Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

06/02/2022

Olympic Bắc Kinh 2022 : quyền lực mềm, yến tiệc và khách mời tham dự

Anh Vũ, Thu Hằng

Olympic mùa Đông Bắc Kinh 2022 : Cơ hội thi thố quyền lực mềm Trung Quốc

Anh Vũ, RFI, 06/02/2022

14 năm sau Olympic mùa Hè 2008, vẫn tại sân vận động tổ chim của thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc khai mạc kỳ Thế Vận Hội mùa Đông lần thứ 24. Chế độ Bắc Kinh đa làm tất cả có thể để tổ chức sự kiện thể thao lớn nhất thế giới này cho dù các môn thể thao mà chưa hẳn đã gần gũi hoặc là thế mạnh của người Trung Quốc.

olympic1

Sân vận động Omympic Bắc Kinh trong lễ khai mạc Thế Vận Hội mùa Đông Bắc Kinh 2022, ngày 04/02/2022. AP - Li Xin

Đất nước này đón sự kiện thể thao lớn nhất thế giới của năm 2022 trong một hoàn cảnh đặc biệt bị chỉ trích tứ phía, từ điều kiện các địa điểm thi đấu sử dụng 100% tuyết nhân tạo cho đến các vi phạm nhân quyền kéo theo một loạt quốc gia tẩy chay ngoại giao, thêm vào đó là mối đe dọa Covid-19 khiến cho ngày hội thể thao lớn bị đóng cửa với thế giới bên ngoài. Olympic Bắc Kinh phải thi đấu kín, không khán giả và các quy định phòng dịch nghiêm ngặt đôi khi đến mức thái quá do chính sách "zero Covid". Các đoàn thể thao tham dự đã bị cô lập trong một khong gian khép kín, nhất cử nhất động đều bị theo dõi bằng đủ mọi phương tiện cũng như quy định y tế.

Vượt ra ngoài khuôn khổ thể thao, Thế Vận Hội mùa Đông Bắc Kinh đã trở thành một sự kiện mang tính địa chính trị đặc biệt với nước chủ nhà, khi lần thứ 2 trong vòng 14 năm Bắc Kinh đón sự kiện thể thao lớn nhất thế giới.

Trả lời phỏng vấn trên RFI Pháp ngữ, ông Jean-Baptiste Guégan, nhà nghiên cứu địa chính trị thể thao thuộc viện nghiên cứu quan hệ quốc tế Pháp phân tích ý nghĩa địa chính trị của Olympic mùa Đông Bắc Kinh

2008, đánh dấu sự trở lại trường quốc tế của Trung Quốc và họ đã chứng minh với thế giới sự trở lại của mình. Từ đó đến nay Trung Quốc rơi vào cuộc xung đột âm ỉ với Hoa Kỳ. Cuộc chiến thương mại đã vượt quá giới hạn. Trong bối cảnh mới, kỳ thế vận hội này được coi như là chiếc tủ kính trưng bày của Trung Quốc để cho các mục tiêu bá chủ trong tương lai. Trung Quốc muốn chứng minh rằng từ giờ đến năm 2050 trở thành cường quốc số 1 thế giới.

Bắc Kinh vẫn coi thể thao là công cụ không có gì khác với trước đây tức là Trung Quốc vẫn coi một cách có hệ thống thể thao như là phương tiện thể hiện sức mạnh Trung Quốc. Chứng minh rằng Trung Quốc có khả năng cạnh tranh được với bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, nhất là với Hoa Kỳ.

Chúng ta đã thấy ở Thế Vận Hội mùa Hè Tokyo vừa qua, họ cạnh tranh sít sao với đoàn Mỹ về thành tích huân chương. Giờ đây, có lẽ hơn bao giờ hết ở Trung Quốc thể thao trước hết là để chứng minh với thế giới bên ngoài sự hùng cường của Trung Quốc, với trong nước, đó là phương tiện để đoàn kết và thể hiện tự hào dân tộc.

Dù quy mô tổ chức sự kiện hoành tráng thế nào thì thành tích thể thao mới là yếu tố thể hiện sức mạnh. Thực tế, từ lâu nay, các môn thể thao mùa đông không phải là thế mạnh của Trung Quốc. Trong lịch sử Olympic mùa Đông, các vận động viên Trung Quốc mới chỉ có vài ba tấm huy chương ở một vài môn như trượt băng tốc độ, hay trượt băng nghệ thuật. Các quốc gia ở Châu Âu hay Bắc Mỹ mới thực sự là những cường quốc thể thao mùa đông. Một lần nữa người ta lại thấy chế độ Bắc Kinh bằng ý chí chính trị để hy vọng có được bước đại nhảy vọt bắt kịp thế giới.

Năm 2015, Trung Quốc được quyền đăng cai Thế Vận Hội mùa Đông. Chính phủ đưa ra khẩu hiệu "300 triệu". Đó là 300 triệu người chơi các môn thể thao mùa đông trên tuyết và trên băng. Ngay lập tức đất nước bắt tay vào xây dựng hàng loạt các đường trượt tuyết và các sân băng, tuyển mộ đông đảo các huấn luyện viên. Ngày càng có đông thanh niên bắt đầu tập trượt băng. Trước đó, khi Trung Quốc tổ chức Thế Vận Hội mùa Hè 2008, khẩu hiệu của chính phủ là "mỗi công dân phải luyện tập thể thao hàng ngày".

Ý chí và quyết tâm chính trị, đó cũng là cách mà Trung Quốc từng làm với các môn thể thao khác để thể hiện sức mạnh quyền lực mềm Chuyên gia Jean-Baptiste Guégan giải thích thêm :

Chúng ta đã thấy với ngoại giao bóng bàn của Trung Quốc, dùng để thúc đẩy quan hệ giữa các quốc gia và để tán dương quan hệ với Mỹ. Nhất là ta biết bóng bàn là môn thể thao thế mạnh của Trung Quốc và bây giờ cũng vẫn vậy. Cũng như nhiều nước khác có thế mạnh là bóng đá. Với Trung Quốc thì bóng đá vẫn không phải là mạnh ở Trung Quốc. Nhưng họ vẫn có tham vọng lớn là 2050 Trung Quốc trở thành một cường quốc thế giới thì sức mạnh thể thao là nhân tố không thể thiếu.

Môn thể thao hàng đầu là bóng đá nên Trung Quốc phải hoàn thiện thành tích. Giờ thì họ chưa thể làm được điều đó. Mục tiêu của ông Tập Cận Bình là từ nay đến 2030 hay 2034 Trung Quốc phải đăng cai Cúp bóng đá thế giới. Người Trung Quốc làm tất cả có thể để thực hiện mục tiêu đó.

Đó là kế hoạch mở hàng loạt các trường đào tạo bóng đá, phổ cập bóng đá vào học đường, liên kết đối tác với các câu lạc bộ bóng đá nước ngoài. Đã có rất nhiều đầu tư cho bóng đá. Quyết tâm làm cho bóng đá Trung Quốc nhảy vọt đến giờ chưa thấy có kết quả. Đúng là có những nỗ lực thực sự của chính phủ, thực sự có quyết tâm nhưng cũng thực sự là chính trị hóa thể thao.

Anh Vũ

*********************

Chủ tịch Tập Cận Bình mở yến tiệc đãi khách dự Olympic Bắc Kinh

RFI, 06/02/2022

Sau 2 năm đại dịch phải cô lập với thế giới bên ngoài, nhân kỳ Thế Vận Hội mùa Đông Bắc Kinh, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 05/02/2022 đã mở tiệc chiêu đãi các lãnh đạo nước ngoài đến Trung Quốc dự lễ khai mạc Olympic mùa Đông. Một động thái để chứng tỏ Trung Quốc không đơn độc cho dù bị nhiều nước tẩy chay ngoại giao.

olympic2

Khung cải bữa tiệc lớn chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đãi khách tại Bắc Kinh, 05/02/2022, sau ngày khai mạc Thế Vận Hội Mùa Đông Bắc Kinh 2022.  AFP - -

Thông tín viên RFI tại Bắc Kinh, Stéphane Lagarde tường trình :

Không còn hội nghị qua vidéo, bây giờ là bữa tiệc đãi các "bạn cũ và mới của Trung Quốc". Ông Tập Cận Bình gọi những vị khách được đón tiếp ngày thứ Bảy này tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh như vậy.

Vẫn còn chưa thể có những cái bắt tay ôm hôn như trước đại dịch Covid. Hình ảnh phát trên truyền thông Nhà nước cho thấy bàn tiệc có hình chữ nhật to như chiếc hồ bơi. Chủ tịch và phu nhân cùng nhiều lãnh đạo Trung Quốc khác ngồi về một phía, các vị khách ngồi đối diện. Hình ảnh này để chứng tỏ rằng Trung Quốc không cô lập cho dù Thế Vận Hội này bị các nước phương Tây tẩy chay ngoại giao.

Lãnh đạo số 1 Trung Quốc nhân sự kiện này đã gặp trực tiếp một vài người trong số 21 nguyên thủ quốc gia và lãnh đạo chính phủ đến dự lễ khai mạc Thế Vận Hội mùa Đông : Thứ Sáu gặp tổng thống Nga Vladimir Putin, thứ Bảy tiếp tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokaiev.

Trước các nhà lãnh đạo của Ai Cập, Nga, Ba Lan và hoàng tử kế vị Ả Rập Xê Út, ông Tập cận Bình nhắc lại, "Trung Quốc vừa bước vào năm con hồ", con vật biểu tượng cho " sức mạnh lòng can đảm và dũng mãnh". Đó cũng là con vật sẵn sàng giương nanh vuốt.

RFI tiếng Việt

*********************

Trung Quốc đón nhiều nhà lãnh đạo "chuyên chế" dự khai mạc Olympic mùa đông 2022

Thu Hằng, RFI, 04/02/2022

Khoảng 20 lãnh đạo thế giới tham dự lễ khai mạc Thế Vận Hội mùa đông Bắc Kinh ngày 04/02/2022. Tổng thống Nga Vladimir Putin được đón tiếp long trọng nhằm giúp Trung Quốc giữ hình ảnh nước chủ nhà sự kiện thể thao toàn cầu bị nhiều nước phương Tây, do Hoa Kỳ khởi xướng, tẩy chay ngoại giao để lên án chính quyền Bắc Kinh vi phạm nhân quyền.

olympic3

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (P) tiếp chủ tịch Ủy Ban Olympic Quốc Tế Thomas Bach, tại Nhà khách chính phủ, Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 25/01/2022. VIA Reuters - XINHUA

Sau hơn hai năm không ra khỏi Trung Quốc, lần đầu tiên chủ tịch Tập Cận Bình trực tiếp đón khoảng 20 nhà lãnh đạo và định chế thế giới, trong đó có chủ tịch Ủy ban Thế Vận Quốc tế (CIO) Thomas Bach, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres, tổng giám đốc Tổ Chức Y Tế Thế Giới Tedros Adhanom Ghebreyesus.

Đa số khách mời tham dự lễ khai mạc bị coi là những nhà lãnh đạo chuyên chế, độc tài. Ngoài tổng thống Nga, còn có tổng thống Ai Cập Al Sissi, hoàng thái tử Ả Rập Xê Út Mohamed Ben Salmane, quốc vương Qatar Tamim ben Hamad al-Thani và hoàng thái tử Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất Mohammed ben Zayed.

Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda là nguyên thủ Liên Hiệp Châu Âu duy nhất tham dự lễ khai mạc. Pháp không tẩy chay ngoại giao Thế Vận Bắc Kinh và cử bộ trưởng Thể Thao Roxana Marcineanu đến Trung Quốc vào tuần tới để cổ vũ cho đoàn vận động viên Pháp.

Lễ khai mạc diễn ra vào lúc 20 giờ (giờ địa phương). 91 đoàn vận đông viên tiến vào sân vận động quốc gia theo thứ tự bảng chữ cái của Trung Quốc. Theo truyền thống, đoàn Hy Lạp sẽ mở đầu lễ diễu hành vì nơi khai sinh Thế Vận Hội. Đoàn vận động viên nước chủ nhà sẽ khép lại lễ diễu hành và trước đó là đoàn Ý, do Ý sẽ đăng cai Olympic mùa đông lần tới. Đoàn Pháp diễu hành ở vị trí thứ 46, sau Rumani và trước Ba Lan. Riêng đoàn vận động viên Nga, do bị cấm thi đấu thể thao quốc tế 4 năm vì tai tiếng doping, sẽ diễu hành ở vị trí thứ 56 dưới mầu cờ của Thế Vận Hội (Russian Olympic Committee, ROC).

Theo AFP, một ngày trước lễ khai mạc, ngọn đuốc Olympic đã được những người rước đuốc, trong đó có diễn viên nổi tiếng Jackie Chan, truyền tay nhau trên Vạn Lý Trường Thành ở vùng núi Badaling, cách tây bắc Bắc Kinh khoảng 75 km. Dù được khai mạc chính thức ngày 04/02 nhưng những trận thi đấu đầu tiên của bộ môn Bi đá trên băng (curling) đã diễn ra từ tối thứ Tư 02/02.

Toàn bộ tuyết trong Thế Vận Hội Bắc Kinh 2022 là tuyết nhân tạo và bị nhiều tổ chức bảo vệ môi trường chỉ trích nặng nề.

Thu Hằng

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Anh Vũ, Thu Hằng, RFI tiếng Việt
Read 363 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)