Chỉ có đại diện ‘phi chính trị’ của Myanmar được dự cuộc họp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN
RFA, 04/02/2022
Campuchia đã yêu cầu Myanmar cử một đại diện ‘phi chính trị’ sang Xứ Chùa Tháp tham dự hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao khối ASEAN dự kiến sẽ diễn ra trong vòng hai tuần tới. Lý do của yêu cầu này là vì thiếu tiến triển trong thực hiện Tuyên bố chung năm điểm mà khối đã thống nhất.
AFP
Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao & Hợp tác Quốc tế của chính phủ Campuchia Chum Sounry cho tờ Phnom Penh Post biết như vừa nêu vào ngày 3/2.
Theo phát ngôn nhân Chum Sounry thì Myanmar được khuyến khích cử một đại diện ‘phi chính trị’ đến tham dự hơn là để ghế trống ; tuy nhiên tùy Myanmar quyết định nhân vật nào là đại diện ‘phi chính trị’ đó.
Bộ trưởng Ngoại giao Campuchia Prak Sokkhom vào tuần qua cho biết Hội nghị bộ trưởng Ngoại giao ASEAN sẽ được diễn ra vào hai ngày 16 và 17/2, sau khi bị hoãn hồi tháng một do biến chủng Omicron lây lan mạnh ở Xứ Chùa Tháp.
Vào ngày 2/2 vừa qua, nước chủ tịch ASEAN năm nay là Campuchia ra thông cáo nhân một năm cuộc chính biến ở Myanmar. Thông cáo cho rằng các quốc gia thành viên ASEAN tiếp tục quan ngại sâu sắc về những diễn tiến ở Myanmar khi tình hình bạo lực vẫn tiếp diễn và thực tiễn nhân đạo suy giảm.
Các nước ASEAN kêu gọi chính quyền quân sự tại Myanmar có hành động cụ thể thực thi một cách hữu hiệu Tuyên bố chung năm điểm mà lãnh đạo các quốc gia thuộc khối ASEAN đạt được vào tháng tư năm ngoái.
Năm điểm thống nhất đó là :chấm dứt bạo lực, đối thoại mang tính xây dựng giữa "tất cả các bên liên quan", gửi viện trợ cho Myanmar, bổ nhiệm đặc phái viên ASEAN để tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán, và cho phép đặc phái viên được phép đến Myanmar.
************************
ASEAN sẽ không mời đại diện tập đoàn quân sự Miến Điện đến dự họp
Thanh Phương, RFI, 03/02/2022
Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sẽ không mời đại diện của tập đoàn quân sự Miến Điện đến dự cuộc họp lần tới, do chế độ Naypyidaw không có những tiến bộ nào để tìm cách tái lập đối thoại, trong bối cảnh Miến Điện rơi vào hỗn loạn kể từ sau cuộc đảo chính ngày 01/02/2021.
Cờ các quốc gia thành viên trước trụ sở ban thư ký Hiệp hội Các Quốc Gia Đông Nam Á (ASEAN) tại Jakarta, Indonesia ngày 21/04/2021. AP - Tatan Syuflana
Tuyên bố với hãng tin AFP hôm nay, 03/02/2022, ông Chum Sounry, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Cam Bốt, quốc gia hiện giữ chức chủ tịch luân phiên của ASEAN, ghi nhận là việc thực hiện bản Đồng thuận 5 điểm mà ASEAN thông qua vào tháng 4 năm ngoái "đã không hề có tiến triển". Chính vì vậy mà các nước thành viên quyết định sẽ không mời ngoại trưởng của chính quyền quân sự Miến Điện đến dự cuộc họp trong hai ngày 16 và 17/02 tới. Thay vào đó, họ sẽ mời một nhân vật phi chính trị đại diện cho Miến Điện đến dự họp.
Đây là lần thứ hai ASEAN loại tập đoàn quân sự khỏi các cuộc họp của khối này, sau khi đã không mời lãnh đạo của chính quyền quân sự, tướng Min Aung Hlaing, đến dự thượng đỉnh ASEAN hồi tháng 10 năm ngoái. Đây cũng là một vố đau đối với thủ tướng Cam Bốt Hun Sen, vốn đã tìm cách để tập đoàn quân sự Miến Điện được đến dự các cuộc họp của ASEAN. Vào tháng trước, ông Hun Sen đã là lãnh đạo ngoại quốc đầu tiên đến thăm Miến Điện, đang ngày càng bị cô lập trên trường quốc tế kể từ sau cuộc đảo chính.
Trong khi đó, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc hôm qua đã thông qua một tuyên bố chung, kêu gọi "chấm dứt ngay lập tức mọi hình thức bạo lực" và bày tỏ hy vọng là đặc phái viên của ASEAN sẽ sớm được đến Miến Điện để làm trung gian giải quyết khủng hoảng.
Kể từ sau cuộc đảo chính ngày 01/02/2021 lật đổ chính quyền dân sự của bà Aung San Suu Kyi, tập đoàn quân sự đã đàn áp rất dã man, giết hại hơn 1.500 thường dân và bắt giam gần 9.000 người. Vào đầu tuần này, Liên Hiệp Quốc cho biết sẽ điều tra về những hành động có thể bị xem là tội ác chống nhân loại và tội ác chiến tranh ở Miến Điện. Hoa Kỳ cùng với Anh Quốc và Canada thì đã ban hành nhiều trừng phạt tài chính đối với các lãnh đạo của ngành tư pháp nước này.
Thanh Phương
***********************
Miến Điện : Hai người chết trong vụ tấn công nhân một năm đảo chánh
Thụy My, RFI, 02/02/2022
Ngay trong ngày tưởng niệm các nạn nhân trong vụ quân đội đảo chính nắm quyền cách nay một năm, 01/02/2022, đã có 2 người thiệt mạng và 38 người khác bị thương trong vụ ném lựu đạn vào đoàn biểu tình ủng hộ tập đoàn quân sự tại Tachilek, miền đông Miến Điện. Chưa có nhóm nào đứng ra nhận trách nhiệm.
Cuộc tuần hành kỷ niệm chống lại cuộc đảo chính quân sự tại Mandalay, Miến Điện ngày 01/02/2022. AP
Hai quả lựu đạn trưa qua đã được ném vào đám đông đang quay về sau cuộc biểu tình ủng hộ chính phủ, phản đối "Lực lượng Phòng vệ Nhân dân" - các dân quân thường xuyên có những hoạt động du kích nhắm vào quân đội.
Vụ tấn công xảy ra vào lúc nhiều người Miến Điện âm thầm ngưng hoạt động để phản đối chính quyền. AFP ghi nhận vào lúc 16 giờ (9 giờ rưỡi giờ quốc tế), những tràng pháo tay nổ vang khắp Rangoon để kết thúc cuộc "đình công lặng lẽ", với nhiều cửa hàng đóng cửa, thành phố vắng lặng suốt ngày.
Lời kêu gọi do đối lập đưa ra đã được hưởng ứng mạnh mẽ ở khắp nước, từ bang Shan (miền đông), bang Kachin (miền bắc) đến Mandalay (miền trung), tuy chính quyền đã cảnh cáo nguy cơ bị kết tội phản quốc. Những hình ảnh người dân ở nhà, giơ ba ngón tay làm dấu hiệu phản kháng tràn ngập các mạng xã hội. Được biết đã có 10 người bị bắt tại Rangoon.
Về phía thống tướng Min Aung Hlaing hứa hẹn tổ chức bầu cử "tự do và bình đẳng" khi nào tình hình trở nên ổn định.
Chính phủ lưu vong Miến Điện chấp nhận điều tra diệt chủng Rohingya
Theo Reuters, "chính phủ trong bóng tối" NUG của Miến Điện, gồm các dân biểu lưu vong, được thành lập sau vụ đảo chánh quân sự năm ngoái, hôm nay tuyên bố chấp nhận thẩm quyền của Tòa án Hình sự Quốc tế (CIJ) về việc điều tra nạn diệt chủng đối với người thiểu số Rohingya. Trước đó chính quyền bà Aung San Suu Kyi đã phản đối tiến trình này. NUG kêu gọi CIJ liên hệ với ông Kyaw Moe Tun, đại diện Miến Điện tại Liên Hiệp Quốc đã bị tập đoàn quân sự cách chức.
Thụy My