây dựng một dự án chung càng khó hơn.

Trong tình hình đó, La Croix cho rằng mọi người cần phải bắt tay vào việc thực hiện bước tiếp theo. Ba mươi năm trước, Pháp đã thể hiện sự táo bạo và sáng tạo khi trao cho vùng Nouvelle-Calédonie một quy chế vô song trong nền Cộng hòa. Giờ đây, Paris và giới lãnh đạo chính trị địa phương cũng phải bạo dạn như vậy. La Croix nhắc lại lời cảnh báo của nhà lãnh đạo phe đòi độc lập Jean-Marie Tjibaou, người đã ký hiệp định Matignon năm 1988, vốn đã lưu ý rằng : "Ngày quan trọng nhất không phải là ngày trưng cầu dân ý, mà là ngày hôm sau".

Khái niệm "ngày hôm sau" cũng đã được nhật báo thiên tả Libération đề cập đến trong bài phóng sự mang tựa đề : "Trưng cầu dân ý tại Nouvelle-Calédonie : Ở (thủ phủ) Nouméa, giai đoạn đầu của ngày hôm sau". Nhật báo kinh tế Les Echos cũng không nói gì khác hơn trong bài phân tích "Nouvelle-Calédonie : Các thách thức thời kỳ hậu-trưng cầu dân ý".

Cánh hữu truyền thống Pháp muốn tập hợp rộng rãi

Báo Le Monde cũng chọn thời sự Pháp làm trọng tâm phân tích, nhưng chú ý đến cuộc tranh cử tổng thống năm 2022 đã bắt đầu chuyển động mạnh. Dưới hàng tựa lớn trang nhất : "Valérie Pécresse sẽ vận động tranh cử như thế nào", tờ báo dự phóng về hướng đi trong những ngày sắp tới đây của nữ ứng viên tổng thống cánh hữu truyền thống.

Theo Le Monde, từ sau khi chiến thắng trong cuộc bầu cử sơ bộ, ứng cử viên tổng thống của đảng Những Người Cộng Hòa (LR) đã bắt đầu tìm cách tập hợp càng nhiều người ủng bộ bà càng tốt mà không phản bội dự án mà bà đã dùng để tranh chức ứng viên tổng thống của đảng.

Đối với Le Monde, dàn lãnh đạo ban vận động tranh cử đang được hình thành trên cơ sở đảm bảo thế cân bằng trong nội bộ đảng và tránh những sai sót mà ứng cử viên cánh hữu cựu thủ tướng François Fillon đã phạm phải vào năm 2017.

Theo ghi nhận của tờ báo Pháp, chiến thắng của bà Pécresse trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Những Người Cộng Hòa đã gây trở ngại cho chiến lược chính trị của cựu thủ tướng Edouard Philippe, một gương mặt sáng giá khác trong cánh hữu truyền thống, và đảng Horizons (tức là Những Chân Trời) của nhân vật này.

Vấn đề chung của tất cả các ứng cử viên tổng thống Pháp lần này là dịch Covid-19 không có dấu hiệu lùi bước. Theo Le Monde, cuộc khủng hoảng y tế hiện đang đe dọa việc tổ chức các cuộc mít tinh lớn, buộc các ứng viên khác nhau phải tìm cách thích nghi.

Cánh tả Pháp thiếu đoàn kết

Cũng chú ý đến cuộc đua vào điện Elysée đang càng lúc càng sôi động, Libération đặc biệt chú ý đến tình trạng chia rẽ trong cánh tả Pháp. Tờ báo chạy trên trang nhất hàng tựa lớn "Liên minh bên tả : Jadot (lãnh đạo phe sinh thái) dưới áp lực".

Ngay dưới hàng tựa lớn, Libération kèm theo lời giải thích : "Từ sau khi ứng viên Anne Hidalgo của đảng Xã Hội đề nghị các đảng cánh tả cùng tham gia một cuộc bầu cử sơ bộ để chọn ra một ứng viên duy nhất, và bất chấp những lời kêu gọi ngày càng thúc bách, ứng viên của phong trào sinh thái vẫn ỡm ờ".

Đối với Libération, tình trạng chia rẽ giữa các đảng cánh tả Pháp đang là một thực tế. Ứng viên được cho là sáng giá nhất bên cánh tả là Yannick Jadot, thuộc phong trào sinh thái, vào hôm qua lại bác bỏ đề nghị của bà Anne Hidalgo, muốn các đảng cánh tả đoàn kết lại. Trước đó, đề nghị bất ngờ của bà cũng đã bị Jean-Luc Mélenchon, ứng viên đảng Nước Pháp Bất Khuất, một thế lực khác trong cánh tả, từ khước.

Cơ sở muốn cánh tả đoàn kết, giới lãnh đạo lại chần chờ

Vấn đề được Libération ghi nhận là ở cơ sở, những người ủng hộ cánh tả đều thấy rằng nếu chia rẽ, các đảng cánh tả lại sẽ bị đè bẹp trong cuộc bầu cử sắp đến và mở rộng cửa cho xu hướng cực hữu lên thống trị, "một cơn ác mộng tồi tệ nhất", như nhận định của ứng viên đảng Xã Hội.

Tờ báo trích lời phát ngôn viên một nhóm đấu tranh đòi cánh tả tổ chức một cuộc bầu cử sơ bộ, cho rằng "nếu giới lãnh đạo đảng không làm gì, thì đó là một hành vi tự sát". Nhóm này hiện có hơn 270.000 người ủng hộ trên khắp nước Pháp, nhưng cuộc biểu tình của nhóm hôm Thứ Bảy vừa qua ở Paris chỉ tập hợp được khoảng 200 người.

Libération cũng nêu bật lời cảnh báo của các cảm tình viên cánh tả, cho rằng nếu không có liên minh cánh tả, rất nhiều người trong số họ sẽ không đi bầu.

Pháp và Đức liên thủ củng cố Liên Âu

Về thời sự quốc tế, như nói ở trên, những động thái đối ngoại đầu tiên của chính phủ Đức đầu tiên trong thời hậu Merkel đã được nhiều tờ báo chú ý, đặc biệt là nhật báo kinh tế Les Echos đã nêu bật quan hệ Pháp-Đức trên trang nhất.

Dưới hàng tựa lớn : "Thâm thủng ngân sách, Châu Âu : bài trắc nghiệm đầu tiên về quan hệ giữa Paris và Berlin", Les Echos nêu bật hai sự kiện đánh dấu quan hệ Pháp-Đức sau khi Berlin có những chủ nhân mới.

Trước hết là cuộc gặp vào hôm nay tại Paris giữa bộ trưởng Kinh tế Tài chính Pháp Bruno Le Maire và bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner, với các cuộc thảo luận về các quy tắc ngân sách bước vào giai đoạn thực chất.

Đối với tờ báo kinh tế, cuộc tiếp xúc đầu tiên này là dịp để phía Đức làm rõ hơn thông điệp mà tân thủ tướng Olaf Scholz đã gởi đi nhân chuyến thăm Paris hôm 10/12 vừa qua, theo đó hai nước Pháp và Đức sẽ cùng nhau củng cố Liên Hiệp Châu Âu, trong đó có vấn đề các quy tắc ngân sách mà Paris muốn điều chỉnh nhằm thích ứng với tình hình mới.

Les Echos đã nhân dịp này đã phân tích sâu hơn về triển vọng quan hệ Pháp Đức trong thời gian trước mắt, với nhận định lạc quan theo đó hai ông Emmanuel Macron và Olaf Scholz cùng chia sẻ quan điểm về Liên Hiệp Châu Âu.

Olaf Scholz trên "bãi mìn" Ba Lan

Cũng nhìn về tân thủ tướng Đức, nhưng Le Figaro lại chú ý nhiều hơn đến chuyến thăm Ba Lan của ông Scholz tối hôm qua, ngay sau hai chuyến công du Pháp và Bỉ.

Theo tờ báo, trái với không khí ấm áp tại Paris và Bruxelles, ở Warszawa, có thể nói là tân thủ tướng Đức phải "đi trên bãi mìn". Chính quyền dân tộc chủ nghĩa Ba Lan đã không ngần ngại khuấy động dư luận bài Đức trước chuyến thăm của ông Scholz, đồng thời tái lập các đòi hỏi Đức phải bồi thường chiến tranh và tố cáo dự án đường dẫn khí đốt Nga-Đức Nord Stream 2.

Trọng Nghĩa

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trọng Nghĩa
Read 441 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)